Phân tích khổ 4 “Bếp lửa” – Bằng Việt hay và chọn lọc

Phân tích khổ 4 “Bếp lửa” qua dàn ý, tổng hợp bài mẫu phân tích đầy đủ dành cho học sinh giỏi trong bài viết dưới đây!

Phân tích khổ 4 “Bếp lửa” của Bằng Việt để các bạn thấy được sự hy sinh cao cả, thiêng liêng của người bà trong giai đoạn đất nước chiến tranh lầm than. Các bạn cùng tham khảo nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa”

Dưới đây là dàn ý phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa” của Bằng Việt đã được chọn lọc hay nhất. Mong rằng các bạn sẽ tham khảo và thực hành tốt các bài tập trên lớp nhé!

Mở bài bài thơ “Bếp lửa” khổ thơ bốn

– Khái quát sơ lược về tác giả Bằng Việt và hoàn cảnh ra đời tác phẩm “Bếp lửa”.

– Nêu vấn đề và trích dẫn khổ 4 bài “Bếp lửa”.

Thân bài khổ thơ thứ tư bài “Bếp lửa”

– Chiến tranh tàn khốc gây ra bao mất mát, đau thương cho người dân. Hình ảnh giặc đốt làng “cháy tàn cháy rụi” cho thấy thảm cảnh đau thương của dân làng phải chịu đựng khi giặc ngoại xâm tràn vào.

– Mặc dù người dân sống trong cảnh lầm than, đói khổ nhưng tình nghĩa xóm làng vẫn giúp nhau, đỡ đần trong cơn hoạn nạn, vẫn đoàn kết, chung lòng giúp đỡ nhau cho thấy nét đẹp phẩm chất của người dân Việt Nam.

– Người bà trong hoàn cảnh gian khổ vẫn kiên cường chống chọi, vượt qua những khó khăn do chiến tranh mang lại.

– Qua lời dặn của bà với cháu rằng không kể cho bố nghe hiện thực bà cháu phải gánh chịu mà nói rằng ở nhà vẫn bình yên để bố yên tâm nơi chiến khu công tác phục vụ Tổ quốc cho thấy sự hy sinh cao cả của bà, bà là hậu phương vững chãi cho nơi tiền tuyến.

– Sự hy sinh của bà không chỉ là hy sinh cho con cho cháu mà còn là hy sinh cho Tổ quốc thân yêu để mang lại hoà bình cho dân tộc.

Kết bài khổ thơ 4 bài “Bếp lửa”

– Khái quát tóm tắt nội dung khổ 4 bài “Bếp lửa”.

– Liên hệ bản thân và rút ra bài học cuộc sống.

Phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa” đầy đủ

Đây là bài viết phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa” đầy đủ đã được phân tích chi tiết và hay nhất. Các bạn hãy cùng tham khảo và thực hành trong các bài tập trên trường nhé!

Bài làm

Nếu ở những khổ thơ đầu của bài thơ “Bếp lửa” là những hồi ức tươi đẹp của nhà thơ về những ngày tháng ở cùng bà với sự yêu thương, chăm sóc dạy dỗ của bà. Thì ở khổ 4 của bài thơ là hồi tưởng về những ngày khó khăn, gian khổ khi đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh. Bà cháu và làng xóm phải hứng chịu những khổ đau mà chiến tranh mang lại. Phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa” để thấy rõ điều đó hơn.

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

…Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”

Chiến tranh gây ra bao cảnh lầm than, đau khổ cho người dân. Gia đình bị chia cắt, mẹ lâm vào cảnh mất con, con lâm vào cảnh mất cha và người dân sống trong cảnh đói cơm, khát nước. Nỗi mất mát chiến tranh mang lại là quá lớn, quá sức chịu đựng. Nhưng ở trong thơ Bằng Việt hình ảnh người bà hiện lên thật mạnh mẽ. Bà luôn cố gắng chống chọi lại hoàn cảnh khắc nghiệt để bảo bọc cháu mình. Làng xóm bị bọn giặc đốt cho “cháy tàn cháy lụi” người dân rơi vào cảnh không nơi dung thân, nhà cửa không còn.

Chúng tàn phá cuộc sống của người dân, gây ra biết bao tang thương cho con người. Nhưng với phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam, tình làng xóm nghĩa tình có nhau, họ chung tay đồng lòng đoàn kết giúp đỡ nhau. Họ đã giúp bà dựng lại túp lều tranh, cho bà che nắng che mưa. Những người con bà đang phục vụ ở nơi tiền tuyến. Nhà không còn một ai ngoài đứa cháu thơ ngây, bé bỏng. Hẳn là bà phải vất vả, khó nhọc lắm, có khi sẽ không chịu đựng nổi.

Nhưng trái ngược lại hoàn toàn, lòng bà vẫn vững vàng, cố gắng vượt qua những gian lao, vất vả để bảo bọc đứa cháu của mình. Không những thế người bà còn dặn dò cháu thật kỹ: Không được viết thư kể cho bố nghe hoàn cảnh bà đang phải gánh chịu. Đồng thời bà không quên nhắn rằng: Ở nhà vẫn bình yên, để cho con trai, con dâu ở nơi tiền tuyến yên tâm, vững lòng công tác.

Hình ảnh người bà hiện lên không khác gì bà mẹ anh hùng. Bà luôn hy sinh tất cả tâm sức mình cho cháu, cho đứa con trai ở nơi chiến khu và rộng hơn nữa là hy sinh cho đất nước, cho Tổ quốc. Bà luôn là hậu phương vững chãi để những người con yên lòng mà dốc hết tâm sức cho cuộc kháng chiến thắng lợi, mang lại bình yên cho đất nước.

Qua khổ thơ 4 bài thơ “Bếp lửa”, những hồi tưởng về ngày tháng gian khổ của chiến tranh càng làm cho cháu thương bà hơn. Đồng thời càng làm cho độc giả thấy sự hy sinh cao cả của một người mẹ, một người bà và hơn nữa là một công dân của đất nước Việt Nam.

Phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa” học sinh giỏi

Thêm một bài viết phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa” học sinh giỏi. Đây là bài phân tích nâng cao, chi tiết hơn để các bạn đạt được điểm số cao hơn khi thi, làm bài kiểm tra!

Bài làm

Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt không chỉ đơn thuần viết về hình ảnh bếp lửa. Mà “bếp lửa” ở đây gắn liền với hình ảnh người bà của tác giả. Bài thơ là lời nhớ thương dành cho người bà của mình. Một người bà giàu lòng hy sinh, thương con thương cháu mà không ngại khó nhọc, gian lao. Đặc biệt ở khổ 4 bài “Bếp lửa” người đọc càng thấy rõ sự hy sinh lớn lao của người bà trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

…Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”

Nếu ở khổ 3 của bài thơ là những kỷ niệm đẹp đẽ sống trong tình yêu thương của bà, những câu chuyện bà kể thì ở khổ thơ thứ 4 là những hồi ức đau thương mà chiến tranh mang lại cho cuộc sống của bà cháu. Sự khốc liệt của chiến tranh tàn bạo gây ra bao cảnh lầm than cho người dân. Chúng ức hiếp dân lành, bóc lột của cải của dân, thiêu rụi nhà cửa xóm làng. Những hành động độc ác và những hoàn cảnh đau thương mà người dân phải gánh chịu là một hoài niệm đau lòng, khó phai trong lòng tác giả.

Hoàn cảnh của bà cũng như bao gia đình khác. Căn nhà nhỏ bị bọn giặc tàn phá nhà cửa, ngay cả người già yếu bọn chúng cũng chẳng tha nữa. Người bà lúc này vẫn mạnh mẽ chịu đựng để vượt qua hoàn cảnh nhọc nhằn này. Nhờ sự giúp đỡ của bà con làng xóm, mọi người dựng cho bà một túp lều để tạm trú qua ngày. Qua đó cho thấy tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, là một nét đẹp phẩm chất của con người Việt. Sau khi đã có được chỗ ở tạm là túp lều, bà dặn dò cháu viết thư cho bố mẹ ở nơi chiến khu rằng ở nhà vẫn bình yên. Dặn cháu đừng kể lể hiện thực mà bà cháu đang gặp phải, để bố mẹ an lòng mà phục vụ cho đất nước.

Đến đây thật xúc động làm sao về hình ảnh một người bà đối với cháu, một người mẹ đối với con mình. Một người bà vì cháu mà cố gắng chống chọi, vượt qua những gian khổ do chiến tranh mang lại, để bảo bọc cháu mình. Một người mẹ vì con mà đã nói dối về hoàn cảnh thực tại, để con được yên tâm ở nơi chiến khu, phục vụ Tổ quốc, mang lại hoà bình cho nhân dân, đất nước. Sự hy sinh của bà thật lớn lao, cao cả làm sao!

Bà là hiện diện cho những người mẹ anh hùng dân tộc, luôn luôn hy sinh thân mình để làm hậu phương vững chắc cho những người con ở nơi tiền tuyến. Những người chiến sĩ yên tâm dốc sức, cống hiến hết sức mình cho dân tộc, đem lại hoà bình cho Tổ quốc. Người bà trong thơ Bằng Việt không những hy sinh vì con, vì cháu mà còn là hy sinh vì quê hương, đất nước.

Qua khổ 4 bài thơ “Bếp lửa” cho thấy được sự hy sinh cao cả, thầm lặng của người bà. Những câu thơ làm hiện lên những hồi ức về năm tháng chiến tranh đau thương, khốc liệt, khi cháu ở bên cạnh bà. Chứng kiến được những khó khăn, vất vả mà bà phải chịu đựng, lòng tác giả lại xúc động.

Thật thương cho sự hy sinh cao cả của bà dành cho con, cho cháu và cho đất nước. Đất nước có được hoà bình hôm nay một phần cũng là công lao hy sinh cao cả của những bà mẹ anh hùng dân tộc. Vì vậy ngày nay chúng ta không quên nhớ ơn, tưởng nhớ đến các bà, các mẹ hi sinh thầm lặng để chúng ta được sống trong cảnh đất nước hoà bình.

Trên đây là bài viết phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa”, dàn ý phân tích khổ 4 bài “Bếp lửa”… đã được biên soạn đầy đủ nhất. Hy vọng sẽ giúp ích các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt!

Xem thêm: Phân tích bài “Nhàn” tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc sắc nhất

Phân Tích, Văn Học -