Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” hay và đầy đủ nhất

Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” hiện lên hình ảnh đoàn thuyền đánh cá tràn đầy sức sống. Đọc ngay dàn ý, một số dạng đề đầy đủ nhất!

Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận để thấy được nét đẹp lao động của người dân trong công cuộc xây dựng đất nước mới. Các bạn cùng tham khảo nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Dưới đây là dàn ý phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” đã được soạn chi tiết và đầy đủ nhất. Hy vọng giúp đỡ được các bạn trong học tập và thi cử nhé!

Mở bài phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

– Khái quát sơ lược về tác giả Huy Cận và tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”.

– Nêu vấn đề và trích dẫn bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá.

Thân bài phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

– Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong buổi hoàng hôn với khúc hát ra khơi hào hứng.

+ Tác giả vận dụng biện pháp nghệ thuật so sánh “mặt trời xuống biển”, “hòn lửa” cho thấy thời gian đoàn thuyền đánh cá ra khơi là lúc hoàng hôn. Khi mọi người đã đóng cửa nghỉ ngơi thì là lúc ngư dân đánh cá lao động.

+ Đoàn thuyền ra khơi hát vang câu hát căng buồm với niềm hứng khởi, hân hoan và niềm hy vọng chuyến ra khơi sẽ thuận lợi đánh bắt được nhiều cá.

– Hoạt động đánh cá của các ngư dân trên đoàn thuyền với niềm hăng say lao động.

+ Hình ảnh ngư dân trên đoàn thuyền ra khơi với tư thế hiên ngang qua nghệ thuật ẩn dụ “thuyền ta lái gió” “lướt giữa mây cao”. Tác giả đã nâng cao tầm vóc của ngư dân đánh cá sánh ngang cùng với vũ trụ và thể hiện khí thế bừng bừng, phấn khởi của đoàn thuyền khi ra khơi.

+ Bằng biện pháp nghệ thuật liệt kê tác giả đã liệt kê ra những loài cá quý của biển cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song thể hiện thiên tài nguyên vùng biển nơi đây dồi dào phong phú.

+ Tác giả vận dụng biện pháp nhân hoá “cá vẫy đuôi” làm cho bức tranh thiên nhiên trong đêm giữa biển cả mang đầy đủ sắc màu sinh động. Ở đó các ngư dân, các loài cá biển như đang hòa nhập cùng với thiên nhiên tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hoà.

+ Khúc hát ca “gọi cá vào” thể hiện tinh thần hăng say lao động của ngư dân với niềm vui hứng khởi làm cho độc giả không cảm thấy sự mệt nhọc của các ngư dân.

+ Nghệ thuật so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ” thể hiện tấm lòng đẹp của ngư dân luôn biết ơn biển cả, xem biển như người mẹ đã cung cấp nguồn tài nguyên để nuôi sống họ.

+ Hình ảnh ngư dân đánh cá khẩn trương kéo lưới cá nặng cho kịp trời sáng cho thấy sự lao động tất bật không ngừng của đoàn thuyền.

– Đoàn thuyền đánh cá trở về với thành quả lao động dồi dào trong niềm hân hoan.

+ Hình ảnh đoàn thuyền trở về với khoang thuyền đầy ắp cá trong buổi mình minh lên, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

+ Câu hát căng buồm lại tiếp tục được ngư dân ca vang trong niềm vui mừng, phấn khởi với chiến tích lao động dồi dào sau một đêm lao động miệt mài.

Kết bài phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

– Khái quát tóm tắt nội dung bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.

– Liên hệ bản thân và rút ra bài học cuộc sống.

Một số dạng đề văn phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Dưới đây là bài viết một số dạng đề văn phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Hy vọng các bạn sẽ tham khảo và thực hành vào bài tập trên lớp của mình nhé!

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là tác phẩm nổi bật của thơ Huy Cận. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp lao động của ngư dân qua sự tái hiện của tác giả về một đêm lao động của đoàn thuyền đánh cá. Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá từ lúc ra khơi cho đến khi trở về đều mang một vẻ hân hoan, hứng khởi với niềm vui lao động. Và càng vui mừng, phấn khởi hơn khi đoàn thuyền trở về đầy ắp cá. Thiên nhiên và con người như đang hòa quyện cùng nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp huy hoàng, tráng lệ.

Khi mọi người đóng cửa, cài then để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả thì là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Đoàn thuyền ra khơi khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời lúc này như “hòn lửa” làm cho bức tranh thiên đỏ rực và dần chìm vào đêm tối. Để khởi động cho chuyến ra khơi đầy hào hứng ngư dân đã hát vang câu hát căng buồm cùng với gió biển. Hòa vào lời câu hát là lời kêu gọi của ngư dân nhắn nhủ với muôn loài cá “đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi tràn đầy niềm vui hứng khởi với niềm hy vọng về một thành quả lao động xứng đáng là đoàn thuyền đầy ắp cá.

Bằng cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ ở khổ thơ thứ ba tác giả cho thấy tư thế hiên ngang của ngư dân hiện ra mang tầm vóc vũ trụ. Ngư dân đánh cá làm chủ cả thiên nhiên. Họ có thể “lái gió”, “lướt giữa mây”, “dò bụng biển”, thể hiện khí thế bừng bừng, sẵn sàng ra khơi và dường như chuyến ra khơi giống như ra trận chiến vậy. Ở đấy ngư dân đã thăm dò xác định vùng biển cần đánh bắt và chuẩn bị giăng lưới “dàn đan thế trận”.

Tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê về những loài cá quý của vùng biển Hạ Long như cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song… Câu thơ cho thấy thiên nhiên ban tặng vùng biển nơi đây nguồn tài nguyên dồi dào, giàu sản lượng cá. Qua miêu tả của nhà thơ đàn cá hiện ra với đầy đủ sắc màu lấp lánh và càng rực rỡ hơn khi hoà quyện cùng với thiên nhiên của màn đêm “đen hồng”, “vàng choé”. Ở giữa màn đêm yên tĩnh bức tranh thiên nhiên, biển cả hiện ra không hề tối mịt mà trở nên đầy màu sắc lấp lánh, đẹp lung linh với những gam màu rực rỡ dưới ánh trăng.

Khúc hát ca “gọi cá vào” thể hiện tinh thần hăng say lao động của ngư dân với niềm vui hứng khởi, làm cho độc giả không cảm thấy sự mệt nhọc của các ngư dân. Đặc biệt là hình ảnh so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ”, thể hiện lòng biết ơn thiên nhiên, biết ơn biển cả của ngư dân. Ngư dân ngày ngày gắn bó với biển, biển cho họ nguồn sống cho nên họ ví biển như lòng mẹ để thể hiện sự biết ơn. Qua đây thấy được phẩm chất cao đẹp, “uống nước nhớ nguồn” của ngư dân vùng biển.

Sau một đêm lao động hăng say thì cuối cùng đoàn thuyền cũng gặt hái được thành quả xứng đáng. Hình ảnh ngư dân đoàn thuyền đang căng sức kéo những mẻ lưới đầy cá trĩu nặng với khí thế khẩn trương, nhanh cho kịp trời sáng. Những mẻ lưới đầy cá, chúng cùng nhau vẫy đuôi vàng làm cho bầu trời lúc rạng đông càng thêm bừng sáng. Thiên nhiên lúc này đã dần lóe sáng với niềm vui hào hứng của ngư dân khi kéo được những mẻ lưới đầy ắp cá.

Sau khi đã kéo hết những mẻ lưới nặng trĩu cá thì cũng là lúc bình minh lên đoàn thuyền đánh cá trở về bến cảng:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

…Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”

Đoàn thuyền căng buồm trở về trong câu hát ngân vang cùng gió khơi cho thấy được niềm vui sướng hân hoan của các ngư dân khi thu hoạch được sản lượng cá lớn. Dường như sau một đêm dài lao động hăng say thành quả lao động thu được khiến họ không những quên đi cái mệt mỏi mà còn hào hứng, hân hoan căng buồm. Họ cùng với những câu hát ăn mừng thắng lợi lớn và chạy đua với mặt trời để nhanh nhanh trở về bến cảng. Nếu như lúc ra khơi là mặt trời của hoàng hôn sắp kết thúc một ngày dài thì khi đoàn thuyền trở về lại là mặt trời của bình minh, với cá đầy ắp biểu hiện cho một ngày mới, một khởi đầu mới, một cuộc sống mới đầy phấn khởi ấm no, sung túc.

Mặt trời nhô lên làm cho ánh nắng phản chiếu vào mắt cá đầy ắp trên đoàn thuyền tạo nên một bức tranh long lanh của đoàn thuyền giữa biển khơi dưới ánh bình minh thật đẹp. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” cho độc giả thấy được nét đẹp lao động của ngư dân trên đoàn thuyền đánh cá. Đồng thời thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên của vùng biển nơi đây với nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú.

Đề bài: Viết đoạn văn giới thiệu bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Sau sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám thơ Huy Cận trở nên vui tươi, dạt dào niềm cảm xúc yêu đời và tiêu biểu là bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ được sáng tác khi tác giả có chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh và tại đây tác giả đã chứng kiến cảnh ngư dân vùng biển ra khơi với đoàn thuyền. Bài thơ là khúc ca hăng say với lao động mà ở đó thiên nhiên và con người hoà quyện vào nhau và niềm vui khi đạt được thành quả lao động xứng đáng.

Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá thể hiện một cuộc sống mới, một tương lai mới trong một giai đoạn xây dựng đổi mới đất nước. Qua ngòi bút của Huy Cận bài thơ đã tái hiện trọn vẹn một chuyến ra khơi của ngư dân vùng biển với niềm vui, hứng khởi hăng say lao động. Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá hiện ra tràn đầy sức sống tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp giữa thiên nhiên biển trời mênh mông.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận của em về khổ 3, 5 bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Ở khổ thơ 3 của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” hình ảnh người ngư dân đánh cá qua ngòi bút của Huy Cận trở nên to lớn, hùng tráng trong tư thế hiên ngang làm chủ thiên nhiên biển cả. Bằng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ hình ảnh đoàn thuyền “lái gió”, “lướt giữa mây”, “dò bụng biển”. Họ không còn là những người lao động nhỏ bé nữa mà trở nên phi thường kỳ lạ giữa thiên nhiên biển cả bao la.

Theo cách miêu tả của nhà thơ dường như đây là một trận đánh với nhiều chiến lược “dàn đan thế trận” mà người chiến đấu là những ngư dân lao động. Có lẽ ngư dân đã quá quen thuộc với vùng biển nơi đây nên sẽ dễ dàng biết được những nơi đàn cá tập trung để giăng lưới. Đây là những kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được theo năm tháng vào nghề. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi mang theo trên mình những câu hát phấn khởi và niềm hy vọng lớn lao về một cuộc sống đầy đủ, ấm no.

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

…Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Xuyên suốt hành trình của đoàn thuyền đánh cá là những câu hát ca. Ở khổ thơ thứ 5 là những câu hát mời gọi đàn cá cho thấy tinh thần lao động hăng say không mệt mỏi của các ngư dân. Tiếng hát không những giúp họ xua tan đi những mệt nhọc mà con làm cho tinh thần họ trở nên tích cực, tiếp thêm năng lượng để làm việc. Hầu như ở thời gian nào hoạt động nào của đoàn thuyền cũng có thiên nhiên làm người bạn đồng hành.

Ánh trăng trên cao cũng hòa vào niềm vui câu hát của đoàn thuyền qua hình ảnh trăng phản chiếu xuống mặt nước theo làn nước gõ vào mạn thuyền tạo nên nhịp điệu hòa cùng câu hát của các ngư dân. Qua hình ảnh so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ” cho thấy sự biết ơn của ngư dân đối với biển cả. Biển nuôi lớn họ từ buổi thơ ấu cho đến khi trưởng thành, biển như là người mẹ cho họ nguồn sống, mang lại nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình họ. Điều này càng làm cho ta thấy phẩm chất cao quý của người lao động vùng biển biết ơn thiên nhiên, trân trọng nghề nghiệp của mình.

Ta hát bài ca gọi cá vào, 

…Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Qua hai khổ thơ 3 và 5 của bài “Đoàn thuyền đánh cá” toát lên vẻ đẹp phi thường, tráng lệ của ngư dân đánh cá khi sánh ngang cùng thiên nhiên vũ trụ. Đồng thời thấy được vẻ đẹp phẩm chất của ngư dân với lòng biết ơn thiên nhiên biển cả nuôi dưỡng cuộc sống cũng như tâm hồn người lao động làng chài.

Trên đây là bài phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, dàn ý phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”… đã được biên soạn đầy đủ và chi tiết để giúp các bạn học tập tốt hơn với những bài tập trên lớp. Chúc các bạn học tập tốt!

Xem thêm: Phân tích bài thơ “Nói với con” khổ 1 tác giả Y Phương chọn lọc nhất

Phân Tích, Văn Học -