Phân tích bài “Bánh trôi nước” Hồ Xuân Hương hay và ý nghĩa

Phân tích bài “Bánh trôi nước” ta thấy số phận lận đận của người phụ nữ phong kiến khi xưa. Đọc ngay dàn ý, phân tích ngắn gọn cho học sinh giỏi!

Phân tích bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương để thấy được số phận long đong, lận đận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Các bạn cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích bài “Bánh trôi nước”

Các bạn cần chuẩn bị dàn ý phân tích bài “Bánh trôi nước” trước khi đi vào phân tích bài thơ nhé. Hy vọng bài dàn ý dưới đây sẽ giúp các bạn làm bài phân tích thật tốt nhé!

Mở bài phân tích “Bánh trôi nước”

– Khái quát sơ lược về tác giả Hồ Xuân Hương và tác phẩm “Bánh trôi nước”.

– Nếu vấn đề và trích dẫn bài thơ “Bánh trôi nước”.

Thân bài phân tích bài “Bánh trôi nước”

– Hình ảnh bánh trôi nước với hình dạng tròn, màu trắng của bột nếp, khi cho bánh vào luộc sẽ chìm xuống và khi bánh chín sẽ nổi lên mặt nước. Thành phẩm bánh có được ngon hay không còn phụ thuộc vào nghệ nhân làm bánh. Nếu bánh được nặn tỉ mỉ, tròn đầy thì bánh sẽ đẹp và ngon. Còn khi nặn không cẩn thận bánh khi luộc bánh sẽ bị nát và vỡ nhân bên trong.

– Tác giả mượn hình ảnh ẩn dụ bánh trôi nước để nói lên thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

+ Người phụ nữ toát lên với vẻ đẹp bên ngoài “trắng, tròn” là vẻ đẹp chuẩn mực của người con gái với nước da trắng và dáng vẻ đầy đặn.

+ Hình ảnh “bảy nổi ba chìm” cho thấy số phận long đong, trôi nổi bấp bênh của người phụ nữ khi cuộc đời họ không có quyền quyết định cho hạnh phúc đời mình.

+ Số phận của họ phải phụ thuộc vào “tay kẻ nặn”, xã hội đem đến cho họ cuộc sống nào đi nữa họ cũng phải chấp nhận, sống cam chịu trong đau khổ.

+ Mặc dù cuộc sống trớ trêu, bất hạnh nhưng vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ vẫn trọn vẹn một “tấm lòng son”. Đó là nét đẹp phẩm hạnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Kết bài ý nghĩa bài thơ “Bánh trôi nước”

– Khái quát tóm tắt nội dung bài thơ “Bánh trôi nước”.

– Liên hệ bản thân và bài học cuộc sống thông qua bài thơ.

Phân tích bài “Bánh trôi nước” ngắn gọn

Dưới đây là bài viết phân tích bài “Bánh trôi nước” ngắn gọn gồm những nội dung cần phân tích cơ bản. Các bạn tham khảo, chọn lọc để có thêm tư liệu học tập và thực hành trên lớp nhé!

Bài làm

Bài thơ “Bánh trôi nước” là một trong những tác phẩm nổi bật của Hồ Xuân Hương viết về thân phận người phụ nữ. Bài thơ là tiếng lòng xót xa của những người phụ nữ trong chế độ cũ. Họ phải sống một cuộc đời bất công, tủi nhục bởi những định kiến hà khắc của xã hội phong kiến.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”

Bánh trôi nước là một món ăn dân giã của quê hương. Đó cũng là món ăn truyền thống được làm từ bột gạo, bột nếp, bánh có dạng hình tròn với màu trắng của gạo nếp. Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh ẩn dụ của bánh trôi nước để nói lên thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Ở câu thơ đầu tiên hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp vừa ‘trắng” vừa “tròn” thể hiện vẻ đẹp ngoại hình tròn đầy, trắng trẻo. Đây là nét đẹp chuẩn mực thời phong kiến về người phụ nữ.

Tưởng rằng với vẻ đẹp ấy người phụ nữ sẽ được trân trọng, nâng niu. Nhưng “hồng nhan bạc mệnh”, số phận người phụ nữ lại trôi nổi lênh đênh, vô định, không phương hướng. Họ không có quyền quyết định cho con đường đi của cuộc đời mình, kể từ khi được sinh ra là thân phận phụ nữ. Họ không có tiếng nói trong gia đình và xã hội. Cuộc đời của họ được sắp đặt bởi cha mẹ và những luật lệ xã hội, hôn nhân. Hạnh phúc đời mình luôn bị gia đình và xã hội chi phối. Qua đó cho thấy số phận đáng thương của người phụ nữ long đong, lận đận trong sự vùi dập của xã hội phong kiến.

Đến câu thơ thứ ba số phận người phụ nữ hiện ra rõ nét hơn, phụ thuộc vào “tay kẻ nặn”. Người nghệ nhân khi làm bánh trôi nước thì ở khâu nặn bánh phải cẩn trọng, tỉ mỉ. Nếu bánh được nặn cẩn thận, tròn trịa thì sẽ cho ra một cái bánh đẹp đẽ và ngon. Còn không thì bánh sẽ bị vỡ nát, không thành hình dạng. Thân phận của người phụ nữ trong chế độ cũ cũng vậy, phụ thuộc vào sự may rủi của “kẻ nặn”.

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Nếu họ may mắn được gặp một người chồng yêu thương, trân trọng thì cuộc sống sẽ hạnh phúc, viên mãn. Nhưng nếu gặp một người không có tình cảm từ hai phía, người chồng gia trưởng, khinh thường người phụ nữ thì cuộc sống của họ sẽ trở nên bế tắc. Nhưng ở trong xã hội đó, mấy ai được may mắn chứ, khi người phụ nữ không được tôn trọng, bị đối xử bất công và họ không có tiếng nói nhân quyền.

Nếu như ở câu thơ đầu là vẻ đẹp ngoại hình bên ngoài của người phụ nữ, thì ở câu thơ cuối lại là vẻ đẹp tâm hồn bên trong của họ. Mặc dù cuộc đời của họ trải qua những sóng gió, khổ đau, những sự chà đạp vùi dập của xã hội cũ nhưng họ vẫn giữ nguyên vẹn một “tấm lòng son”. Đây là nét đẹp tâm hồn, phẩm hạnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Đó là đức tính thuỷ chung, sắt son, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Họ đẹp cả ngoại hình và tính cách bên trong nhưng lại mang một số phận bi thương, tủi nhục. Qua đây phải lên án mạnh mẽ chế độ phong kiến mục nát, thối rữa, đã đẩy biết bao thân phận người phụ nữ phải sống trong cam chịu, tủi hờn và sống một cuộc đời không hạnh phúc.

Thông qua hình ảnh ẩn dụ của bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam. Đó là người phụ nữ không chỉ mang vẻ đẹp bên ngoài mà còn mang vẻ đẹp phẩm hạnh thuỷ chung, son sắt một lòng nhưng lại có số phận bi ai, bất hạnh. Ngày nay người phụ nữ đã không còn bị đối xử như xưa mà đã được đối xử bình đẳng. Họ có quyền quyết định hạnh phúc cuộc đời, được làm những gì mong muốn. Có lẽ đó là niềm ước mơ, khao khát của Hồ Xuân Hương nói riêng và người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

Phân tích bài “Bánh trôi nước” học sinh giỏi

Thêm một bài phân tích bài “Bánh trôi nước” học sinh giỏi để các bạn có thêm nhiều tư liệu đa dạng về phân tích bài thơ này. Bạn đọc hãy tham khảo khi làm bài thi và học tập trên lớp!

Bài làm

Phụ nữ ngày nay đã và đang được sống trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Xã hội đã dần đối xử bình đẳng, trao quyền quyết định nhiều hơn cho người phụ nữ, để họ tìm kiếm hạnh phúc cho cuộc đời mình. Cuộc sống của ngày nay là niềm mơ ước lớn lao của phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công. Phân tích bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương sẽ thấy rõ điều này.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”

Tựa đề bài thơ “Bánh trôi nước” là một món ăn dân dã, quen thuộc của nhân dân ta. Tác giả đã mượn hình ảnh bánh trôi nước để nói về người phụ nữ. Quá trình làm bánh trôi cũng chính là số phận cuộc đời người phụ nữ phải trải qua. Bài thơ bắt đầu từ chữ “thân em” cho thấy người phụ nữ hiện lên với ngoại hình vừa đẹp vừa trắng tròn, đầy đặn. Thông qua hình ảnh bánh trôi nước làm cho hình ảnh người phụ nữ trở nên đẹp thuần khiết, trắng trong lẽ ra họ phải được nâng niu, yêu thương và che chở.

Thế nhưng số phận của họ phải hứng chịu những đắng cay, tủi nhục. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” được tác giả sử dụng một cách tinh tế trong bài thơ để bộc lộ rõ nét số phận long đong, lận đận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Những luật lệ, quy cách và định kiến hà khắc của xã hội phong kiến khiến cho cuộc sống họ bị chà đạp, vùi lấp. Cuộc đời long đong, trôi nổi không biết sẽ trôi dạt về đâu.

Câu thơ thứ ba càng cho thấy số phận bi thương của người phụ nữ. Số phận, cuộc đời họ phụ thuộc vào “tay kẻ nặn”. Phận làm phụ nữ liễu yếu đào tơ nhưng phải hứng chịu những sóng gió của cuộc đời của chế độ cũ thối nát, mục rữa. Họ không được quyền quyết định cho hạnh phúc đời mình mà phải cam chịu sống một cuộc đời bị chà đạp, ràng buộc bởi những định kiến xã hội. Họ cố gắng phản kháng vượt qua khỏi số phận để sống một cuộc đời của chính mình nhưng nào có được đâu.

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Bởi thân phận yếu ớt, tay yếu chân mềm làm sao có thể chống lại một chế độ phong kiến bạo tàn đối xử bất công, trọng nam khinh nữ chứ. Thế nên cuộc đời họ cứ mãi rơi vào bế tắc và sống trong nỗi tủi nhục, cam chịu. Mặc dù sống trong sự tủi nhục, bị vùi dập không thương tiếc nhưng ở câu thơ cuối tấm lòng của người phụ nữ vẫn “tấm lòng son”. Đây là một nét đẹp phẩm chất đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, là tấm lòng thuỷ chung, son sắt trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ.

Cuộc đời họ dẫu phải hứng chịu những phong ba, bão táp những đau khổ tủi hờn như thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn là một người con hiếu thảo với cha mẹ, một người vợ thuỷ chung với chồng và một người mẹ thương con vô bờ bến. Đó là nét đẹp truyền thống bao đời nay của người phụ nữ Việt. Câu thơ cuối mang lại cho độc giả niềm tự hào sâu sắc về nét đẹp phẩm hạnh của người phụ nữ dù số phận cuộc đời họ mang đầy bất hạnh, khổ đau.

Bài thơ “Bánh trôi nước” chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ nhưng tác giả đã vẽ nên được số phận hẩm hiu, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, thông qua hình ảnh ẩn dụ bánh trôi nước. Qua đó lên án xã hội phong kiến đương thời thối nát, tàn ác đã đẩy cuộc đời người phụ nữ rơi vào bế tắc, sống một cuộc sống khổ đau, tủi hờn.

Trên đây là bài viết phân tích bài “Bánh trôi nước”, dàn ý phân tích bài “Bánh trôi nước”… đã được biên soạn đầy đủ và khá chi tiết. Hy vọng sẽ mang lại hữu ích cho việc học trên lớp của các bạn. Chúc các bạn học tốt!

Xem thêm: Phân tích khổ 3 bài “Bếp lửa” chọn lọc và hay nhất

Phân Tích, Văn Học -