Phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con” của Y Phương hay nhất

Khổ 2 trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương là tiếng lòng êm ái, là lời khuyên chân thành của một người cha dành cho đứa con bé bỏng của mình. Dưới đây là tổng hợp 1 số bài viết phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”.

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”

Để quá trình viết bài trở nên nhanh chóng và bài phân tích được rõ ràng, mạch lạc, việc lập dàn ý là vô cùng cần thiết. Sau đây chính là bài mẫu dàn ý phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con” chi tiết.

Mở bài phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày, nổi tiếng với các tác phẩm mộc mạc, lộng gió núi, ngát hương hoa rừng, chan chứa tình cảm chân thành.

+”Nói với con” là một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ, thông qua chủ đề tình cảm gia đình quen thuộc, nhà thơ đã khéo léo tôn vinh giá trị truyền thống cần cù, siêng năng, tinh thần bất khuất, kiên cường của con người và mảnh đất quê hương.

– Dẫn dắt vào khổ thơ thứ 2:

+ Đặc sắc nhất trong toàn bài thơ có thể kể đến khổ thơ thứ 2, khổ thơ nổi bật với lòng tự hào sâu sắc về sức sống mãnh liệt, bền bỉ, về phẩm chất cao quý của quê hương cùng những ước mơ bình dị mà cao thượng được người cha gửi gắm.

Thân bài phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”

– Luận điểm 1: Khắc họa “người đồng mình” qua những phẩm chất quý báu.

 + “Người đồng mình”: Cách gọi địa phương, dân dã, đặc trưng của dân tộc Tày, ý chỉ những người vùng mình, người miền quê mình, thân thiết và có mối quan hệ gắn bó, suy rộng hơn là các dân tộc anh em, là nhân dân một nước.

+ “thương lắm” thể hiện rõ nét tình cảm của nhà thơ dành cho những người đồng hương, đó là sự yêu mến, đồng cảm và nể phục.

+ “Cao”, “xa”: Cao là khoảng cách tính đến trời, xa là khoảng cách đo trên đất, nhà thơ sử dụng những từ ngữ đặc tả khoảng cách này để chỉ những thử thách, khó khăn, gian nan mà “người đồng mình” phải gánh chịu trên mảnh đất quê hương nghèo khó cũng như con người phải trải qua trong cuộc đời.

+ Hai câu thơ “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn” rất ngắn gọn, súc tích nhưng thông qua phép đối, Y Phương đã truyền tải thành công một thông điệp ý nghĩa: cuộc sống không phải là con đường trải đầy hoa hồng mềm mại, trái lại là đầy rẫy những chông gai, cạm bẫy và người thành công phải là người nuôi dưỡng, bồi đắp được ý chí chiến đấu kiên cường, là người biết vượt qua nỗi buồn, gian nan, thử thách ấy.

+ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”: Đá, thung là những đặc điểm địa hình đặc trưng của miền núi, và được Y Phương sử dụng để ẩn dụ, khơi gợi những đoạn đời gập ghềnh, khó khăn “người đồng mình” đã, đang và sẽ gặp phải.

+ “Sống”, “không chê”: Thể hiện tình yêu quê hương và quyết tâm gắn bó, bám trụ nơi “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”, ý chí quật cường, sẵn sàng chiến đầu với bão giông.

+ Cho dù đất mẹ còn lam lũ, nghèo nàn, cuộc sống nhiều bấp bênh, khó nhọc, người đồng mình vẫn suốt đời gắn bó thủy chung, suốt đời gắng gượng để thay áo mới cho quê hương, xứ sở.

+ Đó là phẩm chất cao quý, là nghị lực phi thường của bà con dân tộc miền núi nói riêng và của dân tộc Việt Nam ta nói chung.

+ “Sống như sông như suối”: Phép tu từ so sánh được sử dụng để ngợi ca sức sống mãnh liệt, trường tồn như thiên nhiên của người đồng mình.

 + “Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc”: Hy vọng vào một tương lai tươi sáng, phát triển, tiến bộ của mảnh đất quê hương, tin vào ngày mai cuộc sống bớt nhọc nhằn, khó khăn.

+ “thô sơ da thịt”: Ngợi ca cốt cách chân chất, thật thà, giản dị của người đồng mình lam lũ, vất vả.

+ “Chẳng mấy ai nhỏ bé”: Ngợi ca ý chí, tầm vóc lớn lao, trái tim rộng mở của những con người bám trụ nơi đất nghèo.

+ “đục đá kê cao quê hương”: Phong tục làm nhà bằng cách kê cao, xếp chồng những tảng đá của người dân tộc miền núi, tượng trưng cho tình yêu lớn lao dành cho quê hương, quyết tâm xây dựng quê hương bằng đôi tay nhỏ bé của chính người đồng mình.

+ “quê hương thì làm phong tục”: Văn hóa, tập quán giúp bồi đắp, nuôi dưỡng những giá trị tinh thần, là nền tảng truyền cảm hứng, nghị lực cho con người.

– Luận điểm 2: Lời dặn dò, nhắn nhủ trìu mến, mộc mạc với biết bao niềm tin hy vọng của người cha.

+ “Tuy thô sơ da thịt”, “không bao giờ nhỏ bé” tiếp tục nhấn mạnh, làm nổi bật hơn nữa những cốt cách cao quý, đáng trân trọng của “người đồng mình”.

+ “Lên đường”: Người con đã trưởng thành, đủ sức, đủ trí để có thể nói lời đến chia xa với gia đình để tự bước đi trên một chặng đường hoàn toàn mới lạ và thú vị.

+ “Nghe con”: Hai từ ngắn gọn nhưng chứa đựng bao cảm xúc, đó là tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con, là nỗi niềm hy vọng gửi gắm trong từng hành trình của con.

+ Bên cạnh việc tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình, người cha đã dạy con những triết lý làm người nhất định phải ghi nhớ: Yêu quê hương, đất nước, sống có tình có nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn”, biết nuôi ý chí để đương đầu với sóng gió, bão giông.

Kết bài phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”

– Khái quát những giá trị nội dung, nghệ thuật:

+ Giá trị nghệ thuật: Các biện pháp tu từ đối, ẩn dụ so sánh được sử dụng khéo léo giúp mạch thơ rất nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ truyền tải những nội dung vô cùng ý nghĩa.

+ Giá trị nội dung: Lời dặn của cha thật mộc mạc, thấm thía như một lời thủ thỉ, như một tiếng trải lòng, thủ thỉ bao triết lý, trải lòng bao niềm tin, hy vọng.

– Nêu cảm nhận chung về toàn bộ tác phẩm và khổ 2 bài thơ.

Một số dạng đề bài phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”

Trong quá trình học, các bạn có thể gặp phải nhiều dạng đề khác nhau liên quan đến phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”. Dưới đây là tổng hợp một số dạng đề bài phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con” cùng bài viết mẫu và các bạn hoàn toàn có thể tham khảo.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích bài “Nói với con” khổ 2 hay nhất

Bài thơ “Nói với con” của Y Phương đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng êm ái, rồi đọng lại bao điều đáng suy ngẫm, suy ngẫm về những phẩm chất cao quý của con người miền núi chân chất, thật thà, suy nghĩ về những triết lý làm người sâu xa. Đặc biệt, khổ thơ thứ 2 đã thể hiện rất rõ và nổi bật những nội dung này.

Ở vài câu thơ đầu tiên, Y Phương đã tập trung khắc họa chân dung những người đồng bào, dân tộc mình. Con người trên đất cỗi nơi đây hiện lên với bao phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Qua đây, người cha cũng muốn gửi gắm đến con những lời khuyên làm người chân thành và sâu sắc nhất:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh “

Hai tiếng “thương lắm” bật lên một cách tự nhiên, đầy chân thành và thấm đẫm tình cảm của tác giả dành cho “người đồng mình” – những người đồng hương cùng sống trong một làng, một bản, một miền đất nghèo, sỏi đá quanh năm. Nhưng dù khó khăn bao nhiêu cũng không đủ khuất phục những con người hiên ngang, bất khuất ấy, ngược lại càng làm chí họ thêm lớn, gan họ thêm bền.

“Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

Họ chẳng hề “chê đá gập ghềnh”, “chê thung nghèo đói” mà vẫn yêu thiết tha quê hương, xứ sở. Sống trên một miền đất toàn núi “cao”, sông “xa”, lòng người, phẩm chất con người mới được tôi luyện và thử thách, “lên thác xuống ghềnh” mà không hề thấy “khó nhọc”. Thật vậy, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sự khó khăn, nhọc nhằn nơi đất mẹ đã khiến trái tim những “người đồng mình” trở nên kiên cường, mạnh mẽ và đến cụ Phan Bội Châu cũng từng nhận định:

“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả

Anh hùng hào kiệt có hơn ai”

Đứng giữa núi rừng, “người đồng mình” hiện lên với hình dáng nhỏ bé nhưng bằng sức mạnh của ý chí và tinh thần, tầm vóc họ vẫn thật lớn lao:

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

Sống trên mảnh đất nghèo nàn, hiểm trở, “người đồng mình” phải chật vật mưu sinh. Cái lam lũ, vất vả khiến dáng dấp “người đồng mình” trở nên nhỏ bé, còi cọc. Nhưng điều đó không có nghĩa họ yếu ớt, mong manh. Trái ngược hoàn toàn, ý chí họ kiên định, tinh thần họ quật cường thế nên tầm vóc của họ cũng là tầm vóc khổng lồ và kỳ vĩ.

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

“Người đồng mình” dùng tầm vóc ấy góp sức, chung tay để “đục đá kê cao quê hương”. Họ tự tay làm nên vinh quang cho mảnh đất nghèo, dựng xây trang vàng lịch sử cho xứ sở, khắc chân dung mình vào dòng chảy thời gian. Bao thế hệ nối tiếp, tre già măng mọc, đời đời vẫn thế, vẫn giữ nguyên những cốt cách cao quý. Thế hệ cha, mẹ và anh đã nghìn năm kiên cường dời núi, lấp bể, gắng sức dựng xây quê hương. Cha mong ước con sẽ sống một cuộc đời anh hùng và vẻ vang như vậy, để đền ân đáp nghĩa mảnh đất chôn rau cắt rốn đã nuôi mình lớn khôn. Họ luôn nỗ lực, cố gắng và mang trong mình một niềm tin sắt đá rằng:

“Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Mạch thơ tiếp tục với lời khuyên chân thành, sâu lắng mà người dành cho con:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con”

Y Phương đã sử dụng những câu thơ vô cùng ngắn gọn, xúc tích để thay người cha gửi đến con những triết lý của cuộc sống. Giọng thơ vừa nhẹ nhàng, thấm thía như một lời thủ thỉ, tâm tình, vừa cứng rắn, cương quyết như một lời răn dạy. Con đã khôn lớn, trưởng thành, con phải bay thật cao và đi thật xa. Đường đời còn nhiều bão giông, thử thách, nhưng tất cả sẽ hóa mưa phùn, gió xuân nếu con có ý chí, nghị lực và quyết tâm.

 Cha mẹ đã cho con một hành trang quý giá – phẩm chất của “người đồng mình”, mong rằng con sẽ nhớ, sẽ khắc ghi và bước đi thật hiên ngang trên con đường mình đã chọn. Có như vậy mới xứng đáng công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, với sự yêu thương, đùm bọc của “người đồng mình”, với cốt cách ngoan cường, bất khuất của bao thế hệ cha anh. Trên đường đời chông gai, một điều “con” phải rõ:

“Không có gì tự đến đâu con

Quả muốn ngọt phải ngày tháng tích nhựa

Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa

Mùa bội thu trải một nắng hai sương”

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích những đặc sắc nghệ thuật khổ 2 “Nói với con”

“Nói với con” của Y Phương không chỉ là bài thơ truyền tải nội dung ý nghĩa, mà còn là một tác phẩm mang những chi tiết nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Những đặc sắc nghệ thuật này được thể hiện rõ nhất qua khổ thơ thứ 2 của bài thơ:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn”

Có thể nói, nghệ thuật dễ nhận biết trong khổ thơ chính là phép lặp cấu trúc. Cấu trúc thơ được lặp lại nhiều lần như “Người đồng mình thương lắm con ơi” hay “Sống … không chê” đã giúp nhấn mạnh và tăng thêm vài phần ý nghĩa cho những câu thơ. Tình “thương” dành cho quê hương là vô hạn nên một câu thơ làm sao diễn tả hết, ý chí của “người đồng mình” là sắt, là đá, nên một câu thơ cũng chẳng thể nói lên hết cái bất khuất, ngoan cường.

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh 

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Trong khổ thơ 2, Y Phương còn sử dụng rất tài tình các cụm đối mang ý nghĩa đối lập như “cao” – “xa”, “trên đá” – “không chê đá gập ghềnh”, “trong thung” – “không chê thung nghèo đói” để đẩy mạch cảm xúc lên đến cao trào. “Cao” là chỉ khoảng cách núi, của trời, “xa” là chỉ khoảng cách của đất, của sông. Hai từ đặc chỉ khoảng cách này chẳng có chút ăn khớp, ấy vậy mà đặt cạnh nhau lại càng làm khắc họa rõ nét phẩm chất tốt đẹp, cốt cách cao thượng của “người đồng mình”.

Họ sống “trên đá”, “trong thung” nhưng đâu chê “gập ghềnh”, “nghèo đói”, vì đó là mảnh đất quê hương, là tình yêu lớn của họ. Quê hương còn lam lũ, nhọc nhằn nhưng trái tim họ lớn, chí họ đầy thì “sỏi đá cũng thành cơm”.

“Lên thác xuống ghềnh 

Không lo cực nhọc”

Bên cạnh đó, nhà thơ còn khéo léo lồng ghép phép ẩn dụ tượng trưng với phép liệt kê để khơi gợi trong hình dung người đọc cảnh đời thật khó khăn chồng chất khó khăn. Mảnh đất quê hương của “người đồng mình” là mảnh đất của “đá”, của “thung”, của “thác”, của “ghềnh”. “Đá”, “thung”, “thác”, “ghềnh” ấy là đặc điểm địa hình đặc trưng của miền núi và đi vào trong thơ của Y Phương, trở thành những vất vả, những lam lũ mà “người đồng mình” phải hàng ngày đối mặt. Nhưng thế mới thấy, những “người đồng mình” kiên cường, anh hùng và bất khuất. Ví như, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết trong bài thơ “Đất nước”:

“Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”

Cách sống của những “người đồng mình” được so sánh với “sông”, với “suối” thông qua từ “như”. Thông qua biện pháp tu từ này, tâm hồn, khí phách của “người đồng mình” hiện lên đẹp đẽ và rất đáng ngợi ca. Cuộc đời họ trong sạch như suối, trái tim họ rộng lớn, bao dung như sông, như biển. Cuộc sống chồng chất gian truân, ấy vậy mà dòng chảy trong tâm hồn họ vẫn hiền hòa, vẫn dạt dào, vẫn lãng mạn và đong đầy.

“Người đồng mình” luôn sống cuộc đời mình đẹp đẽ, vẻ vang và cao thượng như thế. Và cha cũng chẳng gửi gắm nơi con bao ước mơ kì vĩ, chỉ đơn giản là gìn giữ lấy những phẩm chất cao quý của cha, anh, tổ tiên mà xây dựng quê hương giàu đẹp:

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Phép đối nghịch, tương phản một lần nữa được lặp lại trong thơ của Y Phương. ‘Người đồng mình” chỉ “thô sơ da thịt”, mộc mạc và chân chất. Đứng giữa rừng núi, thiên nhiên dáng dấp họ chẳng đủ lớn để đương đầu, nhưng xét về ý chí và nghị lực, họ “chẳng nhỏ bé đâu con”. Họ vẫn sống hiên ngang và cao ngạn, vẫn từng ngày “đục đá kê cao quê hương”, dời núi lấp bể để làm đẹp cho vùng đất yêu dấu.

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con”

Cụm từ “thô sơ da thịt” được Y Phương tiếp tục sử dụng. Điệp ngữ này kết hợp cùng những câu thơ ngắn gọn, chân thành phía sau như muốn nhấn mạnh, nhắc nhở để khắc sâu vào tiềm thức của “con”, của người đọc một chân lý sống. Trên đường đời của chính mình, “con” sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức nhưng đừng dừng bước và quay đầu, chỉ cần “con” kiên cường, dũng cảm, phía trước chính là thành công.

Bằng lối viết gần gũi, từ ngữ tự nhiên, hình ảnh giàu sức gợi, giọng thơ chân thành, tha thiết, Y Phương đã thành công khắc họa lên chân dung những “người đồng mình” một cách rõ ràng, đẹp đẽ mà không gây cảm giác cường điệu hóa. Đồng thời, nhà thơ cũng đã gieo vào lòng người đọc một thông điệp sống đáng ngợi ca, rất nhẹ nhàng, tha thiết và chẳng hề gượng ép, để rồi người ta phải ghi nhớ, phải khắc sâu trong tâm tưởng, tiềm thức.

Đề bài: Viết đoạn văn nội dung đoạn 2 bài “Nói với con”

Cùng 1 cấu trúc câu thơ nhưng khác với khổ 1, ở khổ 2 của bài thơ, Y Phương đã sử dụng cụm từ người đồng mình “thương lắm” thay vì “yêu lắm”. Không còn là tình yêu tha thiết đong đầy, giờ đây nhà thơ đang trải những tiếng lòng chứa chan sự đồng cảm, sự thương xót vì cảnh khó khăn và cả nể phục vì ý chí kiên cường:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn”

Sống trên mảnh đất cằn cỗi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, toàn sông dài, thác dữ, “người đồng mình phải chật vật mưu sinh, phải gồng mình lên chiến đấu. Đôi vai họ nặng trĩu khó khăn nhưng những khó khăn ấy chỉ càng làm nuôi chí họ thêm lớn, trái tim họ thêm kiên cường mà thôi. Họ sống hiên ngang và mạnh mẽ, vẫn yêu đời nồng nàn và không một lời than trách, chê bai.

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh 

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối”

Nơi đây nhiều đá lắm sỏi, “người đồng mình” dùng sức mình biến sỏi đá thành cơm, nơi đây toàn thung nghèo đói, họ dùng cuộc đời mình thay áo mới cho non sông. “Người đồng mình” vẫn quyết bám trụ nơi đất mẹ cằn cỗi vì đó là, là quê hương, là nơi nuôi họ lớn, là tình yêu lớn lao của họ. Cũng có nhà thơ đã thổ lộ về tình yêu dành cho quê hương nghèo khó của mình:

“Anh yêu lắm yêu quê mình nhiều lắm

Những cánh đồng trải thảm rộng mênh mông

Tím lục bình bềnh bồng nổi trên sông

Khói bếp thơm vương nồng mùi rơm rạ

Từng chiếc chòi được lợp bằng mái lá

Đêm ra ngồi thả vó bắt cá tôm”

Phẩm chất cao quý của “người đồng mình” tiếp tục được Y Phương khắc họa qua những câu thơ tiếp theo:

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

“Người đồng mình” thật thà, hiền hòa và chất phác, họ chỉ là những người “thô sơ da thịt”, lớn lên cùng núi, cùng rừng, trưởng thành từ khó khăn, nghèo đói. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ yếu ớt và mong manh, trái ngược hoàn toàn, trong số những “người đồng mình” “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Ý chí họ vững như núi, nghị lực họ bền bỉ như đá, tâm hồn họ phóng khoáng như sông.

“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

Đất nghèo đã nuôi nấng và bồi đắp những trái tim kiên cường và bất khuất. “Người đồng mình” tự lấy sức mình “đục đá kê cao quê hương”, góp sức nhỏ bé làm lên sức mạnh lớn lao để trang hoàng cho mảnh đất nghèo được đổi mới. Tình yêu quê hương là bệ phóng, là điểm tựa để họ ngày ngày nỗ lực đương đầu khó khăn, vững bước trên con đường mơ ước xây đắp quê hương. Người cha dặn dò con một lời khuyên chân thành, gửi gắm con bao hy vọng về tương lai phía trước:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con”

Lời thơ nhẹ nhàng, chan chứa tình cảm, đong đầy cảm xúc. Ngày “con” trưởng thành là ngày “con” phải “lên đường”, rời khỏi vòng tay bao bọc của gia đình để tự chinh phục tương lai của chính mình. Trên hành trình chinh phục ấy, gian nan, thử thách là điều con chắc chắn gặp phải. Nhưng chỉ cần “con” không “nhỏ bé”, kiên cường và anh dũng như bao thế hệ cha anh của “người đồng mình” thì “con” chắc chắn đặt chân lên được đỉnh vinh quang.

Người cha tặng con một bài học cuộc sống, một triết lý của cuộc đời, đồng thời đặt ở con bao niềm tin và hy vọng. Niềm tin rằng “con” sẽ giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hy vọng “con” sẽ ghi nhớ lời dặn dò để mai này làm rạng rỡ quê hương.

Đề bài: Em hiểu như thế nào về hai câu thơ: “Con ơi đi với cha/ trường của con phía trước”

Tình cảm phụ tử đã trở thành suối nguồn cảm hứng cho thơ ca Việt Nam. Người ta đã từng bắt gặp lời cha tâm tình, thủ thỉ, đầy ý nghĩa trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương, nay lại thấy ý thơ ấy tràn ngập trong bài “Khúc ca mới” của Tế Hanh, đặc biệt là trong 2 câu thơ:

“Con ơi đi với cha

Trường của con phía trước”

Hai tiếng “con ơi” bật lên tự nhiên, tha thiết và tình cảm. “Con” của “cha” ngày một thêm cao lớn, trưởng thành, đã đến lúc con bước ra đời và khám phá thế giới. Thế giới trước đây của “con” chỉ là gia đình, nhưng cuộc đời rộng lớn và bao la, giờ đây con phải bước ra vòng tay nhỏ bé của cha mẹ mà đến “trường” học hỏi những điều mới mẻ hơn. “Trường” chính là nơi con đọc những tiếng ê a đầu tiên, là nơi dạy con những nét chữ vẫn còn nguệch ngoạc, là nơi cho con hành trang kiến thức bổ ích để vững bước trong tương lai.

Nhưng “trường” cũng là đường đời lắm gian nan, thử thách, dạy ý chí “con” biết kiên trì, nỗ lực, dạy trái tim “con” biết yêu, bao dung và mạnh mẽ. Con đường khám phá, học hỏi kéo dài mãi mãi thế nên “trường” của “con” cũng luôn luôn ở “phía trước”, cho con những bài học mới mẻ và cần thiết. “Cha” biết sự nghiệp “học hành” đầy rẫy khó khăn nhưng “con” đừng lo và hoảng sợ. “Con ơi đi cùng cha”, “cha” sẽ luôn bên cạnh “con” trên từng bước đi khám phá, chỉ cần “con” vấp ngã, gia đình sẽ đến bên và cổ vũ, trao cho con sức mạnh tinh thần. Mong con nhớ rằng:

“Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa

Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực”

Hai câu thơ ngắn gọn nhưng đong đầy ý nghĩa. Thông điệp của 2 câu thơ cứ tự nhiên, nhẹ nhàng đi vào tiềm thức người đọc rồi để lại bao hồi lắng đọng suy nghĩ.

Khổ 2 của bài thơ cũng như cả tác phẩm “Nói với con” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Y Phương, truyền tải những giá trị vô cùng ý nghĩa. Hy vọng qua bài viết phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con”, các bạn đã có thêm kiến thức để làm bài làm thêm phong phú. 

Xem thêm: Phân tích “Đây thôn vĩ dạ” khổ 1 2 đầy đủ nhất của Hàn Mặc Tử

Phân Tích, Văn Học -