Phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác” hay và đặc sắc nhất

Bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương là một tác phẩm mang những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, thể hiện nội dung vô cùng ý nghĩa. Để có thêm nhiều kiến thức, tư liệu khi phân tích hai khổ đầu “Viếng lăng Bác”, các bạn có tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung bài viết

Dàn ý 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”

Việc lập dàn bài chỉn chu, chi tiết sẽ giúp bài phân tích trở nên mạch lạc, đủ ý. Sau đây chính là dàn ý 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”.

Mở bài phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Viễn Phương (1928 – 2005) là một trong những cây bút tiêu biểu, có mặt đầu tiên của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam giai đoạn đánh Mỹ cứu nước.

+ Bài thơ “Viếng lăng Bác” ra đời năm 1976, khi tác giả có cơ hội được cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thăm lăng Bác mừng ngày đất nước thống nhất, Bắc – Nam chung một nhà và lăng Chủ Tịch đã hoàn thành.

– Dẫn dắt vào 2 khổ đầu:

+ Bằng tất cả tấm lòng kính yêu, biết ơn và tự hào, Viễn Phương đã chắp bút lên những dòng thơ chứa chan cảm xúc, đặc biệt là hai khổ thơ đầu của bài thơ.

+ Hai khổ thơ vừa lột tả rõ vẻ đẹp bình yên, tráng lệ của cảnh vật quanh lăng Bác, vừa làm nổi bật tâm trạng của nhà thơ nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam khi lần đầu đến thăm lăng Chủ Tịch.

Thân bài phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”

Phân tích khổ thơ đầu:

“Con ở miền Nam ra thăm Bác”

+ Cách xưng hô “con – Bác” thân thuộc, tình cảm, đầy yêu thương, thể hiện nỗi lòng bồi hồi, xao xuyến của nhà thơ khi được ra thăm Bác, đó là tấm lòng của một người con dành cho người cha già kính yêu sau bao năm cách biệt, của một người dân dành cho người lãnh đạo tối cao, vĩ đại của dân tộc.

+ “Con” không phải là riêng một nhà thơ, mà là cả miền Nam thân thương, ruột thịt, thế nên tiếng lòng của nhà thơ cũng chính là tiếng lòng chung của người dân Nam Bộ, tất thảy đều nhớ Bác, hướng về Bác bằng một trái tim chân thành và một tình yêu lớn lao.

+ “Thăm Bác”: Bác đã ra đi nhưng tác giả vẫn sử dụng từ “thăm” chứ không phải “viếng” – một cách nói tế nhị, một biện pháp nghệ thuật nói giảm, nói tránh giúp vơi bớt phần nào đớn đau trước mất mát lớn lao của cả dân tộc.

+ Bác trở về với đất mẹ thân thương nhưng công lao của Bác ở lại mãi với nước non, hình ảnh của Bác sống mãi trong trái tim mỗi người dân miền Nam nói riêng và mỗi người con đang chảy trong mình dòng máu Việt anh hùng nói chung.

– 3 câu thơ tiếp:

“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”

+ Hình ảnh hàng tre ẩn hiện trong màn sương, mộc mạc, đơn sơ đã khiến tác giả chú ý ngay khi bước vào lăng Bác.

+ Hàng tre bát ngát những hàng tre nối tiếp nhau, theo hàng, theo lối, mang đến cho lăng chủ tịch một nét đẹp của màu xanh mát, một nét đẹp đậm chất Việt Nam.

+ Biện pháp tu từ điệp ngữ hàng tre càng làm cho cái bát ngát ấy được nhân đôi, từ đó gợi lên vẻ đẹp của những dãy tre trải dài trải rộng, vừa làm nổi bật và cả vẻ đẹp của sự mênh mông, bề thế, rộng lớn của lăng Chủ Tịch.

+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” thể hiện những gian truân, khó nhọc mà người dân Việt Nam đã phải trải qua.

+ Dáng “đứng thẳng hàng” tinh thần dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất và kiên trung, sẵn sàng đối đầu, vượt qua để đưa đất nước đi lên.

+ Hình ảnh cây tre vừa để tả cảnh vừa để gợi nhắc về con người Việt Nam, cây tre trong mưa gió vẫn vững vàng, dẻo dai như con người Việt Nam anh dũng, kiên cường.

Phân tích khổ 2

– Hình ảnh “mặt trời”

+ “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh mặt trời thực, mặt trời của tạo hóa, đem ánh sáng đến nhân gian, giúp sinh vật nảy nở, sinh sôi và phát triển, tượng trưng cho sự vĩnh cửu, trường tồn.

+ “mặt trời trong lăng” là hình ảnh mặt trời của nghệ thuật, được tạo ra từ phép ẩn dụ độc đáo, “mặt trời trong lăng” chính là Bác và Bác chính là mặt trời của dân tộc Việt Nam.

+ “Dòng người đi trong thương nhớ”: người dân miền Nam, người dân từ khắp mọi miền trở về để gặp Bác trong niềm nhớ thương vô hạn.

+ Những dòng người thẳng tắp, nối tiếp nhau, kính cẩn nghiêng mình tiến vào lăng tạo lên khung cảnh nghiêm trang khó tả.

+ Biện pháp điệp ngữ “ngày ngày” được sử dụng để thể hiện vòng tuần hoàn vô tận của thời gian.

+ Tác giả đã liên tưởng dòng người ấy đã kết thành những “tràng hoa” thơm ngát, đến bên Bác như đang dâng lên người cha già bông hoa đủ sắc đủ hương.

+ Hình ảnh bảy mươi chín mùa xuân hình ảnh ẩn dụ, thể hiện 79 năm cuộc đời Bác đã sống đẹp như những mùa xuân.

Kết bài phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”

– Đánh giá khái quát giá trị nghệ thuật, nội dung:

+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng khéo léo các phép tu từ nhân hóa, nói giảm, nói tránh, điệp ngữ, ẩn dụ giúp những dòng thơ mượt mà, ấn tượng.

+ Giá trị nội dung: Gợi lên bức tranh tả cảnh lăng Bác nhưng cũng là khúc ca nhớ thương, xúc động, yêu mến của tác giả, người dân Nam Bộ, người dân cả nước dành cho Bác.

– Nêu cảm nhận chung:

+ 2 khổ đầu của bài thơ nói riêng cũng như toàn bài thơ “Viếng lăng Bác” nói chung là một lời tâm sự thiết tha, là nỗi lòng thành kính và tha thiết mà tất thảy mọi người con Việt Nam đối với vị cha già kính yêu.

Một số dạng đề văn phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”

Với những nét nghệ thuật đặc sắc cùng nội dung ý nghĩa, 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác” có thể được xem làm trọng tâm của chương trình Ngữ văn 9. Dưới đây là một số dạng đề bài phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác” thường gặp cùng với bài mẫu phân tích các bạn có thể tham khảo.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích 2 khổ thơ đầu của bài “Viếng lăng Bác” hay nhất

Bài thơ “Viếng lăng Bác” được Viễn Phương sáng tác khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, lăng Chủ Tịch vừa hoàn thành, Viễn Phương lần đầu được ra thủ đô, vào thăm lăng Bác. Hai khổ thơ đầu của tác phẩm đã nói lên hết tất cả tâm trạng bồi hồi, xúc động, tấm lòng nhớ thương, kính yêu của nhà thơ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Và khổ thơ thứ nhất chính là lời giới thiệu, mở đầu cho sự thăng hoa của những cảm xúc ấy:

“Con ở miền Nam ra thăm Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Gọi “Bác” xưng “con”, một cách xưng hô đầy thân thuộc, gần gũi. Đây là cách xưng hô của người dân Nam Bộ, chân chất, mộc mạc nhưng vẫn thể hiện được sự tôn trọng, kính yêu. Nhà thơ ở “miền Nam ra thăm Bác”, vài câu từ thôi cũng đủ nói lên nỗi lòng của tác giả. Từ miền Nam xa xôi, Viễn Phương cùng nhiều người khác vượt hàng nghìn cây số để đến với thủ đô, để thỏa ước nguyện được gặp Bác. Bao nỗi niềm bồi hồi, xao xuyến, mong chờ, thương nhớ chất chứa để rồi bật ra thành những tiếng thơ.

Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy lăng Bác, Viễn Phương đã bị quang cảnh quanh lăng làm cho choáng ngợp. Hàng tre xanh mướt ẩn hiện trong sương mờ làm lăng Bác mang vẻ đẹp rất Việt Nam, rất thôn quê. Hàng tre nối tiếp nhau theo hàng theo lối, đem đến một màu “xanh xanh” vô tận, bạt ngàn đầy tươi mát, hài hòa. Cây tre là một loài cây thân nhiều đốt, luôn mọc thẳng và vô cùng quen thuộc với dân tộc ta. Tre đi vào cuộc sống mỗi người từ tấm mái nhà tranh, cái cuốc làm ruộng đến câu hát à ơi của bà của mẹ. Chính vì thế, hình ảnh những hàng tre “bát ngát” xuất hiện ở lăng Bác khiến nơi trang nghiêm này trở nên quen thuộc, gần gũi, đến nỗi nhà thơ phải bật lên tiếng “Ôi” đầy ngỡ ngàng.

Không chỉ vậy, cây tre còn chính là đại diện cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất. Những cây tre đứng san sát nhau, kết thành khóm, thành rặng, cùng nhau vượt qua mưa gió bão bùng. Dân tộc Việt Nam cũng thế, anh dũng, kiên trung, bất diệt và đoàn kết. Cả dân tộc cùng vượt qua bao khó khăn thử thách, trước bao thù trong giặc ngoài vẫn quyết gìn giữ non sông. Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng mượn vẻ đẹp này của hàng tre để ẩn dụ cho con người Việt Nam anh hùng:

“Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo 

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”

Sang đến khổ thơ thứ hai, ý thơ lắng đọng, chứa chan cùng những tâm tình cũng ngưỡng vọng kỳ vĩ, biết ơn sâu sắc mà những người con miền Nam dành cho người cha già kính yêu:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân”

Hình ảnh mặt trời xuất hiện hai lần. Mặt trời thứ nhất là tả mặt trời thực, mặt trời của thiên nhiên, tạo hóa. Đó là mặt trời bất tử, đem ánh sáng đến cho thế gian, tiếp sự sống cho sinh linh, vạn vật. Còn mặt trời thứ hai là mặt trời nghệ thuật, mặt trời ẩn dụ cho Bác. Bác chính là mặt trời của nhân dân Việt Nam. Bác hy sinh một đời để dân tộc được “sống” đúng nghĩa, sống tự do, sống no đủ và sống hạnh phúc. Mặt trời thiên nhiên là vĩnh hằng, trường tồn và Bác cũng vậy, Bác sống mãi trong trái tim, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt.

Chính vì thế, dòng người từ khắp nơi đổ về lăng Chủ Tịch để được thăm Bác, thăm người cha kính yêu. Dòng người kéo dài vô tận, nối tiếp nhau, cứ “ngày ngày” đi trong sự tiếc thương, nhung nhớ vô ngần. “Ngày ngày” thể hiện vòng tuần hoàn vô tận, không có điểm dừng. Nhà thơ còn khéo léo sử dụng biện pháp điệp ngữ khiến sự vô tận, vô cùng ấy càng nổi bật. Người dân từ khắp mọi miền đổ về lăng Bác như một quy luật tạo hóa, dòng người không bao giờ hết, mãi mãi kéo dài đã là một định luật của tự nhiên.

Những dòng người ấy đã kết thành những “tràng hoa” để dâng lên Bác. Tràng hoa đủ sắc, đủ hương, mãi tươi, mãi đẹp như 79 năm cuộc đời của Bác – 79 năm hy sinh tất thảy vì đất nước, dân tộc. Bác đã về với đất mẹ ngàn thu, nhưng công lao của Bác sẽ trường tồn cùng thời gian và Bác sáng mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam.

Đề bài: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác”

Bác – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người cha già kính yêu của toàn thể nhân dân. Bác ra đi khi nước nhà còn chưa thống nhất, để lại cho đời bao tiếc thương, đau đớn vô ngần, khi nhiều người vẫn còn đang mong ngóng được gặp Bác lần đầu, để lại trong họ bao hụt hẫng, xót xa. Và trong đó có Viễn Phương, để rồi khi nhà thơ có cơ hội ra thăm lăng Bác, bao cảm xúc dâng trào, chắp bút cho bài thơ “Viếng lăng Bác”. Đặc biệt, hai khổ thơ đầu của bài thơ đã thể hiện rất chân thực, rõ ràng những tiếng lòng sâu xa của tác giả.

Khổ thơ đầu đã vẽ ra một bức tranh tả cảnh hết sức sống động, nên thơ nơi lăng Bác trang nghiêm:

“Con ở miền Nam ra thăm Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Viễn Phương đã sử dụng rất khéo léo cặp từ xưng hô “con – Bác”. Cách xưng hô Nam Bộ này đã diễn tả thành công sự thân quen và gần gũi, thân quen và gần gũi như một người con nói với một người cha, chứ không phải là lần đầu gặp mặt. Nhà thơ từ “miền Nam ra thăm Bác”, vượt ngàn cây số để đến với thủ đô nhưng khoảng cách ấy dường như bị xóa nhòa, chẳng thấm mệt khi tác giả được đứng trước chân dung Bác.

Cách nói chuyện chân thành kết hợp xưng ngôi thứ nhất đã xóa mờ tất thảy khoảng cách địa lý cũng như cái lạ lẫm vốn có ở lần gặp đầu tiên. Cũng phải thôi, Bác thương dân như con, coi việc nước là việc nhà, với mỗi người con đất Việt, bác đã là cha, là thầy nên cảm giác lạ lẫm kia quả là thừa thãi. Tố Hữu cũng đã từng khẳng định:

“Bác là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”

Nhà thơ ra “thăm” Bác, chứ không phải là “viếng”. Biện pháp nói giảm, nói tránh được dùng đúng nơi, đúng lúc, giúp nỗi đau mất Bác, mất cha vơi đi phần nào. Đây cũng là biểu hiện của sự giằng co giữa sự thật và tâm thức. Bác đã ra đi nhưng chẳng ai muốn tin vào điều đó, mất mát quá lớn nên người ta cứ buộc lòng mình nghĩ khác đi, Bác vẫn sống mãi, Bác chỉ đang ngủ và dòng người đang đến thăm.

Lăng Bác đã chào đón nhà thơ bằng bức tranh làng quê thân thuộc. Làng quê được gợi lên từ hàng tre “bát ngát”, hàng tre “xanh xanh”. Những hàng tre xuất hiện trong làn sương sớm, ẩn hiện và lấp ló, mờ ảo và nên thơ. Những hàng tre nối tiếp nhau, theo hàng theo lối, rất nghiêm trang nhưng cũng rất đỗi quen thuộc. Màu xanh bao phủ khắp không gian, ấy là màu xanh của sự tươi mới, màu xanh của sự yên bình và màu xanh của quê hương xứ sở.

Phải nói rằng, ngẫm nghĩ về mấy ngàn năm đất nước trường tồn, cây tre vẫn ở đấy, minh chứng cho một chặng đường lịch sử Việt Nam nhiều biến cố song vẻ vang vô cùng. Tre trên chiến trường làm gậy gộc đánh giặc, tre đi vào nếp sống bằng vách nhà tranh và sống cùng văn hóa qua câu hát ru của bà của mẹ. Vì thế, tre là đại diện, là biểu trưng cho con người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tre trong “bão táp mưa sa” vẫn hiên ngang, vững vàng, sống trên sỏi đá mà chọc thủng mây xanh, như dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất, sống trong nghèo đói mà vẫn hiên ngang, chiến thắng quân thù. Cũng với ý thơ này, Nguyễn Duy cũng đã viết về cây tre Việt Nam như thế:

“Thây gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”

Vẫn bức tranh tả cảnh lăng Bác, nhưng bức tranh được gợi ra từ khổ thơ thứ hai còn chứa cả hồn thương, hồn nhớ, tấm lòng biết ơn cùng nỗi niềm thán phục:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân”

Khổ thơ được bắt đầu bằng cụm từ chỉ thời gian “ngày ngày”, ý chỉ thời gian là một vòng tuần hoàn, ngày nào cũng vậy và không có hồi kết. Viễn Phương còn sử dụng cụm từ này 2 lần trong khổ thơ, càng làm nổi bật lên tính tuần tự, tính tiếp diễn, lặp đi lặp lại của sự vật, hành động theo thời gian. “Ngày ngày” mặt trời đi trên lăng, “ngày ngày” dòng người đổ về thăm lăng Bác đã trở thành một lẽ tự nhiên, một điều tất yếu.

Hình ảnh mặt trời trong thơ Viễn Phương vừa là tả thực, vừa là ẩn dụ. Mặt trời thực là “mặt trời đi qua trên lăng”, mặt trời của vũ trụ, khởi nguồn của ánh sáng và sự sống. Mặt trời ẩn dụ là “mặt trời trong lăng”, mặt trời đó chính là Bác. Với nhân dân Việt Nam, Bác sống mãi trong trái tim mỗi người, luôn là ngọn đèn “rất đỏ” soi sáng, dẫn lối đưa nước nhà, dân tộc thoát khỏi màn đêm nô lệ, đi đến vinh quang. Câu thơ vừa thể hiện sự thán phục, vừa thể hiện sự biết ơn của tác giả, của nhân dân miền Nam, của nhân dân cả nước đối với vị lãnh tụ vĩ đại. Ta cũng đã bắt gặp hình ảnh mặt trời thực và mặt trời nghệ thuật tương tự trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”

Ở hai câu thơ tiếp, Viễn Phương đã hướng ngòi bút về dòng người nô nức đến thăm lăng Bác. Từ Nam ra Bắc, từ mọi miền trở về với thủ đô, dòng người nối tiếp thành hàng, thành lối, ngày nào cũng vậy, tấp nập, đông đúc nhưng vẫn rất nghiêm trang. Tất cả cùng chung một nỗi niềm mong nhớ, tiếc thương, một tấm lòng thành kính, biết ơn. Nỗi niềm và tấm lòng ấy đã kết thành những “tràng hoa” vẹn sắc, vẹn hương dâng lên “bảy chín mùa xuân” của Bác. Viễn Phương gọi cuộc đời của Bác là “bảy chín mùa xuân” bởi lẽ Bác đã sống chỉ để làm đẹp cho đời, mang tương lai về cho đất nước, hạnh phúc cho mọi nhà, như mùa xuân về, hoa nở trăm nơi. Đúng như nhà thơ Tố Hữu nói:

“Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”

Dòng người về thăm lăng để kết thành những tràng hoa tri ân đến Người, để dâng lên Người nén hương tưởng nhớ thành kính nhất. Bác sống mãi với non sông Việt Nam, sáng mãi trong trái tim mỗi người, là tấm gương, là lý tưởng soi đường dẫn lối cho đất nước đi lên.

“Cho em tất cả

Người mang cho em cuộc đời mới…

Tươi sáng đầy ước mơ.

Người cho em tất cả :

Là Bác Hồ Chí Minh.”

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận của em về bài thơ “Viếng lăng Bác” khổ 1

Sau khi đất nước thống nhất, lăng chủ tịch được hoàn thành, Viễn Phương cùng những người con khác ở miền Nam có cơ hội được ra thủ đô thăm lăng Bác. Chuyến đi này chính là nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác bài thơ “Viếng lăng Bác”. Cảm xúc chan chứa, trải dài khắp mạch thơ, nhưng có lẽ đã được tác giả thể hiện nổi bật hơn cả ở khổ thơ đầu:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.

Viễn Phương đã gợi lên khung cảnh chuyến thăm cho người đọc bằng một câu thơ bộc bạch, giới thiệu rất ân cần “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Biện pháp nói giảm, nói tránh được sử dụng vô cùng khéo léo trong câu thơ. Viễn Phương ra “thăm” chứ không phải ra “viếng” Bác.

Bác ra đi khi đất nước chưa hoàn toàn độc lập, cắt cứa vào trái tim mỗi người dân đất Việt những đớn đau không thể đong đếm, những nuối tiếc không thể nói thành lời. Và từ “thăm” của tác đã thành công khi đã làm vơi bớt đi phần nào của nỗi buồn, thay vào đó là sự hân hoan, phấn khởi mừng Bắc, Nam chung một nhà, lăng Chủ Tịch được hoàn thành. Tố Hữu từng trải lòng về ngày Bác ra đi:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!”

Nhà thơ xưng với Bác là “con” – một cách xưng hô rất Nam Bộ, rất gần gũi, rất thân thuộc. Nhà thơ đang thay mặt cho toàn thể nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước xưng tiếng “con” với người cha của dân tộc. Bác là vị lãnh tụ đáng kính, là người thầy đáng nể và là người cha già kính yêu:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.

Trong cái thời tiết sương mù đặc trưng của Hà Nội, những hàng tre thoắt ẩn, thoắt hiện đã khơi gợi trong nhà thơ bao nỗi niềm. Nỗi niềm của sự quen thuộc, nỗi niềm của sự thân thương. Cây tre là một loài cây phổ biến, được trồng nhiều ở các làng quê Việt Nam. Nay loài cây ấy xuất hiện, điểm tô cho khung cảnh lăng Bác, làm lăng Bác trang nghiêm mang thêm cả chút hồn quê đất Việt, mộc mạc và nên thơ.

Đứng trước những hàng tre ấy, Viễn Phương bất giác bật lên tiếng lòng thổn thức “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Câu thơ là một tiếng reo, là niềm tự hào về biểu tượng của dân tộc và con người Việt Nam. Tre làm nên lũy nên thành, nên trang sử vàng, bảo về đất nước rồi lại trở về hiền hòa, đứng gác, trang hoàng cho lăng Bác thêm uy nghiêm.

Bên cạnh đó, tre Việt Nam còn chính là hình ảnh tượng trưng cho bao thế hệ con người Việt Nam anh hùng “Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Tre trong mưa gió bão bùng vẫn hiên ngang, đứng vững, năm tháng trôi qua tre vẫn hiên ngang vươn mình chọc thẳng trời xanh. Như con người Việt Nam bất khuất, kiên cường, khó khăn thử thách vẫn nỗ lực tiến lên. “Bão táp mưa sa” chính là ẩn dụ của những ngày tháng vất vả, lam lũ của người dân Việt Nam, ngoại xâm và nghèo đói, thù trong và giặc ngoài. Nhưng lịch sử đã chứng minh, con cháu Lạc Hồng tuy nhỏ bé nhưng quật cường, nghèo vật chất nhưng không nghèo ý chí, quyết tâm.

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, con người Việt Nam vẫn chính là những cây tre quật cường, anh dũng, nhân hậu với những phẩm chất tốt đẹp và tre xanh Việt Nam cũng giống như vậy. Tóm lại, khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác là những dòng thơ hết sức xúc động về hoàn cảnh đi viếng lăng của nhà thơ.

Trên đây là toàn bộ các bài mẫu cho đề bài phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương. Qua bài phân tích, lập dàn ý và một số bài mẫu phía trên, hi vọng bạn đọc có thể tham khảo và học tập tốt hơn trên trường.

Xem thêm: Phân tích “Chữ người tử tù” học sinh giỏi – tác giả Nguyễn Tuân

Phân Tích, Văn Học -