Phân tích khổ 1 bài “Sóng” tác giả Xuân Quỳnh hay và hấp dẫn nhất

Phân tích khổ 1 bài “Sóng” là những cảm xúc đa dạng trong tình yêu. Đọc ngay dàn ý, bài phân tích khổ 1 mẫu 1, mẫu 2 bài “Sóng” đầy đủ nhất!

Phân tích khổ 1 bài “Sóng” các bạn sẽ thấy được những cảm xúc khi yêu của người con gái qua hình tượng sóng biển. Các bạn cùng tham khảo bài viết nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích khổ 1 bài “Sóng”

Dưới đây là dàn ý phân tích khổ 1 bài “Sóng” đã được chọn lọc hay nhất. Mong rằng các bạn sẽ tham khảo và thực hành tốt các bài tập trên lớp nhé!

Mở bài phân tích khổ đầu bài “Sóng”

– Khái quát sơ lược về tác giả và tác phẩm “Sóng”.

– Nêu vấn đề và trích dẫn khổ 1 bài “Sóng”.

Thân bài phân tích bài “Sóng” khổ thơ 1

– Tác giả vận dụng kết hợp biện pháp nghệ thuật lặp lại cấu trúc câu với sử dụng hàng loạt tính từ mang nghĩa đối lập nhau “dữ dội” và “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ” để thể hiện những trạng thái đặc trưng của sóng biển. Qua đó cũng cho thấy những trạng thái cảm xúc của người con gái khi yêu cũng như những trạng thái biểu trưng của sóng biển vậy.

– Từ “và” được nhà thơ sử dụng trong 2 câu thơ đầu như để nhấn mạnh những cảm xúc trái ngược trong tình yêu. Khi thì ngập tràn hạnh phúc, dịu êm lúc xảy ra mâu thuẫn thì trở nên ồn ào, giận hờn, ghen tuông.

– Nhà thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hoá trong hai câu thơ tiếp theo “không hiểu nổi mình”. Có lẽ những tâm tư, nỗi lòng của “sóng” khiến sông không thể hiểu hết được. “Sóng” quyết định đi tìm ra tận biển lớn mênh mông để tìm tình yêu đích thực của đời mình.

– Từ “tận” được nhà thơ sử dụng thể hiện những gian truân, vượt qua những khó nhọc để đạt được khát vọng hạnh phúc cho mình. Cho thấy khát khao về tình yêu chân thành và sự chủ động trong tình yêu để đạt được ước muốn của người con gái.

Kết bài phân tích khổ thơ đầu bài “Sóng”

– Khái quát tóm tắt nội dung khổ 1 bài “Sóng”:

+ Chỉ qua bốn câu thơ miêu tả hình tượng “sóng” của Xuân Quỳnh cho thấy những cung bậc trạng thái khi yêu của người con gái. Qua đó thể hiện niềm khát khao về một tình yêu hạnh phúc và tự đi tìm tình yêu hạnh phúc cho mình của người con gái.

– Liên hệ bản thân và mở rộng các tác phẩm cùng chủ đề.

Phân tích khổ 1 bài “Sóng” – Mẫu 1

Đây là bài viết phân tích khổ 1 bài “Sóng” – Mẫu 1 đã được phân tích chi tiết và hay nhất. Các bạn hãy cùng tham khảo và thực hành trong các bài tập trên trường nhé!

Bài làm

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ trữ tình nổi bật của nền thơ ca Việt Nam. Tác phẩm “Sóng” là một trong những sáng tác nổi tiếng của Xuân Quỳnh, bài thơ mang âm hưởng cảm xúc tình yêu sâu sắc của một người phụ nữ khi yêu và luôn khát khao về một tình yêu hạnh phúc trọn vẹn. Đặc biệt ở khổ 1 bài “Sóng” tác giả đã mượn hình tượng “sóng” để miêu tả những trạng thái cảm xúc của người phụ nữ khi yêu.

“Dữ dội và dịu êm

…Sóng tìm ra tận bể”

Tác giả vận dụng kết hợp biện pháp nghệ thuật lặp lại cấu trúc câu, cộng với biện pháp liệt kê những tính từ mang nghĩa đối lập nhau “dữ dội” và “dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ”. Hiểu theo nghĩa đen thì đây là những trạng thái vốn có của con “sóng” giữa biển cả bao la. Sóng trở nên dữ dội, gào thét khi bão táp, phong ba kéo đến, lúc này sóng sẽ tạo thành những con sóng to lớn dữ dội vỗ mạnh vào bờ tạo nên những âm thanh ồn ào, gào thét.

Nhưng sóng cũng sẽ trở lại trạng thái êm đềm, dịu êm, lặng im sau khi những cơn bão qua đi. Qua ngòi bút của tác giả tất cả những trạng thái của sóng cũng là những cung bậc cảm xúc khi yêu của người phụ nữ. Khi hạnh phúc thì dịu dàng, êm ái khi xung đột thì giận hờn, ghen tuông. Liên từ “và” được nhà thơ đặt giữa hai tính từ đối lập nhau nhằm thể hiện sự cộng hưởng, bồi đắp đi đôi với nhau để làm đậm nét những tính cách trái ngược của người phụ nữ khi tình yêu đến.

Ở hai câu thơ tiếp theo của khổ 1, tác giả đã vận dụng biện pháp nghệ thuật nhân hoá “không hiểu nổi mình”. Dường như những tâm tư, nỗi lòng của “sóng” khiến cho “sông” không thể hiểu hết được. Vì thế, “sóng” phải “tìm ra tận bể” để tìm thấy những cái lớn lao hơn, vững chắc hơn ở ngoài đại dương bao la kia. Tác giả dùng từ “tìm” trong câu thơ cho thấy “sóng” không cam chịu không gian nhỏ hẹp, tù túng của “sông” mà chủ động đi tìm ra tận bể lớn mênh mông.

Từ đó thể hiện sự khát khao cháy bỏng về một tình yêu hạnh phúc, vững chãi của người phụ nữ mà ở đó họ tự chủ động đi tìm hạnh phúc đích thực cho chính cuộc đời mình. Bằng ngòi bút của Xuân Quỳnh, hình tượng “sóng” trong 4 câu thơ của khổ đầu đã thể hiện những trạng thái cảm xúc của người phụ nữ khi yêu. Qua đó cho thấy sự khát vọng, mong muốn có được một tình yêu viên mãn hạnh phúc của cuộc đời mình.

Phân tích khổ 1 bài “Sóng” – Mẫu 2

Thêm một bài viết phân tích khổ 1 bài “Sóng”- Mẫu 2 để các bạn có thêm nhiều tư liệu học tập và tham khảo khi phân tích bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh nhé!

Bài làm

Tình yêu là nguồn cảm hứng là chất liệu tuyệt vời xuất hiện nhiều trong những tác phẩm thơ ca Việt Nam. Viết về đề tài tình yêu không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Quỳnh, tình yêu trong thơ bà mang một tư duy mới, sự chủ động trong tình yêu, không chờ đợi mà tự đi tìm tình yêu cho chính mình. Điều này được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Sóng”, đặc biệt ở khổ 1 của bài thơ thể hiện những xúc cảm của tình yêu cũng như khát vọng mạnh mẽ về một tình yêu hạnh phúc vững bền của người con gái.

“Dữ dội và dịu êm

…Sóng tìm ra tận bể”

Rất nhiều nhà thơ đã viết về đề tài tình yêu hoặc họ đã mượn thơ ca để viết về tình yêu của cuộc đời mình với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau sầu bi, buồn bã hay hạnh phúc ngập tràn đều có cả. Nhưng ở Xuân Quỳnh thì bài thơ “Sóng” tình yêu mang một vẻ mới mẻ, khi trong chuyến đi thực tế nhà thơ đã đứng trước bờ biển rộng mênh mông mượn hình tượng “sóng” để miêu tả về tình yêu, đặc điểm tính cách và trạng thái của người con gái lúc yêu.

Xuất hiện ở đầu bài thơ là hình tượng của “sóng biển”. Bằng việc kết hợp biện pháp nghệ thuật lặp lại cấu trúc câu và liệt kê hàng loạt tính từ mang nghĩa đối lập “dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ” tác giả đã cho thấy đặc trưng biểu hiện của sóng biển trong tự nhiên. Đó là khi gặp bão tố thì sóng sẽ trở nên rất dữ dội, những con sóng lớn xô bờ một cách mạnh mẽ, ồn ào. Còn khi giông bão đi qua sóng sẽ trở lại trạng thái vốn có của nó là êm dịu, nhẹ nhàng và lặng lẽ.

Điều độc đáo ở đây là trong khổ thơ độc giả không thấy một cụm từ nào của tình yêu đôi lứa cả nhưng khi qua ngòi bút miêu tả hình tượng sóng biển của tác giả thì đó là lại là những biểu cảm, những cung bậc cảm xúc khi yêu của người con gái. Cảm xúc khi yêu của người con gái không khác gì những trạng thái của sóng biển cả. Trong tình yêu lúc thì hạnh phúc ngập tràn, êm đềm khi thì dữ dội, giận hờn, ồn ào bởi những xung đột, mâu thuẫn trong tình yêu.

Ở hai câu thơ cuối của khổ 1 xuất hiện thêm hình tượng “sông”. Với biện pháp nghệ thuật nhân hoá hình tượng “sông” và “sóng” làm cho chúng như là một thực thể có cảm xúc và linh hồn. “Sông” biểu trưng cho một không gian nhỏ bé, chật hẹp còn “bể lớn” chính là đại dương mênh mông bao la. Dường như sông không hiểu được hết những tâm tư, nỗi lòng của sóng nên sóng phải tự chủ đi tìm ra bể lớn để được hòa nhập cùng với biển rộng bao la. Hình ảnh sóng đi tìm ra tận bể cho thấy niềm khát khao về một tình yêu đích thực, chủ động đi tìm tình yêu cho chính mình mặc dù ngoài đại dương bao la rộng lớn cũng quyết tâm, kiên trì đạt được khát vọng của bản thân.

Tác giả sử dụng từ “tận” để thể hiện cái khó khăn, gian truân, cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân để có thể tìm được tình yêu chân thành và thấu hiểu. Có thể thấy trong thơ Xuân Quỳnh mang một tư tưởng mới, tư duy mới chủ động trong tình yêu. Đối với người phụ nữ truyền thống thì luôn mong chờ một tình yêu hạnh phúc đến với mình nhưng người con gái trong thơ Xuân Quỳnh lại khác. Đó là không còn thụ động ngồi chờ tình yêu đến nữa mà là chủ động đi tìm hạnh phúc của đời mình.

Từ đó cho thấy khát vọng mãnh liệt về tình yêu, quyết tâm chủ động đi tìm tình yêu hạnh phúc cuộc đời mình. Qua khổ thơ 1 bài thơ “Sóng” tác giả đã cho thấy được những cảm xúc đa dạng trong tình yêu. Đồng thời cũng bộc lộ những mong muốn, khát khao cháy bỏng về một tình yêu chân thành và kiên trì vượt qua mọi giới hạn để đi tìm hạnh phúc của người con gái.

Trên đây là bài viết phân tích khổ 1 bài “Sóng”, dàn ý phân tích khổ 1 bài “Sóng”… đã được biên soạn đầy đủ nhất. Hy vọng sẽ giúp ích các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt!

Xem thêm: Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga hay và đặc sắc nhất

Phân Tích, Văn Học -