Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” tác giả Thế Lữ chọn lọc nhất

Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” qua dàn ý, phân tích bài thơ mẫu 1, mẫu 2 tổng hợp đầy đủ trong bài viết dưới đây!

Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” để các bạn hiểu rõ hơn về cuộc sống nô lệ, lầm than của nhân dân ta trong giai đoạn đất nước bị giặc ngoại xâm xâm chiếm. Các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây được chọn lọc cẩn thận nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích bài thơ “Nhớ rừng” học sinh giỏi

Dưới đây là dàn ý phân tích bài thơ “Nhớ rừng” học sinh giỏi. Hy vọng bài dàn ý dưới đây sẽ giúp các bạn làm bài phân tích thật tốt nhé!

Mở bài: Tác giả, tác phẩm

– Khái quát sơ lược về tác giả Thế Lữ và tác phẩm “Nhớ rừng”.

– Nêu vấn đề và trích dẫn bài thơ “Nhớ rừng”.

Thân bài phân tích nội dung bài “Nhớ rừng”

– Nỗi căm phẫn, uất hận của hổ khi bị giam cầm trong vườn bách thú.

+ Căm hờn khi nó bị con người biến thành trò lạ mắt, thứ trò chơi mua vui cho con người.

+ Nỗi nhục nhã, khinh bỉ khi nó sống chung với những kẻ tầm thường, thấp kém như lũ báo chuồng bên cạnh và gấu dở hơi.

– Hổ hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp đẽ khi sống trong quá khứ nơi thiên nhiên hoang dã.

+ Khung cảnh thiên nhiên nơi rừng rậm được hổ nhớ về với những bóng cả, cây già cùng với tiếng gió gào…Đó là thiên nhiên hoang dã, hùng vĩ nơi mà chúa sơn lâm đã từng ngự trị.

+ Hình ảnh con hổ hiện ra với bước chân hiên ngang, dõng dạc, ánh mắt quắc một cái khiến mọi vật đều run sợ. Cho thấy sự oai phong uy quyền của chúa tể muôn loài.

+ Hổ hồi tưởng về những hoạt động khi sống ở thiên nhiên hoang dã với nhiều thời điểm khác nhau. Cho thấy sự gắn bó giữa hổ với thiên nhiên hoang dã, nơi sự uy quyền của hổ được phát huy và thỏa sức vùng vẫy.

+ Sự luyến tiếc của hổ về một quá khứ oai phong, lẫm liệt được tác giả thể hiện qua những câu hỏi tu từ.

– Trở lại với thực tại tâm trạng uất hận của hổ khi chứng kiến khung cảnh giam cầm đầy sự giả tạo. Cho thấy sự khinh bỉ của hổ với những kẻ giam cầm đã cố bắt chước, học đòi để tạo ra khung cảnh hoang dã giả tạo, tầm thường với vô số nhược điểm.

– Niềm khát vọng tự do nung nấu trong lòng của hổ thể hiện ở đoạn thơ cuối.

+ Những câu cảm thán liên tục được tác giả sử dụng cho thấy khát vọng mãnh liệt về cuộc sống tự do.

+ Nỗi lòng của hổ cũng chính là tâm trạng chung của nhân dân ta trong giai đoạn mất nước bị giặc ngoại xâm xâm chiếm. Họ phải sống trong cảnh nô lệ tù túng từ đó thể hiện lòng căm phẫn, uất hận với những kẻ cướp nước. Đồng thời hồi tưởng về những chiến thắng oanh liệt đánh bại quân ngoại xâm trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Kết bài ý nghĩa bài thơ “Nhớ rừng”

– Khái quát tóm tắt nội dung bài thơ “Nhớ rừng”.

+ Tác giả đã mượn hình ảnh con hổ bị giam cầm trong vườn bách thú để cất lên nỗi lòng uất hận, căm phẫn của nhân dân Việt Nam khi sống trong cảnh mất nước. Qua đó tưởng nhớ đến những chiến thắng lịch sử hào hùng của ông cha ta đồng thời thể hiện khát vọng tự do, độc lập dân tộc.

– Liên hệ bản thân và rút ra bài học cuộc sống.

Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” – Mẫu 1

Dưới đây là bài viết phân tích bài thơ “Nhớ rừng” – Mẫu 1 nhưng đầy đủ chi tiết để các bạn có thêm tư liệu học tập và làm bài thi trên lớp nhé!

Bài làm

Thế Lữ là một nhà thơ nổi tiếng là nhà thơ dẫn đầu trong phong trào thơ mới. Một trong những tác phẩm gắn bó với tên tuổi của ông là tác phẩm “Nhớ rừng”. Bằng lời thơ dạt dào cảm xúc kết hợp với cách sử dụng ngôn từ tài tình và độc đáo đã góp phần tạo nên sự thành công cho bài thơ. Thông qua hình ảnh con hổ bị nhốt trong vườn sở thú tác giả đã bộc lộ rõ nét tâm trạng uất hận của nó khi phải bị giam cầm sống trong cảnh tù túng, ngột ngạt. Qua đó cho thấy khát vọng tự do cháy bỏng, mong muốn thoát khỏi cảnh nô lệ cho giặc ngoại xâm. Đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước, yêu nhân dân tha thiết của tác giả.

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 

…- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”

Đoạn đầu bài thơ là hình ảnh con hổ bị giam cầm trong vườn bách thú. Hổ là một con vật mang vẻ oai hùng, nó được xem là chúa tể của muôn loài. Bản thân hổ là một con vật mang vẻ uy quyền của nơi rừng sâu, nay phải rơi vào cảnh giam cầm, sống trong sự chán nản ngày qua ngày. Không những thế nó còn là chỗ mua vui, là vật trang trí cho con người chiêm ngưỡng như một “thứ đồ chơi”. Là một loài vật được mệnh danh là chúa tể sơn lâm được muôn loài tôn sùng, kính nể nhưng nay lại sa cơ rơi vào bẫy của con người. Nó bị nhốt trong cũi sắt và bị con người biến thành hàng hoá thương mại để làm trò lạ mắt, là thứ đồ chơi mua vui cho con người.

Nó càng cảm thấy nhục nhã hơn khi phải chấp nhận cảnh ngang bầy với bọn “gấu dở hơi” và “cặp báo vô tư lự”. Còn đâu là uy quyền của nó nữa chứ? Vì thế nó không cam chịu cảnh sống như vậy nên tâm trạng của nó lúc này là “gậm một khối căm hờn”. Tác giả sử dụng từ “khối” cho thấy nỗi căm hờn đã lên đến tột cùng, nỗi dày vò giằng xé tâm can không thể chấp nhận cảnh sống tù túng. Nhưng nó không còn cách nào khác chỉ biết thể hiện sự phẫn nộ, căm hờn cho thỏa nỗi lòng. Để rồi ngày ngày nó phải sống trong nỗi bất lực, tủi nhục và uất hận.

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 

…Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”

Sống trong thực tại tù túng không có cách nào thoát ra được nên hổ đành trở về quá khứ sống lại với những tháng ngày tự do nơi rừng rậm. Hổ hồi tưởng về những tháng ngày được sống tung hoành, tự do của nó. Nơi núi rừng, bóng cả, cây già là mới chính là ngôi nhà của nó, nó thỏa sức vùng vẫy, sống một cuộc sống tự do, tự tại. Tác giả sử dụng những từ ngữ “bóng cả”, “cây già”, “gió gào ngàn”, “giọng nguồn hét núi” cho thấy vẻ đẹp hoang dã, hùng vĩ của nơi rừng sâu.

Vẻ đẹp hoang dã của núi rừng rộng lớn trái ngược hoàn toàn với nơi giam cầm nhỏ bé, ngột ngạt và tù túng. Ở không gian núi rừng hùng vĩ ấy hình ảnh hổ hiện ra mang một dáng vẻ uy quyền, oai phong, dũng mãnh. Qua cách sử dụng ngôn từ của tác giả về những hồi ức của hổ khi sống ở rừng sâu thấy được cuộc sống tự do, tự tại của nó. Đồng thời qua đó thể hiện sức mạnh uy quyền, oai hùng của chúa sơn lâm.

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, 

…Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi”

Ở đoạn ba của bài thơ là bức tranh thiên nhiên nơi rừng núi ở những thời gian khác nhau mà hổ nhớ về. Đó là “những đêm vàng” hổ đứng bên bờ suối tận hưởng đêm trăng và say mồi. Đó là “những ngày mưa” khi nó chứng kiến sự thay đổi của giang sơn rừng núi. Đó là “những bình minh” với rừng cây xanh dưới ánh nắng chan hoà cùng hoà nhịp tiếng chim ca rộn rã. Và đó là “những chiều lênh láng máu” với những chiến tích săn mồi của hổ, hoà cùng với sắc đỏ của chiều hoàng hôn.

Thời điểm mặt trời lặn là lúc hổ phải đi săn mồi thế nên nó đợi “chết mảnh mặt trời” là khi màn đêm buông xuống. Lúc này hổ làm chủ không gian của đêm tối và muốn chiếm giữ riêng cho nó phần bí mật của không gian vũ trụ của màn đêm. Tác giả lặp đi lặp lại nhiều lần đại từ xưng hô “ta” thể hiện khẩu khí tự tôn, dáng vẻ uy quyền của chúa tể muôn loài. Đặc biệt là những từ “nào đâu. . ” “đâu những…” cũng được tác giả lặp lại nhiều lần nhằm diễn tả sự tiếc nuối, lưu luyến về những ngày tháng oai hùng, tự do vùng vẫy nơi núi rừng bao la. Hổ đang sống trong quá khứ khi hồi tưởng về những kỉ niệm tươi đẹp thì bỗng thốt lên một tiếng than vãn vì thực tại tăm tối.

Nó thật sự bất mãn, tiếc nuối về những ngày tháng được sống tự do tung hoành nay đã không còn nữa. Qua hai đoạn thơ 2 và 3 là những hồi ức đáng nhớ là những kỷ niệm của hổ khi sống ở rừng núi.

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, 

…Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?”

Thiên nhiên rừng núi vốn dĩ là nơi sinh tồn của nó, là ngôi nhà thực sự của hổ. Vậy nên khi không còn được sống trong chính ngôi nhà của nó nữa thì tâm trí nó vẫn hướng về với thiên nhiên hoang dã kia. Hay đúng hơn là nó đang nhớ về rừng cội của nó là “nhớ rừng”. Sau khi hổ trở về quá khứ sống trong những kí ức đẹp đẽ thì quay về thực tại vẫn là một nỗi căm hận sâu sắc. Nó khinh bỉ, chê bai cảnh tù túng nơi vườn bách thú, chê bai loài người đã tạo nên một vườn bách thú tầm thường, giả tạo.

Cho dù có bắt chước cảnh rừng hoang dã như thế nào đi nữa cũng không bao giờ có được không gian thiên nhiên núi rừng vốn dĩ của nó được. Những nhược điểm của vườn bách thú được nó lần lượt nêu ra cho thấy sự giả tạo, học đòi của con người để cố làm ra những một thiên nhiên hoang dã tù túng và giả tạo.

“Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
. . . Của chốn ngàn năm cao cả, âm u. “

Ở khổ cuối bài thơ là nỗi khao khát tự do đang sục sôi trong lòng hổ. Sống trong cảnh giam cầm đầy sự bất lực, hổ chỉ biết gửi gắm hồn mình trở về nơi non nước hùng vĩ, nơi giang sơn mà hổ đã từng ngự trị. Nay nó không còn được vùng vẫy, không còn được thấy thiên nhiên hoang dã của núi rừng nữa nên chỉ biết thả hồn theo những giấc mộng ngàn. Nỗi nhớ rừng da diết khiến cho nó phải cất lên tiếng gọi ở cuối bài thơ “hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi”.

“Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

…Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”

Bài thơ không đơn giản là kể về cuộc sống của con hổ trong vườn bách thú. Mà ngụ ý sâu xa của tác giả là mượn hình ảnh của con hổ để nói lên tình cảnh của đất nước ta lúc bấy giờ. Tâm trạng của con hổ cũng là như tâm trạng của của nhân dân Việt Nam khi đang sống trong cảnh nô lệ, mang nội nỗi căm hờn đối với bọn cướp nước. Tác giả mượn hình ảnh của con hổ cũng để nói lên chính kiến của mình và cũng là chính kiến của thế hệ thanh niên tri thức thời ấy.

Đó là sự căm ghét, khinh bỉ chế độ bất công, tù túng của xã hội đương thời. Họ muốn thoát ra khỏi sự xiềng xích của nô lệ để phát triển đề cao cái tôi tự do. Bài thơ là tiếng nói chung thay mặt họ nói lên nỗi lòng của họ, sự phẫn nộ, uất hận khi sống trong cảnh nô lệ. Đồng thời thể hiện tấm lòng yêu nước tha thiết, khát vọng đất nước được sống trong độc lập tự do.

Bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ thật sự đã mang lại cho độc giả một ấn tượng sâu sắc. Cách mượn hình ảnh con hổ vừa sáng tạo vừa độc đáo của tác giả đã cho người đọc thấy được bức tranh hiện thực cuộc sống của nhân dân ta ở xã hội đương thời. Họ phải sống trong cảnh nô lệ lầm than, cam chịu và đau khổ trong cảnh mất nước. Qua đó cho thấy sự căm thù, uất hận bọn giặc ngoại xâm cướp nước. Đồng thời cũng thể hiện niềm khát vọng được sống tự do trong một đất nước hoà bình.

Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” – Mẫu 2

Đây là bài Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” – Mẫu 2 để các bạn có thêm nhiều tư liệu đa dạng về phân tích bài thơ này.

Bài làm

Bài thơ “Nhớ rừng” là một tác phẩm nổi bật đánh dấu sự nghiệp thơ ca của Thế Lữ. Và ông cũng là một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới. Trong bài thơ tác giả thông qua hình ảnh con hổ với tâm trạng uất hận, căm hờn khi sống trong cảnh giam cầm của vườn bách thú. Đó cũng chính là tâm trạng chung của nhân dân ta khi đất nước đang trong giai đoạn bị giặc ngoại xâm xâm chiếm. Đi sâu vào phân tích bài thơ “Nhớ rừng” để hiểu được nỗi lòng của con hổ cũng như nỗi lòng của tác giả. Hay đúng hơn là nỗi lòng của nhân dân ta khi lâm vào hoàn cảnh mất nước trở thành nô lệ cho bọn giặc ngoại xâm.

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 

…- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”

Đoạn đầu tiên mở đầu bài thơ là tâm trạng căm hờn tột cùng của con hổ bị giam trong vườn bách thú. Ở đây tác giả sử dụng từ “một khối căm hờn” cho thấy nỗi căm hờn, uất hận đã lên đến tột cùng, đỉnh điểm. Cuộc sống của hổ ở vườn bách thú là những chuỗi ngày tháng đau khổ, chán trường và tuyệt vọng. Nó khinh bỉ lũ người đã giam cầm nó khi phải nằm dài ở đây trông ngày tháng trôi qua một cách mòn mỏi. Và lẽ nào không căm phẫn cho được khi con người biến nó trở thành thứ đồ chơi, làm trò lạ mắt cho con người. Nó trở thành món hàng hóa thương mại cho con người khai thác.

Không những thế nó càng nhục nhã, cay đắng bội phần khi phải sống cạnh ngang hàng cùng với lũ gấu dở hơi và lũ báo chuồng bên cạnh. Bởi lẽ hổ là chúa tể của muôn loài mang đầy vẻ oai hùng được các loài vật tôn sùng, kính nể. Nay nó sa cơ phải sống trong cảnh tù túng ngang hàng với những kẻ thấp kém, hèn hạ thì sao mà không nhục nhã cho được chứ. Hổ là loài động vật hoang dã vốn dĩ chúng thuộc về nơi thiên nhiên rừng sâu chứ không phải là thuộc về vườn bách thú. Hay nói đúng hơn là chúng không thuộc quyền sở hữu của những kẻ giam cầm nó.

Tâm trạng lúc này của hổ cũng chính là nỗi căm hờn, phẫn nộ của nhân dân Việt Nam khi mang thân phận nô lệ cho giặc ngoại xâm. Cũng như con hổ kia nhân dân ta vốn dĩ là thuộc về đất nước Việt Nam chứ không phải là nô lệ thuộc quyền cai trị của bọn cướp nước. Tác giả đã miêu tả thành công tâm trạng của một con hổ để nói lên sự căm phẫn, nhục nhã của nhân dân ta khi phải sống trong cảnh nô lệ, cai trị của bọn ngoại xâm cướp nước.

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 

…Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”

Trong những ngày tháng sống mòn mỏi nơi vườn bách thú, nỗi nhớ nhung về nơi rừng sâu khiến nó hồi tưởng về những chuỗi ngày đẹp đẽ sống trong rừng trước khi vào vườn bách thú. Nó nhớ về thiên nhiên nơi rừng núi đó là cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già với tiếng gió gào, giọng nguồn núi hét mà nó từng ngự trị. Đó là nơi mà mọi uy quyền thuộc về nó chỉ với một cái quắc mắt của nó thôi cũng đủ làm mọi vật khác im hơi, sợ hãi.

Hình ảnh con hổ hiện ra mang đầy vẻ oai phong với bước đi hiên ngang, dõng dạc, tấm thân lượn sóng nhịp nhàng. Nó biết nó là chúa tể của muôn loài, nó mang một sức mạnh uy quyền để ngự trị nơi rừng núi hoang dã. Tác giả sử dụng đại từ nhân xưng “ta” lặp lại nhiều lần để thể hiện sự tự hào, quyền uy sức mạnh của hổ khi là chúa sơn lâm. Đoạn thơ là những hồi tưởng về quá khứ của hổ với cuộc sống đầy sức mạnh và uy quyền thể hiện được khí chất, oai phong lẫm liệt của chúa sơn lâm. Đồng thời cho thấy khát vọng lớn lao được trở lại với cuộc sống thiên nhiên hoang dã của nó.

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, 

…Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi”

Ở đoạn thơ thứ ba cũng là những hồi tưởng về quá khứ với cuộc sống hàng ngày của hổ gắn bó với thiên nhiên hoang dã. Đó là “những đêm vàng” nó đứng bên bờ suối tận hưởng đêm trăng và say mồi. Đó là “những ngày mưa” nó chứng kiến sự thay đổi của giang sơn rừng núi. Đó là “những bình minh” với rừng cây xanh dưới ánh nắng chan hoà cùng hoà nhịp tiếng chim ca rộn rã. Và đó là “những chiều lênh láng máu” với những chiến tích săn mồi của hổ, hoà cùng với sắc đỏ của chiều hoàng hôn.

Tác giả liên tiếp dùng những câu hỏi tu từ “đâu, nào đâu” để thể hiện sự luyến tiếc, khắc khoải về những ngày đã xa không biết khi nào được trở lại. Đoạn thơ là những ngày tháng quá khứ đầy oai hùng, hiên ngang của hổ. Đó là những chuỗi ngày đẹp đẽ được thỏa sức vùng vẫy trong không gian thiên nhiên rộng lớn, nơi nó được làm chủ được ngự trị muôn loài. Vì quá nhớ nhung về quá khứ, tiếc nuối cho một thời vàng son của nó nên kết thúc ở cuối đoạn thơ là một câu than vãn “than ôi!”.

Giờ đây những ngày tháng uy quyền, oanh liệt khi xưa đã không còn nữa mà thay vào đó là sự tù túng, ngột ngạt của nơi giam cầm nên nó cảm thấy luyến tiếc. Nó đau khổ khi bị con người cướp đi cuộc sống tự do vốn có của nó và càng khát khao được sống tự do, trở về nơi nó từng thuộc về chính là thiên nhiên hoang dã.

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, 

…Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?”

Những hồi tưởng về quá khứ của hổ cũng chính là những hồi tưởng của tác giả của nhân dân ta trước khi trở thành nô lệ của giặc ngoại xâm. Nhớ về những ngày tháng nhân dân sống trong tự do và những chiến tích lịch sử hào hùng mà ông cha ta đã đánh đuổi quân xâm lược. Và nay lại lần nữa bị bọn giặc ngoại xâm xâm chiếm nhân dân sống trong cảnh nô lệ lầm than. Sự khao khát tự do trở về nơi thiên nhiên hoang dã của hổ cũng chính là khát vọng tự do của nhân dân ta được sống trong hòa bình, tự do. Đó là khát vọng về một đất nước độc lập, tự do, quyền làm chủ đất nước, tự tôn của dân tộc.

Sau khi hổ hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp nơi thiên nhiên hoang dã thì nó bỗng trở về thực tại phũ phàng. Nó căm ghét cái khung cảnh giả tạo của vườn bách thú, khinh bỉ những con người đã cố bắt chước làm cho giống khung cảnh thiên nhiên hoang dã. Nhưng càng làm càng thấy rõ những nhược điểm giả tạo sao mà sánh bằng cảnh vật tự nhiên nơi núi rừng cho được. Những nhược điểm mà hổ nêu ra cũng chính là hình ảnh ẩn dụ ngụ ý ám chỉ hiện trạng xã hội lúc bấy giờ. Tác giả bày tỏ sự bất mãn, khinh bỉ của tầng lớp thanh niên có trí thức khi đứng trước thực tại bế tắc của xã hội đương thời.

“Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
. . . Của chốn ngàn năm cao cả, âm u. “

Đoạn cuối của bài thơ là nỗi lòng cất lên về sự khao khát tự do được thỏa sức vùng vẫy với thiên nhiên núi rừng hoang dã của hổ. Trước sự bế tắc, bất lực, cam chịu sống trong cảnh giam cầm nơi vườn bách thú của hổ. Lúc này nó chỉ biết thả hồn về với thiên nhiên núi rừng đại ngàn, về nơi non nước hùng vĩ, nơi giang sơn mà nó từ ngự trị khi xưa. Nó đau khổ, tuyệt vọng cất lên tiếng than ai oán và lời nhắn nhủ sau cùng rằng nó sẽ không bao giờ được thấy nơi giang sơn của nó nữa.

Dầu rằng sự căm hờn đã in sâu trong lòng nó nhưng nó không có cách nào thoát khỏi sự xiềng xích, giam cầm của con người. Giờ đây nó phải đành cam chịu chấp nhận và an ủi nó bằng cách đương theo những giấc mộng ngàn. Có thể thấy lời kêu than của con hổ cũng chính là tiếng than vang trời của người dân Việt Nam và đặc biệt hơn là số đông tầng lớp thanh niên tri thức lúc bấy giờ. Nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ dưới quyền cai trị của giặc ngoại xâm.

Từ đó họ mang trong lòng nỗi căm hờn, uất hận vì mất đi sự tự do, chủ quyền của đất nước. Đồng thời hồi tưởng về những chiến tích lịch sử hào hùng, oanh liệt của ông cha ta đã từng chiến đấu với quân ngoại xâm cướp nước.

“Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

…Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”

Thông qua ngòi bút điêu luyện cũng như cách sử dụng ngôn từ tài tình độc đáo, Thế Lữ đã mang lại cho độc giả một cảm xúc khó tả qua bài thơ “Nhớ rừng”. Tác giả đã mượn hình ảnh của con hổ để nói lên tâm trạng chung của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ khi phải sống trong cảnh nô lệ của bọn giặc ngoại xâm. Sự tù túng ngột ngạt của cuộc sống nô lệ đã khiến cho họ phải mang nỗi uất hận, căm thù đối với bọn cướp nước. Qua đó thể hiện khát vọng được sống trong hòa bình, tự do của nhân dân ta.

Bởi một cuộc sống hạnh phúc thật sự là được sống trong sự tự do trên chính lãnh thổ của mình với quyền tự tôn dân tộc. Ngày nay chúng ta đã được sống trong hòa bình, độc lập, tự do mới cảm nhận được sự đau khổ tột cùng của nhân dân ta lúc bấy giờ. Vậy nên chúng ta phải cố gắng trau dồi bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội cho đất nước để đất nước luôn vững mạnh và nhân dân sẽ luôn sống trong sự hòa bình và tự do.

Trên đây là bài viết phân tích bài thơ “Nhớ rừng”, dàn ý phân tích bài thơ “Nhớ rừng”… đã được biên soạn đầy đủ và khá chi tiết. Hy vọng sẽ mang lại hữu ích cho việc học trên lớp của các bạn. Chúc các bạn học tốt!

Xem thêm: Phân tích khổ 4 “Bếp lửa” – Bằng Việt hay và chọn lọc

Phân Tích, Văn Học -