Phân tích bài “Mây và sóng” của nhà thơ R.Ta-go ngắn và hay nhất

Hôm nay, chúng ta sẽ phân tích bài “Mây và sóng” của nhà thơ R.Ta-go, một tác phẩm rất ý nghĩa và thường xuất hiện trong các đề thi học sinh giỏi, cũng như trong các đề thi chuyển cấp. Để phân tích các tác phẩm văn học, việc lập dàn ý trước viết bài chi tiết là vô cùng cần thiết.

Nội dung bài viết

Dàn ý “ Mây và sóng ”

Trước hết, dàn ý bài “Mây và sóng” dưới đây sẽ hỗ trợ bạn đọc dễ hiểu và dễ triển khai đầy đủ các ý chính của bài thơ.

1. Mở bài Mây và sóng

– Thơ ca về tình cảm mẹ con là một đề tài không lúc nào cạn kiệt.

– Mây và sóng là một loạt các vần thơ mà thi sĩ Ta-Go kể lại tình cảm yêu thương nồng nàn, cao cả của một người con dành tặng mẹ của mình.

2. Thân bài Mây và sóng

Em bé kể cho mẹ nghe về các niềm vui đi khám phá của mình ở trên bầu trời:

– Em bé ngước nhìn lên bầu trời, mường tượng mình đang chơi với đám mây, với bình minh màu  vàng, trăng màu bạc,… Cuộc sống trên bầu trời rất phong phú và lý thú cho một đứa trẻ mới lớn như em.

– Cậu bé thích thú kể về cuộc rong chơi của mình với mẹ và người mẹ chăm chú lắng nghe con kể. Tuy rằng hình ảnh người mẹ không hiện lên trực tiếp trong thơ nhưng luôn luôn dõi theo con trong suốt bài thơ.

– Khi rong chơi dù rất vui nhưng trong tâm trí, trong thâm tâm em bé luôn luôn hướng về người mẹ thân yêu:

“ Mẹ tôi đang đợi ở nhà

Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được? ”

=> Chẳng có niềm hạnh phúc, niềm vui nào to lớn hơn khi được bên cạnh người mẹ của mình, người luôn yêu mình dù bất kể vì lý do gì, bất kể thế giới ngoài kia có bao điều kỳ lạ, thú vị đang chờ đón.

Người mẹ vẫn mãi đồng hành trong trái tim đứa trẻ:

– Chính mẹ, sự quan tâm của mẹ dành trọn cho em đã trở thành sợi dây vô hình siết chặt em bé quay về với mẹ.

“ Con sẽ là mây và mẹ sẽ là trăng ”: Tình mẫu tử thiêng liêng đó ngày càng được biểu thị sâu sắc khi con mãi coi mẹ giống như mặt trăng, tỏa ánh sáng ấm áp vào đám mây là con, ví mẹ như thể mặt trăng ôm ấp con suốt bao nhiêu năm tháng.

– Sự trò chuyện của những người sống trong sóng thì thầm với em về những chuyến vui chơi, dù sóng thúc giục, mời gọi nhưng em nhất quyết không đi nữa bởi em bé có gia đình của mình và em chẳng thể xa mẹ.

Niềm vui của em bé chính là mẹ của mình:

– Đối với em bé, mẹ là ngọn sóng, là niềm hạnh phúc, là niềm vui của đời em. Mẹ cũng chính là nguồn sống của đời con, người mẹ dạy bảo con về tình thương cao cả và mẹ là ánh sáng của đời con.

” Con sẽ là sóng, mẹ sẽ là một bờ biển lạ lùng “: Người mẹ hiền dịu bao dung giống như một bến bờ. Hình ảnh bến bờ để những đợt sóng lăn, lăn mãi rồi va vào lòng mẹ giòn tan như tiếng cười của con khi được mẹ ôm vào lòng chở che, ôm ấp con. Mẹ bây giờ giống là điểm tựa để con theo đuổi những ước mơ về cuộc đời.

– Tình cảm mẹ con sâu đậm:

– Em bé quả quyết:

“ Và không một ai trên cõi đời này biết nơi đâu mẹ con ta đang ở. ”

=> Dẫu thế giới có đổi thay nhưng tình cảm mẹ con sâu đậm vẫn mãi theo năm tháng.

3. Kết bài Mây và sóng

Bài thơ ví như một bức vẽ thiên nhiên rực rỡ, làm tôn lên vẻ đẹp của tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Đó là điểm tựa cốt yếu hướng con người vươn tới tương lai tốt đẹp, tươi sáng.

– Lời nhắc nhở mỗi người rằng cuộc sống lúc nào chẳng có nhiều cạm bẫy và điều quan trọng là chúng ta phải biết bước qua nó.

– Khẳng định thêm một lần nữa về tình cảm mẹ con thiêng liêng, cao cả và xứng đáng được tôn vinh.

Câu hỏi ôn luyện đề: mây và sóng lớp 6

Bài thơ Mây và sóng trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 là một trong những bài thơ thường xuất hiện trong các đề thi giữa, cuối kì. Phần câu hỏi ôn luyện đề: mây và sóng sau đây sẽ giúp bạn đọc nắm bắt và hiểu cách làm một số dạng đề về bài thơ này.

Đề bài: Viết bài văn phân tích nội dung bài Mây và sóng của R.Ta-go

Bài thơ “Mây và sóng” ca ngợi tình cảm mẫu tử vô cùng thiêng liêng. Đồng thời, qua bài thơ, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống dưới con mắt trẻ thơ. Thể thơ 5 chữ, cùng với những từ ngữ đậm chất trữ tình, mang tính biểu tượng và các biện pháp nghệ thuật tương phản, ẩn dụ, so sánh…được tác giả thể hiện nhuần nhuyễn trong bài thơ.

Ở những câu thơ đầu của bài thơ, tác giả miêu tả về các trò chơi của người sống ở trên mây và sóng. Những trò chơi này đều rất thú vị, mới mẻ đối với tâm hồn trẻ thơ:

“ Chúng ta chơi đùa từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà,
Chúng ta chơi với buổi sớm mai vàng,
Chúng ta chơi với vầng trăng bạc. ”
“ Chúng ta hát từ sớm mai đến tối,
Chúng ta ngao du khắp nơi này nơi nọ
Mà không biết mình đã từng qua những nơi nào. ”

Thiên nhiên mênh mông và rộng lớn hiện rõ trước mắt em bé. Được chơi với mây, với ánh trăng bạc và thăm thú nơi nọ chốn kia đối với em bé là một sự sung sướng. Vì em có thể đi chơi từ khi tỉnh dậy cho đến lúc hoàng hôn. Em bé tò mò về cách tham gia chơi cùng với những người sống trên mây và sóng, em hỏi:

“ Con hỏi: “ Nhưng tôi làm sao mà lên được với các người? ”

Con hỏi: “ Nhưng tôi làm sao gặp được các người? ” ”

Em bé với đặc điểm tâm lý chung của mọi đứa trẻ khác, rất ham đi chơi và muốn chơi cùng mọi người nên đã hỏi lại và nhận được sự chỉ dẫn của những người sống trên mây và sóng: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. Câu trả lời này là do trí tưởng tượng phong phú của những đứa trẻ mới có thể nghĩ tới và sự hồn nhiên, ngây thơ khiến các em có niềm tin sâu sắc.

“ Con nói: “ Mẹ tôi đang đợi ở nhà

Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được? ”

Con bảo: “ Buổi chiều, mẹ tôi luôn luôn muốn tôi ở nhà với mẹ

Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được? ”

Em quả là một đứa bé tuyệt vời, sự khước từ của em quá hồn nhiên và trong trẻo, đến độ làm tất cả đều phải cất tiếng cười, nhún nhảy và lướt ngang qua. Chính người mẹ của em, tình cảm thương yêu của mẹ dành tặng em, đã trở thành sợi dây giữ lấy em nhỏ ở bên và giữ chặt tâm hồn em với vòng tay mẹ.

Phân tích bài “Mây và sóng” ta mới thấy những trò chơi tưởng tượng của em nhỏ cũng lý thú không khác gì của những người bạn ở trên mây và biển:

“ Con sẽ là mây và mẹ sẽ là trăng.

Con sẽ lấy hai tay trùm lên người mẹ,

Và mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm.

Con sẽ là sóng, mẹ sẽ là một bờ biển lạ lùng.

Con sẽ lăn, lăn, lăn mãi

Và vỗ vào gối mẹ, cười vang.”

Mây, trời, nước và bãi cát được bộc lộ qua trò chơi của em bé và trong đó còn có thêm mẹ. Nơi đây, thiên nhiên bao la, hùng vĩ và nên thơ vẫn đang hiện diện. Nó càng bộc lộ rõ hơn qua tình yêu của em nhỏ với mẹ. Em sẽ dùng đôi bàn tay quàng lên vai mẹ. Rồi sẽ lăn mãi lăn, lăn mãi theo tiếng cười như dần vỡ tan vào trong lòng người mẹ. Tình cảm đó rất sâu sắc và đầy ý nghĩa. Và kéo dài mãi mãi từ bình minh cho đến chiều tà.

Nội dung bài Mây và sóng cũng được làm nổi bật lên trong phần hai và cũng là điểm nhấn của toàn tác phẩm, chính là câu thơ:

“Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.”

Lí do vì sao em bé hỏi như vậy? Đó là vì em tin chắc một điều rằng: Tình cảm của em và mẹ tồn tại mọi lúc, mọi nơi. Tình cảm của em bé dành cho mẹ trong sáng vô cùng. Còn tình mẹ dành cho con sâu đậm đến độ không ai mà thấu hiểu hết được. Tình mẹ là trường tồn, vĩnh cửu và hoà lẫn được giữa đất trời mênh mông, nên thơ.

Với cấu trúc lặp nhau trong hai phần nhưng tác giả không vì vậy mà lại trở nên đơn điệu. Ngược lại, câu chuyện còn có sự hấp dẫn khi tác giả Ta-go đã tinh tế sáng tạo ra được thách thức thứ hai đối với em bé. Thêm nữa, ông đã khéo léo tạo nên các hình ảnh người sống ở trên mây, mặt trăng, những đợt sóng và bờ biển được lấy làm biểu trưng cho tự nhiên. Những hình tượng biểu trưng ấy được nhân hoá nên có linh hồn và lời nói làm cho tác phẩm tăng phần sinh động đối với người nghe. Giọng điệu tha thiết, tình cảm của một đứa con với mẹ của mình.

Đề bài: Tóm tắt bài thơ “Mây và sóng” bằng cách kể lại câu chuyện mây và sóng ngắn gọn giống như một câu chuyện kể

Trong nền văn chương của nhân loại có rất nhiều tác phẩm xuất sắc, viết về đề tài tình yêu: tình yêu trai gái, gia đình, đất nước. Nổi bật trong danh sách các tác phẩm ấy là  bài “Mây và sóng” của nhà thơ nổi tiếng Ta-go. Phân tích chi tiết bài “Mây và sóng” ta thấy ẩn chứa trong đó ý nghĩa về tình yêu vô cùng chân thành, sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt. Ta có thể kể lại câu chuyện mây và sóng ngắn gọn như sau.

Vào một ngày mùa hè, trên một bờ biển nọ, em bé đang rảo bước đi rong chơi. Chợt thấy có tiếng ai gọi từ trên cao xuống. Ngước đầu lên nhìn thì em bé phát hiện ra rằng họ là những bạn mây. Những bạn mây nói với em rằng họ đang đi rong chơi trên biển. Họ thức giấc vào lúc bình minh và sẽ đi chơi cho đến tận chiều tà. Họ vui chơi với nắng vàng của buổi bình minh, khi trời tối thì làm bạn với vầng trăng.

Em băn khoăn rằng: Làm như thế nào để có thể đến chơi với các bạn mây được? Các bạn đã nói rằng: Em bé hãy đi đến nơi cuối cùng của trái đất và dang cánh tay lên bầu trời thì sẽ được nhấc lên tới mây. Suy nghĩ giây lát, em bé đã khước từ tất cả. Em nghĩ tới mẹ ở nhà và cho rằng mẹ đang chờ em về. Các bạn mây mỉm cười và trôi đi.

Một lát sau, em bỗng cảm thấy trên ngọn sóng có tiếng chào vọng tới. Đó là những bạn sóng. Những bạn mây nói rằng đã ca hát từ sáng tinh mơ đến tận hoàng hôn và được ngao du khắp các địa danh tươi đẹp. Em bé lại tò mò hỏi, em muốn được tham gia rong chơi cùng các bạn. Các bạn sóng chỉ tới rìa của bãi biển, em nhắm mắt lại sẽ được những ngọn sóng nhẹ nhàng nâng đi.

Em bé thấy rất thích, sau một hồi nghĩ ngợi, em lại nghĩ tới mẹ ở nhà đang chờ. Mẹ đang chờ em bé đi chơi về và hẳn những trò chơi này mẹ cũng rất muốn tham gia. Nghĩ đến thế, em bé đã khước từ những người bạn sóng. Đối với em bé lúc này điều quan trọng nhất là được sống với mẹ của em.

Sau cuộc dạo chơi bên bờ biển, em bé trở về nhà và gặp mẹ. Ngay lập tức, em kể lại cho mẹ nghe về những cuộc trò chuyện của mình với những người bạn xa lạ, với giọng điệu háo hức. Em kể chuyện bạn mây, bạn sóng, cách để được tham gia cùng các bạn,… Nhưng cũng không quên kể rằng, đối với em, các trò chơi sẽ còn vui hơn nữa khi có mẹ tham gia chơi cùng. Vì thế em bé đã từ chối tất cả các lời mời và trở về nhà. Cùng mẹ, em có thể nghĩ ra những trò chơi khác cũng rất vui và thú vị. Điều tuyệt vời nhất là em được ở bên mẹ, hai mẹ con cùng chơi đùa.

Đề bài: Viết bài phân tích ngắn gọn ý nghĩa của bài thơ Mây và sóng lớp 6

Mây và sóng là một trong nhiều tác phẩm tiêu biểu, phản ánh và ngợi ca các tình cảm cao đẹp trong đời sống của con người. Ý nghĩa của bài thơ Mây và sóng lớp 6 được thể hiện rõ qua các thủ pháp nghệ thuật xuất sắc. Tác giả đã thể hiện tình cảm của đứa con giành tặng mẹ, chan chứa tình mẫu tử thiêng liêng, bất tử. Cũng như ông cha ta khi xưa có câu thành ngữ:

“Công cha như núi ngất trời.
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.”

Tình yêu gia đình lớn lao và cao cả đã hoà quyện với thiên nhiên cùng cuộc sống chung quanh. Tình yêu ấy hiện diện trên mọi sự vật, hiện tượng. Nó là minh chứng cho sức mạnh tiềm tàng mà tình mẫu tử mang lại. Qua đó, tập thơ cũng chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ. Bài thơ vừa là lời ngợi ca tình mẹ bao la vừa chứa đựng những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.

Cuộc sống có quá nhiều thử thách mà chỉ dựa vào bản thân thì rất khó lòng có thể vượt qua. Nhưng đừng quên những tình cảm, tình yêu thương từ mọi người, gia đình vẫn luôn ở xung quanh chúng ta, là điểm tựa để ta vượt qua khó khăn trong xã hội, cuộc đời. Tình mẫu tử là một trong những điểm tựa lớn nhất và vững chãi nhất của con người. Nó là ngọn đuốc dẫn nguồn trí tuệ và cũng là nét đẹp tâm hồn vĩnh cửu của loài người. Nhờ vậy con người có thêm dũng khí đối đầu với mọi trở ngại và mọi thách thức của cuộc sống đầy khó khăn này.

Tác phẩm “Mây và sóng” của Ta-go giống như một bản tình ca. Đồng thời, mang đến thông điệp: Tình mẫu tử, tình yêu gia đình sẽ luôn là điểm tựa để bạn có thể dựa vào khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Nhờ những triết lí sâu sắc, bài thơ đã lưu lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc. Hi vọng thông qua hướng dẫn phân tích bài “Mây và sóng”, bạn đọc đã trang bị cho mình được thêm nhiều kĩ năng và kiến thức phục vụ cho quá trình học tập trên trường.

Xem thêm: Cách phân tích bài thơ Cảnh mùa hè ngắn nhất

Phân Tích, Văn Học -