Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo

Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao vốn là một tác phẩm truyện ngắn xuất sắc, một tuyệt tác văn học của nền văn học Việt Nam. Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo ta thấy hàm chứa rất nhiều nội dung phản ảnh thời kì, chế độ, đời sống của người nông dân Việt Nam khi xưa. Thông qua hình tượng nhân vật Chí Phèo và các quá trình biến đổi nhân cách, nhân tính dần tha hóa của nhân vật dưới sự khắc nghiệt của giai cấp, chế độ phong kiến khi xưa, nhà văn nêu lên ý nghĩa nhân văn của tác phẩm một cách xuất sắc.

Nội dung bài viết

Dàn ý quá trình tha hóa của Chí Phèo ngắn gọn:

Dưới đây là dàn ý quá trình tha hóa của Chí Phèo ngắn gọn và chi tiết nhất.

Mở bài phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo

– Đôi nét chân dung tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo.

– Qua tác phẩm, phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo ngắn gọn ta thấy từ một nông dân thật thà, lương thiện trở thành con người biến chất cả tâm hồn lẫn ngoại hình. Tuy vậy đâu đó trong con người hắn vẫn còn giữ được nhân tính. Những biến đổi nội tâm này được ngòi bút Nam Cao lột tả hết sức sinh động và sắc nét.

Thân bài phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo

Giới thiệu về nhân vật Chí Phèo:

– Một nông dân lương thiện, chân chất, khỏe mạnh:

– Hoàn cảnh gia đình: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không có gì trong tay.

– Tuy nhiên, Chí vẫn có được phẩm chất cao đẹp:

+ Là một con người thật thà: chăm chỉ ở thuê, cày thuê, cuốc đất nhằm mưu sinh cuộc sống làm ăn chính đáng.

+ Những ước mơ bình dị trong cuộc sống gia đình: có một căn nhà nhỏ bé, đi làm thuê cuốc mướn. Chí Phèo muốn là một người bình thường.

+ Có lòng tự tôn: Bà ba Bá Kiến kêu dậy xoa lưng, nắn chân khiến Chí cảm thấy xấu hổ, không muốn làm. Là người có ý thức giữ gìn nhân cách, đứng đắn.

– Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo:

Quá trình bị huỷ hoại ở cả tâm hồn lẫn ngoại hình:

– Nguyên nhân Chí Phèo bị tha hóa:

+ Do trận ghen tuông của Bá Kiến về vợ hắn.

+ Chế độ nhà tù phong kiến đã khiến Chí trở thành “con quỷ ác làng Vũ Đại”.

– Sau những ngày ở tù:

+ Hình dạng: “Cái đầu hói, hàm răng rụng…thâm quầng”.

⇒ Sự tha hoá của nhân hình.

+ Nhân tính: du côn, du đãng, lang thang trong cơn say xỉn, vò đầu, chửi rủa, quậy phá rồi trở thành công cụ của Bá Kiến.

⇒ Sự tha hoá của nhân tính.

Quá trình tha hoá của Chí Phèo:

Vào nhà Bá Kiến báo thù ⇒ Chí sa ngã và làm tay sai cho Bá Kiến.

⇒ Chí đã bị mất hết về nhân hình và nhân tính, là nhân vật đại diện cho hình ảnh người nông dân phải chịu nỗi uất ức đến tận cùng.

– Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo:

Khi được Thị Nở làm cho một bát cháo hành nóng hổi, trong đó Chí cảm thấy được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của người đàn bà xấu xí ma chê quỷ hờn.

– Sự việc dập tắt hi vọng của Chí Phèo:

Sự việc Thị Nở khước từ, xa lánh Chí sau khi về hỏi ý kiến của bà cô. Người cuối cùng của làng Vũ Đại cũng đã hắt hủi, chối bỏ sự tồn tại của Chí Phèo.

Kết bài phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo

– Giới thiệu một số nét đặc trưng nghệ thuật nhằm phản ánh quá trình đã biến chất nhưng nhân tính vẫn tồn tại của Chí Phèo: nghệ thuật miêu tả tâm lí, nghệ thuật điển hình hóa nhân vật…

– Khái quát suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về tác phẩm.

Tổng hợp đề văn phân tích về quá trình tha hóa của Chí Phèo

Dưới đây là tổng hợp đề văn phân tích về quá trình tha hóa của Chí Phèo được chọn lọc cẩn thận. Hi vọng sẽ hữu ích cho bạn đọc trong quá trình học tập và phân tích.

Đề bài: Bằng đoạn văn (gồm 3 – 4 câu văn) hãy tóm tắt bi kịch tha hóa của Chí Phèo từ khi mới sinh ra đến khi bị tống vào tù oan:

Chí Phèo sinh ra và bị bỏ rơi ngay từ khi chào đời. Khi lật lại những trang đời của Chí, người đọc không sao cầm được nước mắt trước hoàn cảnh rất đáng thương của Chí Phèo. Một buổi sớm tinh mơ, một người đi nhặt ống lươn đã thấy hắn xám ngắt, quấn trong một chiếc khăn bẩn, đục bên cạnh lò gạch bỏ hoang.

Chính vì thế, Chí Phèo vừa mới sinh ra đã bị hất ra khỏi rìa của cuộc sống. Sinh ra trong bất hạnh ngay cả khi vừa chào đời, Chí đã mất tất cả: mất tình thương, mất gia đình, mất đi sự thừa nhận. Điển hình cho tầng lớp cố cùng trong xã hội cũ, nhưng 20 năm đầu cuộc đời, Chí Phèo vẫn lớn lên là một người lương thiện. Chí Phèo từng có một ước mơ rất đáng trân trọng là muốn sống, muốn được xây dựng cơ nghiệp lao động bằng chính sức lực của mình và Chí đã từng ôm ấp một giấc mơ nhỏ bé đó là: có một gia đình nhỏ, chồng cày cuốc vợ dệt vải, nếu khá thì mua dăm ba sào ruộng.

Dần trưởng thành, Chí làm thuê tại nhà Bá Kiến và được vợ trẻ Bá Kiến để ý đến. Nhưng anh vẫn quyết giữ lấy nhân phẩm của mình mà từ chối. Lão Bá Kiến thấy những hành động ve vãn của vợ mình nhưng không làm gì được bèn trút giận lên Chí, tìm cách đổ oan và tống giam anh vào tù. Bọn thực dân phong kiến khi ấy chỉ quan tâm đến quyền lợi của kẻ giàu, người nông dân thấp cổ bé họng kêu oan nhưng chẳng được ai mảy may cứu giúp. Vậy là Chí đã bị nhốt giam vào tù, chịu những trận đòn roi thống khổ.

Đề bài: Qua truyện ngắn, theo em những nguyên nhân Chí Phèo bị tha hóa sau khi ra tù là gì?

Qua truyện ngắn, ta rút ra được ba nguyên nhân chính dẫn đến sự tha hóa của Chí Phèo sau khi ra tù. Nguyên nhân đầu tiên, do Chí phẫn uất chế độ, xã hội đã đẩy anh vào con đường tù tội, dập tắt tương lai tươi sáng của anh. Ở xã hội thời bấy giờ, quyền lực thuộc về kẻ có tiền, và càng khủng khiếp hơn khi kẻ ấy lại mang tâm hồn méo mó. Lão Bá Kiến ghen tuông vô lối, tống giam người vô tội chỉ vì ghen ghét, nghi ngờ vô căn cứ.

Tiếp đó, nguyên nhân thứ hai, do Tâm hồn Chí bị những trận đòn roi làm cho méo mó, tương lai tối đen chẳng còn gì, nên anh dựa vào việc làm côn đồ thuê cho lão Bá Kiến. Một khi bước chân vào con đường đen tối, người ta sẽ rất khó để rút chân ra, và Chí cũng dần dần lún sâu vào con đường tội đồ ấy.

Cuối cùng, sau khi ra tù, lại một lần nữa, Chí bị dân làng Vũ Đại xa lánh, xua đuổi vì nhân dạng đã bị biến dạng của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân thứ ba khiến Chí tha hóa. Chí phải rạch mặt ăn vạ, uống rượu say khướt để gây sự chú ý, quên đi nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn. Hắn dần triền miên trong những cơn say, chưa một lần tỉnh táo

Đề bài: Hãy viết tóm tắt những sự việc chính dẫn đến quá trình thức tỉnh của Chí Phèo:

Tác phẩm “Chí Phèo” là chuỗi nỗi khổ nối tiếp nỗi khổ của nhân vật Chí. Tuy nhiên, Nam Cao đã không ghét bỏ nhân vật của mình. Ngòi bút nhân văn Nam Cao vẫn dành cho nhân vật của mình thông qua sự việc Chí gặp Thị Nở. Chút tình người còn sót lại trong Chí, chỉ cần nhận được sự quan tâm, yêu thương của Thị thổi vào thì nó đã sống dậy mãnh liệt, bùng cháy. Thị Nở – một người sở hữu gương mặt xấu ma chê quỷ hờn đã bắt đầu cho quá trình thức tỉnh của Chí Phèo.

Nếu như từ khi ở tù về Chí Phèo triền miên trong những cơn say thì cái thức tỉnh đầu tiên sau khi gặp Thị đó chính là Chí Phèo tỉnh rượu. Chí Phèo đã thức tỉnh về mặt tâm lý khi Chí Phèo biết buồn. Hơn nữa, Chí nghe được những âm thanh náo nhiệt của dân làng Vũ Đại trong buổi sáng ngày mới. Những âm thanh đó là âm thanh gọi sự sống, như một trận gió thổi tan những giá băng của tâm hồn.

Sự thức tỉnh lần đầu sau khi tha hóa của Chí Phèo là khi hắn đã thức tỉnh về mặt lý trí và nhận ra cảnh ngộ của bản thân. Hắn tỉnh dậy, hắn bắt đầu ý thức sâu sắc về cuộc đời mình. Chí Phèo đã qua bên kia cái dốc cuộc đời nhưng cuộc đời vẫn là con số không tròn trĩnh. Hắn thấy quá khứ là tội ác còn trước mắt hắn là một trận ốm triền miên. Hắn thấm thía được sự lạnh lùng, cự tuyệt của xã hội loài người. Nếu lúc ấy Thị Nở không quay lại thì chắc hắn đã khóc một trận. Nhưng chính lúc ấy Thị Nở lại xuất hiện với bát cháo hành trên tay đầy khói nghi ngút. Chí Phèo đã thức tỉnh khát vọng về hạnh phúc, đỉnh cao của khát vọng làm người lương thiện.

Nhân vật Thị Nở là nhân vật then chốt tạo nên tình huống thức tỉnh của Chí Phèo. Cảm giác được yêu thương và chở che đã làm trỗi dậy tình yêu cuộc sống. Phần quỷ tạm thời được rũ bỏ khỏi hắn. Đó là giây phút Chí làm người lương thiện, thèm cảm giác được sống hạnh phúc với Thị Nở. Hắn còn rủ rê: “Hay là mình sang đây ở với tôi một nhà cho vui”. Nhân vật Thị Nở là người đàn bà có lòng nhân hậu, vị tha, yêu thương chân thành. Chính tấm lòng ấy đã làm bừng lên ngọn lửa lương thiện âm ỉ đâu đó trong sâu thẳm con người Chí Phèo. Chí Phèo đã đặt tất cả niềm tin vào mối tình với Thị Nở. Hắn coi Thị Nở là người mở đường, là chiếc cầu nối để đưa Chí Phèo về lại với xã hội loài người.

Đề bài: Viết đoạn văn kể tóm tắt sự việc dập tắt hy vọng của Chí Phèo

Nhà văn Nam Cao xuất hiện muộn trong trào lưu văn học hiện thực phê phán nhưng thực sự ông đã khai thác những nguồn ý tưởng độc đáo, hiếm có chưa ai nghĩ tới và sáng tạo những gì chưa từng có. Đó chính là bi kịch bị xã hội ruồng bỏ, nhân cách bị tha hóa trong tác phẩm “Chí Phèo”. Chí Phèo là một bộ mặt người chịu nhiều vết cứa, bị xã hội loài người lạnh lùng cự tuyệt và có lẽ bị cự tuyệt quyền làm người mới là nỗi đau tột cùng nhất của một con người đã từng là người hiền lành, lương thiện.

Sau khi gặp được Thị Nở, Chí được tình yêu thương làm sống dậy một lần nữa con người chất phác, hiền lành. Ấy thế nhưng bi kịch cũng đến với hắn ngay sau đó. Đáng thương thay, sau khi hỏi ý kiến bà cô và được nghe những lời đay nghiến về Chí Phèo, Thị đã thay đổi thái độ muốn về chung một nhà với hắn. Tình yêu thương vừa chớm nở nay đã tắt hẳn. Khi nghe được điều ấy, trời đất xung quanh Chí trở nên đen tối vô cùng. Thị mang đến cho hắn sự thức tỉnh, nhưng giờ cũng là người khiến hắn biết đã quá trễ để thay đổi quá khứ nhơ nhuốc của hắn. Sự thật nghiệt ngã: tất cả làng Vũ Đại, không một ai, ngay cả một người đàn bà xấu xí nhất, cũng cự tuyệt hắn, không chấp nhận và từ chối sự tồn tại của hắn. Chí Phèo thấy mọi cánh cửa đều đã đóng sập lại, và từ nay hắn không thể nào mà sống tiếp được nữa.

Kết thúc truyện ngắn là chuỗi những sự kiện đau lòng xảy đến với Chí. Lần này uống rượu, Chí không còn quên được thực tại nữa, đầu óc hắn chỉ càng thêm tỉnh táo. Câu hỏi cuối cùng Chí Phèo dành cho Bá Kiến, cũng là câu hỏi cuối cùng Chí Phèo dành cho xã hội phong kiến thối nát: “Ai cho tao lương thiện?” Nam Cao đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Chí Phèo, vừa chạm đến tình người đã có thể trút bỏ được cái lốt quỷ dữ, nhưng cuối cùng thì đã quá muộn để hắn làm một người lương thiện.

Nam Cao là một nhà văn có sở trường phân tích tâm lí nhân vật. Ông kết hợp ngôn ngữ nửa trực tiếp với lối độc thoại nội tâm để phản ánh chính xác tâm trạng của nhân vật Chí Phèo qua từng giai đoạn. Qua việc phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo, nhà văn một mặt phê phán hiện thực xã hội lúc bấy giờ, mặt khác cất lên tiếng kêu cứu cho con người, hãy cứu lấy người nông dân lương thiện đang bị xã hội đọa đày.

Xem thêm: Phân tích Tây tiến khổ 1 của nhà thơ Quang Dũng

Phân Tích, Văn Học -