Phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa” tác giả Bằng Việt đặc sắc nhất

Phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa” qua dàn ý, tổng hợp các dạng bài phân tích mẫu chi tiết. Tất cả tổng hợp trong bài viết dưới đây!

Bài phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa” sẽ mở ra cho bạn đọc những cái nhìn mới mẻ cùng những cảm nhận độc đáo về đoạn thơ này của Bằng Việt. Với những nội dung kiến thức dành cho học sinh giỏi được chọn lọc kỹ lưỡng, bài viết chắc chắn sẽ không làm các bạn phải thất vọng.

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa”

Để có thể nắm vững những chi tiết phải quan tâm, chú ý, bạn đọc đừng vội vàng bỏ qua dàn ý phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa” dưới đây. Bởi dàn bài đã giúp các bạn tổng hợp lại những ý chính trong nội dung và những đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu nhất một cách chi tiết, logic nhất.

Mở bài “Bếp lửa” khổ 6

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Giới thiệu tác giả: Bằng Việt là một cây bút được tôi luyện từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, đi giữa làng thơ Việt Nam với một tâm hồn êm dịu, nhẹ nhàng nhưng chất chứa những cảm xúc vô cùng sâu lắng, da diết.

+ Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, hiện lên như tiếng trải lòng của tác giả về miền ký ức thuở tấm bé xưa kia, nơi có bóng dáng người bà thân yêu và hình ảnh bếp lửa thân thuộc.

– Dẫn dắt vào khổ 6 của bài thơ: Cả bài thơ đều được viết lên bằng chất liệu của kỉ niệm, thế nên tình cứ chan chứa, cảm xúc cứ đong đầy, đặc biệt là ở khổ thơ 6 của tác phẩm.

Thân bài phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa”

– “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”: Kết hợp từ láy “lận đận” giàu giá trị tượng hình với hình ảnh ẩn dụ “nắng mưa”, qua đó gợi liên tưởng đến cuộc đời đầy khó khăn, nhọc nhằn của bà.

– “Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ”: Khéo léo khơi gợi quãng thời gian dài đằng đẵng được bên bà, được chứng kiến sự tần tảo, vất vả của bà.

– “Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”: Khắc họa chân dung người bà giàu tình yêu thương, sẵn sàng chịu gian khổ, hy sinh vì gia đình.

– “Nhóm”: Điệp từ được nhắc lại tới 4 lần trong một khổ thơ nhưng lại truyền tải những nội dung khắc nhau:

+ “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”: Mang ý nghĩa tả thực, bà nhóm lên ngọn lửa cháy sáng bập bùng, xua tan đi cái lạnh giá của thời tiết, một ngọn lửa có thể nhìn thấy bằng mắt.

+ “Nhóm niềm yêu thương” – “Sẻ chung vui” – “Nhóm dậy cả những tâm tình”: Mang ý nghĩa ẩn dụ, thể hiện rằng bà là người đã tiếp lửa, giúp cháu hiểu thế nào là tình thương, dạy cho cháu biết san sẻ, vun đắp cho tâm hồn cháu miền ký ức tuổi thơ đẹp đẽ.

– “Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa!”: Thán từ “Ôi” cùng với câu thơ đảo cấu trúc như càng làm cảm xúc của nhà thơ trở nên nổi bật, rõ ràng, đó là sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, trân trọng, nâng niu.

Kết bài ý nghĩa “Bếp lửa” khổ 6

– Khái quát giá trị nghệ thuật, nội dung:

+ Giá trị nội dung: Thể hiện chân dung người bà tần tảo, vất vả, giàu sự hy sinh, qua đó cho thấy tấm lòng biết ơn sâu sắc, tình cảm da diết, dạt dào mà Bằng Việt dành cho người bà đáng kính ấy của mình.

+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng khéo léo các hình ảnh gợi nhiều liên tưởng, vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ như điệp ngữ, ẩn dụ, đảo ngữ.

– Nêu cảm nhận của bản thân về khổ thơ 6 và cả bài “Bếp lửa”.

Tổng hợp các dạng bài phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa”

Bài viết cũng đã giúp các bạn tổng hợp các dạng bài phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa” thường gặp cùng các bài viết mẫu hay nhất. Nếu muốn đạt điểm số thật cao, đừng vội vàng bỏ qua bạn nhé.

Đề bài: Viết đoạn văn nêu lên nội dung khổ 6 “Bếp lửa”

“Bếp lửa” có thể được coi là sáng tác đặc sắc nhất đời thơ của Bằng Việt. Nếu ở những khổ thơ đầu, nhà thơ tập trung tái hiện những ký ức tuổi thơ khốn khó mà đẹp đẽ bên bà. Thì ở khổ thơ 6, ông lại dùng ngòi bút để vẽ lên chân dung người bà tần tảo, giàu đức hy sinh. để viết lên những tiếng lòng biết ơn, yêu thương chân thành nhất của mình:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Để nói về cuộc đời của bà, chẳng còn từ ngữ nào thích hợp hơn mấy chữ “lận đận” và “nắng mưa”. Bao khó khăn, gian khổ, bà cứ một mình gánh vác, bao nhọc nhằn, vất vả, bà cứ một mình lo toan. Những hy sinh to lớn của bà bao la, vô tận, không thể nào mà đong đếm được nữa, chỉ có thể lượng hóa bằng cụm từ “biết mấy” mà thôi. Thế mới thấy, công sức, sự cam chịu, tần tảo của bà đong đầy đến nhường nào.

“Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”

Dù thời gian có trôi qua, mọi thứ đều đổi thay thì có một điều vẫn mãi bất biến, đó là “thói quen dậy sớm” của bà. Dường như đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó đã ăn sâu vào máu của những người bà, thế nên có “mấy chục” năm đi chăng nữa, bà vẫn tần tảo sớm hôm như vậy. Bà dậy sớm để “nhóm” lên “bếp lửa ấp iu nồng đượm”. Ngọn lửa được bà nhen nhóm sẽ sưởi ấm cho ngôi nhà, xua tan mọi giá rét, để cho cháu có một giấc ngủ yên lành.

“Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

Cũng từ ngọn lửa sáng sớm ấy, bà nấu những bữa cơm chỉ có “khoai sắn” nhưng lại “ngọt bùi” đến lạ kỳ, hay những “nồi xôi gạo” đầy ắp những niềm vui. Bà “nhóm” bếp lửa, cũng chính là “nhóm” lên trong cháu những tình yêu thương, những niềm hạnh phúc được sẻ chia. Bà đã cho cháu biết thế nào là hơi ấm của tình cảm gia đình, dạy cho cháu hiểu giá trị của sự san sẻ. Và cũng từ những điều nhỏ nhoi ấy, bà đã “nhóm” lên những tâm tình tuổi trẻ”. Nhờ có bà mà cháu mới có ước mơ, nhờ có bà mà cháu có một tuổi thơ nhuốm màu của cổ tích.

“Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”

Trước những công lao to lớn ấy của người bà, Bằng Việt không thể nào kìm lòng mà phải thốt lên tiếng “ôi” đầy ngỡ ngàng, thảng thốt. Nhà thơ bất ngờ vì sự hy sinh của bà quá vĩ đại, trái tim của bà quá lớn lao. Cả hình ảnh bà và bếp lửa, đều đã trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong ký ức của ông, lúc nào cũng mang vẻ đẹp rất “kỳ lạ và thiêng liêng”.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận khổ 6 bài “Bếp lửa”

Chỉ cần nhắc đến cái tên Bằng Việt, người ta nhớ đến ngay những vần thơ êm dịu, nhẹ nhàng, những dòng chảy của tâm tình, cảm xúc đang len lỏi, lắng đọng trong trái tim. Bởi lẽ, gần như tác phẩm nào của ông cũng nhẹ nhàng nhưng lại chứa chở những nỗi niềm rất sâu sắc. Bài thơ “Bếp lửa” được ông viết năm 1963 là một trong số đó. Đây có thể coi là những vần thơ yêu thương mà Bằng Việt tặng riêng cho người bà của mình, tấm lòng yêu thương ấy được thể hiện rõ nhất ở khổ thơ 6 của bài thơ:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Bằng Việt đã có một tuổi thơ sống gắn bó bên bà. Quãng thời gian ấy đủ dài để ông chứng kiến được những “lận đận” của cuộc đời người bà. Đó là đày mình trong “nắng mưa”, gồng mình trong giông tố. Bà hy sinh tất cả để nuôi cháu lớn khôn, một mình chịu đựng mọi gian nan, bất hạnh để cho cháu một ký ức đẹp đẽ. Biết bao khó khăn, biết bao nhọc nhằn, chẳng thể nào đong, chẳng thể nào đếm. Cuộc đời bà vì cháu mà cũng “lận đận” như thân cò đáng thương:

“Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”

Dù có “mấy chục” năm trôi qua, bà “vẫn giữ thói quen dậy sớm”. Cái đức tính tần tảo sớm hôm, chịu thương chịu khó đã trở thành một điều bất biến giữa dòng đời lắm đổi thay. Bà dậy sớm để làm gì ư? Để bà “nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm”. Bếp lửa bà nhen nhóm nồng tình yêu thương và đượm nghĩa hy sinh, bếp lửa cứ bập bùng cháy, bập bừng sáng, sưởi ấm cả mùa đông lạnh giá, xua tan bóng tối của đêm dài.

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

Bà không chỉ “nhóm” lên bếp lửa, bà còn “nhóm” lên cả “niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi”, cả “nồi xôi gạo mới sẻ chung vui”, và cả “những tâm tình tuổi nhỏ”. Chỉ với nồi khoai sắn mộc mạc, nồi xôi gạo giản đơn, bà đã dạy trái tim cháu biết yêu thương, biết san sẻ, đùm bọc. Bà đã tiếp cho cháu hơi ấm của tình thân, giữ cho cháu giá trị cốt lõi của chữ “người”, truyền cho cháu khát khao, hy vọng và tạo ra cho cháu “những tâm tình tuổi nhỏ”. Có thể thấy, tuổi thơ của Bằng Việt đẹp đẽ vì có bà, hồn thơ Bằng Việt nồng đượm vì có hơi ấm của bếp lửa.

“Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”

Hẳn đây là lý do khiến nhà thơ mỗi lần nhớ đến, trái tim ông lại xao xuyến, quặn thắt. Bằng Việt phải thốt lên một tiếng “ôi” chứa chở đầy tâm trạng, cảm xúc. Trong ký ức của ông, bếp lửa mãi “kỳ lạ và thiêng liêng” như hình ảnh của bà mãi lung linh và sáng tỏ.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích đặc sắc nghệ thuật khổ 6 bài “Bếp lửa”

Phải nói rằng, Bằng Việt đã khéo léo kết hợp rất nhiều chi tiết nghệ thuật đặc sắc để viết lên “Bếp lửa” nói chung và khổ thơ 6 của bài thơ nói riêng:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm:

Đầu tiên phải kể đến phép đảo ngữ đầy sáng tạo và độc đáo trong câu thơ thứ nhất và câu thơ cuối. Từ láy “lận đận” được đảo lên đầu câu, trước chủ ngữ “đời bà”, qua đó nhấn mạnh những khó khăn, vất vả của bà. Bà lúc nào cũng tần tảo sớm hôm, hy sinh mọi thứ vì gia đình, con cháu. Còn việc chủ ngữ “bếp lửa” được đặt ở cuối câu, đã tạo nên một kết cấu đầu cuối tương hỗ, đồng thời làm nổi bật những tâm tình, cảm xúc mà tác giả dành cho bà và cho bếp lửa.

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

Tiếp đến là phép tu từ điệp ngữ, kết hợp với các hình ảnh giàu sức gợi, mang đầy dụng ý nghệ thuật của Bằng Việt. Chỉ trong một khổ thơ, từ “nhóm” được lặp lại tới 4 lần với những lớp nghĩa khác nhau. Từ “nhóm” đầu tiên mang ý nghĩa tả thực, tái hiện hình ảnh của ngọn lửa thật. Còn 3 từ “nhóm” còn lại thì mang nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho những ẩn ý sâu xa của việc bà nhóm lửa. Phép tu từ này đã thay Bằng Việt cụ thể hóa, cũng như nhấn mạnh công lao của bà.

Cụ thể, bà nhóm bếp lửa, nhóm luôn cả tình thương, tình người, cả niềm tin, hy vọng trong trái tim cháu. Bên cạnh đó là việc sử dụng các hình ảnh thơ rất đẹp, gợi nhiều liên tưởng. Những hình ảnh này cùng với giọng thơ nhẹ nhàng, da diết đã khẽ khàng, lặng lẽ gieo vào lòng người đọc những cảm nhận rất chân thành, sâu lắng.

Như vậy, chẳng có gì sai khi nói khổ 6 là khổ thơ đặc sắc nhất trong tác phẩm “Bếp lửa” của Bằng Việt. Những vần thơ ấy cứ thế ngân nga, vang vọng rồi để lại trong trái tim người đọc nỗi nhung nhớ không nguôi. Rất mong rằng, với những kiến thức được cung cấp trong bài phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa”, các bạn sẽ gặt hái được những điểm số thật cao với môn Ngữ văn 9. 

Xem thêm: Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Xuân Quỳnh hay và đầy đủ nhất

Phân Tích, Văn Học -