Phân tích khổ 5 bài “Sóng” tác giả Xuân Quỳnh ngắn gọn nhất

Phân tích khổ 5 bài “Sóng” qua dàn ý, soạn bài chi tiết, dễ hiểu. Tất cả tổng hợp trong bài viết dưới đây, bạn đọc hãy tham khảo nhé!

Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là tiếng thơ yêu chân thành, da diết nhưng cũng vô cùng cuồng nhiệt, cháy bỏng. Bài viết phân tích khổ 5 bài “Sóng” dành cho học sinh giỏi dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về những cung bậc, cảm xúc đầy thi vị khi trái tim biết yêu này.

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích khổ 5 bài “Sóng”

Bài viết sẽ cung cấp cho các bạn dàn ý phân tích khổ 5 bài “Sóng” hay và chi tiết nhất. Dàn ý này sẽ cung cấp cho các bạn học sinh lớp 12 những nội dung cơ bản và chi tiết nghệ thuật cần phải chú ý.

Mở bài phân tích khổ 5 bài “Sóng”

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Giới thiệu tác giả: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, nổi bật với hồn thơ lãng mạn, tha thiết, chân thành nhưng cũng vô cùng nồng cháy.

+ Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” có thể coi là tác phẩm đặc sắc nhất của Xuân Quỳnh.

– Dẫn dắt vào vấn đề: “Sóng” là bản tình ca, là tiếng yêu say đắm và là nỗi nhớ da diếtt của trái tim người con gái, tất cả những xúc cảm ấy đã được Xuân Quỳnh gửi gắm trong khổ 5 của bài thơ.

Thân bài phân tích khổ 5 bài “Sóng”

– 4 câu thơ đầu:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

+ “Dưới lòng sâu”: Con sóng ẩn sâu dưới lòng đại dương, rất khó để nhìn thấy.

+ “Trên mặt nước”: Đây là tầng không gian đối lập với “dưới lòng sâu”, nơi có những con sóng ồ ạt, nhảy múa trên mặt nước, có thể nhìn thấy rõ ràng.

+ “Con sóng”: Được điệp lại 3 lần trong một khổ thơ, làm liên tưởng đến lớp lớp con sóng cuộn trào, tượng trưng cho nỗi nhớ không ngừng dâng trào trong trái tim người con gái.

+ “Ngày đêm không ngủ được”: Nỗi nhớ thường trực, làm thay đổi mọi thói quen sống, xâm chiếm cả không gian và thời gian.

+ Kết luận: Con sóng dù tồn tại ở trạng thái, tầng không gian nào cũng mang một nỗi nhớ bờ da diết, nồng nàn, nỗi nhớ ấy vô tận, làm xóa nhòa mọi ranh giới không gian, làm lu mờ mọi khác biệt thời gian, gợi liên tưởng đến nỗi nhớ về “anh” trong “em”.

– 2 câu thơ cuối:

+“Lòng em nhớ đến anh”: Sóng là hình tượng ẩn dụ của “em”, thế nên sóng luôn nhớ bờ có nghĩa là “em” luôn nhớ đến “anh”.

+ “Cả trong mơ còn thức”: Nỗi nhớ về “anh” trong “em” hiện hữu khi “em” thức và cả khi “em” đã ngủ, đã rơi vào trạng thái vô ý thức, cho thấy nỗi nhớ không chỉ được khắc ghi nơi ý thức mà còn in hằn nơi tiềm thức.

+ Kết luận: Nỗi nhớ của “em” thậm chí còn đong đầy, nồng nàn hơn cả con sóng nhớ bờ, nỗi nhớ khắc khoải, thường trực, là biểu hiện, minh chứng của một tình yêu chân thành, thật lòng.

Kết bài phân tích khổ 5 bài “Sóng”

– Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật:

+ Giá trị nội dung: Khổ thơ là những tiếng nhớ thương da diết, cuộn trào, vô tận, chẳng thể nguôi mà người con gái dành cho người thương của mình.

+ Giá trị nghệ thuật: Xuân Quỳnh đã rất sáng tạo trong việc sử dụng hình tượng ẩn dụ con sóng, khéo léo trong cách dùng các biện pháp tu từ như điệp cấu trúc, phép đối để diễn tả ý thơ của mình.

– Nêu cảm nhân riêng của bản thân về khổ thơ.

Soạn bài phân tích khổ 5 bài “Sóng”

Với mong muốn cung cấp cho các bạn học sinh 12 tài liệu tham khảo chi tiết và chất lượng nhất, bài viết đã cập nhật thêm soạn bài phân tích khổ 5 bài “Sóng” dưới đây. Hãy cùng tham khảo để đạt được điểm số thật ấn tượng nhé.

Nội dung, nghệ thuật khổ 5 bài Sóng

– Nội dung:

+ Mượn hình ảnh con sóng nhớ bờ để thể hiện trọn vẹn nhất nỗi nhớ thương mà người con gái dành riêng cho chàng trai của mình.

+ Sóng nhớ bờ đến “ngày đêm không ngủ được” thì “em” nhớ “anh” đến “cả trong mơ còn thức”, nỗi nhớ người yêu tha thiết, thường trực và cuộn trào.

+ Nỗi nhớ là một cảm xúc không thể thiếu của tình yêu, là một giai điệu giúp bản tình ca của đôi lứa mãi nồng nàn, mãi đắm say.

– Nghệ thuật:

+ Thể thơ năm chữ giúp âm điệu thơ trở nên rạo rực, sôi động nhưng vẫn rất sâu lắng như âm điệu của những con sóng biển, như cảm xúc của người phụ nữ khi yêu.

+ Giọng thơ vừa vừa mãnh liệt, nồng cháy, vừa sâu lắng, chân thành, vừa hồn nhiên, nữ tính, cho thấy một hồn thơ rất tình, rất thật của Xuân Quỳnh.

+ Hình ảnh ẩn dụ “sóng” đầy sáng tạo, giúp thể hiện đầy đủ mọi cung bậc, mọi xúc cảm trong tình yêu.

+ Biện pháp tu từ lặp cấu trúc, lặp từ, đối cũng được sử dụng, làm khổ thơ thêm đặc sắc, ý thơ thêm sống động.

Cảm nhận khổ 5 bài Sóng

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, 

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”

Mỗi nhà thơ, nhà văn lại có cho mình một định nghĩa riêng về tình yêu, và Xuân Quỳnh – cây bút được mệnh danh là “nữ hoàng thơ tình” cũng vậy. Quan điểm khác biệt ấy được bà thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Sóng” được sáng tác năm 1967. “Sóng” là tiếng lòng tha thiết, sâu lắng nhưng vẫn rất cuồng nhiệt, cháy bỏng của Xuân Quỳnh về tình yêu, và cũng ở đó, nhà thơ thể hiện cái tôi yêu rất cá tính, rất mới mẻ và hiện đại của mình.

Đặc biệt, bằng cách thả vào “Sóng” những cung bậc chân thành cùng những giai điệu tinh tế nhất, Xuân Quỳnh đã khiến người đọc phải đem biết bao niềm ngưỡng mộ đối với bản tình ca của người con gái ấy. Trước hết là nỗi nhớ đong đầy, cuộn trào được thi sĩ khắc họa ở khổ thơ thứ 5 của bài thơ:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967, trích trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Hình tượng “sóng” và “em” là 2 hình tượng xuyên suốt bài thơ, là sáng tạo nghệ thuật đặc sắc giúp nhà thơ giãi bày những nỗi niềm của tình yêu. “Sóng” là “em” và “em” cũng là sóng, tình yêu sóng dành cho bờ vô tận, dạt dào, tình yêu “em” dành cho “anh” cũng là mãi mãi, là sâu đậm. Qua ngòi bút của Xuân Quỳnh, “sóng” vừa mang vẻ đẹp truyền thống, vừa mang vẻ đẹp hiện đại, do vậy tình yêu trong thơ của thi sĩ cũng vừa quen thuộc, vừa độc đáo.

“Dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” là hai tầng không gian đối lập nhau. Sóng “dưới lòng sâu” là con sóng chìm sâu dưới lòng đại dương, lặng lẽ trôi, âm thầm chảy. Còn sóng “trên mặt nước” là con sóng sủi bọt nước trắng xóa, cứ mạnh mẽ cuộn trào, tự do nhảy múa trên mặt biển. 2 hình ảnh con sóng tồn tại ở những thể không gian, trạng thái khác nhau nhưng chúng đều mang chung một nỗi niềm, đó là “nhớ bờ”. Thật vậy, dù con sóng có đến từ đâu, êm dịu hay ồn ào thì cũng chỉ có một đích đến là bờ mà thôi.

“Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Nỗi nhớ trong người con gái cũng vậy. Có những nỗi nhớ được thể hiện rõ ràng nơi lời nói, hành động, nhưng cũng những nỗi nhớ chỉ được chôn sâu nơi lồng ngực thiếu nữ còn e thẹn. Những nỗi nhớ ấy khác nhau trong cách bày tỏ nhưng lại giống nhau về sự nồng nàn, da diết và khắc khoải.

Cũng bằng cách sử dụng phép đối này, không gian trong thơ Xuân Quỳnh như được mở rộng ra đến bao la, mênh mông và vô tận. Như thế mới đủ để thấy, nỗi nhớ con sóng dành cho bờ da diết đến nhường nào. Sóng nhớ bờ đến “ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ đã xâm chiếm cả không gian và thời gian, để rồi cuộc sống của sóng bị ảnh hưởng, bị đảo ngược. Ngày nhớ, đêm mong, nỗi nhớ thường trực và ám ảnh. Tự hỏi rằng, sóng mang trong mình nỗi nhớ hay sóng chính hiện thân của nỗi nhớ. 

Nỗi nhớ trong “sóng” cứ như thế miên man, ngân nga, vỗ từng nhịp vào tâm hồn người đọc, để rồi dẫu đất trời có đổi thay, thời gian có ngừng lại, thì sóng vẫn chảy mãi, vẫn da diết và ôm lấy bờ, trường tồn như nỗi nhớ trong trái tim của những kẻ đang yêu. Sóng là “em” và “em” là sóng, sóng nhớ bờ có nghĩa là “em” nhớ “anh”:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Có thể thấy, nỗi nhớ trong “em” thậm chí còn đong đầy, rạo rực hơn cả nỗi nhớ bờ của con sóng. Sóng nhớ bờ chỉ “ngày đêm không ngủ được”, còn “em nhớ đến anh” thì “cả trong mơ còn thức”. Có nghĩa nỗi nhớ chẳng những chiếm lấy không gian, thời gian, in hằn trong ý thức mà còn đi sâu vào tiềm thức, khiến cuộc sống của em chỉ quẩn quanh nỗi nhớ và niềm mong. Nỗi nhớ ấy luôn dạt dào, bao la, rộng lớn như đại dương đong đầy sóng biển.

Bằng cách dùng không gian để đo nỗi nhớ, thời gian để đếm niềm mong mỏi, đợi chờ, lấy hiện thực, mộng mơ để tính độ nồng nàn, da diết, Xuân Quỳnh đã cho thấy một trái tim nhạy cảm, dễ rung động cùng một tâm hồn luôn bồi hồi, khao khát được yêu thương. Ý thơ của Xuân Quỳnh là ta nhớ đến những câu ca dao xưa:

“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”

Hay: 

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than”

Ngay đến Nguyễn Bính – chàng thi sĩ chân quê khi yêu cũng từng thổ lộ nỗi niềm thầm thương trộm nhớ đầy duyên dáng, đằm thắm thôn quê:

“Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người”

Tình yêu luôn đi liền, song hành cùng nỗi nhớ, có một nhà thơ cũng từng trải lòng mình rằng:

“Người ơi! Giờ em biết phải làm sao?

Khi nỗi nhớ thương luôn dâng trào

Em muốn thét gào lên cho cả thế giới biết rằng …

Em đang yêu …”

Khổ 5 có thể được xem là khổ thơ đem lại ấn tượng mạnh mẽ nhất cho người đọc trong tác phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh. Với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, khổ thơ hiện lên như những tiếng lòng chất chứa của người phụ nữ khi yêu, tiếng lòng ấy là nhớ, là thương, là mong chờ. Hy vọng rằng, qua bài phân tích khổ 5 bài “Sóng”, các bạn lớp 12 bạn tự tin và không còn phải lo nghĩ quá nhiều về việc làm sao để viết được bài văn hay, ấn tượng nhất. 

Xem thêm: Phân tích khổ 2 bài “Vội vàng” tác giả Xuân Diệu đặc sắc nhất

Phân Tích, Văn Học -