Phân tích nhân vật Đan Thiềm

Phân tích nhân vật Đan Thiềm qua phân tích ngắn gọn, phù hợp với thi học sinh giỏi. Tất cả tổng hợp trong bài viết dưới đây!

Chúng tôi đã dành rất nhiều tâm huyết để chọn lọc ra những bài viết chất lượng và đặc sắc nhất, từ đó tổng hợp thành bài phân tích nhân vật Đan Thiềm gửi tặng đến bạn đọc. Chỉ cần bỏ chút thời gian để tham khảo, các bạn chắc chắn sẽ đạt được kết quả cao khi gặp phải yêu cầu liên quan đến nhân vật này của Nguyễn Huy Tưởng.

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích nhân vật Đan Thiềm

Bài phân tích trước hết bao gồm một dàn ý phân tích nhân vật Đan Thiềm. Đừng vội vàng bỏ qua nếu bạn muốn ghi nhớ những nội dung chính một cách nhanh chóng nhưng vẫn đầy đủ.

Mở bài: Tác giả, tác phẩm

– Giới thiệu tác giả: Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) lớn lên trong một gia đình nho giáo, nhưng lại giác ngộ cách mạng từ rất sớm và hoạt động trong những tổ chức văn hóa văn nghệ do Đảng tổ chức, với ngòi bút thiên về khai thác các vấn đề lịch sử, văn hóa, ông đã góp công lớn trong việc làm phong phú thêm kho tàng tiểu thuyết, kịch cho văn học Việt Nam.

– Giới thiệu tác phẩm: “Vũ Như Tô” là vở kịch năm hồi tái hiện một sự kiện tàn khốc đã xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517 dưới thời vua Lê Tương Dực, đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” được trích từ hồi V của vở kịch này.

– Dẫn dắt vấn đề: Đan Thiềm là nhân vật đã được tác giả dày công sáng tạo và khắc họa, để rồi nhân vật hiện lên như một biểu tượng của sự say mê và yêu thích cái đẹp.

Thân bài phân tích nhân vật Đan Thiềm

– Giới thiệu khái quát về nhân vật Đan Thiềm:

+ Đan Thiềm có thân phận là một cung nữ hầu hạ trong cung vua.

+ Đan Thiềm là người yêu thích cái đẹp và say mê cái tài.

+ Chính vì sự đồng điệu trong sở thích và lẽ sống, Đan Thiềm đã trở thành người tri âm, tri kỷ, bầu bạn duy nhất của Vũ Như Tô ở triều đình.

– Đan Thiềm – một cung nữ yêu cái tài, cái đẹp chân chính:

+ Chứng kiến tài năng kiệt xuất của Vũ Như Tô, Đan Thiềm đem lòng ngưỡng mộ.

+ Bởi tấm lòng quá ngưỡng mộ, kính nể, và tình yêu dành cho cái đẹp, Đan Thiềm không muốn một tài năng bị chôn vùi uổng phí.

+ Đan Thiềm đã thuyết phục Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài, với mục đích để lại một kiệt tác kiến trúc “bền như trăng sao”, để lại cho đời một cái đẹp trường tồn.

+ Đan Thiềm luôn giúp đỡ, động viên, khích lệ Vũ Như Tô xây đài và cùng sát cánh, ở bên, giúp ông bảo vệ đài.

+ Nhận thấy đài không thể giữ được nữa, Đan Thiềm dốc lòng, dốc sức khuyên Vũ Như Tô trốn chạy: “Ông Cả! Ông chạy đi! Ông có nghe tiếng gì không? Quân giặc đang tìm ông đấy: trốn đi!”.

+ Đan Thiềm đau xót, tiếc thương thay cho cái tài của Vũ Như Tô, vì thế không muốn ông phải chịu những bi kịch hành hạ, không muốn tài năng ấy bị mãi mãi mất đi: “Không được! Tôi chết đi không hại cho đời. Còn ông, ông phải đi đi mới được”.

+ Đan Thiềm tình nguyện được chết thay cho Vũ Như Tô, điều này càng làm nổi bật sự, yêu quý và đắm say cái đẹp, cái tài của người cung nữ này: “Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết!”.

+ Đan Thiềm đau đớn tột cùng khi không thể cứu được Vũ Như Tô, không thể bảo vệ cái đẹp, cái tài kiệt xuất cho hậu thế.

– Đan Thiềm yêu và say mê cái đẹp theo một cách rất tỉnh táo, vẫn đủ lý trí để phân biệt phải, trái và nghĩ cho tương lai:

+ Đan Thiềm là người nhạy bén, tinh tế, thông minh, đã nhận thức được sự nổi loạn của đám thợ thuyền.

+ Đan Thiềm cũng là người ý thức được Cửu Trùng Đài không thể nào giữ được nữa, nên đã khuyên nhủ Vũ Như Tô chạy trốn.

+ “Ông đừng mơ mộng nữa. Dân chúng nông nổi, dễ sinh tàn ác. Họ không hiểu công việc của ông”: Có thể thấy, trong lúc nguy hiểm, Đan Thiềm vẫn đủ khả năng để nhận thức tình thế, hoàn cảnh một cách rõ ràng, thuyết phục Vũ Như Tô.

+ “Các người chỉ nói những điều quá quắt” khi bị quân khởi loạn vu oan cho tiếng xấu: “Mày chết để chồng mày sống”: Thể hiện Đan Thiềm luôn đứng về lẽ phải, không cho phép những điều sai trái, phi nghĩa tồn tại, do vậy đã mạnh mẽ phản kháng.

+ Tuy nhiên, thời thế loạn lạc, Đan Thiềm vừa phải chịu nỗi oan nhơ nhuốc, vừa phải chứng kiến Vũ Như Tô bị hành hình ở pháp trường.

Kết bài phân tích Đan Thiềm

– Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật:

+ Giá trị nội dung: Đoạn trích đã khắc hoạ thành công nhân vật Đan Thiềm với niềm say mê cái tài, cái đẹp sâu sắc, qua đó cho thấy một mâu thuẫn muôn thuở, muôn đời giữa nghệ thuật với đời thực, giữa lý tưởng cao đẹp tương lai với lợi ích thiết thân của nhân dân hiện tại.

+ Giá trị nghệ thuật: Đoạn trích là sự kết hợp khéo léo, hài hòa của ngôn ngữ kịch điêu luyện, mang tính tổng hợp cao, nhưng vẫn rất chân thực, giàu cảm xúc, và cách dẫn dắt độc đáo, giúp xung đột kịch được đẩy lên tới cao trào.

– Nêu cảm nhận riêng về nhân vật Đan Thiềm và đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”.

Phân tích nhân vật Đan Thiềm ngắn gọn

Dưới đây là bài phân tích nhân vật Đan Thiềm ngắn gọn được tuyển chọn kỹ càng từ rất nhiều bài viết khác. Dù ngắn gọn nhưng nội dung lại vô cùng đầy đủ, câu từ cũng rất được chau chuốt.

Bài làm

“Vũ Như Tô” là vở kịch đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng, chứng minh cho tài năng của ông đối với lĩnh vực văn học này. Tác phẩm đã tái thành công trong việc hiện chân dung người nghệ sĩ Vũ Như Tô yêu cái đẹp và chết cũng vì cái đẹp. Ngoài ra, tác phẩm gây ấn tượng với người đọc còn bởi tuyến nhân vật phụ độc đáo, đặc biệt là nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”.

Nếu Nguyễn Huy Tưởng ưu ái dành cho nhân vật Vũ Như Tô cái tài năng hiếm có cùng tình yêu đong đầy, vô tận dành cho cái đẹp, thì với Đan Thiềm, ông lại trao cho nhân vật này nỗi khao khát cháy bỏng, sự say mê nồng nhiệt và niềm trân trọng sâu sắc đối với cái tài. Để rồi khi Vũ Như Tô vì sự cương trực, ghê tởm trước thói ăn chơi, hoang dâm vô độ của vua mà nhất quyết không đồng ý xây dựng Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm đã dốc lòng, dốc sức khuyên nhủ ông thay đổi ý kiến.

Đan Thiềm muốn Vũ Như Tô lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực mà xây dựng lên một kiệt tác cung đình, muốn cái tài được trọng dụng, lưu danh, muốn hậu thế được chiêm ngưỡng một công trình tranh tinh xảo với hóa công. Thế mới thấy, nhân vật này không chỉ hướng tới cái đẹp hào nhoáng nhất thời, ngược lại, cái đẹp mà nàng ta tôn thờ, trân quý mang giá trị thiêng liêng, cao cả, đó là vì đất nước của tương lai. Thế nhưng:

“Giúp người mà chẳng lo xa, 

Gây mầm tai họa, máu sa ngập đường”. 

Đan Thiềm là người khuyên nhủ Vũ Như Tô ở lại xây dựng Cửu Trùng Đài và bạo loạn xảy ra, cũng chính Đan Thiềm là người khuyên buông bỏ tất cả để bỏ trốn. Những người dân nghèo khổ ngoài kia chỉ biết đến ông cả Vũ Như Tô, người có cái mong muốn “quái ác” mà đẩy họ xuống hố sâu tuyệt vọng, chứ nào đâu biết cái nguyên nhân sâu xa dẫn đến cớ sự này. Bởi lẽ “Khi dân nổi lên, họ nông nổi vô cùng. Họ không phân biệt phải trái”. Nhưng trong cái nghịch cảnh trớ trêu này, thật khó để biết cái đúng, cái chính nghĩa thuộc về bên nào. Bên Vũ Như Tô, Đan Thiềm hy sinh vì nghệ thuật, cái đẹp ư? Hay bên tầng lớp nhân dân thấp cổ bé họng bị gông cùm xiềng xích ư?

Đan Thiềm tôn thờ, ngưỡng mộ tài năng kiệt xuất của Vũ Như Tô, nguyện đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm để ông được bình an. Nàng ta toan tính đủ đường, hết dốc lòng khuyên nhủ ông bỏ trốn đến quỳ gối xin chút ân huệ nơi kẻ nổi loạn. Đáng tiếc thay, tất cả là vô ích, là vô nghĩa mà thôi. Mọi thứ đều đang dần sụp đổ, biến mất trước mắt của nàng. Còn nỗi đau nào xót xa hơn thế, Đan Thiềm phải tận mắt chứng kiến những gì mình trân trọng, nâng niu, dày công gây dựng, ngày đêm ao ước bị chà đạp, bị hành hạ, bị giày xéo.

Tấm lòng yêu cái tài, cái đẹp của Đan Thiềm còn được khắc họa rõ nét hơn trong phân đoạn nàng ta chấp nhận quỳ gối dưới chân quân phiến loạn, chỉ để cầu xin cho Vũ Như Tô được sống. Đan Thiềm khẩn thiết: “Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết. Nhưng xin tướng quân tha cho ông Cả. Ông ấy là một người tài”. Chỉ vì một chữ “tài” mà đến mạng sống nàng cũng chẳng cần, chỉ cần người tri kỷ nàng tôn thờ, ngưỡng mộ được bình an. Đan Thiềm sẵn sàng chết thay cho Vũ Như Tô, để cái đẹp được trường tồn: “Tha cho ông Cả. Tôi xin chịu chết”. Thế mới thấy, Đan Thiềm đã coi cái tài, cái đẹp là lẽ sống của đời mình, nàng nguyện hiến dâng mạng sống để nghệ thuật có cơ hội được thăng hoa.

Đến cuối cùng, Cửu Trùng Đài sụp đổ, cả Vũ Như Tô, Đan Thiềm đều bỏ mạng. Đau đớn đấy, đắng cay đấy, nàng ta hy sinh tất cả nhưng lại chẳng cứu vớt được gì. Nhưng dẫu vậy, Đan Thiềm vẫn không hề oán trách Vũ Như Tô một lời nào, nàng vẫn gắng gượng mà dành cho con người tài năng ấy lời từ biệt hết sức chân thành và đầy tôn thờ, ngưỡng vọng: “Ông Cả! Đài lớn tan tành! Ông Cả ơn! Xin cùng ông vĩnh biệt!”.

Phân tích nhân vật Đan Thiềm học sinh giỏi

Thêm một bài phân tích mẫu nữa dành cho bạn đọc, đặc biệt đây là bài phân tích nhân vật Đan Thiềm học sinh giỏi. Hãy cùng tham khảo nhé.

Bài làm

Nói đến đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” của Nguyễn Huy Tưởng, ngoài nhân vật chính là Vũ Như Tô, người ta còn nhắc mãi đến một nhân vật khác. Đó chính là Đan Thiềm, một người phụ nữ đem lòng say mê và tôn thờ cái tài. Dù chỉ xuất hiện với vai trò nhân vật tuyến phụ, nhưng rõ ràng, Đan Thiềm hiện lên vô cùng sắc nét và nổi bật, góp phần tô điểm thêm cho nhân vật trung tâm, qua đó thể hiện đầy đủ những tư tưởng, vấn đề mà tác phẩm muốn truyền tải.

Dẫu xuất thân từ một cung nữ thấp hèn, nhưng Đan Thiềm lại thông minh, nhạy bén và thức thời đến lạ kỳ. Đan Thiềm đã phát hiện ra mầm mống bạo loạn của đám thợ thuyền, và cũng chính nàng – người ý thức được sự xoay chuyển của hoàn cảnh. Sẽ chẳng có sự nương tay, nhân nhượng, sẽ chẳng còn cơ hội để Cửu Trùng Đài được đứng sừng sững trong dòng chảy của thời gian. Ngay lúc này đây, tính mạng của nàng, của Vũ Như Tô cũng rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc.

Dường như, Đan Thiềm chẳng mảy may quan tâm đến tính mạng của mình, đến an nguy của công trình thế kỷ. Bởi lẽ, điều duy nhất nàng để ý là cái đẹp, là cái tài, là ngày mai của hậu thế, mà Vũ Như Tô sống là tất cả đều còn. Thế nên, Đan Thiềm chỉ đau đáu lo lắng cho an nguy, vận mệnh của người thợ cả ấy thôi.

Đan Thiềm thảng thốt, khẩn cầu Vũ Như Tô tìm đường trốn: “Ông phải trốn đi, Ông phải trốn đi”. Quân phiến loạn ngày càng hung hãn, truy lùng khắp nơi để bắt cho được Vũ Như Tô. Trước tình thế hỗn loạn, nguy hiểm ấy, chỉ còn một cách là “trốn đi để chờ cơ hội khác”. Nếu Vũ Như Tô còn chìm trong niềm tin mù quáng thì Đan Thiềm đã nhìn nhận được sự thật “Đại sự hỏng rồi”. Đài sụp nhưng khát khao lưu truyền cái đẹp, cái tài vẫn cháy bỏng, nồng nàn và da diết. Đan Thiềm đau xót mà bật lên những lời tâm tình có sức nặng như căn dặn, trải lòng: “Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa”.

Có thể thấy, so với Vũ Như Tô, Đan Thiềm có phần tỉnh táo, sáng suốt hơn, nhưng suy xét cho cùng, nàng ta vẫn có vài phần nông nổi, hạn hẹp. Lo lắng cho nước non mai sau, cho tương lai của hậu thế là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng, thế nhưng nàng lại vô tình quên mất nỗi đau hiện tại của những người dân, những người gồng mình nộp từng đồng sưu, suất thuế. Đan Thiềm không sai khi muốn bảo vệ người tài có “năng lực siêu việt” như Vũ Như Tô, nhưng lại chưa đủ sâu sắc để nhìn thấy Cửu Trùng Đài đã được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của dân nghèo.

Dẫu mang cái tâm thiện lành, có cái “trí sáng như vầng nhật nguyệt”, nhưng cuối cùng, kết cục Đan Thiềm nhận lại vẫn đắng cay, đau đớn vô cùng. Đan Thiềm đã hết lòng khuyên Vũ Như Tô bỏ trốn, từ bỏ cả danh dự để quỳ gối van lơn quân phản loạn rủ lòng thương, vậy mà…. Giấc mộng của nàng ta cũng tan vỡ, ngọn lửa khát khao lưu giữ cái tài, cái đẹp cũng bị dập tắt. Đan Thiềm chẳng thể bảo vệ được gì, mạng sống của nàng đang thoi thóp trong tay quân phản loạn, Cửu Trùng Đài kia đã sụp đổ, Vũ Như Tô kia đã bị đưa ra pháp trường, cái tài, cái đẹp “tranh tinh xảo với hóa công” chỉ còn là quá khứ.

Bất lực trước nghịch cảnh, tuyệt vọng trước hiện thực, người cung nữ ấy chỉ còn biết kêu lên những tiếng uất hận, chua chát: “Ông Cả! Đài lớn tan tành! Ông Cả ơn! Xin cùng ông vĩnh biệt!”. Đây là lời tạm biệt những ước mong, khát vọng, lời vĩnh biệt với cái đẹp vĩnh hằng, cái tài siêu việt, và cũng là lời chia tay cuộc sống. Dẫu Vũ Như Tô đã bỏ ngoài tai mọi lời van lơn, nài nỉ của nàng, để rồi bỏ mạng nơi pháp trường rồi đem theo cả lẽ sống của nàng chôn vùi dưới đất sâu, nhưng đến cuối cùng, Đan Thiềm cũng chẳng hề buông một lời trách móc. Vẫn là sự nể phục, sự ngưỡng mộ và sự tôn thờ, chân thành, cao cả và rất đáng trân trọng.

Đan Thiềm qua ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng quả là một con người biết “biệt nhỡn nhân tài”. Tác giả không hề miêu tả ngoại hình của nhân vật, chỉ đi sâu khắc họa những nét tâm lý, tính cách qua hành động, cử chỉ. Ấy vậy mà, nhân vật Đan Thiềm cứ thế hiện lên rõ ràng, chân thực và sống động trước mắt người đọc. Sự xuất hiện của Đan Thiềm như một mắt xích quan trọng để dẫn dắt cốt truyện, một đòn bẩy để đẩy xung đột kịch lên tới căng thẳng tột cùng. Cũng qua Đan Thiềm, Nguyễn Huy Tưởng đã thổ lộ những tiếng lòng tiếc thương, đồng cảm dành cho những con người tài năng nhưng sinh sai thời thế, đồng thời cho thấy tài năng văn chương đặc sắc cùng tư tưởng nghệ thuật độc đáo của chính ông.

Như vậy, nhân vật Đan Thiềm chính là một sáng tạo nghệ thuật vô cùng độc đáo của Nguyễn Huy Tưởng. Bằng văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, kết hợp cùng lối viết thâm trầm, sâu sắc, ông đã rất thành công khi phác họa chân dung một con người yêu và say đắm cái tài, cái đẹp. Mong rằng, qua bài phân tích nhân vật Đan Thiềm, các bạn đã có thêm những kiến thức và trải nghiệm mới mẻ giúp ích cho công việc học tập của mình. 

Xem thêm: Phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận đầy đủ nhất

Phân Tích, Văn Học -