Phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” tác giả Xuân Diệu đặc sắc nhất

Phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” qua dàn ý, một số dạng đề văn phân tích đoạn 2 hay và ý nghĩa trong bài viết dưới đây!

“Vội vàng” là một tác phẩm thể hiện rất rõ trái tim yêu đời tha thiết, tâm hồn rạo rực đắm say và một cái tôi đầy cá tính riêng biệt của Xuân Quỳnh. Để hiểu sâu hơn về hồn thơ rất tình trong tác phẩm này, mời bạn đọc tham khảo bài viết phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” dưới đây.

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng”

Nếu bạn đang cảm thấy khó ghi nhớ những ý chính khi phân tích khổ thơ này thì dàn ý phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” dành cho học sinh giỏi dưới đây là dành cho bạn. Dàn bài sẽ giúp bạn đọc tổng hợp những nội dung cần chú ý cùng những nét nghệ thuật tiêu biểu nhất.

Mở bài phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng”

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Giới thiệu tác giả: Xuân Diệu (1916 – 1985), được mệnh danh là ông hoàng thơ tình yêu, ông mang trong mình một khát khao thể hiện cái tôi cùng trái tim yêu tha thiết, bởi vậy sự xuất hiện của ông trong phong trào Thơ Mới đã thổi một luồng gió khác biệt, mới mẻ vào thế giới nghệ thuật lúc bấy giờ.

+ Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm “Vội vàng” được trích trong tập “Thơ thơ”, được đánh giá là một sáng tác nổi bật và thể hiện rõ nhất tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.

– Dẫn dắt vào vấn đề: Có thể nói, “Vội vàng” nói chung và khổ 2 của bài thơ nói riêng chính là minh chứng của một hồn thơ khao khát yêu và khao khát sống, đồng thời bài thơ cũng thay Xuân Diệu truyền tải thông điệp hãy sống hết mình, trọn vẹn từng giây, từng phút, đặc biệt những năm tháng của tuổi trẻ nồng nhiệt.

Thân bài phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng”

– Xuân Diệu nhận ra và ý thức được quy luật của tạo hóa:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

+ “Xuân tới” – “xuân qua”: Xuân đến, xuân đi, thời gian vô tận và liên tục trôi, trong khi người ngắn ngủi và có giới hạn.

+ “Xuân còn non” – “xuân sẽ già”: Ẩn dụ cho tuổi trẻ của con người, dòng thời gian cứ chảy, nên thanh xuân sẽ sớm qua và tuổi già rồi cũng nhanh đến, đây đã là một lẽ tự nhiên, một quy luật của tạo hóa, không thể nào thay đổi.

– Cảm xúc của Xuân Diệu trước quy luật bất biến của tạo hóa:

“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

+ “Xuân hết” – “tôi cũng mất”: Xuân không chỉ là sự tươi mới của đất trời mà xuân còn là tuổi trẻ, tuổi trẻ qua đi, cuộc đời với Xuân Diệu cũng không còn gì là ý nghĩa, thú vị thế nên thi sĩ lo sợ trước sự chảy trôi của thời gian.

+ “Lòng tôi rộng” – “lượng trời cứ chật”: 2 cụm từ mang ý nghĩa tương phản, cho thấy dù lòng người có rộng lớn, mang nhiều hoài bão, khát khao, nhưng cũng phải bất lực trước sự gấp rút của thời gian, sự hữu hạn của tuổi trẻ, của cuộc đời.

+ “Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian”: Xuân Diệu luyến tiếc vì tuổi xuân, đời người ngắn ngủi, trách tạo hóa hẹp hòi không cho con người thêm thời gian để sống, để vui với đời.

+ “Nói làm chi … “hai lần thắm lại”: Thể hiện nỗi lòng tiếc nuối, khao khát níu kéo thanh xuân, ước mong ngưng đọng thời gian của thi sĩ.

– Những suy tư, cảm nhận của thi sĩ khi nghĩ đến nhân sinh ngắn ngủi, kiếp người hạn hẹp:

“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, 

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi, 

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…”

+ “Còn trời đất. . . đất trời”: Sự ngậm ngùi, luyến tiếc cuộc đời, sự sống được đẩy lên cao trào, đỉnh điểm.

+ “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”: Đây là tiếng thơ mang đầy bất lực, ẩn chứa niềm đau, nỗi sầu vì cuộc đời là hữu hạn, mỗi thời khắc đều mang màu li biệt, chia xa, dường như Xuân Diệu tự ý thức được việc chẳng bao giờ thời gian ngừng lại và chẳng bao giờ có thể sống lại ngày hôm qua một lần nữa.

+ “Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…”: Nỗi đau chia phôi ấy không chỉ khiến con người phiền muộn, tiếc nuối, đến cả sông núi, đất trời, vũ trụ cũng không khỏi ngậm ngùi, khóc thầm, rồi phải cất lên lời tiễn biệt đầy đau đớn.

Kết bài “Vội vàng” đoạn 2

– Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật:

+ Giá trị nội dung: Khổ thơ đã làm nổi bật quy luật thời gian vô tận nhưng đời người là hữu hạn, từ đó nhắn nhủ người đọc phải sống trọn vẹn từng phút giây, cho thấy trái tim rạo rực yêu, tâm hồn rất nồng cháy của Xuân Diệu.

+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng khéo léo các biện pháp tu từ như điệp ngữ, ẩn dụ tương phản, kết hợp với giọng điệu thơ tự nhiên, sôi nổi nhưng cũng rất sâu lắng.

– Nêu cảm nhận riêng về khổ thơ.

Một số dạng đề văn phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng”

Bên cạnh dàn bài chi tiết, bài viết cũng sẽ tổng hợp thêm cho các bạn một số dạng đề văn phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” cùng các bài viết mẫu hay nhất. Các bạn hoàn toàn có thể xem đây là nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho việc học tập cho mình.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích cảm nhận của anh chị về khổ 2 “Vội vàng”

Xuân Diệu, một cái tên đã quá quen thuộc đối với những người yêu thơ ca Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng 8, hồn thơ Xuân Diệu mang cái tôi đầy riêng biệt và cá tính, tha thiết yêu và nồng nhiệt với đời. Chắc hẳn vì quá đắm say, vương vấn hương sắc trần thế nên lắm khi, thi sĩ phải lên tiếng trách thời gian hạn hẹp, phải ôm lấy luyến tiếc mà sống vội vã, gấp rút. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài thơ “Vội vàng”, đặc biệt là ở khổ thơ 2 của tác phẩm.

Nếu khổ 1 của bài thơ là những tiếng ngỡ ngàng, reo vui thì cuộc đời quá đỗi tươi đẹp, thì đến khổ 2, Xuân Diệu lại lấy sự hụt hẫng, tiếc nuối để viết tiếp ý thơ của mình. Bởi lẽ, đứng trước cuộc đời tươi đẹp ấy, thi sĩ dường như nhận ra một định luật thời gian tuần hoàn đầy đớn đau:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

“Xuân” trong thơ của Xuân Diệu mang nhiều ý nghĩa. “Xuân” là mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất trời và là mùa đẹp nhất trong năm. Xuân đến làm trăm hoa đua nở, ngàn lộc đâm chồi, làm sinh khí dồi dào, căng tràn sức sống. Thế nhưng, mùa xuân lâu đến mà lại rất chóng qua. Xuân Diệu như cảm nhận rất rõ ràng điều này, thế nên trong thơ của thi sĩ, cái nhanh chóng ấy càng trở nên gấp rút, vội vàng. Xuân “đang tới”, có nghĩa là xuân “đang qua”, là hoa sắp tàn, là lộc sắp hết non.

Câu thơ kết thúc, người đọc cũng cảm thấy mùa xuân vụt qua. Thế mới thấy, trái tim Xuân Diệu nhạy cảm đến nhường nào. Mùa xuân chưa chạm ngõ mà thi sĩ đã thấy mùa hè sắp sang, mùa xuân chưa qua mà mùa hè đã tới. Cũng phải thôi, ai bảo xuân quá đẹp khiến nhà thơ quá yêu, quá luyến tiếc. Đến Thanh Hải cũng đã từng phải lòng trước vẻ đẹp của nàng xuân:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng. ” 

Đặc biệt, mùa xuân còn mang một lớp nghĩa khác. “Xuân” chính là tuổi xuân, là đoạn đời đẹp nhất của mỗi người, là lúc sức khỏe dồi dào, trái tim rạo rực và tâm hồn nồng cháy. Nhưng cũng như mùa xuân của đất, của trời, tuổi xuân cũng vô cùng ngắn ngủi, qua nhanh. Con người không thể mãi “còn non”, tuổi trẻ sẽ qua đi và tới đoạn đời “sẽ già”. Ấy là quy luật của tự nhiên, là định luật bất biến, chẳng thể đổi thay. Đáng buồn hơn, ngưỡng cửa của tuổi trẻ và tuổi già lại rất gần, rất mong manh. Nếu không biết sống trọn vẹn, quý trọng từng giây, từng phút, mùa xuân cuộc đời sẽ vụt qua trong tích tắc mà thôi.

Trước quy luật tuần hoàn đầy đớn đau ấy, Xuân Diệu viết ra những tiếng lòng chứa chan cảm xúc:

“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Cuộc đời với Xuân Diệu chỉ được gói gọn trong 2 chữ tuổi trẻ, thế nên, “xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Tuổi trẻ qua đi, mang theo cả những bồi hồi, rạo rực, những rung động và niềm yêu, chỉ để lại một trái tim khô khan, một thân thể không linh hồn. Điều này khác gì sống vô nghĩa, không niềm vui, sống lay lắt, bấu víu vào cuộc đời tẻ nhạt.

Xuân Diệu luyến tiếc cuộc đời tươi đẹp, đâm ra trách cứ “lượng trời cứ chật” trong khi “lòng tôi” thì “rộng”. Cuộc sống có biết bao hương hoa, sắc màu mà thi sĩ muốn tận hưởng, muốn đắm say, nhưng tuổi trẻ lại hạn hẹp, dòng đời không cho phép. Có những ước mơ chưa kịp thực hiện, có những hoài bão chưa kịp thành công, có những lời yêu chưa kịp nói, ấy vậy mà đã phải nói lời chia tay cuộc đời. Sinh lão bệnh tử đã là một quy luật bất biến, thời gian đi qua mà chẳng bỏ bất cứ người nào, ai rồi cũng phải bước qua tuổi trẻ, trở nên già nua.

Tất cả mọi người đều chỉ có một cuộc đời để sống, một đoạn tuổi xuân ngắn ngủi. Bởi lẽ tạo hóa trớ trêu, bạc bẽo lắm, đâu có “cho dài thời trẻ của nhân gian”. Một khoảnh khắc trôi qua, có nghĩa trái tim cũng bớt đi một lần được đập, tâm hồn cũng bớt đi một hồi được nồng cháy, đắm say. Có thể nói, nỗi niềm tiếc nuối, hụt hẫng của Xuân Diệu tràn ngập khắp các vần thơ, rồi tràn sang cả tâm trí người đọc.

Thi sĩ tiếc nuối, hụt hẫng rồi đâm ra trách cứ, hờn dỗi. Trách cứ, hờn dỗi vì cuộc đời “vẫn tuần hoàn” trong khi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Mùa xuân của đất trời sẽ lặp lại theo vòng quay của thời gian, nhưng “xuân” của đời người thì khác, sẽ vĩnh viễn và chẳng bao giờ có lần tiếp theo. Bởi lẽ đó, dù dòng chảy vĩnh hằng của tạo hóa lặp lại tuần hoàn thì tất cả cũng trở nên vô nghĩa, vì “tôi” lúc đó không còn là “tôi” của tuổi trẻ rạo rực. Xuân Diệu một lần khác cũng bày tỏ:

“Cái bay không đợi cái trôi

Từ tôi phút ấy sang tôi phút này”

Những dòng thơ như thay Xuân Diệu bày tỏ khao khát níu kéo thanh xuân, mong muốn ngưng đọng thời gian, ước mơ được sống trọn vẹn từng phút từng giây:

“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, 

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi, 

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…”

Vẫn là nỗi niềm luyến tiếc ấy nhưng ở những câu tiếp theo này trong đoạn 2 “Vội vàng”, luyến tiếc ấy không còn là luyến tiếc vì cuộc đời hạn hẹp. Bởi lẽ, dẫu ý thức được bản thân chẳng thể tồn tại mãi để tận hưởng thiên nhiên đất trời tươi đẹp nhưng Xuân Diệu không còn tiếc cho mình, tiếc cho tuổi trẻ mà điều ông tiếc nhất chính là “cả đất trời”. Thi sĩ tiếc nuối vì không thể nếm trải đủ mọi sắc hương của cuộc đời, đã phải “vội vàng” ra đi. Như vậy, sự ngậm ngùi, luyến tiếc cuộc đời, sự sống được đẩy lên một bậc cao hơn, lên tới cao trào, đỉnh điểm.

Như Nguyễn Du từng nói, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thế nên, bởi Xuân Diệu cảm thấy hối tiếc nên cảnh vật cũng nhuốm màu sắc u buồn, mất mát và chia ly:

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”

Xuân Diệu đã sáng tạo ra một nghệ thuật ẩn dụ rất độc đáo, tháng năm – thời gian không còn được cảm nhận qua sự thay đổi, biến hóa của vạn vật như sắc là, loài cây mà được cảm nhận qua khứu giác – “mùi tháng năm”. Phải nói rằng, hồn thơ Xuân Diệu phải tinh tế lắm, nên mới có thể ngửi được mùi của thời gian, của tạo hóa, của đời người.

Dường như, đến đây, cảm xúc đau đớn vì nỗi đau chia lìa trong thi sĩ đang tuôn trào mạnh mẽ, thế nên ta mới thấy có chút gì đó rưng rưng, xao xuyến, nghe vừa nghẹn ngào, vừa luyến tiếc, vừa uất hận, vừa hụt hẫng. Tất cả đã được thể hiện thông qua từ “rớm” ấy. Thì ra thời gian cũng không vô tình, bạc bẽo như ta vẫn thường mặc định, mà ngược lại, tháng năm dường như cũng đang tiếc nuối cho chính con người vì cuộc đời hạn hẹp, vì phải nếm trải mùi vị chia lìa. Ý thơ này của Xuân Diệu bất giác làm ta liên tưởng đến những câu thơ của Đoàn Phú Tứ, đó là:

“Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh”

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích quan niệm mà Xuân Diệu gửi gắm qua đoạn 2 bài thơ “Vội vàng”

Không phải tự nhiên mà Xuân Diệu đã từng được nhà thơ được Hoài Thanh nhận xét là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Bởi lẽ, hồn thơ ông mang cái tôi rất cá tính và riêng biệt. Hồn thơ ấy được khơi nguồn từ một trái tim yêu say đắm cuộc đời, luôn khao khát sống mãnh liệt và ôm hoài bão đầy xuân đầy tình. Và bài thơ “Vội vàng” chính là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Diệu. Phải nói rằng, cả tác phẩm nói chung và khổ 2 của bài thơ nói riêng đã thay thi sĩ thể hiện quan niệm sống vội vàng rất mới mẻ và có ý nghĩa.

Người ta vẫn dùng từ “vội vàng” như một tính từ để cho thấy sự gấp gáp, nhanh chóng. Xuân Diệu cũng vậy, nhưng cái “vội vàng” của thi sĩ được gắn với cuộc đời con người nên lớp nghĩa của nó cũng trở nên sâu sắc, thi vị hơn. Dường như, với Xuân Diệu sống “vội vàng” là sống nhanh, sống gấp, sống “vội vàng” để có thể tận lực cống hiến, có thể thưởng thức trọn vẹn mọi vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng.

Đương nhiên, sống “vội vàng” theo cách nghĩ của thi sĩ khác hoàn toàn so với cách sống gấp gáp, vội chạy theo giá trị vật chất, vội chạy theo xu hướng thời thượng, vội sống hưởng thụ mà quên mất làm việc, sa ngã bào lối sống tiêu cực của giới trẻ hiện nay. Đó là lối sống tích cực, làm đẹp cho đời, góp thêm hương, thêm sắc cho cuộc sống. Chính quan niệm sống “vội vàng” này của Xuân Diệu đã góp phần tìm đường cho những mảnh đời đã lầm đường lạc lối, đánh thức cho những kẻ đang bơ vơ, chới với đi tìm lẽ sống đích thực.

Xuân Diệu phải sống vội vàng là bởi vì ông đã nhận ra quy luật trôi bất biến đầy khắc nghiệt của tạo hóa cùng sức mạnh tàn phá khủng khiếp của thời gian. Người ta vẫn bảo thời gian là tuần hoàn, lặp lại nhưng đối với Xuân Diệu, ông lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Thời gian với thi sĩ là một đường tuyến tính một đi không trở lại:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

Xuân Diệu không cần mùa hạ đến để thấy mùa xuân đi qua, không cần phượng đỏ để nhắc nhớ đào phai, mai tàn. Thi sĩ thấy “xuân đương qua” ngay cả khi “xuân đương tới”, thấy nuối tiếc, hoài xuân ngay cả khi mùa xuân đang hiện hữu. Theo cảm nhận của ông, xuân đến tức là xuân qua, mà xuân còn non tức là xuân sẽ già, thậm chí là xuân hết, đồng nghĩa trái tim nhà thơ cũng ngừng đập.

“Xuân” ấy không chỉ là mùa xuân của đất trời, mà còn là tuổi xuân của đời người. Xuân Diệu trân trọng tuổi trẻ của chính mình như yêu quý mùa xuân thiên nhiên. Mùa xuân trôi qua, đất trời trong mắt Xuân Diệu như mất đi mọi hương hoa, sắc màu, và tuổi trẻ đi mất, cuộc đời với ông cũng trở nên vô vị, không còn ý nghĩa. Bởi lẽ tuổi trẻ là quãng đời hạnh phúc, tươi đẹp, hạnh phúc của mỗi người. Đó là lúc thân thể còn dồi dào sức khỏe, căng tràn nhựa sống, con tim đang rạo rực cháy ngọn lửa tình yêu, tâm hồn vẫn phóng khoáng, tự do bay bổng cùng những ước mơ, khát vọng.

Tuổi trẻ đẹp nhưng cũng ngắn ngủi vô cùng và rất thoáng qua. Hiểu được điều này, Xuân Diệu đã dùng ý thơ để gửi gắm đến bạn đọc một thông điệp sống, điều này khiến câu thơ nhuốm màu nhân sinh sâu sắc. Thông điệp đó là, hãy biết quý trọng, nâng niu từng khoảnh khắc của cuộc đời, đặc biệt là khoảng thời gian ngắn ngủi của tuổi trẻ, thanh xuân. Khoảng thời gian ấy ta đã có tất cả sức khỏe, có hoài bão, có ước mơ, có niềm tin và có cả cơ hội để trải nghiệm, để thất bại, để vấp ngã.

Cuộc đời sẽ có ý nghĩa vô cùng nếu ta đã có một tuổi trẻ đáng sống. Hãy sống trọn vẹn từng phút, từng giây, hãy để trái tim được yêu cuồng nhiệt, để tâm hồn được đắm say nồng nàn khi còn có thể. Bởi thời gian là vô tận nhưng đời người là hạn hẹp, mùa xuân đất trời là tuần hoàn nhưng tuổi xuân chúng ta chỉ có một mà thôi:

“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Nhà thơ dường như mang trong lòng một nỗi ám ảnh, ám ảnh về sự tàn phá của thời gian và ám ảnh về sự chia lìa, xa cách. Chính điều này khiến cho qua lăng kính của thi sĩ, mọi vật đều mang màu u buồn, thương tiếc:

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”

Có thể thấy, mọi vật đều được Xuân Diệu nhân hóa, ban phát cho linh hồn, sự sống để rồi như con người cũng biết buồn, biết vui, biết lo sợ sự chảy trôi không ngừng của thời gian. Nỗi sợ chia phôi được đẩy lên cao trào, như một lần nữa nhắc nhở người đọc phải biết yêu, biết tận hưởng và biết sống.

Vậy tại sao Xuân Diệu lại có thể đưa ra một quan điểm sống mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đến như vậy? Ông là nhà thơ luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, yêu tha thiết sự sống xung quanh mình. Phải chăng vì trái tim thi sĩ quá nồng nhiệt, tâm hồn thi sĩ quá nồng say và tình yêu dành cho cuộc đời quá căng tràn và đong đầy.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích nội dung đoạn 2 “Vội vàng”

Có thể nói, “Vội vàng’’ là một trong những tác phẩm tiêu biểu, được nhắc đến nhiều nhất trong tập “Thơ thơ” (1938) của Xuân Diệu. Đã qua mấy mươi năm dài ròng rã, vậy mà những vần thơ độc đáo, sáng tạo, mang triết lý ý nghĩa thời gian, về tuổi xuân, về tình yêu đời, yêu cuộc sống ấy vẫn lôi cuốn, làm đắm say tâm hồn những người yêu thơ một cách kì lạ. Đặc biệt là phân tích khổ 2 bài “Vội vàng”, đoạn thơ đã giúp Xuân Diệu bày tỏ những cảm nhận về thời gian và đời người.

Đầu tiên là hai câu thơ đầu đoạn, bằng cách ngắt nhịp 3/5, Xuân Diệu đã đem cả dòng chảy của mùa xuân, của thời gian vào bài thơ của mình:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”

Các từ ngữ đối lập “đương tới” – “đương qua”, “còn non” – “sẽ già” đã kết hợp, hỗ trợ tương ứng cho nhau, tạo nên sự vận động không ngừng của mùa xuân đất trời và mùa xuân đời người. Phân tích khổ 2 bài “Vội vàng”, ta thấy dòng chảy của thời gian cứ mải miết trôi, để rồi xuân chỉ “đang tới” mà nghe như đã “đương qua”. “Đương” chứ không phải là “đang”, phải nói đây là một cách nói rất điệu, rất thơ của Xuân Diệu.

Tuổi trẻ của con người cũng thoáng qua như thế, trong dáng vẻ “còn non” hôm nay đã báo hiệu, nhắc nhở về một ngày mai rồi cũng “sẽ già”. Chẳng có ai nằm ngoài quy luật của tự nhiên, cũng chẳng có ai bị lãng quên bởi thời gian cả. Thời gian vô hạn nhưng đời người hữu hạn là vì thế. Cũng chữ “non” và chữ “già” ấy, ta bất giác nhớ đến những vần thơ về tình yêu đầy tinh tế khác của Xuân Diệu:

“Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt. . . 

(. . . ) Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!

Em, em ơi! Tình non sắp già rồi. . . ”

Ở những câu thơ tiếp theo, thi sĩ tập trung ngòi bút để nhắc nhớ người đọc về một nghịch lý giữa tuổi trẻ, đời người và thời gian, vũ trụ:

“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, 

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”

Đây cũng chính là một niềm đau đớn, một nỗi xót xa mà đời người ai cũng phải nếm trải. Khi “xuân hết”, tuổi trẻ vút qua, có nghĩa “tôi cũng mất”. Cuộc đời còn gì có ý nghĩa khi trái tim hết nồng cháy và tâm hồn không còn rạo rực. Sống một cuộc đời như thế khác nào đã chết đâu. Phân tích khổ 2 bài “Vội vàng” mới thấy, tuổi trẻ đáng yêu biết bao! Mỗi người chỉ có một thời son trẻ, một đoạn đời ngắn để yêu, để tận hưởng mà thôi.

Xuân của thiên nhiên, đất trời thì tuần hoàn, bất tận nhưng đời người, ai cũng chỉ có một đoạn thanh xuân để sống. Tuổi trẻ đã ngắn ngủi lại còn “chẳng hai lần thắm lại”, một đi không trở lại. Vũ trụ đất trời thì vĩnh hằng, vô tận còn đời người thì hạn hẹp, ngắn ngủi, kiếp nhân sinh vì thế mà trở nên nhỏ bé, đáng thương. Ai cũng mang trong mình ước muốn được trẻ mãi không già, khát khao được ở mãi với tuổi xanh, tuổi thiếu niên rực rỡ. Tiếng thơ của Xuân Diệu cất lên như một lời than thở tiếc nuối của một con người yêu đời đắm say. Thế mới thấy, lòng yêu đời và ham sống của thi sĩ mãnh liệt đến nhường nào và chính ông cũng đã từng thổ lộ rằng:

“Mười chín tuổi, hỡi những nàng má ngọc. 

Ríu rít chim, là tuổi ước mơ hoa!

Hãi chàng trai kiều diễm mãi vui ca. 

Mười chín tuổi! Chẳng hai lần hoa nở”

Nỗi niềm vấn vương, luyến tiếc trong hồn thi sĩ phả vào cả cảnh vật để rồi chúng cũng nhuốm màu buồn u ám. Màu buồn u ám ấy là màu của chia ly, màu của sinh tử cách biệt. Xuân Diệu mang theo sự xúc động, dùng cả trái tim, tâm hồn để lắng nghe thật kỹ những bước đi nhẹ nhàng nhất của thời gian, tiếng “than thầm tiễn biệt” của sông núi, của cảnh vật. Hồn thơ của thi sĩ rất nhạy cảm với sự chảy trôi của dòng đời, thế nên mới có thể ngửi được “mùi”, nếm được “vị” của tháng năm, dòng chảy vô tận và của nỗi buồn buộc phải “chia phôi”. Phải nói rằng, đây là một cách cảm nhận rất thơ, rất tình về thời gian:

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi. 

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”

Như vậy, đoạn 2 của bài thơ “Vội vàng” đã cho thấy một trái tim khao khát yêu cùng tâm hồn rộng mở của Xuân Diệu. Khổ thơ nói riêng và cả tác phẩm nói chung chính là một kiệt tác nghệ thuật minh chứng cho danh xưng “ông hoàng thơ tình” và “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới của ông. Hy vọng rằng, qua bài phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng”, bạn đọc đã hiểu sâu hơn về những ý thơ đầy thi vị, cảm xúc này, từ đó, đạt được kết quả thật cao trong quá trình học tập. 

Xem thêm: Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và chọn lọc

Phân Tích, Văn Học -