Phân tích bài “Nhàn” tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc sắc nhất
Phân tích bài “Nhàn” qua dàn ý, tổng hợp bài mẫu phân tích sáu câu thơ đầu, toàn bộ bài thơ cho học sinh giỏi trong bài viết dưới đây!
Phân tích bài “Nhàn” để thấy được vẻ đẹp cốt cách thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi từ quan về quê ở ẩn với cuộc sống an nhàn nơi thôn quê. Các bạn cùng tham khảo bài viết nhé!
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích bài “Nhàn”
Các bạn cần chuẩn bị dàn ý phân tích bài “Nhàn” trước khi đi vào phân tích bài thơ nhé. Hy vọng bài dàn ý dưới đây sẽ giúp các bạn làm bài phân tích thật tốt nhé!
Mở bài “Nhàn” – Tác giả, tác phẩm
– Khái quát sơ lược về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Nhàn”.
– Nêu vấn đề và trích dẫn bài thơ “ Nhàn”.
Thân bài phân tích bài “Nhàn”
– Cuộc sống thanh bình của tác giả nơi thôn quê trong dáng vẻ của một người nông dân chân chất.
+ Điệp từ “một” được lặp lại ba lần cho thấy sự đơn độc của tác giả chốn thôn quê nhưng thực tế tác giả không cảm thấy đơn độc chút nào mà ông đang tận hưởng cuộc sống ấy.
+ Những vật dụng quen thuộc của người nông dân “cuốc”, “cần câu” cho thấy cuộc sống đơn giản, bình dị của tác giả. Ông vui vẻ với công việc làm vườn và thú vui tao nhã câu cá.
– Hai hình ảnh đối lập giữa làng quê yên bình “vắng vẻ” và nơi quan trường “chốn lao xao”. Tác giả mỉa mai, châm biếm những “người khôn” mới chọn chốn quan trường để tìm kiếm hào quang, danh vọng. Còn tự cho mình là “dại” khi chọn cuộc sống nơi thôn quê. Cho thấy cốt cách thanh cao, không màng công danh, tiền tài nơi chốn quan trường của tác giả.
– Cuộc sống bình dị, an nhàn của tác giả gắn bó với thiên nhiên qua những món ăn dân dã, đạm bạc măng trúc, giá và những hình ảnh làng quê gần gũi, quen thuộc với hồ sen, ao làng.
– Hai câu thơ cuối là triết lý sống cao đẹp của tác giả rằng: Danh vọng, phú quý chỉ như một giấc chiêm bao, khi tỉnh mộng sẽ chẳng còn gì nữa. Hiểu được điều đó ông lấy thiên nhiên nơi làng quê làm bạn, để tận hưởng một cuộc sống an nhàn, thi vị.
Kết bài ý nghĩa bài “Nhàn”
– Khái quát tóm tắt nội dung bài “Nhàn”.
– Liên hệ bản thân và bài học cuộc sống.
Phân tích sáu câu thơ đầu của bài “Nhàn”
Dưới đây là bài viết phân tích sáu câu thơ đầu của bài “Nhàn”. Hi vọng đầy đủ chi tiết để các bạn có thêm tư liệu học tập và thực hành trên lớp nhé!
Bài làm
Tựa đề bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã nói lên ý nghĩa trong bài thơ của ông. Bài thơ “Nhàn” được viết khi ông từ bỏ chốn quan trường để lui về ở ẩn. Đặc biệt ở sáu câu thơ đầu miêu tả cuộc sống thanh bình, giản dị thấm đượm hương vị quê hương.
Mở đầu bài thơ hiện lên cuộc sống đơn giản, mộc mạc của tác giả khi là một người nông dân chân chất. Tác giả liệt kê ra những dụng cụ quen thuộc gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là cái cuốc, cần câu. Cuộc sống đời thường của ông xoay quanh với việc trồng rau, làm vườn và thú vui tao nhã: Câu cá. Từ “một” trong câu thơ được lặp đi lặp lại đến ba lần, những tưởng cuộc sống của tác giả cô độc lắm nhưng thật sự không phải là như vậy.
Tác giả đang tận hưởng niềm vui lao động của cuộc sống người nông dân. Họ chân chất, đời thường nghèo nàn, đơn sơ nhưng cuộc sống vô cùng an nhàn và bình dị. Mặc cho mọi người ngoài kia đang sống trong thú vui của danh vọng, tiền tài, tác giả vẫn thả hồn ung dung tận hưởng cuộc sống thanh bình nơi làng quê nghèo nhưng đậm tình quê hương.
Đến với hai câu thơ tiếp theo của bài thơ là lời khẳng định về cuộc sống của tác giả sau khi về ở ẩn tại quê nhà. Hai câu thơ cho thấy hai hình ảnh đối lập, một nơi là quê nhà bình yên, vắng vẻ, một nơi là chốn lao xao của nơi quan trường đầy sự bon chen thị phi. Có đúng là Nguyễn Bỉnh Nghiêm “dại” khi chọn nơi quê nhà vắng vẻ để sống một cuộc đời an yên, không màng danh lợi không? Và có đúng là những “người khôn” sẽ chọn chốn quan trường nơi đầy tiền tài, danh vọng phú quý không?
Cách nói của tác giả mang tính ngụ ý, châm biếm những con người tham ô, những gian thần nịnh nọt. Những con sâu mọt của đất nước không từ thủ đoạn để đạt được danh vọng, tiền tài. Còn đối với tác giả cuộc sống nơi thôn quê là nơi ông tìm đến để tận hưởng cuộc sống an nhàn, thanh cao, trong sạch gắn kết với quê hương, đất nước.
Cuộc sống sinh hoạt đời thường của tác giả được miêu tả ở hai câu thơ tiếp theo. Đó là những món ăn đơn sơ, dân dã của quê hương như măng trúc, giá và những hình ảnh thân thuộc, gần gũi với làng quê là hồ sen, ao làng. Chỉ trong hai câu thơ ngắn gọn mà tác giả cho thấy cuộc sống sinh hoạt suốt bốn mùa trong năm của nhà nho. Mùa thu thì ông ăn măng trúc, mùa đông thì ăn giá, mùa xuân thì tắm hồ sen, mùa hè thì tắm ao. Qua đó cho thấy cuộc sống thanh bình của tác giả luôn gắn bó với thiên nhiên thể hiện tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên của nhà thơ.
Qua sáu câu thơ đầu của bài “Nhàn” cho thấy cuộc sống nơi quê nhà mang lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy an nhàn, nhàn hạ. Trái với sự xô bồ chốn quan trường vậy nên ông tận hưởng cuộc sống với niềm vui lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên.
Phân tích bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đây là bài phân tích bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các bạn có thể tham khảo đề bài này để chuẩn bị cho các kì thi hoặc bài kiểm tra.
Bài làm
Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc tri thức tài hoa vì chứng kiến sự bất công, tham quan chốn quan trường thế nên ông đã từ quan về ở ẩn, sống một cuộc sống bình dị, thảnh thơi, an nhàn. Bài thơ “Nhàn” nằm trong tập thơ “Bạch Vân am thi tập” miêu tả cuộc sống của tác giả về những ngày tháng về quê ở ẩn với nhiều niềm vui về cuộc sống lạc quan, giản dị, an nhàn mà bình yên.
Ở hai câu thơ đầu tiên của bài thơ là cuộc sống giản dị, an yên nơi quê nhà của tác giả. Bằng phép lặp từ “một” được lặp lại ba lần hiện lên khung cảnh bình dị với những vật dụng quen thuộc gắn liền với người nông dân là cái cày cái cuốc, cần câu cá. Những tưởng điệp từ “một” sẽ gợi lên cảnh đơn độc, lẻ bóng một mình. Nhưng qua lời thơ tác giả không hề cảm thấy cô đơn mà còn thể hiện niềm vui về một cuộc sống mộc mạc, đơn giản với một thú vui tao nhã là trồng cây, câu cá.
Dường như tác giả đang tận hưởng cuộc sống của một người nông dân chân chất không còn là một vị quan ở nơi quan trường đầy thị phi nữa. Khi mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng trải qua những tranh đua danh vọng ở chốn quan liêu. Nay khi ông trở về với cuộc sống đời thường, sự yên ổn trong tâm hồn là niềm ước ao của những vị quan thanh liêm, chính trực. Mấy ai có thể từ bỏ danh vọng để về quê tận hưởng cuộc sống an nhàn như ông chứ. Dẫu cho những tranh đấu trong thú vui danh vọng, nịnh nọt chốn quan trường vẫn diễn ra thì tác giả không màng, cứ vui vẻ với cuộc sống an bình, giản dị nơi đồng quê thảnh thơi.
Tiếp đến hai câu thơ thực của bài thơ là khẳng định của nhà thơ khi trở về quê nhà sinh sống. Lúc này ông trong dáng hình của một người nông dân chân chất. Vì quá bất mãn với cuộc sống chốn quan trường nên tác giả từ quan lui về ở ẩn. Tác giả tự cho rằng mình “dại” khi trở về nơi quê nhà hoang vu, vắng vẻ để tận hưởng cuộc sống. Đồng thời cho rằng những con người ở chốn quan trường lao xao, nhộn nhịp kia là “người khôn”.
Qua đây cho thấy cách sử dụng ngôn từ của tác giả thật sắc bén. Ông tự chê mình “dại” nhưng thật ra là không, “khen người khôn” nhưng thật ra là chê. Hai câu thơ là hai hình ảnh đối lập về hai cuộc sống hoàn toàn trái ngược nhau. Tác giả về cáo quan về quê không phải là ông rũ bỏ trách nhiệm với nhân dân, đất nước. Nguyên nhân vì vốn dĩ chốn quan trường luôn nhiều thay đổi, đầy rẫy sự bất công với bọn tham quan, gian thần. Vì thế mà ông thấy mình không còn phù hợp với nơi này nữa. Đó là cốt cách của một vị quan thanh liêm với một tâm hồn thanh cao, trong sạch.
Cuộc sống đơn sơ, bình dị của tác giả được miêu tả chi tiết ở hai câu thơ luận. Chỉ với hai câu thơ mà tác giả đã cho người đọc thấy cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của ông qua bốn mùa. Mùa thu thì ăn măng trúc, mùa đông thì ăn giá. Đây là những thức ăn đạm bạc, quen thuộc, dân dã của người nông thôn. Mùa xuân thì tắm hồ sen, mùa hè thì tắm ao, những hình ảnh quá quen thuộc, gần gũi với làng quê Việt Nam.
Cuộc sống của tác giả nơi quê nhà thật dân dã, giản đơn nhưng đậm tình quê hương, đất nước. Qua đó cho thấy tuy cuộc sống đơn sơ, nghèo nàn nhưng nhà thơ thật sự đang tận hưởng niềm vui trọn vẹn với những điều đơn sơ, mộc mạc ấy. Đồng thời thể hiện sự hoà hợp của nhà nho và thiên nhiên thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên và luôn gắn kết với thiên nhiên.
Hai câu thơ kết của bài thơ là sự đúc kết về triết lý cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi đã trải qua cuộc sống làm quan nơi triều đình về quê ở ẩn. Đối với ông tiền bạc, danh vọng có thể là ước mơ của một số người ngoài kia nhưng đối với ông nó tựa như một giấc chiêm bao, khi tỉnh mộng thì sẽ không còn gì cả. Cho thấy tác giả là người thanh cao, chính trực, không tham danh vọng, phú quý, làm quan với một mong muốn cống hiến cho đất nước thái bình nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ông nhất quyết không vì tư lợi riêng, vì tiền tài mà đánh đổi. Quả thật, Nguyễn Bỉnh Khiêm là con người có khí chất thanh cao, triết lý sống sâu sắc.
Qua bài thơ “Nhàn” độc giả thấy được cuộc sống giản dị, an nhàn của nhà thơ sau khi từ quan về ở ẩn. Đồng thời bài thơ thể hiện cốt cách thanh cao của một bậc tài hoa với triết lý sống vô cùng sâu sắc và bình dị.
Trên đây là bài viết phân tích bài “Nhàn”, dàn ý phân tích bài “Nhàn”… đã được biên soạn đầy đủ và khá chi tiết. Hy vọng sẽ mang lại hữu ích cho việc học trên lớp của các bạn. Chúc các bạn học tốt!
Xem thêm: Phân tích bài thơ “Qua đèo ngang” – Bà Huyện Thanh Quan
Phân Tích, Văn Học -Phân tích bài thơ “Qua đèo ngang” – Bà Huyện Thanh Quan
Phân tích bài “Bánh trôi nước” Hồ Xuân Hương hay và ý nghĩa
Phân tích khổ 4 “Bếp lửa” – Bằng Việt hay và chọn lọc
Phân tích khổ 3 bài “Bếp lửa” chọn lọc và hay nhất
Phân tích Thị trong “Vợ nhặt” tác giả Kim Lân ngắn gọn nhất
Phân tích bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt hay và ngắn gọn nhất
Phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” hay và đầy đủ nhất