Phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối” – Hồ Chí Minh xuất sắc nhất
Bài thơ “Chiều tối” là một tác phẩm hay trong chương trình giáo dục THPT, thường được thầy cô lựa chọn để làm đề thi. Dưới đây là tổng hợp các mẫu phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”. Vậy mời các bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết để hiểu sâu sắc hơn, ngày càng học tốt môn Ngữ Văn ở trường hơn.
Nội dung bài viết
- 1 Dàn ý phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
- 2 Một số dạng đề văn phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
- 2.1 Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận 2 câu đầu bài “Chiều tối”
- 2.2 Đề bài: Viết đoạn văn phân tích vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên chiều muộn trong hai câu đầu bài thơ “Chiều tối”
- 2.3 Đề bài: Viết đoạn văn nêu lên nội dung của 2 câu thơ đầu bài “Chiều tối”
- 2.4 Đề bài: Qua 2 câu đầu bài thơ “Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Em hãy viết đoạn văn phân tích những tình cảm ấy
Dàn ý phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
Dàn ý rất quan trọng trong việc giúp bài viết của bạn mạch lạc, logic và đủ ý. Các bạn có thể tham khảo thêm dàn ý phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối” sau đây.
Mở bài phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: Hồ Chí Minh không là cây bút đại tài của nền văn học Việt Nam. Không chỉ là một người chí sĩ, nhà chiến lược tài ba, anh minh, Người ghi dấu ấn trên hầu hết các thể loại bao gồm truyện ngắn, ký,… và đặc biệt là thơ.
+ Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm “Chiều tối” được trích trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Bác, bài thơ được viết trong hoàn cảnh đặc biệt: Hồ Chí Minh đang trải qua chặng đường chuyển lao gian nan, vất vả. Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước và tấm lòng cao thượng, hi sinh lớn lao của Hồ Chủ tịch.
– Dẫn dắt vào 2 câu thơ đầu của bài thơ:
+ Dù trong tình cảnh vô cùng khó khăn, cực khổ, khắc nghiệt từ cả cơ sở vật chất lẫn yếu tố môi trường nhưng bài thơ vẫn toát lên sự lạc quan, yêu đời và tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp dạt dào, mãnh liệt.
+ Đặc biệt ở 2 câu thơ đầu của bài thơ, Hồ Chí Minh đã vẽ lên bức tranh phong cảnh buổi xế chiều nơi Bác đang chịu đựng bao gian lao, khổ sở của nhà giam để trải bao tiếng lòng.
Thân bài phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
– Không gian: Mênh mông, rộng lớn, rợn ngợp nhằm đẩy sự cô đơn, lẻ bóng của con người lên đến cao trào, đỉnh điểm.
– Thời gian: Mặt trời lúc này đã xuống núi, chiều tối bao trọn không gian, cảnh vật. Đây là lúc vạn vật được nghỉ ngơi, được quay về tổ ấm sau một ngày dài vất vả.
– Điểm nhìn: Tác giả nhìn cánh chim rồi mới đến mây trên bầu trời, từ dưới lên cao. Qua đó thể hiện tâm thế người lính, người chiến sĩ khoan thai, yêu đời của Hồ Chí Minh.
– Khắc họa bức tranh thiên nhiên, cảnh vật miền sơn cước lúc chiều tà, mặt trời xuống núi bằng bút pháp chấm phá, những hình ảnh ước lệ.
– Hình ảnh cánh chim:
+ Cánh chim đã được bắt gặp nhiều lần trong sáng tác của các thi nhân xưa. Đây là một thi liệu mà nhiều vĩ nhân, nhà thơ xuất sắc đã từng sử dụng trong thơ của mình.
+ Cánh chim chiều tà nặng trĩu và mệt mỏi, bay gấp rút về rừng để tìm chốn nghỉ ngơi. Đây là một hành động có chủ đích và có lí do rõ ràng.
+ Cánh chim mỏi mệt này có nét tương đồng với nhân vật trữ tình: Cánh chim mỏi sau một ngày bay dài và người tù cũng đang đuối sức sau một ngày đi không ngừng nghỉ, chịu những khó khăn, trắc trở dọc đường với điều kiện thức ăn, nước uống tồi tệ, khủng khiếp.
+ Tuy nhiên, trái ngược với kết quả chim được tự do bay về tổ ấm, còn người tù thì lại đang trên đường đi tới một địa ngục trần gian tiếp theo dẫu đã chịu ngần ấy cực khổ, đắng cay.
+ Câu thơ thể hiện nỗi lòng của một người con xa xứ: Nhớ nhà, nhớ nước, nhớ nhân dân, nhớ Tổ quốc nơi Người sinh ra, lớn lên và dành toàn bộ cuộc đời để bảo vệ.
– Hình ảnh chòm mây:
+ Đám mây lẻ loi, lạc lõng giữa bầu trời bao la, rộng lớn, trôi trong trạng thái lững lờ, vô định, uể oải và không có điểm đến.
+ Đám mây này cũng giống như người tù cách mạng: Cô đơn, lẻ bóng trên đất khách, đang lê từng bước chân trên con đường tăm tối, tương lai mịt mù không biết sẽ đi về đâu, không có ai ở bên sẻ chia, sát cánh, san sẻ nỗi niềm thầm kín sâu trong lòng.
– Trong hoàn cảnh khó khăn, người tù chính trị vẫn cho thấy tình yêu thiên nhiên, phong cảnh cùng một phong thái điềm tĩnh, ung dung.
– Bức tranh tả cảnh thiên nhiên chan chứa nỗi buồn, nỗi sầu muộn nhưng cũng đầy ắp khát khao, niềm tin có một chỗ nghỉ hơn, hy vọng được tự do và quay về với đất mẹ yêu dấu.
Kết bài phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
– Tóm tắt khái quát giá trị nghệ thuật và nội dung:
+ Giá trị nghệ thuật: Bút pháp chấm phá tài tình, sử dụng hình ảnh ước lệ tinh tế, nghệ thuật lấy cảnh ngụ tình, ẩn dụ khéo léo.
+ Giá trị nội dung: Làm hiện lên bức tranh thiên nhiên, cảnh vật vùng sơn cước chan chứa tình và nhuốm màu cô đơn. Qua đó bộc lộ những nỗi niềm thầm kín, sự suy tư từ sâu trong lòng.
– Nêu cảm nghĩ chung: Hai câu thơ đầu nói riêng cũng như toàn bài thơ nói chung đã cho thấy tài năng xứng tầm danh nhân văn hóa thế giới cùng trái tim bao la rộng lớn của Hồ Chí Minh.
Một số dạng đề văn phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”
Hai câu đầu bài “Chiều tối” có thể được xem là 2 câu thơ vô cùng đặc sắc, nổi bật và nhiều ý nghĩa. Dưới đây là tổng hợp một số dạng đề phân tích 2 câu thơ đầu bài “Chiều tối” cùng với các bài viết để bạn đọc tham khảo.
Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận 2 câu đầu bài “Chiều tối”
Tác phẩm “Chiều tối” được trích trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh được viết trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Đó là khi Người bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam, đang trong quá trình chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo đầy gian khổ. Ấy vậy mà, phong thái Người vẫn ung dung, cảm xúc Người vẫn đong đầy để ung dung, điềm tĩnh thả hồn làm nên những vần thơ đặc sắc. Sự đặc sắc này được thể hiện rất rõ ở 2 câu thơ đầu của bài thơ:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi nhẹ giữa từng không)
Hai câu thơ đầu gợi mở một không gian rộng lớn, quạnh hiu, cô đơn, lẻ bóng lúc trời chuyển dịch sang chiều tối. Bức tranh vì thế cũng nhuốm màu buồn hoàng hôn, chở theo bao tâm trạng não nề, sầu muộn. Bức tranh tả cảnh thiên nhiên, bầu trời nơi núi rừng của Hồ Chí Minh được vẽ nên bằng ngòi bút chấm phá với hai hình ảnh giàu sức gợi cảm, gợi tình.
“Quyện điểu”, hình ảnh một cánh chim mệt mỏi, uể oải. Cánh chim đã bay suốt một dài, đón bao nhiêu cơn gió, hứng bao nhiêu vạt nắng, giờ đây lúc mặt trời xuống núi, nó đã nặng trĩu. Thế nên nó đang vội vã “quy lâm tầm túc thụ”, tức về rừng, về với tổ ấm của nó nơi chan chứa tình yêu, sự chở che, bao bọc để được nghỉ ngơi, sẻ chia với người thân. Không chỉ có cánh chim, chiều tối là thời điểm vạn vật đã rã rời và cần lắm một chốn để dưỡng sức để có thể tiếp tục một ngày mới tràn đầy năng lượng, lăn lộn giữa cuộc đời nhiều sóng gió này.
Và người tù chính trị, sau một ngày dài di chuyển mấy cây số, cũng mang trong mình một ước mơ, mong ước nhỏ nhoi, đơn giản như vậy. Nhưng hiện thực phũ phàng, người tù vẫn phải bước tiếp, lê lết từng bước chân trên con đường đầy sỏi đá. Kết quả của bao nhiêu cố gắng, mệt nhọc, đau đớn, khổ sở lại chỉ là chuyển từ nhà giam nay sang một nhà giam khác, khủng khiếp, đáng sợ hơn.
Thời gian bị quân Tưởng bắt giam giữ, khổ sai, Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày tháng đày ải đầy gian khổ, khắc nghiệt. Song tất cả ý chí, tinh thần bất khuất của Người vẫn kiên cường, trái tim Người vẫn lạc quan, ung dung và điềm tĩnh đến lạ. Người đã từng viết về quảng thời gian tù đày đó như để lưu lại những kỉ niệm khắc khổ, đầy khó khăn ấy:
“Bốn tháng cơm không no
Bốn tháng đêm thiếu ngủ
Bốn tháng áo không thay
Bốn tháng không giặt giũ”
“Cô vân” – trong thơ Hồ Chí Minh có nghĩa là đám mây cô độc, lẻ loi giữa bầu trời rộng lớn. Đám mây ấy đang trôi “mạn mạn”, trôi hững hờ, trôi vô định và không có đích đến. So với nguyên tác, bản dịch “chòm mây” và “trôi nhẹ” không đủ sức nặng để diễn đạt hết những ý nghĩa mà Hồ Chí Minh muốn truyền đạt. Giữa không trung bao la, vô tận, cái đơn độc, lẻ bóng của đám mây càng thêm nổi bật. Đám mây không có gió thổi, không có động lực, điểm tựa để vi vu trên bầu trời.
Hồ Chí Minh đang lấy cảnh để tả người, trên vùng đất khách xa lạ, cái mênh mông, bát ngát của thiên nhiên làm cái buồn cô đơn của nhân vật trữ tình càng thêm sâu sắc và cắt cứa. Người tù chính trị sẽ không thể biết được chuỗi ngày tù ải bao giờ kết thúc, quãng đường chuyển lao bao giờ mới được dừng lại, có lẽ là cho tới lúc tù nhân “gục xuống”.
Nhưng sau tất cả, Hồ Chí Minh vẫn vượt qua được cái đớn đau, khổ hạnh của thực tại mà thả hồn vào thiên nhiên, ung dung thưởng thức cảnh đẹp núi rừng như đang trong một cuộc du lịch. Thế mới thấy phong thái ung dung, trái tim kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ, chí sĩ cách mạng. Có thể nói, tình yêu thiên nhiên của Hồ Chí Minh là vô tận, bao la vô cùng. Người ta cũng đã từng bắt gặp trong thơ của Người:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên chiều muộn trong hai câu đầu bài thơ “Chiều tối”
Bằng 4 câu trong bài thơ “Chiều tối”, Hồ Chí Minh đã thể hiện được bút pháp vẽ cảnh, họa người khéo léo và rất tinh tế. Nếu 2 câu thơ cuối khơi gợi chân dung con người cùng cuộc sống lao động nhiều niềm vui thì 2 câu thơ đầu của bài thơ lại là bức tranh thiên nhiên, cảnh vật miền sơn cước chan chứa tình:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi nhẹ giữa từng không)
Có thể thấy, Người đã lấy cái lớn lao, vĩ đại của không gian để khắc họa cao trào của sự cô đơn, lấy khoảnh khắc hoàng hôn nhuốm buồn để đẩy sự mệt mỏi, nỗi nhớ nhà lên đến đỉnh điểm. Mở ra trước mắt người đọc ấy là bức tranh tả cảnh lúc xế chiều vương buồn hiu hắt. Bức tranh thiên nhiên, cảnh vật trong thơ của Hồ Chí Minh được tô vẽ bởi 2 nét động chấm phá.
Thứ nhất là sự chuyển động được gợi nhắc qua hình ảnh cánh chim bay. Cánh chim bay trong bài thơ “Chiều tối” không phải là cánh chim cao ngạo đón gió, hứng vạt nắng chiều mà ngược lại, đó là “quyện điểu”, một cánh chim đang mệt mỏi, đang rã rời. Cánh chim cần một nơi để hạ cánh, tiếp sức sau một ngày bay dài, thế nên “quy lâm tầm túc thụ”, tức về rừng tìm chốn ngủ.
Hình ảnh thơ này của Hồ Chí Minh giàu sức gợi cảm, gợi hình vô cùng. Nó cho thấy cái dáng vẻ kiệt quệ, uể oải của vạn vật từ thiên nhiên, đất trời tới sinh vật khi bóng chiều tối dần buông. Qua đó cũng thể hiện được cái động lực, khát khao tìm về tổ ấm và cũng khắc họa được cái éo le của nhân vật trữ tình. Người tù đã trải qua một ngày chuyển lao đầy vất vả, gian truân, thế nhưng khác với cánh chim, Hồ Chí Minh không thể được “quy lâm tầm túc thụ”.
Người đang bị cướp mất tự do, bị tù đày khổ sai, chịu đựng những khổ nhọc không ai muốn gặp phải. Nhưng sâu thẳm bên trong Người chỉ ngời lên những tình cảm, niềm yêu thương đong đầy, tha thiết nhớ nước và da diết nhớ dân. Hình ảnh cánh chim là hình ảnh ẩn dụ rất quen thuộc trong thơ cổ, ta cũng từng bắt gặp ý thơ này trong bài “Đằng vương các”:
“Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”
(Cánh cò bay với nắng chiều
Trời xa cùng với hồ thu một màu)
Tiếp đến là sự chuyển động của “cô vân” – đám mây lẻ loi giữa bầu trời chiều ngả màu buồn bao la, vô cùng. Giữa không gian xa xăm, rộng lớn, đám mây càng trở nên nhỏ bé và đơn độc, quạnh hiu. Sự mênh mông của bầu trời đã khiến nỗi cô đơn, chơi vơi của đám mây càng trở nên nổi bật. Bức tranh thiên nhiên, cảnh vật vì thế nhuốm màu buồn man mác, quạnh hiu. Cũng phải thôi, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Hồ Chí Minh cũng đang phải trải qua nỗi đau lẻ loi, đơn côi ấy, một mình nơi đất khách quê người, nếm trải bao địa ngục trần thế. Nỗi buồn ấy trở thành nguồn cảm hứng để chắp bút nen thơ, trở thành màu mực để vẽ lên cảnh, tả lại nỗi lòng thầm kín của người thi sĩ. Lý Bạch cũng từng lấy “cô vân” để trải tiếng lòng cô đơn:
“Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn”
Như vậy, bức tranh thiên nhiên, cảnh vật miền sơn cước của Hồ Chí Minh hiện lên với màu sắc cổ điển, tả cảnh mà ngụ tình cũng những hình ảnh ẩn dụ độc đáo, mang đậm chất thi liệu. Hồ Chí Minh đã sử dụng bút pháp chấm phá táo bạo, hình ảnh giàu sức gợi cảm, gợi hình để mang lại cái hồn, sức sống đầy nghệ thuật cho bức tranh thiên, núi rừng, sinh vật lúc chiều tà dần buông xuống này. Bút pháp này cũng được Nguyễn Du sử dụng để vẽ lên khung cảnh mùa xuân đầy sức sống:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Đề bài: Viết đoạn văn nêu lên nội dung của 2 câu thơ đầu bài “Chiều tối”
Bài “Chiều tối” là một trong những tuyệt phẩm thơ của Hồ Chí Minh, chứa đựng giá trị nội dung vô cùng ý nghĩa, thể hiện tài năng nghệ thuật xuất chúng, cũng như cho thấy cốt cách người lính vĩ đại của Người. Trong bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh, hai câu thơ đầu trở nên nổi bật hơn hẳn bởi bên cạnh nét nghệ thuật đặc sắc, nó còn chứa chở những nội dung vô cùng ý nghĩa:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Hai câu thơ đã mở ra trước mắt người đọc một khung cảnh thiên nhiên núi rừng mang nỗi buồn hiu hắt. Đó là lúc mặt trời xuống núi, bóng tối đã dần buông. Xuất hiện trong bức tranh là “quyện điệu”, là cánh chim mỏi mệt và nặng trĩu. Cũng phải, chiều tà rồi, vạn vật đều đã trải qua một ngày dài hoạt động, cánh chim cũng không ngoại lệ, đã đến lúc nó cần được nghỉ ngơi. Câu thơ gợi lên những nét động một cách tự nhiên.
Nét động trong đôi cánh chim bay, trong cái gấp gáp bay về rừng tìm chốn ngủ, và trong cả sự trôi hững hờ của hình ảnh “cô vân”. “Cô vân” là đám mây cô độc, lẻ loi giữa không trung. Cái rộng lớn, bao la của bầu trời càng khiến sự lẻ bóng, trơ trọi của đám mây thêm rõ ràng, nổi bật.
“(Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi nhẹ giữa từng không)”
Có thể nói, so với nguyên tác, bản dịch “chòm mây”, “trôi nhẹ” chưa thể diễn tả được hết cái hay, cái hồn trong thơ của Hồ Chí Minh. Đám mây “trôi nhẹ” thôi chưa đủ, nó cứ trôi trong trạng thái vô định, uể oải và hờ hững, khác hẳn với đám mây trong thơ của Cao Bá Quát:
“Du vân vị hữu quy,
Đán mộ bất đắc nhàn.
Phong tòng hà phương lai?
Xuy nhập tằng phong gian.”
Bút pháp của Hồ Chí Minh tài tình ở chỗ vẽ cảnh thiên nhiên mà như đang giãi bày tâm trạng. Bức tranh nhuốm màu buồn bởi lẽ “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt, Hồ Chí Minh bị bắt giam, phải trải qua quãng đường chuyển lao gian truân và vất vả. Sau một ngày đi đường không nghỉ, đôi chân người tù đã rã rời, toàn thân người tù đau nhức. Người khao khát được như cánh chim kia, mỏi mệt là có thể về rừng tìm chốn ngủ. Nhưng không, cảnh gông cùm, xiềng xích, khát khao ấy quả là một điều xa xỉ. Hồ Chí Minh từng viết về những đày ải ấy trong một bài thơ khác:
“Nhật hành ngũ thập tam công lý,
Thấp tận y quan phá tận hài.
Triệt dạ hựu vô an thụy xứ,
Xí khanh thượng tọa đãi triêu lai.”
Không chỉ có vậy, nỗi buồn cô đơn, lẻ loi còn đang nặng trĩu trong trái tim của Người. Một mình nơi đất khách quê người, nỗi nhớ nhà, nhớ nước cứ đong đầy, hiện hữu. Nhưng hơn tất cả, người ta vẫn thấy ngời sáng trong Hồ Chí Minh cốt cách của người chiến sĩ cộng sản, trong gian khó vẫn ung dung, phóng khoáng, lúc vất vả vẫn thư thái thả hồn cùng thiên nhiên.
Đề bài: Qua 2 câu đầu bài thơ “Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Em hãy viết đoạn văn phân tích những tình cảm ấy
Bài thơ “Chiều tối” được Hồ Chí Minh viết lên từ hành trình chuyển lao đầy đau đớn sau khi bị quân Tưởng bắt giam. Bài thơ đã gợi lên bao khó khăn, gian khổ trên con đường cứu nước, cứu dân của Người. Nhưng ngời sáng hơn tất cả những niềm đau cắt cứa, là tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của Hồ Chí Minh, đặc biệt là 2 câu thơ đầu của bài thơ:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi nhẹ giữa từng không)
Quãng đường chuyển lao dài hàng nghìn cây số, đầy sỏi đá, gập ghềnh là một địa ngục trần gian thực sự. Giữa khung cảnh, điều kiện tồi tàn ấy, tấm thân người thi sĩ mệt nhoài sau ngày dài chân không nghỉ, thiếu thức ăn, nước uống, đôi chân trần lê bước. Ấy vậy mà tâm hồn Người vẫn bay bổng, vẫn hòa nhập với thiên nhiên, để rồi vẽ lên bức tranh tả cảnh chan chứa tình. Bút pháp chấm điểm của Người tả ít mà gợi nhiều. Mặt trời đã xuống núi, bóng tối đã dần ôm trọn khắp không gian núi rừng, vạn vật đều đang rơi vào trạng thái mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Màu sắc bức tranh tả cảnh vì thế mà vương buồn, nhuốm màu buồn của tâm trạng.
Phải là một bậc vĩ nhân, nhà hiền triết vĩ đại mới có thể buông bỏ những thực tại khắc nghiệt, bất công, toàn điều xấu xa để mở lòng, rộng mở tình yêu đối với thiên nhiên, cảnh vật, sinh vật xung quanh. Thiên nhiên trong bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh chỉ có cánh chim và mây trời không phải là một không gian với đa dạng sinh vật, có sự sống hiền hòa, vui vẻ, xôm tụ. Chỉ là một cánh chim mỏi mệt, cô đơn đang bay về rừng tìm chốn ngủ, một đám mây chiều lạc lõng, lẻ loi giữa bầu trời bao la, rộng lớn. Phải chăng cánh chim mỏi mệt trong thơ của Hồ Chí Minh có nét tương đồng với hình ảnh thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
“Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách bước dồn”
Hồ Chí Minh dành cho thiên nhiên một tình yêu vô tận, bất diệt. Dẫu trong hoàn cảnh nào, khó khăn hay vất vả, gông cùm hay xiềng xích, tâm hồn Người đều tự do, hòa nhập cùng gió núi mây ngàn, thoải mái phiêu du cùng núi, cùng rừng. Ngay cả khi bận lòng, còn nhiều lo toan về những chiến sự, dự định cho nước nhà, thiên nhiên vẫn bằng một cách nào đó, tự nhiên đi vào tâm thức Người một cách nhẹ nhàng, dịu dàng và rồi bất giác bật lên thành những câu thơ thơ, thành vần chữ:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Không chỉ yêu thiên nhiên, 2 câu thơ đầu của bài thơ “Chiều tối” còn đong đầy tình yêu đời, yêu cuộc sống như tuôn tràn. Bởi lẽ phải ung dung, tự tại, phải lạc quan, hy vọng thì Người mới có thể thả hồn vào thiên nhiên, vượt lên trên tất cả mọi gian khổ, nghịch cảnh, gian truân để có thể yêu lấy cả cuộc sống sinh hoạt đời thường của con người, sinh vật và cảnh vật vùng sơn cước hẻo lánh:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng)
Bài thơ như một chứng nhân lịch sử, ghi lại những khó khăn, khổ sở mà người lãnh tụ cứu nước đã hi sinh tuổi xuân, cuộc đời của mình vì nước, vì dân. Là một thế hệ trẻ của xã hội hôm nay và tương lai, chúng ta phải ghi nhớ, khắc ghi những cống hiến ấy và học tập theo tấm gương cao đẹp, tâm hồn cao thượng của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Như vậy, hai cầu đầu bài thơ nói riêng và cả tác phẩm “Chiều tối” nói chung chính là minh chứng cho tài năng kiệt xuất, cốt cách người chiến sĩ Cộng sản anh hùng, hiên ngang của Người. Cũng như Hồ Chí Minh, những tác phẩm nghệ thuật ấy sẽ sống mãi với thời gian. Mong rằng, qua bài phân tích 2 câu đầu bài “Chiều tối”, các bạn có thể hiểu hơn về bài thơ đặc sắc này.
Xem thêm: Phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con” của Y Phương hay nhất
Phân Tích, Văn Học -Phân tích khổ 2 bài thơ “Nói với con” của Y Phương hay nhất
Phân tích 2 khổ đầu “Viếng lăng Bác” hay và đặc sắc nhất
Phân tích “Chữ người tử tù” học sinh giỏi – tác giả Nguyễn Tuân
Phân tích “Tỏ lòng” học sinh giỏi – Phạm Ngũ Lão hay và đặc sắc nhất
Phân tích tiểu đội xe không kính trong thơ của tác giả Phạm Tiến Duật
Phân tích bài “Khi con tu hú” hay và chi tiết nhất của Tố Hữu
Phân tích đoạn cuối “Đất nước” – tác giả Nguyễn Khoa Điềm hay nhất