Phân tích bài thơ “Tràng Giang” ngắn nhất của nhà thơ Huy Cận

Huy Cận xuất hiện trong làng thơ lãng mạn những năm 30 – 45 và tự khẳng định mình bằng chính tài năng và phong cách độc đáo. Khi phân tích bài thơ “Tràng Giang” ngắn nhất, người đọc sẽ thấy được cái nhìn đa chiều, đa cảm và độc đáo của nhà thơ.

Nội dung bài viết

Một số dạng đề văn phân tích bài thơ “Tràng Giang” ngắn nhất

Mời bạn đọc tham khảo một số dạng đề văn phân tích bài thơ “Tràng Giang” ngắn nhất. Với các bài phân tích mẫu này, hi vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn ngữ văn ở trường.

Đề bài: Hãy phân tích đoạn thơ đầu trong bài Tràng Giang của Huy Cận bằng một đoạn văn ngắn

Tập thơ “Lửa thiêng” là tập thơ đầu tay của Huy Cận, đã đem đến cho người đọc mọi thế hệ một nỗi buồn nhân thế, mênh mang thiên cổ sầu bằng hình thức thơ trang trọng, đậm đà cốt cách Đường thi nhưng vẫn giản dị, mới lạ và in rõ dấu ấn của hồn thơ lãng mạn đương thời.

Nằm trong mạch chung ấy, bài thơ “Tràng Giang” là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho hồn thơ Huy Cận. Ông từng nổi tiếng với những bài thơ lục bát như: Ngậm ngùi, Đẹp xưa,… Nhưng vẻ mộc mạc bình dị của thể thơ lục bát dường như chưa thật sự tương hợp với một hồn thơ vừa bay bồng vừa trang trọng của Huy Cận.

Vì thế Tràng Giang được viết theo thể loại thất ngôn với 4 khổ thơ giống như 4 bức họa phong cảnh để tạo nên bức tranh tứ bình toàn cảnh sông nước. 4 khổ thơ như 4 bài tuyệt cú độc lập phảng phất dư âm thời Đường. Tràng Giang là đọc chệch đi từ âm Hán Việt, Tràng Giang nghĩa là sông dài bởi vì Trường Giang vốn là tên một dòng sông mỹ lệ, hùng vĩ của đất nước Trung Hoa, dòng sông này từng tuôn dài trong những áng Đường thi tống phú bất hủ.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,”

Cảnh Tràng Giang mở ra với những con sóng gợn lăn tăn nối tiếp lan tỏa rồi hút tầm mắt đến tận chân trời, một mặt sông bình lặng khác với những con sóng cuồn cuộn chảy trong những câu thơ Đường thi bất hủ. Từ láy “điệp điệp” là từ láy nguyên, gợi dáng vẻ đường bệ, cổ kính.

“Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”

Trước đây, hình ảnh thuyền và nước gắn bó khăng khít không bao giờ xa cách nhau thì nay trong mắt của Huy Cận thuyền và nước không ăn nhập với nhau. Con thuyền không buồn lái cứ mặc xuôi theo dòng nước lặng tờ. Phụ từ “lại” là nỗi buồn ngưng đọng của dòng Tràng Giang, tâm hồn con người, nó lại ngược chiều với từ “về” khiến cho dòng sông và con người vốn gắn bó cũng trở nên chia lìa tách biệt.

Bóng thuyền thấp thoáng rồi vụt mất để lại nỗi buồn trăm ngả. Với 3 câu thơ đầu ta đã bắt gặp các hình ảnh quen thuộc của sông nước nhưng nó không hề lặp lại hình ảnh xưa cũ thường thấy trong thơ xưa mà có nét tươi mới.

“Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Thơ cổ cũng rất kị những con số xác thực, nhưng cụ thể đoạn thơ đầu trong bài Tràng Giang, ta bắt gặp cặp từ ngữ tương phản: “một – mấy”. Câu thơ gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh nhỏ bé, đơn đọc của một cành củi khô trước không gian sông nước rộng lớn.

Vẻ đẹp bài thơ qua phân tích khổ 1 là một bức tranh thủy mặc với những thi liệu thuyền, sóng, nước rất cổ điển và phảng phất một nỗi buồn tê tái. Huy Cận đã đưa vào bài thơ hình ảnh rất bình dị đời thường: củi một cành khô, đó là sự sáng tạo, cách nhìn mới mẻ của tác giả.

Đề bài: Viết bài văn ngắn phân tích vẻ đẹp bài thơ “Tràng Giang” chi tiết ở khổ thơ đầu

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc trong lịch sử văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông có nhiều đóng góp to lớn cho kho tàng văn học nước nhà. Một trong số các tác phẩm ấy phải kể đến bài thơ “Tràng Giang“. Bài thơ ngắn nhưng chất chứa nhiều nét ý nghĩa sâu sắc, cô đọng của nhà văn muốn truyền tải đến người đọc nhiều thế hệ.

Khổ thơ đầu bài thơ “Tràng Giang” mở ra không gian sông nước vô biên:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,”

Ở câu thơ thứ nhất, từ Hán Việt “tràng giang” chỉ con sông dài, rộng lớn. “Tràng” là âm đọc khác của “Trường” gợi lên không gian cổ kính, bát ngát như trong Đường thi: “Duy kiến Trường giang thiên tế lưu”.

Cách lặp vần “ang” và kết thúc là âm tiết mở, tạo độ ngân vang cho âm hưởng thơ. Câu thơ gợi hình ảnh dòng sông chảy mênh mang giữa đất trời cũng như nhịp chảy trôi bất tận của vũ trụ. Từ láy “điệp điệp” là láy nguyên, gợi dáng vẻ đường bệ, cổ kính cũng như nhịp chuyển động vươn xa của những con sóng. Cũng từ ấy, những nỗi buồn như kéo dài theo từng lớp sóng.

Ở câu thơ 2 và 3, trên dòng Tràng Giang ấy hiện lên hình ảnh con thuyền như hòa cùng trạng thái của sóng nước:

“Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”

Con thuyền gác mái, buông trôi theo dòng nước như sự buông xuôi của con người giữa dòng đời. Câu thơ thứ 3 gợi nhiều cảm xúc. Thuyền và nước vận động ngược hướng “thuyền về – nước lại”. Câu thơ gợi liên tưởng đến sự chia li, không gặp gỡ, thiếu cảm thông của sự vật vốn gần gũi nhau. Sau sự vận động ấy là mối “sầu trăm ngả”. Nỗi buồn lan xa theo dòng nước, thấm vào cảnh vật và từ cảnh vật gieo vào lòng người.

Khổ thơ 2 với hai câu thơ bắt đầu và kết thúc đều bằng những từ láy tạo hình gợi lên một nỗi buồn trống vắng, cô quạnh khi tác giả sử dụng từ “đìu hiu”.

“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.”

Vốn dĩ âm thanh của tiếng làng xa vãn chợ chiều sẽ đem đến sự ấm áp, náo nhiệt của cuộc sống con người nhưng dường như mọi âm thanh đều tắt lịm trước khi chạm đến miền sông nước vắng rợn này. Bởi vậy mà đoạn văn, câu thơ vang lên với câu hỏi thảng thốt “Đâu tiếng” vừa như là một câu cảm thán, vừa như một nhạc điệu bâng khuâng da diết gợi tả nỗi hụt hẫng chơi vơi của nhà thơ khi đối diện với sông dài trời rộng.

Nhìn ra không gian bao la, hoang vắng hơn bao giờ hết, ý thơ đã có sự giãn nở đa chiều:

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Qua việc phân tích đoạn thơ sầu trong bài “Tràng Giang” của Huy Cận, đã cho thấy ông vốn dĩ là nhà thơ có biệt tài về việc khắc họa không gian vũ trụ đa chiều. Câu thơ này lại một lần nữa minh chứng cho biệt tài đó của tác giả. Sử dụng nghệ thuật đối và từ trái nghĩa diễn tả những chiều không gian giãn nở đối cực nhưng vẫn hài hoà cân xứng. Nhà thơ lạ hóa thiên nhiên kì vĩ bằng cụm từ “sâu chót vót” vừa độc đáo, vừa gợi tả được sự cộng hưởng của các chiều không gian. Bầu trời trở nên lồng lộng cao xanh thăm thẳm, dòng sông thì mênh mông không đáy, chiều kích của không gian hun hút vô tận, bến bờ vì thế càng trơ trọi, hoang vắng, được gọi là bến cô liêu.

khổ thơ thứ 3, nhà thơ vẫn tiếp tục tìm kiếm hình ảnh và âm thanh của mọi người, nhưng sau đó thì tác giả lại ngậm ngùi tiếc nuối, thất vọng. Bởi vì ở nơi miền sông nước cô quạnh này không một tiếng chợ chiều làng xa có thể vang vọng đến, không một cây cầu, không một chuyến đò để gắn kết đôi bờ. Dòng sông mênh mông đến nỗi đôi bờ như bị thời gian chia lìa, ngăn cách, không có sự giao hoà.

“Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,”

Trong 1 khổ thơ Huy Cận đã sử dụng điệp từ “không” nhằm tô đậm sự thiếu thốn, làm sống dậy trong tâm thức người đọc nỗi tiếc nhớ những cái đã có, những điều gắn với xóm làng ven sông nước. Đó là những nhịp cầu tre gập ghềnh, những con đò êm xuôi mái xanh xanh, những bãi mía, bờ dâu. Phân tích bài thơ “Tràng Giang” ngắn nhất, ta thấy Huy Cận đã xóa nhòa những dấu vết của sự sống con người để giữ trọn vẹn vẻ hoang sơ, trống vắng, rợn ngợp của dòng Tràng Giang.

Dường như tác giả muốn tìm sự ấm áp lại gặp nỗi lạnh lẽo vô bờ, muốn nghe được âm thanh náo nhiệt của cuộc sống nhưng lại chạm vào sự lặng im, lặng lẽ đến tuyệt đối. Nó dường như đang bao trùm cả chốn nước non lặng lẽ này. Vì thế mà con người càng trở nên cô đơn hơn qua câu thơ:

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng”

Ý nghĩa bài thơ “Tràng Giang” lấy từ những hình ảnh vốn quen thuộc trong ca dao, nay đi vào thơ Huy Cận thì mang thêm nỗi băn khoăn tô đậm sự trơ trọi, vô định. Hàng nối hàng là sự tiếc nuối vô tận, gợi mở một buổi hoàng hôn dài đằng đẵng.

Khổ 4 – Khổ thơ cuối khép lại bài thơ bức tranh sông nước bỗng vụt lên huy hoàng, tráng lệ:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,”

Từ cuối chân trời xa những đám mây trắng được phản chiếu bằng ánh nắng hoàng hôn đã tạo những hòn núi bạc khổng lồ.

Huy Cận từng bộc bạch rằng chữ “đùn” là ông học được từ câu thơ của Đỗ Phủ. Huy Cận rất tâm đắc bởi vì chữ đùn rất động, rất giàu chất biểu cảm, diễn tả sự bất thường của mây, nó cũng có gì đó u uất, bị đè nén.

Cảnh Tràng Giang đẹp huy hoàng lộng lẫy giống như một bức tranh thơ mộng nhưng đó chỉ là vẻ đẹp ngắn ngủi, không gian chỉ sáng bừng lên trong một khoảnh khắc để chuẩn bị cho một sự lụi tàn, lụi tắt. Trên nền không gian đó, nhà thơ chấm phá vào đó một cánh chim bay lạc:

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.”

Với Huy Cận thì cánh chim đã đi qua lăng kính của nhà thơ mới, thể hiện trong sự đối lập tương phản do đó đã trở nên bé nhỏ, đơn côi hơn bao giờ hết.

“Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Điệp từ “dợn”: diễn tả tâm trạng nôn nao, day dứt của lòng người, đó là nỗi niềm nhớ về thôn quê khi xưa. Thậm chí tâm trạng này gợi nhắc tới một tứ thơ cổ điển, gặp gỡ với nỗi niềm Thôi Hiệu thời xưa:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét Huy Cận: “Huy Cận cơ hồ đã trở thành nhà thơ cổ điển giữa làng thơ mới, một mình tất tả xuôi ngược trở về với những vẻ đẹp xưa, phong vị cổ điển thấm đượm trong Tràng Giang từ nhan đề, thể thơ thất ngôn hàm súc giàu sức gợi, những ý thơ khơi nguồn từ Đường thi… Và hôm nay sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân của thời đại thơ mới đã khuấy động khiến nỗi niềm xưa cũ xôn xao thức dậy”.

Đề bài: Viết đoạn văn nêu ngắn gọn ý nghĩa bài thơ “Tràng Giang”

Qua bài thơ “Tràng Giang”, người đọc cảm nhận được nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn truyền tải. Trước hết, bài thơ là một bức tranh phong cảnh và tâm cảnh. Nhà thơ mượn khung cảnh dòng sông Tràng Giang để bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Ông nhớ về quê hương khi xưa với nỗi buồn man mác và dòng sông Tràng Giang như hiểu lòng người thi sĩ, cũng toát lên một nét sầu bi, buồn rợn ngợp.

Tiếp đó, bài thơ diễn tả nỗi buồn cá nhân người thi sĩ nhưng cũng đồng thời nói lên tiếng lòng của cả một thế hệ bấy giờ. Ông bộc lộ lòng yêu nước da diết thông qua việc thể hiện tình yêu thiên nhiên, cảnh vật nơi quê hương. Nhưng cũng đồng thời buồn bã, bi ai trước cảnh quê hương thân yêu đang phải chịu sự kìm hãm, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Chính điều này đã khiến dòng sông Tràng Giang thân quen, đẹp mênh mang nhưng khoác lên trên mình một nỗi buồn thảm.

Phân tích bài thơ “Tràng Giang” ngắn nhất đã cho thấy đây là bài thơ hay nhất trong tập Lửa thiêng. “Tràng Giang” cũng là một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp non sông đất nước đồng thời đại diện cho lòng yêu nước, yêu giang sơn, tổ quốc của tác giả.

Xem thêm: Phân tích 8 câu thơ cuối bài “Trao duyên” trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du

Phân Tích, Văn Học -