Dân gian có câu Lời nói gói vàng

Đề bài: Dân gian có câu Lời nói gói vàng đồng thời lại có câu Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Học sinh hiểu thế nào về giá trị và ý nghĩa lời nói trong cuộc sống. Hãy viết thành bài làm văn về vấn đề trên.

Bài viết tham khảo

Từ rất lâu con người đã biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp hàng ngày. Lời nói có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống mỗi người. Để diễn ta tầm quan trọng này dân gian ta có câu : “Lời nói gói vàng” đồng thời cũng có câu : “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vậy hai câu nói trên có ý nghĩa như thế nào?

Lời nói là chuỗi âm thanh do con người phát ra để truyền đạt suy nghĩ, ý kiến cá nhân với người khác và cộng đồng xung quanh. Vàng là thứ kim loại quý hiếm, giá trị. Nói lời nói gói vàng có hàm ý so sánh chỉ giá trị trân quý của lời nói, lời nói là tài sản quý báu mà thượng đế ban tặng cho nhân loại. Vậy còn : “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hàm ý chỉ điều gì. Về mặt hình thức tưởng chừng như hai câu nói này là đối ngược nhau nhưng đi sâu sa ta lại thấy chúng bổ sung cho nhau. Nói lời nói chẳng mất tiền mua đó thể hiện cái giá trị vượt qua giới hạn vật chất của lời nói, lời nói là món quà vô giá thượng đế ban tặng cho loài người, chỉ duy nhất con người mới có thể sở hữu được lời nói. Lời nói là đáng giá sao có thể được định lượng bằng những vật chất phù phiếm cho được. Chính vì sự quý giá ấy mà con người phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, phải nâng niu, gìn giữ lời nói đúng đắn, trong sáng.

Chung quy lại ý nghĩa của hai câu tục ngữ là ngợi ca sự quý của lời nói.Và khuyên con người phải biết nâng niu,quý trọng viên ngọc đáng giá ấy.Vậy tại sao lời nói vô hình lại có giá trị đến như thế? Trước hết, lời nói chính là phương tiện giao tiếp, nhờ lời nói con người mới có thể gắn kết lại được với nhau. Con người có thể tự do trình bày ý kiến, biểu đạt suy nghĩ của mình thông qua chuỗi âm thanh phát ra. Từ đó con người có thể thấu hiểu nhau, xích lại gần nhau, sẻ chia và gắn kết. Thứ hai, lời nói là nhân tố quan trọng đối với sự thành công của mỗi người. Một lời nói thuyết phục, nhanh nhẹn có thể giúp bạn vượt qua các đối thủ khác, giúp bạn có một công việc tốt, một nhà đầu tư mới. Thêm vào đó, lời nói chính là thước đo đánh giá nhân cách và văn hóa mỗi người. Ta có thể biết được tính cách và con người của cá nhân khi ta tiếp xúc với họ, khi nghe họ giao tiếp hàng ngày. Lời nói họ phát ra có thể cho ta biết con người đó có tốt hay không, trình độ văn hóa, học thức ra sao. Cuối cùng, lời nói là dấu mốc quan trọng, là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử loài người. Đó chính sự đẳng cấp khác biệt giữa loài người so với các loài khác, sự tiến hóa vượt bậc của con người. Đó chính là những nền tảng tô lên vẻ đẹp ngời sáng, lấp lánh, giá trị của lời nói.

Xem thêm >>> Dàn ý chung Lời nói gói vàng

 

Giá trị của lời nói thể hiện qua rất nhiều các minh chứng cụ thể. Khi bạn ăn nói lưu loát, có logic, thật thà trung thực bạn sẽ thuyết phục được đối tác ký hợp đồng với bạn, ngược lại nếu bạn ăn nói ấp úng, lan man thì cơ hội hợp tác sẽ chẳng bao giờ đến. Các vị nguyên thủ quốc gia cũng dùng chính lời nói để ký kết các hiệp ước song phương, đàm phán để ổn định an ninh và phát triển xã hội, đất nước. Ngay trong văn chương ý nghĩa giá trị của lời nói cũng được khắc họa rõ nét trên mọi phương diện và khía cạnh, ví dụ như: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay

““ Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu
Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.”

Lời nói có giá trị và vai trò quan trọng như vậy nên chúng ta phải biết xem xét, đánh giá, cân nhắc, cẩn thận trước khi nói để lời nói đem lại được giá trị đúng đắn nhất của nó.

Trong cuộc sống hiện nay, bên cạnh những người sử dụng tích cực lời nói của mình thì cũng có không ít các trường hợp sử dụng lời nói làm công cụ để thực hiện mục đích tiêu cực. Đó là những trường hợp vu oan giá họa cho người khác, những trường hợp nói xấu, đổ thêm dầu vào lửa, loan truyền những tin tức sai sự thật, nghiêm trọng hơn là tuyên truyền chống phá Nhà nước, sử dụng quyền tự do ngôn luận để đặt điều nói xấu Đảng và Nhà nước, đi ngược lại với mục tiêu chung của toàn xã hội. Đây là những trường hợp nông cạn, hạn chế, cần sớm được bài trừ khỏi cộng đồng.

Lời nói là cần thiết trong cuộc sống mỗi người. Và việc sử dụng lời nói lại càng cần thiết hơn nữa. Mỗi chúng ta hãy biết sử dụng lời nói của mình một cách hợp tình, hợp lí, nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, và đúng trọng tâm vấn đề. Đứng trước sự xảo trá phải có lập trường vững vàng để không bị kẻ  xấu kích động, lôi kéo, dụ dỗ. Chú ý, thận trọng và chịu trách nghiệm về lời nói bản thân. Nói năng khéo léo nhưng trung thực thẳng thắn không gian lận. Rèn luyện được những đức tính quý báu này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và cả những người xung quanh trong học tập và cả công việc sau này.

Giá trị của lời nói là giá trị vĩnh hằng, trường tồn cùng không gian, thời gian. Lời nói là nhân tố thúc đẩy sự phát triển xã hội và là thước đo để đánh giá môi con người. Vì thế, bản thân mỗi người hãy tự nhận thức được cho mình cách sử dụng lời nói một cách đúng đắn để mài giũa phát huy giá trị của lời nói. Cũng giống như ông cha ta từng răn dạy: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.”

 

Lớp 7 -