Phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí” – Chính Hữu hay và sâu sắc nhất
Phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí” ta biết ơn về những khó khăn của người lính. Tham khảo dàn ý phân tích và một số dạng đề văn đầy đủ nhất!
Bạn đọc có thể tham khảo bài phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí” dành cho học sinh giỏi dưới đây để có thêm những kiến thức hữu ích, bổ trợ cho quá trình học tập trên trường. Bài thơ “Đồng chí” là một trong những tác phẩm nổi bật, đặc sắc nhất của chương trình văn học 9.
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí”
Dưới đây là dàn ý chi tiết phân tích 7 câu thơ đầu bài “Đồng chí” dành cho học sinh giỏi đã được chọn lọc kỹ lưỡng. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng dàn ý này để bài phân tích của mình mạch lạc và logic hơn.
Mở bài phân tích bài “Đồng chí” 7 câu đầu
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: Chính Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp, ông nổi bật giữa làng thơ Việt Nam với tâm hồn giản dị, mộc mạc, chân thành và chan chứa cảm xúc.
+ Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Đồng chí” có thể được xem là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất đời thơ Chính Hữu, gợi nhớ người đọc về một thời kháng chiến gian lao mà thấm đượm tình người, tình đồng chí.
– Dẫn dắt vào vấn đề: Đặc biệt ở 7 câu thơ đầu của bài thơ, Chính Hữu đã tập trung khắc họa nền tảng để những người lính cùng nhau bồi đắp tình anh em, đồng đội keo sơn ấy.
Thân bài phân tích 7 câu thơ đầu của bài “Đồng chí”
– Những người lính giống nhau về xuất thân, hoàn cảnh khốn khó: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
+ “Quê hương” và “làng”: 2 từ được xem là cùng trường nghĩa với nhau, cho thấy những người lính đều có xuất thân từ những người nông dân, lớn lên nơi làng quê nghèo khó.
+ “Nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”: Chính Hữu sử dụng một thành ngữ và một hình ảnh giàu sức gợi để làm nổi bật sự tương đồng về hoàn cảnh sống thiếu thốn khó khăn, về điều kiện sống khắc nghiệt, lắm gian nan.
– Những người lính cùng nuôi một lý tưởng sống cao đẹp và vĩ đại: “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.
+ “Anh với tôi”: Cách xưng hô gần gũi, thân thuộc, gắn bó.
+ “Đôi người xa lạ” – “Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”: Những người lính đến từ mọi miền của tổ quốc, chẳng quen nhau, không hẹn trước nhưng lại gặp được nhau nơi chiến trường mưa bom, bão đạn, rồi cùng vun đắp được tình đồng đội đẹp đẽ.
+ “Súng bên súng”: Một hình ảnh ẩn dụ, tái hiện khung cảnh những người lính kề vai sát cánh trong chiến đấu, gắn bó bên nhau vượt qua một nguy hiểm, gian khó.
+ “Đầu sát bên đầu”: Một lần nữa Chính Hữu sử dụng hình ảnh giàu liên tưởng để ẩn dụ cho những người “đồng chí” cùng chung lý tưởng sống cao đẹp và đáng được ngợi ca: Sống để cống hiến, để hy sinh, để ra trận, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
– Cùng bên nhau vượt qua cuộc sống chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt và gian khổ nơi chiến trường: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.
+ “Đêm rét”: Những đêm trường thời tiết lạnh giá, khắc nghiệt, cái lạnh cắt da cắt thịt, đại diện cho những khó khăn, thử thách ở chốn rừng thiêng nước độc.
+ “Chung chăn”: Cho thấy một hoàn cảnh sống vất vả, thiếu thốn, nhưng trong hoàn cảnh ấy họ vẫn chia sẻ với nhau những thứ vật chất ít ỏi, từ đó khắc họa rõ nét phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cụ Hồ, cùng tình nghĩa anh em keo sơn, gắn bó.
+ “Thành đôi tri kỉ”: Mối quan hệ giữa những người lính không phải là “đôi người xa lạ” nữa mà trở thành “đôi tri kỉ”, tình cảm khăng khít, gắn kết và nặng nghĩa nặng tình.
+ “Đồng chí!”: Hai tiếng “đồng chí” đầy thân thương, từ những người chẳng quen biết, nhờ cùng trải qua gian khó mà nên tình anh em, đồng đội, sống chết bên nhau, không thể tách rời.
Kết bài phân tích bài “Đồng chí” 7 câu đầu
– Khái quát giá trị nghệ thuật và nội dung:
+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng khéo léo các hình ảnh ẩn dụ, giàu sức gợi, giọng thơ nhẹ nhàng, mộc mạc,… giúp những vẫn thơ đi vào tâm trí người đọc một cách tự nhiên rồi để lại bao nỗi suy nghĩ vấn vương.
+ Giá trị nội dung: Khắc họa cuộc sống người lính gian khổ, hiểm nguy nhưng nổi bật hơn cả là ngợi ca tình đồng chí thân thương, gắn bó.
– Nêu cảm nhận riêng về 7 câu thơ nói riêng và toàn bộ bài thơ nói chung.
Một số dạng đề văn phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí”
Trong quá trình đi sâu phân tích tác phẩm “Đồng chí”, các bạn sẽ gặp rất nhiều đề bài liên quan đến phân tích 7 câu thơ đầu bài thơ. Sau đây là tổng hợp một số dạng đề văn phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí” tiêu biểu và hay xuất hiện trong các đề thi nhất.
Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về 7 câu thơ đầu bài “Đồng chí”
Những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian nan, vất vả mà anh hùng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ thả hồn mà sáng tác. Chính Hữu là một trong số đó. Ông dùng ngòi bút tái hiện khung cảnh chiến trường khốc liệt, nguy hiểm, để tạc khắc chân dung những người anh hùng thời đại, hơn cả là ngợi ca tình đồng chí, anh em keo sơn, gắn bó. Điều này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Đồng chí”, đặc biệt là qua 7 câu thơ đầu của bài thơ.
Ở 2 câu thơ đầu tiên, Chính Hữu tập trung giới thiệu xuất thân của những người lính cụ Hồ:
“Quê hương tôi nước mặn đồng chua
Làng anh nghèo đất cày lên sỏi đá”
“Tôi” thì lớn lên nơi “nước mặn đồng chua”, “anh” thì lớn lên nơi “đất cày lên sỏi đá”. Như vậy, những người lính tụ họp nơi chiến trường mưa bom bão đạn này đều đến từ những làng quê nghèo khó. Với thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh giàu sức gợi “đất cày lên sỏi đá”, Chính Hữu đã khéo léo xây dựng lên hình ảnh những con người chân chất, mộc mạc.
Họ là những người nông dân chân lấm, tay bùn, quanh năm suốt tháng chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cuộc sống của họ lam lũ, vất vả, chỉ quanh quẩn nơi gốc đa, mái đình. Những người lính có chung hoàn cảnh, xuất thân, có chung một đoạn đời khốn khó. Thế nên giúp họ có thể dễ dàng yêu lấy cái đơn sơ, giản dị trong con người của nhau. Họ – những người nông dân khoác súng lên vai bỗng hóa những anh hùng:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”
Không chỉ có chung một quê hương nghèo khó, những người chiến sĩ còn tương đồng về cả lý tưởng, chân lí lớn lao:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Những người nông dân từ khắp mọi miền đất nước cùng bỏ cuốc bỏ cày, bỏ lại mảnh ruộng, mái nhà tranh mà tụ họp nơi chiến trường khốc liệt. Họ chỉ là “đôi người xa lạ”, không hề quen biết, thế mà “chẳng hẹn” lại “quen nhau”. Hai tiếng “anh” với “tôi” vang lên dường như đã xóa tan mọi khoảng cách, mọi sự xa lạ, bên cạnh đó khiến mối quan hệ của những người lính trở nên thân thuộc và gần gũi.
Khung cảnh làm quen của những người chiến sĩ cũng thật đặc biệt. Không phải là một cuộc hẹn được báo trước, không cả biết trước địa điểm. Họ được làm quen với nhau bởi một hoàn cảnh hết sức đặc biệt của dân tộc. Những thanh niên tình nguyện lên đường bảo vệ đất nước, quê hương ở mọi miền tổ quốc, nhiều tỉnh thành cho đến xóm làng. Giờ đây, trong một tình cảnh nguy nan, họ gặp nhau, quen biết và giúp đỡ nhau hết mình như anh em một nhà. Giữa những chàng trai đã có mái nhà chung ấy là ngôi nhà dân tộc, anh em bốn bể là nhà.
Câu thơ “Súng bên súng, đầu sát bên đầu gợi nhiều liên tưởng”. Những người lính kề vai sát cánh, cùng nhau vượt qua mọi bom đạn, hiểm nguy. Họ đồng lòng vượt khó trên mọi nẻo đường hành quân, trên mọi mặt trận chiến trường. Hình ảnh thơ này làm ta nhớ đến những câu thơ của Quang Dũng:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”
Họ thân thuộc, gần gũi vì cùng đến từ cái vùng “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” và vì cùng chung một hoài bão lý tưởng. Họ đều là những người nông dân mang trong mình tình yêu đất nước nồng nàn, một lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Không ai trong số họ chịu được cảnh nước mất nhà tan, chấp nhận kiếp sống nô lệ, mất tự do. Đó chính là lý do họ cùng nhau ra trận để trở thành những người lính cụ Hồ mang sứ mệnh cứu nước cứu dân trên vai.
Từ những người xa lạ, những người lính trở thành anh em, đồng đội, họ sẵn sàng đồng kham cộng khổ, đi cùng nhau và vượt qua mọi gian khổ:
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
Cuộc sống sinh hoạt chiến trường đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn. Những người lính phải hằng ngày đối mặt với bom rơi, đạn lạc, đương đầu với núi cao, thác ghềnh và phải chịu đựng cả cái rét, cái đói. Các anh cơm không đủ no, áo không đủ ấm, đêm trường trải qua cái lạnh cắt da cắt thịt. Nhưng với lý tưởng lớn lao, với trái tim nhiệt huyết, những gian khổ, thách thức ấy chẳng thể cản bước được bước đi của những người chiến sĩ.
Sáng ngời trong tâm hồn của những người lính trẻ giờ là lí tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chính những lí tưởng ấy đã giúp người chiến sĩ vững lòng tin, vượt mọi gian truân, khó khăn để vượt lên phía trước. Lúc này đây, cuộc chiến tranh vệ quốc được tham gia bởi những người anh hùng vô danh. Lớp lớp người ngã xuống rồi sẽ được đền đáp bằng một đất nước hòa bình, độc lập, tự do. Các anh ra đi, hi sinh thân mình vì thế hệ mai sau, vì con em của đất nước. Đó quả là một sự hi sinh vĩ đại, to lớn mà những thế hệ sau sẽ nhớ mãi không quên.
Trong cái rét đêm rừng, những người lính “đắp chung chăn thành đôi tri kỷ”. Họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau mọi quân nhu yếu phẩm, đồng cam cộng khổ, vượt qua nguy khó. Từ những người xa lạ, giờ đây họ đã trở thành “đôi tri kỷ”, trở thành anh em một nhà, trở thành đồng đội, “đồng chí”. Hai tiếng “đồng chí” được Chính Hữu viết lên bằng tất cả sự ngợi ca, trân trọng và quý mến.
Những người lính cùng nhau xông pha nơi trận mạc, sát cánh vượt qua mọi mưa bom, có so đo gì mấy thứ vật chất tầm thường. Trái tim họ cao thượng, to lớn. Cùng với ý chí bền vững, sắt đá, họ – những người lính làm nên dáng đứng của xứ sở, dân tộc Việt Nam. Câu thơ của Chính Hữu dường như có chung một tiếng lòng, một cảm xúc với những câu thơ sau của Tố Hữu:
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”
Bài thơ là những áng văn chương hay và thấm thía về cuộc đời những người lính nỗ lực giải phóng đất nước. Qua ngòi bút của Chính Hữu, một trong những chiến sĩ cách mạng, những câu thơ lại càng gần gũi, thân thuộc và chân thực. Đời sống quân đội, chặng đường hành quân có nhiều câu chuyện mà người ở ngoài nhìn vào sẽ không thể thấy hết được. Phải từ chính người lính, người chí sĩ miêu tả lại mới giúp người đọc phần nào hiểu được toàn bộ những vất vả, gian truân thời kì kháng chiến cứu nước ấy.
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích nội dung 7 câu thơ đầu bài “Đồng chí”
Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác năm 1948, tái hiện những ngày đông lạnh giá, kháng chiến gian khổ tại núi rừng căn cứ địa kháng chiến. Qua đó, tác phẩm đã làm nổi bật, sáng bừng chân dung anh bộ đội cụ Hồ – những anh hùng làm nên mùa xuân của đất nước với những phẩm chất, cốt cách cao đẹp, đáng ngợi ca! Đặc biệt, ở 7 câu thơ đầu của bài thơ, tình đồng chí, đồng đội của những người lính hiện lên thật đẹp đẽ, tình cảm khăng khít ấy đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi chiến trường.
Qua 2 câu thơ đầu tiên, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy những người lính có chung một xuất thân:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
“Quê hương” và “làng” là những từ có cùng trường nghĩa. Hai từ này đều gợi lên trước mắt người đọc một mảnh đất nghèo nàn và gian khó, kết hợp với thành ngữ “đất mặn đồng chua”, cùng hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” càng làm cho sự gian nan, nghèo nàn ấy trở nên nổi bật. Dường như, “anh” đến từ vùng đồng bằng đất chua đất mặn, lúa chẳng chịu trổ bông, hoa màu chẳng chịu lớn. Còn “tôi” lại đến từ miền núi đầy nắng đầy gió, bốn bề núi, xung quanh toàn đá sỏi.
Có thể thấy, các anh đều có chung một xuất thân, đều là những người nông dân bỏ chiếc áo nâu sờn mà khoác lên mình chiếc áo lính. Hoàn cảnh sống lam lũ, vất vả đã giúp họ tôi luyện sự kiên cường, mạnh mẽ. Chốn quê hương nghèo đã dạy họ biết cần cù, chịu khó. Hơn cả, sự tương đồng trong xuất thân đã giúp họ hiểu nhau hơn, gần nhau hơn và sống gắn bó hơn. Họ đã sống đẹp như những “người đồng mình” của Y Phương:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Từ mọi miền tổ quốc, những người nông dân tụ họp nơi chiến trường và kết thành những người anh em cùng chung chí hướng:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Cuộc đời những người lính đã từng chỉ quẩn quanh với cái cày, cái cuốc, chưa một lần rời khỏi mái đình, lũy tre nên nào có quen có biết. Từ khắp các làng quê nghèo, lam lũ, chẳng kể Bắc, Trung, Nam, họ cùng lên đường nhờ chung lý tưởng mà có duyên gặp mặt. Và từ “đôi người xa lạ”, họ cùng chiến đấu mà trở thành “quen nhau”. Với cặp từ xưng hô “anh” – “tôi”, Chính Hữu đã xóa tan mọi khoảng cách, mọi lạ lẫm giữa những người lính.
Cách xưng hô vừa gần gũi lại thâm tình. Trên chặng đường hành quân với biết bao khó khăn, gian khổ và hiểm trở ấy, nếu không có tình cảm gắn kết, những người lính sẽ không thể tiếp tục được. Có nhiều chiến sĩ, rời bỏ quê hương, mái nhà, người mẹ và các em để tình nguyện tham gia quân ngũ. Họ vẫn còn trẻ chỉ mười tám đôi mươi, chưa trưởng thành trong tâm lí. Chặng đường hành quân dài, đương đầu với chiến trường hiểm nguy, có thể không hẹn ngày trở về. Lúc ấy những người lính trẻ chỉ còn những “người anh trai” từ mọi miền đất nước làm điểm tựa.
Những chàng trai làm chỗ dựa tinh thần cho nhau. Giờ đây, dưới mái nhà chung dân tộc, họ đều là anh em thân thiết, gắn bó hơn máu mủ ruột thịt. Người lính sẵn sàng hi sinh tính mạng, lấy máu và thân thể mình để che chở, bảo vệ cho anh em. Đó là một sự hi sinh quên mình, vĩ đại và cao thượng. Đừng trước chiến tranh, sống còn, hiểm nguy vẫn giữ vững niềm tin nơi đồng chí, đồng đội, quả thật đáng ngưỡng mộ.
Giờ đây, họ là anh em chí cốt, là những người đồng đội cùng vào sinh ra tử, cùng chung một hoài bão lớn lao. Những người chiến sĩ kề vai sát cánh trên chiến trường bom đạn, đứng cạnh nhau trong những đêm đứng gác, súng cùng nặng trĩu trên vai, “súng bên súng”, xếp thành hàng thành lối. Họ đã bỏ lại người vợ cùng những đứa con, gian nhà tranh cùng mảnh ruộng chưa cày, bỏ lại quê hương, xứ sở để lên đường ra mặt trận. Vì đâu mà họ lại có thể sống một cuộc đời cao cả đến thế?
Vì họ là những nông người dân yêu nước, yêu hòa bình, vì họ là những người chẳng biết nhiều nhưng lại hiểu thế nào là tự tôn dân tộc, là truyền thống bất khuất của cha anh. Trong trái tim nhỏ có hình hài tổ quốc, trong ước mơ riêng có ngày đất nước được độc lập và trong lý tưởng có sao sáng dẫn đường:
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”
Ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ kể đến những chia sẻ, giúp đỡ giữa những người lính. Tình đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ càng trở nên khăng khít và gắn bó hơn khi họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ở cuộc sống chiến trường:
”Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
Cuộc sống sinh hoạt nơi chiến trường thiếu thốn và vất vả. Những ngày dài chiến đấu, những bữa cơm ít ỏi và cả những đêm trường gió rét. Cái lạnh ở rừng đã trở thành nỗi ám ảnh của không biết bao nhiêu thế hệ người lính. Đó là cái lạnh âm độ, giá buốt, là cái lạnh cắt da cắt thịt, cái lạnh ấy đi vào thơ của Chính Hữu rồi gợi lên bao cảnh khắc nghiệt, đau đớn.
Những khắc nghiệt, lạnh lẽo và thời tiết thay đổi đột ngột nơi núi rừng Việt Nam đã đi vào lời kể của cả những tên giặc xâm lược. Chúng không thể chịu nổi những cơn sốt rét giữa rừng hay chịu sự tấn công của các loài động vật như: Vắt, muỗi,… Ấy vậy mà những chiến sĩ anh hùng đã dũng cảm, mạnh mẽ vượt qua tất thảy khó khăn. Đối với các anh chút khó nhọc, mệt mỏi, gian nan đó chẳng đáng gì so với độc lập tự do dân tộc.
Đồng thời, nổi bật lên trong những hoàn cảnh ấy là sáng bừng lên tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó như anh em máu mủ, ruột thịt. Trong hoàn cảnh khốn khó, những người chiến sĩ đã “đắp chung chăn”, chia sẻ cho nhau mọi quân nhu yếu phẩm, san sẻ với nhau mọi đắng cay ngọt bùi. Những người chiến sĩ đã có cho mình mái nhà chung là mái nhà toàn dân tộc.
Họ đã trở thành “đôi tri kỷ” của nhau rồi. Từ những người xa lạ, nhờ có chung hoàn cảnh, có chung lý tưởng sống, chung những khó khăn, thử thách mà giờ những người lính đã trở thành những người chí cốt gắn bó, thâm tình. Hai tiếng “đồng chí” vang lên ở cuối khổ thơ như khẳng định, đúc kết lại mối quan hệ của những người chiến sĩ. Họ đã là những người anh em thân thiết như ruột thịt, những người đồng đội vào sinh ra tử. Tình cảm keo sơn, nồng thắm của họ đã đem đến ngọn lửa tình người để sưởi ấm giá lạnh của mùa đông chiến trường.
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích và giải nghĩa thành ngữ trong 7 câu thơ đầu bài “Đồng chí”
Trong 7 câu thơ đầu của bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã rất khéo léo, tinh tế khi sử dụng thành ngữ để làm nổi bật ý thơ. Cụ thể, thành ngữ đó là “nước mặn đồng chua” trong cặp câu:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
“Nước mặn đồng chua” là thành ngữ được người xưa sử dụng để chỉ những mảnh đất cằn cỗi, khó canh tác, trồng lúa lúa chẳng trổ, trồng khoai, khoai chẳng lớn. Vì vậy, khu vực này thường nghèo nàn, thiếu thốn, người dân phải lam lũ, nhọc nhằn. Và khi lồng ghép thành ngữ này vào câu thơ của mình, kết hợp với hình ảnh giàu sức gợi “đất cày lên sỏi đá”, Chính Hữu đã rất thành công khi làm nổi bật xuất thân, hoàn cảnh khốn khó của những người chiến sĩ.
Ý chí, tinh thần của những người chiến sĩ lên đường cứu nước thật đáng khâm phục, ngưỡng mộ. Dẫu lớn lên trong môi trường làng quê nghèo đói, đời sống tinh thần, vật chất thiếu thốn đủ đường. Nhưng những người lính vẫn hăng hái, đi đầu trong phong trào tự nguyện tham gia quân ngũ. Những ngày tháng rèn luyện sức khỏe đầy mệt mỏi, căng thẳng nhưng họ vẫn vui vẻ, hăng say.
Họ chỉ là những người nông dân cần cù chịu khó, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những người chiến sĩ ấy tuy sinh ra, lớn lên không cùng quê hương nhưng tại nơi chiến trường các anh đều là con dân đất Việt. Những người lính chất phác, giản dị, đơn thuần và mộc mạc thế nhưng trái tim họ lại lớn, lý tưởng họ lại cao đẹp. Đất nước gặp nguy khó, họ sẵn sàng lên đường, cống hiến và hy sinh tất cả để bảo vệ tổ quốc non sông, tác khắc vào dòng lịch sử chân dung những người lính cụ Hồ vĩ đại, lớn lao.
7 câu thơ đầu nói riêng cũng như toàn bài thơ “Đồng chí” nói chung của Chính Hữu đã truyền tải đến người đọc những nội dung vô nghĩa cùng những nét nghệ thuật vô cùng độc đáo. Hy vọng rằng, qua bài phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí”, các bạn đã hiểu hơn về những giá trị đặc sắc này, có thêm kiến thức để đạt được điểm số cao hơn.
Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp chị em Thúy Kiều trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” hay nhất
Phân Tích, Văn Học -Phân tích vẻ đẹp chị em Thúy Kiều trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” hay nhất
Phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và đầy đủ
Phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” – Tú Xương hay và đầy đủ nhất
Phân tích khổ 1 bài “Từ ấy” của tác giả Tố Hữu hay nhất
Phân tích bé Thu – truyện ngắn “Chiếc Lược Ngà” hay và chi tiết
Phân tích bài “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đầy đủ nhất
Phân tích nhân vật Bá Kiến chi tiết trong tác phẩm “Chí Phèo”