Phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” – Tú Xương hay và đầy đủ nhất

Mời bạn đọc tham khảo bài phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” dành cho học sinh giỏi dưới đây. Hy vọng, với các bài phân tích mẫu đã được chọn lọc, các bạn sẽ có thêm tài liệu để làm bài thật tốt và đạt điểm số thật cao.

Nội dung bài viết

Dàn ý phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ”

“Thương vợ” là tác phẩm nổi bật và đặc sắc nhất trong sự nghiệp thơ của Tế Xương. Để bài phân tích được đủ ý, mạch lạc, các bạn có thể tham khảo dàn ý phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” chi tiết dưới đây. Dàn ý sẽ giúp các bạn chọn ra và sắp xếp những nội dung chính, các ý giúp ăn điểm trong bài phân tích. Từ đó bạn đọc có thể tránh tình trạng bị trùng lặp, thiếu ý, lạc đề,…

Mở bài “Thương vợ” 4 câu đầu – Trần Tế Xương

– Giới thiệu tác giả: Tế Xương (1870 – 1907): Là nhà thơ có tuổi đời khá ngắn nhưng đời thơ rất rực rỡ. Ông nổi bật bởi cách viết văn chương trào phúng, phản ánh tư tưởng ly tâm, Nho giáo.

– Giới thiệu tác phẩm: “Thương vợ” là một trong số các tác phẩm thơ xuất sắc của Tế Xương. Bài thơ cho thấy tình cảm sâu nặng của nhà thơ dành cho người vợ lam lũ, tần tảo của mình.

Thân bài phân tích 4 câu đầu “Thương vợ” ngắn gọn

– Phân tích 2 câu đề:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.”

– Công việc mưu sinh của bà Tú:

+ “Quanh năm”: Công việc buôn bán diễn ra quanh năm, liên tiếp, ngày này qua ngày khác, lặp đi, lặp lại như chu kỳ của thời gian.

+ “buôn bán”: Công việc bôn ba, chợ búa, sớm hôm, ngược xuôi vất vả và không ổn định.

+ “mom sông”: Địa hình hiểm trở, dễ sụt lún, nguy hiểm. Đó chỉ là mô đất nhô ra phía lòng sông. Hình ảnh diễn tả cuộc sống mưu sinh cơ cực, bần hàn, dãi nắng dầm mưa, đầy rẫy khó khăn, bất trắc.

– Lý giải nguyên nhân:

+ “Nuôi đủ năm con với một chồng”: Một mình bà Tú phải chịu đựng, gánh vác mọi chuyện trong gia đình. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, lặn lội giữa đời để kiếm miếng cơm manh áo cho con và cho cả chồng, chăm sóc hoàn toàn không có sự giúp đỡ của người chồng và gia đình.

+ Đoạn thơ cho thấy sự đảm đang, tháo vát, chăm chỉ của bà Tú. Bà phải tất bật sớm hôm, làm lụng không ngơi nghỉ nhưng vẫn chỉ đủ để nuôi “năm con với một chồng” mà không có chút dư giả, dành dụm gì cho riêng bản thân bà.

+ Cách dùng từ thú vị: “Một chồng” bằng cả “năm con”, cho thấy sự hổ thẹn, xấu hổ của chính nhà thơ. Dù là chồng, người đáng lẽ là trụ cột gia đình nhưng một mình ông lại giống như năm đứa con nhỏ, cần bà Tú phải “nuôi”.

+ Cách ngắt nhịp 4/3: Nhấn mạnh nỗi vất vả, chông chênh của cuộc đời bà Tú khi lấy chồng. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền như đang đè nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc của người đàn bà ấy.

+ Cuộc đời lam lũ, nhọc nhằn của bà Tú được thể hiện rõ trong câu thơ. Bà hết nuôi con rồi phải nuôi thêm cả chồng. Cuộc đời cực khổ nay lại chồng chất thêm những nỗi lo toan.

+ Hình ảnh bà Tú: Một người mẹ hiền, một người vợ tốt, hiện lên lớn lao với bao đức tính tốt đẹp, cao quý.

– Phân tích 2 câu thực:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

+ “Lặn lội”: từ láy thể hiện sự cơ cực, nhọc nhằn, lam lũ, vất vả.

+ “thân cò”: Đây là hình ảnh quen thuộc của ca dao Việt Nam, đại diện cho những mảnh đời khốn khó, một mình chật vật mưu sinh, cho thấy nỗi đau thân phận, tình cảnh éo le của rất nhiều phụ nữ lúc bấy giờ.

+ “khi quãng vắng”: Đó là một không gian tĩnh mịch, vắng vẻ và heo hút, ẩn chứa đầy khó khăn, nguy hiểm.

+ Thông qua biện pháp ẩn dụ, cuộc đời lặn lội, đầy rẫy những nhọc nhằn, lo toan của bà Tú nói riêng và của bao lớp người phụ nữ nói chung càng được khắc họa rõ nét và chân thực.

+ Eo sèo: Từ láy tượng thanh, tái hiện cảnh kỳ kèo, trả giá, cãi vã, phàn nàn, cho thấy cảnh “buôn bán ở mom sông” đầy chật vật, bươn trải và nhiều khó khăn của bà Tú.

+ Buổi đò đông: Thể hiện một khung cảnh sông nước đông đúc, náo nhiệt, chật chội và trong hoàn cảnh “đò đông” này không thể tránh được những nguy hiểm, bất trắc như chen lấn, xô đẩy, tranh giành, cãi vã.

+ Cuộc sống mưu sinh của bà Tú: Sớm khuya vất vả, ngày ngày lam lũ, dãi nắng dầm mưa, chật vật mưu sinh giữa chốn sông nước đầy rẫy hiểm nguy, tranh đấu, phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt để kiếm cơm cho con, cho chồng.

+ Thể hiện sự xót xa, đồng cảm, thương yêu cùng sự biết ơn sâu sắc mà Tế Xương dành cho người vợ của mình.

Kết bài phân tích 4 câu đầu tác phẩm “Thương vợ”

– Khái quát vài nét nội dung và nghệ thuật đặc sắc:

+ Nội dung: Khắc họa rõ nét hình ảnh bà Tú – một người vợ, người mẹ chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh, một mình lặn lội vì miếng cơm manh áo của gia đình. Từ đó cho thấy tình yêu thương chan chứa, niềm xót xa vô hạn cùng sự biết ơn sâu sắc mà Tế Xương dành cho người vợ của mình.

+ Nghệ thuật: Bài thơ sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật sinh động, hấp dẫn. Câu thơ mang đậm chất trào phúng, vận dụng tài tình, khéo léo tiếng Việt cùng các biện pháp tu từ, hình ảnh giàu sức gợi.

– Nêu cảm nhận chung về nội dung, bố cục, ý nghĩa bài thơ “Thương vợ”.

– Liên hệ mở rộng đến hình ảnh người phụ nữ của thời đại mới.

Một số dạng đề văn phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ”

Trong quá trình học, các bạn có thể gặp phải rất nhiều dạng đề liên quan đến tác phẩm “Thương vợ” của Tế Xương. Dưới đây là tổng hợp một số dạng đề văn phân tích tác phẩm “Thương vợ” cùng các bài viết hay, chi tiết đã được chọn lọc.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích 4 câu đầu “Thương vợ” học sinh giỏi

Trong xã hội phong kiến xưa, thân phận người phụ nữ nhỏ bé và éo le vô cùng. Cuộc đời họ đầy rẫy những bất công, ngang trái nhưng sau tất cả, họ vẫn giữ được những phẩm chất cao quý, rất đáng trân trọng. Và Tế Xương – một nhà thơ nổi tiếng với nét nghệ thuật trào phúng, đã sáng tác bài thơ “Thương vợ” để thể hiện tấm chân tình với người vợ của mình và cũng là lên tiếng để ngợi ca những người phụ nữ nói chung, phê phán xã hội phong kiến mục nát. Bài thơ mở đầu bằng 2 câu thơ miêu tả công việc mưu sinh của bà Tú – vợ của Tế Xương:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Bức tranh toàn cảnh cuộc mưu sinh của bà Tú cứ thế hiện ra trước mắt người đọc. Bức tranh được tô bằng màu của sự lam lũ, vất vả, chứa cái hồn của nỗi lo toan cơm áo. Bà Tú làm công việc “buôn bán”, một công việc đi sớm về khuya, nhọc nhằn và cực khổ. Đã thế, địa điểm “buôn bán” của bà không phải mặt đất bằng phẳng, vững chãi mà là “mom sông”, một phần nhô ra giữa lòng sông rộng lớn, gập ghềnh và có thể sụt lún bất cứ lúc nào.

Công việc của bà diễn ra “quanh năm”, ngày này sang tháng nọ, cứ lặp đi lặp lại như một chu kì tuần hoàn của thời gian. Thế mới thấy, cuộc sống mưu sinh của bà Tú không hề dễ dàng, nhàn hạ, ngược lại khó khăn, gian khổ muôn bề. Bà chật vật bán buôn nơi mặt nước nguy hiểm, cứ cần mẫn sớm hôm, không một ngày ngơi nghỉ.

Cũng phải thôi, bà Tú là trụ cột của gia đình, bà phải “nuôi đủ năm con với một chồng”, nên một bữa nghỉ là một bữa cơm không đủ no. Tế Xương đã rất khéo léo khi sử dụng từ chỉ số lượng, “một chồng” ngang bằng với “năm con”, nhấn mạnh rằng thi sĩ là một gánh nặng, là nỗi lo đối với người vợ như năm đứa con của mình.

Mẹ nuôi con, chăm con ấy là chuyện bình thường nhưng bà Tú lại còn phải nuôi thêm cả người chồng là Tế Xương. Đôi vai gầy vì thế thêm nặng trĩu, thêm hao mòn. Ý thơ chan chứa niềm thương xót, nỗi tủi hờn và cả sự biết ơn của Tế Xương đối với bà Tú. Nhà thơ cũng từng trải lòng trong một bài thơ khác, rằng người vợ phải một tay bươn chải kiếm áo kiếm cơm cho cả nhà:

“Tiền bạc phó cho con mụ kiếm

Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi

Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng

Khéo khéo không mà nó cũng rơi”

Công việc mưu sinh của bà Tú tiếp tục được khắc họa nét hơn ở 2 câu thơ tiếp:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Tế Xương dùng biện pháp tu từ ẩn dụ để thể hiện rõ ràng hơn những khó khăn, gian khổ của vợ mình. Bà Tú “lặn lội” như “thân cò”, tấm thân hao gầy, mảnh khảnh, buôn trải giữa vùng sông nước sớm hôm chẳng khác gì con cò nhỏ bé mò mần bắt ốc, tìm cua. Công việc buôn bán của bà diễn ra ngay cả khi “quãng vắng”, tức thời gian, không gian tĩnh mịch, thưa thớt, vắng bóng người qua lại. Chứng tỏ rằng, việc “buôn bán” ấy ẩn chứa nhiều hiểm nguy, bất trắc. Sinh ra là người phụ nữ ở thời phong kiến nên đành chịu cảnh thân cò ngày đêm lam lũ:

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tối có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!”

Chỉ một câu thơ thôi mà người đọc đã đủ cảm nhận được cuộc đời lam lũ, nhọc nhằn của bà Tú. Bà phải kỳ kèo từng đồng xu, cắc bạc, phải tranh đấu đủ đường giữa cảnh chợ búa lắm người buôn, kẻ bán, để rồi cả một miền sông nước hóa “èo sèo”, náo nhiệt. Người vợ phải đánh đổi từng giọt mồ hôi, từng giọt nước mắt để đem về cho chồng con bữa cơm no ấm. Cuộc sống mưu sinh vì thế đã lam lũ, nhọc nhằn lại càng thêm nguy hiểm, tranh giành và đấu đá.

Vất vả bươn trải là thế nhưng người vợ của Tế Xương vẫn hết mực yêu thương chồng, con, hy sinh thân mình mà không một lời than vãn. Bà cứ lặng lẽ chấp nhận số phận, tự nguyện cống hiến, hy sinh thân mình để vun vén cho gia đình, con cái. Những gian khổ, nhọc nhằn kia chẳng đáng để so sánh với tình yêu gia đình, với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của bà Tú cũng như bao người phụ nữ Việt Nam xưa. Ca dao cũng đã có câu:

“Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đạo cương thường chớ đổi đừng thay

Dẫu có làm nên danh vọng hay rủi có ăn mày ta cũng theo nhau.”

Người phụ nữ xưa đẹp đẽ, chăm chỉ, cần cù là thế nhưng thói đời lại lắm trớ trêu, bất công với họ. Tế Xương bất bình mà phải lên tiếng tố cáo cuộc đời người phụ nữ dưới xã hội phong kiến chịu nhiều đắng cay, tủi nhục vô cùng. Bị quan điểm “trọng nam khinh nữ” kìm hãm, bị tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” bó buộc, người phụ nữ không có tự do, không có tiếng nói.

Tế Xương đã tự ý thức được sự bất tài của mình mà cảm thấy hổ thẹn, biết ơn bà Tú, đã nhìn nhận được cái sai, mục nát của chế độ, thời cuộc mà lên tiếng chế giễu, tố cáo. Không chỉ trong thơ của Tế Xương, cuộc đời người phụ nữ đã đi vào thơ ca, cao dao với bao cay đắng, tủi hờn:

“Thân em như chổi đầu hè

Phòng khi mưa gió đi về chùi chân

Chùi rồi lại vứt ra sân

Gọi người hàng xóm có chân thì chùi.”

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ”

“Văn học nằm ngoài những quy luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Thật vậy, ví như Tế Xương, một nhà thơ đã về với đất hơn trăm năm, có cuộc đời ngắn ngủi, thế nhưng những tác phẩm của ông lại bất hủ, sống mãi với thời gian và sáng ngời trong trái tim người đọc. Bài thơ “Thương vợ” là một trong số đó. Với lối viết trào phúng, hình ảnh giàu sức gợi, bài thơ đã nói lên được lời tố cáo xã hội phong kiến bất công, thể hiện được tình cảm chân thành, sự tôn trọng sâu sắc của ông đối với người vợ tần tảo của mình, đặc biệt là 4 câu thơ đầu của tác phẩm:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Tế Xương mở đầu bài thơ bằng cụm từ chỉ thời gian, tần suất “quanh năm”. “Quanh năm” là thời gian kéo dài vô tận, ngày nối ngày, tháng nối tháng, không một kẽ hở, là một vòng tuần hoàn, khép kín và không có điểm kết thúc. Điều này có nghĩa, công việc “buôn bán” của bà Tú diễn ra như một lẽ hiển nhiên, liên tục và chẳng có lấy một ngày nghỉ.

Tưởng rằng, công việc ấy nhàn hạ lắm nên bà mới có thể làm việc quần quật như thế, nhưng không, trái ngược hoàn toàn. Bà Tú “buôn bán ở mom sông”, tức cái mỏm đất nhô ra ở giữa lòng sông mà theo cách hiểu của Xuân Diệu: “là cái địa điểm cheo leo chênh vênh, chứ không phải ở cái bến ngang sông tấp nập bình thường”. Bà phải chật vật mưu sinh trên địa điểm gồ ghề, gập ghềnh và đầy rẫy hiểm nguy. Thế mới đủ hiểu, công cuộc kiếm miếng cơm tấm áo cho gia đình của bà gian khó, nhọc nhằn nhường nào, một công việc không ổn định, một chỗ bán bấp bênh, một cuộc đời thiếu thốn và một thân cò vất vả sớm hôm.

Gánh nặng trên vai bà Tú là gánh nặng mưu sinh cho “năm con với một chồng”. “Một chồng” mà bằng cả với “năm con”, có thể thấy Tế Xương cũng tự ý thức được rằng cái nợ của mình cũng nặng như cái nợ “năm con”. Mẹ chăm con vốn là lẽ thường ở đời nhưng vợ nuôi chồng thì quả là vất vả, nhiều nỗi lo. Một mình bà Tú tất bật sớm hôm, bươn trải giữa đời chỉ để “nuôi đủ” cả nhà, tay bà lo cơm và cũng tay bà lo chuyện tiền, chuyện bạc. Tế Xương cũng từng thừa nhận trong một bài thơ khác:

“Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa,

Trống hầu vừa dứt, bố lên thang.

Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,

Đem chuyện trăm năm giở lại bàn.”

Số phận bà Tú cũng như những người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến xưa chính là số phận của con cò lặn lội. Tế Xương đã sử dụng biện pháp đảo ngữ, đặt từ “lặn lội” lên trước câu thơ để nhấn mạnh những lam lũ, nhọc nhằn của người vợ phải gánh vác trên vai. Như “thân cò” mò mẫm kiếm ăn khi trời về đêm, trăng đã tỏ, bà Tú cũng phải buôn bán, mưu sinh “khi quãng vắng”, tức vắng người qua lại, heo hút, tĩnh mịch và ẩn chứa đầy nguy hiểm.

Chỉ vì miếng cơm manh áo cho chồng cho con, vì hai chữ “no đủ” cho gia đình mà người phụ nữ ấy phải tần tảo sớm khuya, dầm mưa dãi nắng, tranh đua với đời. Tấm thân vì thế mà hao gầy, khắc khổ như thân con cò phải kiếm ăn đêm:

“Cái cò lặn lội bờ sông

Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù

Bãi xa sông rộng sóng to

Vì lo cái bụng đi mò cái ăn.”

Ở câu thơ thứ tư, Tế Xương một lần nữa dùng phép đảo ngữ để làm nổi bật ý thơ. “Eo sèo” là một từ láy tượng thanh, khiến người ta liên tưởng đến những tiếng kì kèo, trả giá, tiếng cãi vã, tranh giành, từ đó khắc họa khung cảnh buôn bán đầy nhọc nhằn, vất vả của bà Tú. Buổi đò đông đúc, náo nhiệt, người mua nhiều thì kẻ buôn bán cũng lắm.

Cuộc sống mưu sinh của bà Tú vì thế càng thêm khó khăn, mệt mỏi. Mồ hôi phải rơi, có khi nước mắt phải chảy thì mới đủ cho chồng, cho con bát cơm, tấm áo. Bươn trải giữa dòng đời hiểm nguy để gom nhặt từng đồng, chật vật trên chốn sông nước bấp bênh để làm tròn trách nhiệm trụ cột gia đình. Dẫu trăm bề, khó nhọc mà bà cũng chẳng “dám kể công”.

Người phụ nữ Việt Nam xưa nay vẫn vậy, cứ chịu thương chịu khó, cứ lam lũ, cần cù, cứ thương chồng, yêu con, chấp nhận hy sinh không cần điều kiện. Bà Tú, hay bất kỳ người phụ nữ phong kiến nào cũng sẵn sàng tần tảo sớm khuya để gia đình no ấm, để người chồng được tự do theo đuổi cái sứ mệnh nam nhi, thế mới thấy rằng phẩm chất họ đẹp đẽ và đáng quý vô cùng:

“Anh đi em ở lại nhà

Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ

Lầm than bao quản muối dưa

Anh đi anh liệu chen đua với đời.”

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích 2 câu luận bài “Thương vợ”

Có thể nói, bài thơ “Thương vợ” là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tế Xương. Ông là một nhà thơ thuộc dòng dõi nho gia nhưng thi nhiều khoa cử mà không đậu. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với cấu trúc 2 câu đề, 2 câu thực, hai câu luận và 2 câu kết đầy logic, chặt chẽ. Nếu phần đề và phần thực đã khắc họa thành công công việc mưu sinh nhọc nhằn của bà Tú thì ở 2 câu luận của bài thơ, Tú Xương đã đẩy sự nhọc nhằn ấy lên đến đỉnh điểm, đồng thời thể hiện chân thật những đức tính cao quý có trong người vợ của mình:

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”

Ông bà ta đã từng đúc kết “một duyên hai nợ ba tình” quả chẳng sai. Bà Tú lên có duyên với Tế Xương nên thành vợ thành chồng, nhưng có duyên thì phải có nợ. Chồng giỏi giang thì được cậy nhờ, chồng bất tài thì số phận đành chịu hẩm hiu. Dường như, Tế Xương cũng tự hiểu rằng, mình chính là cái nợ, kẻ bất tài mà vợ phải lo toan.

Bà Tú chăm con rồi đến chăm chồng, hai cái nợ đeo bám làm bà vất vả, nhọc nhằn. Nhưng ông Tơ, bà Nguyệt đã an bài nên cũng “âu đành phận”. Bà Tú đành lặng lẽ hy sinh, chấp nhận gian khó, tự nguyện đày tấm thân nhỏ bé để vừa đạo mẹ hiền, đúng đạo vợ đảm. Thế mới thấy, số phận người phụ nữ phong kiến xưa éo le, bạc bẽo nhường nào. Sinh ra là người phụ nữ, cuộc đời định sẵn không có tự do, không có quyền làm chủ, nhưng đẹp đẽ thay, tâm hồn họ vẫn luôn sáng ngời và đáng quý:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Bà Tú dẫu phận phụ nữ chân yếu, tay mềm, thân hình gầy còm vẫn phải gánh trên vai gánh nặng mưu sinh. Bà phải “buôn bán ở mom sông”, phải một thân một mình mà chịu cảnh “năm nắng mười mưa”. Nắng gắt, mưa giông vốn là hiện tượng thời tiết nhưng cũng là hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, gian khó ở đời mà bà Tú phải đối mặt. Tế Xương là chồng, là cha mà chẳng thể thay vợ san sẻ gánh nặng cơm áo. Tất cả công việc trong gia đình buộc phải dồn vào đôi vai gầy guộc của bà Tú.

Bởi định kiến của xã hội khi xưa, người học cao biết rộng thì không được động chân tay vào công việc tầm thường như: Lao động chân tay, nấu cơm rửa bát, phụ giúp người phụ nữ trong việc nhà… Câu thơ chất chứa chút tủi hờn, xấu hổ của nhà thơ. Trong lòng ông như thời đong đầy lòng biết ơn, nể phục, xót thương mà Tế Xương dành cho vợ. Ông lấy vợ mà như lấy được người mẹ thứ hai, hết sức yêu thương, nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Bà Tú phải chật vật với nắng, với mưa nhưng bà chẳng “dám kể công”. Bà tự nguyện hy sinh, tự nguyện chịu cảnh lam lũ, vất vả. Phẩm chất cần cù, chăm chỉ cùng tình yêu thương chồng con vô bờ vô bến đã cho bà sức mạnh, động lực để đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ. Ca dao xưa cũng thường ngợi ca đức tính chịu thương chịu khó, “công dung ngôn hạnh”, thương chồng thương con của người phụ nữ:

“Trăm năm quyết chí một chồng

Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.”

Chỉ với bài thơ ngắn gọn, câu từ súc tích, nhà thơ đã lên án, bóc trần bộ mặt thật xã hội khi xưa. Đó là một xã hội mà những người phụ nữ, những người vợ phải chịu khổ cực, gồng gánh nuôi gia đình nhưng không được xã hội tôn trọng, nhìn nhận đúng đắn. Những người đan ông chỉ biết ăn bám, rượu chè, chơi bời nhưng vẫn được coi trọng hơn.

Như vậy, bài thơ “Thương vợ” chính là minh chứng rõ rệt cho tài năng văn thơ, nghệ thuật xuất sắc của nhà thơ Tế Xương. “Thương vợ” nói riêng và sự nghiệp thơ của ông nói chung sẽ sống mãi với thời gian, trong trái tim mọi người đọc.

Trên đây là toàn bộ các bài mẫu cho đề bài liên quan đến chủ đề lập dàn ý nâng cao, phân tích chi tiết,… trong tác phẩm “Thương vợ”. Qua bài phân tích tác phẩm “Thương vợ” phía trên, các bạn có thể hiểu hơn về bài thơ đặc sắc này. 

Xem thêm: Phân tích khổ 1 bài “Từ ấy” của tác giả Tố Hữu hay nhất

Phân Tích, Văn Học -