Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm văn học nổi tiếng

Đời sống văn học luôn phong phú không chỉ ở nội dung cốt lõi của nó mà còn ở ý nghĩa nhan đề. Các tác giả luôn cân nhắc để cho ra một tác phẩm mang đậm dấu ấn ngay từ chính cái tên tác phẩm. Trong bài viết lời giải hay chúng ta cùng xem tổng hợp về ý nghĩa nhan đề của các tác phẩm văn học tiêu biểu chúng ta được học trong chương trình văn học.

Nội dung bài viết

Tổng hợp ý nghĩa nhan đề

Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt

“Vợ nhặt” là một cái tên mang đậm sự tò mò đối với người đọc. Thường thì người ta “nhặt” những thứ là đồ bỏ đi, “nhặt” những thứ rơi, thứ vãi. Nhưng ở đây lại là nhặt “vợ” – một con người bằng da bằng thịt, có hình có khối, có tâm tư và tình cảm. Người vợ nhặt như hạt rơi hạt vãi ở giữa dòng đời vịn vào câu nói đùa của Tràng để về làm vợ. Một mặt là để chạy trốn cái đói, cái chết đồng thời vừa là khao khát mong muốn có được một mái ấm gia đình.

“Vợ nhặt” vừa là cái tên đầy lý thú, hài hước vừa thể hiện nỗi xót xa cho tình cảnh và số phận của những con người trong nghèo đói. Tác phẩm được viết về nạn đói năm 1945 nên đặt tên nhan đề tác phẩm là  “Vợ nhặt” cũng rất hợp tình, hợp lý. Người ta cưới vợ, hỏi vợ và gả chồng thì Kim Lân lại mang một làn gió mới về cách nên duyên vợ chồng vừa hài hước vừa xót xa nhưng cũng là sự cảm thông cho số phận người nông dân trong nạn đói 1945.

Ý nghĩa nhan đề Đồng chí

“Đồng chí” là tình đồng đội, tình bạn bè, chiến hữu. Trong cách mạng, người ta thường thân mật gọi nhau là “đồng chí”. Vì vậy, đồng chí vừa là tiếng gọi thân thương vừa  thể hiện tình cảm bạn bè, đồng đội gắn bó máu thịt. Chính Hữu đặt tên nhan đề bài thơ là “đồng chí” rất hợp lý vì nó làm sáng tỏ chủ đề của bài thơ viết về những con người trong kháng chiến cùng chung chí hướng, lý tưởng. Họ là những người cùng chung cơ quan, đội tác chiến nên tình cảm gắn bó, keo sơn.

Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, con người ta không thể có những thứ tình cảm bên lề. Vì vậy tình “đồng chí” là một thứ tình cảm thiêng liêng và sâu đậm nhất. Nó giúp người lính vượt qua mọi gian nan, thử thách, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các anh chiến đấu và tồn tại.

Ý nghĩa nhan đề Tức nước vỡ bờ

Mượn lời câu tục ngữ “tức nước vỡ bờ” tác giả đã đặt tên cho đoạn trích của Ngô Tất Tố trong tác phẩm “Tắt đèn”. “Tức nước vỡ bờ” chia làm hai vế rất rõ ràng. “Tức nước” là hình ảnh nước quá nhiều, không chứa nổi nữa; “vỡ bờ” là kết quả của việc “tức nước”. Ý nghĩa của nó là con người ta khi bị dồn đến bước đường cùng thì hậu quả của nó sẽ xảy ra rất nghiêm trọng.

Đặt vào hoàn cảnh nội dung của đoạn trích, chị Dậu là một người nông dân nghèo, hiền lành nhưng khi bị đẩy đến đỉnh điểm thì hành động của chị Dậu là kết quả tất yếu của sự nhẫn nhịn. Nhan đề thể hiện một quy luật khách quan của nhân loại “có áp bức có đấu tranh”. Con người trước cách mạng tháng Tám 1945 rất hiền lành, chân phác nhưng khi bị dồn đến bước đường cùng thì họ sẽ vùng lên đấu tranh, kháng cự.

Xem thêm >>> Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9

 

Ý nghĩa nhan đề thuế máu

“Thuế máu” là tên đoạn trích nằm trong tác phẩm “Bản án chế độ Thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Thuế là tiền mà nhà nước, chính quyền thu để duy trì ngân sách nhà nước. Thời đại nào từ xa xưa cho đến ngày nay thì đều phải có thuế. Có các loại thuế mà mọi người thường nghe là thuế đường, thuế đất,.. nhưng ở đây lại là “thuế máu” – một thứ thuế gây ám ảnh cho biết bao con người trong thời đại lúc bấy giờ.

Thực dân Pháp chúng rất tàn bạo và hung ác, thứ thuế chúng nó đặt ra là “thuế máu” – thứ thuế như rút cạn kiệt sức lực của con người. Nhan đề là tiếng lòng của nhân dân, là bản án tố cáo tội ác vô cùng hung bạo của thực dân Pháp. Từ đó kêu gọi người dân hãy thức tỉnh, vùng dậy đấu tranh vì một thế giới hòa bình.

Ý nghĩa nhan đề Hoàng Lê Nhất Thống Chí

“Hoàng Lê Nhất Thống Chí” được hiểu là tác phẩm viết về sự thống nhất của vương triều nhà Lê. Tuy nhiên,  toàn bộ tác phẩm lại kể về công lao và sự khen ngợi đối với vị vua anh hùng Quang Trung. Đây là tác phẩm viết bằng chữ hán, ngoài sự thống nhất của vương triều nhà Lê thì nó còn ghi chép lại giai đoạn lịch sử vô cùng biến động của xã hội phong kiến Việt Nam những năm 30 thế kỉ XVIII.

Ý nghĩa nhan đề Sống chết mặc bay

Sống chết mặc bay thể hiện sự thờ ơ, vô trách nhiệm của quan phụ mẫu – người được coi là cha mẹ của dân. Trong tác phẩm “Sống chết mặc bay” Nguyễn Duy Tốn đã đưa ra rất nhiều hình ảnh cho thấy sự đối nghịch giữa một bên là cảnh dân khốn khổ chống đê vỡ với một bên là hình ảnh quan lại đương thời thờ ơ chơi bài mặc sự sống chết của dân.

Nhan đề thể hiện tội ác tày trời của quan phụ mẫu đương thời đồng thời còn là sự cảm thông chia sẻ của tác giả đối với sự lầm than của dân chúng. Nhan đề Sống chết mặc bay góp phần làm sáng tỏ giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Ý nghĩa nhan đề Sang thu

“Sang thu” là nhan đề Hữu Thỉnh đặt thể hiện những tín hiệu chuyển mình rất tinh tế của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó tác giả bày tỏ những rung cảm của mình về tình yêu thiên nhiên, tạo hóa tươi đẹp.

“Sang thu” chứ không phải “thu sang” nhằm nhấn mạnh vào hành động, kết quả là mùa thu đã sang, thể hiện những đặc trưng của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa, làm cho người đọc có cảm giác tươi mới và tràn trề sức sống. Từ đó không chỉ thấy cái đẹp của thiên nhiên mà còn là cảm nhận tinh tế của con người về cuộc sống.

Trên đây là một số ý nghĩa nhan đề tác phẩm văn học thường gặp. Hi vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu hơn và bước đầu có cái nhìn bao quát về tác phẩm quan các nhan đề.

Thuật Ngữ -