Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và chọn lọc
Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” qua bài phân tích mẫu, tìm hiểu nội dung và đặc sắc nghệ thuật, cảm nhận ngắn gọn dưới đây!
Hãy đọc bài viết phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” để cảm nhận đầy đủ hơn vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Thanh Hải. Ông một nhà thơ với trái tim nhiệt huyết, tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước. Tình yêu ấy đã được ông gói ghém và thể hiện rất rõ ràng, tinh tế trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, đặc biệt là khổ thơ cuối của tác phẩm.
Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ”
Trong quá trình học môn Ngữ văn 11, các bạn sẽ thường xuyên gặp phải dạng đề bài phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ”. Nếu bạn gặp khó khăn với yêu cầu này, bài viết mẫu đã được chọn lọc dưới đây là dành cho bạn.
Bài làm
“Mùa xuân nho nhỏ” là một bài thơ khơi gợi mùa xuân của đất đất trời và chứa chở cả mùa xuân của đất nước. Tác phẩm được sáng tác khi nhà thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh, trước khi ông từ giã cuộc đời chỉ vài ngày. Bởi vậy, tác phẩm cuối đời này có thể xem là lời bộc bạch chân thành về lẽ sống và đời thơ của Thanh Hải. Thi sĩ đã từng nhiều lần viết mảnh đất Huế thân thuộc, và khúc ca cuối cùng của ông cũng ưu ái dành cho mảnh đất quê hương đầy yêu dấu này:
“Mùa xuân – ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Có lẽ, cảm xúc nổi bật nhất khổ thơ là tình yêu sâu đậm mà Thanh Hải dành cho quê hương và dành cho cả đất nước. Bài thơ chẳng mấy khi đề cập đến Huế ấy vậy mà người đọc lại cảm nhận được rõ cái màu của Huế trong từng câu từng chữ. Màu Huế ẩn chứa nơi cảnh sắc nên thơ, chứa đựng nơi tâm hồn đằm thắm, dịu hiền, và hiện hữu trong cả những bài ca, tiếng hát đậm đà bản sắc văn hóa
Nếu bài thơ được mở đầu bằng một bức tranh thiên nhiên Huế rất đẹp, rất thơ với những gam màu sặc sỡ, hình ảnh sống động thì đến khổ cuối, bài thơ lại được kết thúc bằng tình yêu lớn lao, niềm tự hào sâu sắc dành cho quê hương, xứ sở. Giọng thơ vì thế cũng trở nên sâu lắng, chậm rãi như một nốt trầm xao xuyến giữa một bản tình ca. Giây phút sắp đi xa, Thanh Hải như muốn được ghi dấu ấn cuối cùng, dành tặng cho cuộc sống món quà, để rồi “Mùa xuân” nhà thơ muốn “xin hát”. “Xin hát” để thể hiện niềm khao khát, bồi hồi trước cảnh sắc quê hương độ xuân về, để diễn tả tình yêu đắm say đối với non sông, bờ cõi.
Nhưng nhà thơ phải muốn hát những bài ca tầm thường, vô nghĩa. Ông muốn cất tiếng ca vang điệu Nam ai, Nam bình, điệu dân ca da diết của đất Huế mến thương để đón mừng mùa xuân về trên mảnh đất quê hương. “Nam ai, Nam bình” là những làn điệu đặc trưng của ca Huế, mang âm điệu buồn ai oán, nói lên tiếng lòng của những cảnh đời buồn đau đớn, hoặc âm điệu trong trẻo, ngân nga, nói lên những cảnh yên bình của cuộc sống sinh hoạt.
Lời ca ấy hòa cùng với nhịp “phách tiền”, gợi nhớ cả một dòng chảy lịch sử văn hóa, mềm mại, êm dịu như dòng sông Hương nhẹ nhàng, dịu hiền ôm đất Huế. “Phách tiền” là một loại nhạc cụ có xuất sứ lâu đời, được làm bằng cách gắn những đồng xu lên những thanh gỗ, âm thanh, nhạc điệu rộn ràng, tươi vui, góp phần làm cho những bài ca Huế thêm sôi động.
Có thể nói, những âm điệu ấy mang một hồn Huế rất đặc trưng, nó đã ăn sâu vào máu thịt, khắc ghi nơi tâm hồn mỗi người dân, để rồi trở thành niềm thương, niềm nhớ luôn thường trực và ám ảnh thi sĩ. Tình yêu quê hương, tình yêu những giá trị văn hóa dân tộc dường như đã trở thành nguồn cảm hứng chi phối, dẫn lối cho câu chữ biến thành thơ.
Trái tim Thanh Hải rộng lớn lắm, thế nên không chỉ riêng đất Huế, mà tình cảm của là dành cho cả đất nước Việt Nam nói chung. Non nước Việt Nam trải dài trải rộng, ngàn dặm, nghìn trùng, chứa hồn thiêng, tinh túy. Vì thế mà Thanh Hải yêu tha thiết, đong đầy, ông muốn được trở thành một phần của đất nước, muốn được hòa mình vào mùa xuân của quê hương. Ông nhìn thấy nơi mảnh đất Huế thân thương, nơi tổ quốc Việt Nam yêu dấu “ngàn dặm mình” và “ngàn dặm tình”. Ý thơ của Thanh Hải – một người con của Huế quả là rất “dịu ngọt”.
Lời ca cứ nhẹ nhàng, len lỏi rồi gợi nhắc người đọc về cái tình lớn lao, thiêng liêng mà nhà thơ dành cho cái ngàn dặm rộng lớn, mênh mang của quê hương, đất nước nhưng vẫn gần gũi, ấm áp, chan chứa yêu thương vô cùng. Câu thơ qua đó cũng nhắc nhớ mỗi người về nghĩa tình thuỷ chung, về tình yêu tổ quốc, non sông, về trách nhiệm gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa của ông cha. Đất nước sẽ chẳng có mùa xuân nếu mất hồn, mất túy, vơi nghĩa và cạn tình.
Nội dung và đặc sắc nghệ thuật khổ cuối “Mùa xuân nho nhỏ” ngắn gọn
Phần phân tích dưới đây là những nội dung và đặc sắc nghệ thuật khổ cuối “Mùa xuân nho nhỏ” ngắn gọn được chọn lọc. Bạn đọc hãy tham khảo để ứng dụng vào đề thi.
Bài làm
“Mùa xuân nho nhỏ” có thể xem là đóa hoa thơm cuối cùng mà Thanh Hải để lại cho làng thơ Việt Nam. Bài thơ như được chắp bút từ những tiếng lòng chân thật nhất của, để rồi tình yêu quê hương, đất nước, yêu sự sống, cuộc đời của thi sĩ bật lên thật tự nhiên và sâu lắng. Đặc biệt là khổ cuối của tác phẩm, chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng mang những chi tiết nghệ thuật rất đặc sắc, qua đó truyền tải đến người đọc những nội dung vô cùng ý nghĩa:
“Mùa xuân – ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình”
Trước hết về nội dung, tình yêu quê hương, đất nước đong đầy trong từng câu, từng chữ. Giây phút sắp từ biệt cuộc đời, trái tim Thanh Hải vẫn đau đáu, khắc khoải hình ảnh của non sông, xứ sở. Ông muốn ở lại mãi cùng đất Huế thân thương, để được thấy “mùa xuân” về trên đất Huế. Ông cũng muốn hòa mình vào dòng chảy văn hóa quê hương, muốn “xin hát” khúc “Nam ai, Nam bình” để thay lời chào mai, đón đào. “Nam ai, Nam bình” là làn điệu đặc trưng của xứ Huế, chất chứa cả hồn đất lẫn tình người.
“Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
Làn điệu ấy kết hợp với “phách tiền” – một loại nhạc cụ lâu đời như gợi nhắc về chiều dài văn hóa, giá trị dân tộc nghìn năm tồn tại nơi xứ Huế thân thương. Thế mới thấy, tình yêu Thanh Hải dành cho mảnh đất quê hương ấy đong đầy, da diết đến nhường nào.
Thanh Hải không chỉ dành tình cảm cho mỗi Huế, trái tim thi sĩ còn chứa đựng cả non nước Việt Nam. Để rồi, trong khoảnh khắc sinh tử ấy, nhà thơ vẫn nhìn thấy non nước “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình”. Việt Nam cứ thế hiện lên rõ ràng qua chiều dài Bắc, Nam, qua lòng người ấm áp, nồng hậu. Thanh Hải vẫn luôn nhớ, luôn khắc ghi. Qua đây, dường như nhà thơ cũng đang muốn nhắn nhủ đến người đọc rằng phải yêu, phải quý tổ quốc.
Để có thể truyền tải hết ý nghĩa khổ thơ, Thanh Hải đã kết hợp sử dụng nhiều yếu tố nghệ thuật khác nhau. Nổi bật nhất là phép lặp cấu trúc trong 2 câu “Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình”. Bên cạnh đó là cách gieo vần chặt chẽ, nhịp nhàng, giọng điệu chân thành, đằm thắm, thể thơ 5 chữ quen thuộc, gần gũi, hình ảnh thơ giàu liên tưởng và sức gợi cảm. Tất cả đã giúp âm hưởng khổ thơ vang mãi, để rồi dù là đoạn kết thúc nhưng khổ thơ lại như kéo dài mạch thơ đến vô tận. Cảm xúc trong lòng người đọc vì thế mà cứ mãi ngân nga, đong đầy.
Cảm nhận khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ”
Đề thi: “Cảm nhận khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những dạng đề thi thường gặp nhất trong chương trình học THPT. Vì vậy, hi vọng bài viết mẫu dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu học tập.
Bài làm
Người ta vẫn bảo, mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, và tuổi xuân cũng là tuổi đẹp nhất đời người. Bởi lẽ đó, “mùa xuân” đã đi vào dòng chảy của thơ ca như một lẽ tự nhiên. Nổi bật trong số đó, không thể không kể đến bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” do Thanh Hải sáng tác. Với trái tim đong đầy tình yêu quê hương, đất nước cùng tâm hồn rộng mở, ham sống, tác giả đã chắp bút lên một bài thơ mang vẻ đẹp thanh khiết, nhẹ nhàng vô cùng ý nghĩa. Đặc biệt là khổ thơ cuối, đây là khổ thơ đã giúp Thanh Hải hát lên khúc ca ngợi quê hương, đất nước của mình:
“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình”
Giây phút sắp đi xa, Thanh Hải chỉ có một ước mơ nhỏ bé, đó là được dâng cho đời câu hát, điệu nhạc mang đậm hồn túy quê hương. Ước mơ ấy xuất phát từ nỗi lòng của một kẻ khát khao được cống hiến, bắt nguồn từ trái tim chỉ muốn lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời. Đứng trước vẻ đẹp của xuân, hòa mình trong sự yên bình của đất nước, thi sĩ không thể nào thôi rạo rực, thổn thức. Ông chỉ mong được hát vang câu hát ngợi ca quê hương, xứ sở, để hồn mình được sống giữa những “mùa xuân”.
Và câu hát đấy chính là khúc “Nam ai”, “Nam bình”, trên nền hòa tấu cùng nhịp của“phách tiền”. “Nam ai”, “Nam bình” là 2 làn điệu dân ca đặc trưng mang đậm bản sắc của đất Huế. Còn “phách tiền” chính là một loại nhạc cụ dân tộc, trường tồn qua bao thế kỷ dựng xây xứ sở. Bởi vậy, câu thơ bật lên khiến người đọc như vừa sống giữa không gian của những làn điệu trên con thuyền xuôi giữa sông Hương, vừa hòa mình vào dòng chảy bất tận của những giá trị văn hóa lâu đời. Trong mạch cảm xúc ấy, Thanh Hải tiếp tục đi sâu hơn, để thể hiện niềm yêu mến, tự hào và lời ca ngợi của mình đối với những nét văn hoá phi vật thể của quê hương xứ Huế.
“Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền, đất Huế”
Thanh Hải không chỉ dành tình cảm cho “đất Huế”, mà trái tim ông rộng lớn, ôm trọn lấy cả đất nước Việt Nam. Có thể thấy, “Đất Huế” – nơi “Nước non ngàn dặm tình”, nơi bắt đầu của tình yêu quê hương và cũng là nơi khơi nguồn của tình yêu đối với tổ quốc. Không thể nói hết bằng lời, nên thi sĩ đành gửi gắm tình yêu đất lớn lao ấy vào lời thơ, tiếng hát, để rồi ông thấy ngàn dặm đất nước chính là ngàn dặm tình.
Dường như Thanh Hải muốn dùng những khoảnh khắc ít ỏi còn lại khắc ghi thật sâu, thật rõ hình ảnh của quê hương, đất nước mình, nơi mà ông đã dành cả thanh xuân, cả cuộc đời để yêu thương, gìn giữ và dựng xây trong trái tim. Lời thơ hẳn vì thế mà chân thành, giản dị nhưng vẫn rất sâu lắng, đong đầy nhiệt huyết. Nơi cõi lòng của tác giả là nỗi niềm khát khao được sống và cống hiến, dẫu chỉ làm một bông hoa nhỏ cất lên tiếng hát, lời thơ lặng lẽ dâng đời. Đây cũng là lời nhắn nhủ mà nhà thơ muốn gửi đến những thế hệ trẻ sau này: “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”.
Như vậy, các bạn vừa tham khảo bài văn phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Có thể thấy, chỉ với bốn câu, vỏn vẹn 20 chữ mà Thanh Hải đã có thể gửi gắm biết bao tâm tình của mình một cách gần gũi, bình dị và chân thành nhất. Hy vọng rằng, bài viết sẽ giúp các bạn đạt được những thành tích tốt hơn trong quá trình học môn Ngữ văn 11.
Xem thêm: Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” tác giả Phan Bội Châu
Phân Tích, Văn Học -Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” tác giả Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” tác giả Thế Lữ chọn lọc nhất
Phân tích bài “Nhàn” tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc sắc nhất
Phân tích bài thơ “Qua đèo ngang” – Bà Huyện Thanh Quan
Phân tích bài “Bánh trôi nước” Hồ Xuân Hương hay và ý nghĩa
Phân tích khổ 4 “Bếp lửa” – Bằng Việt hay và chọn lọc
Phân tích khổ 3 bài “Bếp lửa” chọn lọc và hay nhất