Phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” tác giả Thanh Hải

“Mùa xuân nho nhỏ” là một tác phẩm hay trong chương trình giáo dục THPT, thường được thầy cô lựa chọn để làm đề thi. Dưới đây là tổng hợp các mẫu phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”. Vậy mời các bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết để hiểu sâu sắc hơn, ngày càng học tốt môn Ngữ Văn ở trường hơn.

Nội dung bài viết

Dàn ý đề bài: Viết đoạn văn khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”

Sau đây sẽ là dàn ý đề bài: Viết đoạn văn khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” giúp bạn đọc dễ dàng viết bài phân tích chi tiết và có thể dùng làm tài liệu tham khảo để hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm. Dàn ý sẽ giúp các bạn chọn ra và sắp xếp những nội dung chính, các ý giúp ăn điểm trong bài phân tích. Từ đó bạn đọc có thể tránh tình trạng bị trùng lặp, thiếu ý, lạc đề,…

Mở bài phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” :

– Giới thiệu đôi nét khái quát về tác giả và bài thơ:

Giới thiệu vài nét tóm tắt về chân dung tác giả Thanh Hải (đặc điểm về cuộc đời, sự nghiệp văn chương, quá trình hoạt động,…)

Giới thiệu sơ lược nội dung bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (quá trình hình thành bài thơ, bố cục, tóm tắt một số điểm nổi bật trong tư tưởng, nghệ thuật của tập thơ,…)

– Trình bày tóm tắt nội dung khổ 3 của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

Thân bài phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”:

* Phân tích khổ thơ:

“Ðất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Ðất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

– Cả khổ thơ trong giây phút lắng đọng nhớ về bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc:

Những “vất vả và gian lao” của đất nước: kháng chiến chống Mông – Nguyên, chống Pháp, đánh Mỹ,…

“Đất nước như vì sao…phía trước “: Dân tộc như ngọn sao đỏ rực rỡ, mãi hướng tới phía trước.

– Là lòng ngưỡng mộ cùng với niềm hy vọng của tác giả cho một ngày mai ngời sáng của đất nước.

– Nhìn về chặng đường bốn nghìn năm mở đầu và dựng nước của dân tộc ta.

– Những hình ảnh đặc sắc, kết cấu song hành góp phần làm nổi bật thêm sự chuyển mình mạnh mẽ, phong phú của nước ta theo dòng chảy lịch sử.

– Cuối khổ thơ số 3 là câu “cứ đi lên phía trước”, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần kiên cường của dân tộc.

* Ý nghĩa nghệ thuật:

Nhịp thơ năm chữ bộc lộ rõ nét vẻ đẹp, tình yêu thiên nhiên, đất nước da diết của nhà thơ Thanh Hải.

Hình ảnh giàu sức gợi cảm, nhiều nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ độc đáo.

Kết bài phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”:

Khái quát các giá trị nổi bật về tư tưởng, hình thức nghệ thuật và nội dung khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” và trình bày về cảm nhận khổ 3 của tác giả.

Một số dạng đề văn phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”

Dưới đây là một số dạng đề văn phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” để bạn đọc có thể tham khảo và sử dụng làm tư liệu phân tích trong quá trình học.

Đề bài: Viết bài văn cảm nhận khổ 3 “Mùa xuân nho nhỏ”

Mùa xuân là mùa của khởi đầu, luôn khơi gợi dậy nơi những con người niềm khao khát và hy vọng. Phải chăng vì thế nên Thanh Hải chọn lựa mùa xuân làm khởi đầu cảm hứng. Niềm khao khát, mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ Thanh Hải, đã thể hiện ở bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (11/1980). Lời thơ như những nốt nhạc du dương, từng giai điệu ngọt ngào vang dậy tự đáy lòng của một con người thiết tha muốn đóng góp nhỏ bé vào cuộc đời chung này.

“Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải là những rung động sâu sắc về vẻ tươi đẹp của thiên nhiên đất nước, với bao hy sinh và phấn đấu hết mình cho sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc của toàn dân tộc. Đó là “là tiếng lòng thiết tha yêu thương và trách nhiệm với đất nước, với cuộc đời”. Điều này cũng biểu hiện rõ nét qua khổ thơ thứ 3 của tác phẩm:

“Đất nước bốn ngàn năm,

Vất vả và gian lao.”

Xúc cảm với vẻ hùng vĩ của thiên nhiên đất nước khi đi giữa mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có một cái nhìn khái quát đầy lạc quan về lịch sử gần bốn nghìn năm dân tộc. Giọng thơ có sự biến đổi từ sôi động, trẻ trung, mạnh mẽ đến sâu lắng và da diết. Thông qua hệ thống những tính từ “vất vả”, “gian lao”, nhà thơ suy nghĩ đến truyền thống gần 4000 năm mở nước và giữ nước của cha ông ta. Nếu như cảm nhận khổ 2 bài “Mùa xuân nho nhỏ” là một giọng điệu nhẹ nhàng, da diết thì khổ 3 đó chính là cảm xúc hào hùng.

Đó là một truyền thống oai hùng đầy vinh quang song cũng không thiếu khó khăn, gian khổ mà Huy Cận đã ca ngợi:

“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.”

Chính những năm tháng gian khó ấy, dân tộc chúng ta đã tôi luyện nên ý chí, sức mạnh và bản lĩnh. Đặc biệt, phép tu từ cũng được nhà thơ vận dụng rất tinh tế, với ý thơ là:

“Đất nước như vì sao,

Cứ đi lên phía trước.”

Sao là nguồn ánh sáng vô tận của thiên hà, là vẻ đẹp lộng lẫy của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh cửu trên vũ trụ. So sánh như vậy, là tác giả xác định chiều dài lịch sử của dân tộc cùng đất nước dù quá khứ và hiện tại đã có nhiều biến cố thăng trầm nhưng con người Việt Nam vẫn phải phấn đấu vươn lên. Đó là chí kiên định và niềm tin yêu mãnh liệt cùng lòng tự hào lớn lao của toàn dân tộc.

Ở câu thơ thứ hai, phụ từ “cứ” phối hợp với động từ “đi lên” biểu thị quyết tâm sắt đá, vững vàng tiến tới phía trước, bước qua tất cả khó khăn. Trong lúc đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng nhà thơ luôn lạc quan và yêu đời để ca ngợi sức sống của quê hương, của dân tộc khi mùa xuân đến thật là trân trọng.

Từ cảm xúc thăng hoa và ngất ngây với cảnh sắc đất nước đến sâu thẳm trái tim nhà thơ chứa đựng những khát khao cao cả của một tâm hồn trong ngần. Nhà thơ thể hiện ước nguyện của ông – được làm nhiều việc có ích để cống hiến cho đời. Điều đó được ông thể hiện bằng nhiều hình ảnh đời thường, bình dị, gần gũi và đầy ý nghĩa.

Mạch cảm xúc của tập thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã diễn tả thành công, để lại bao dư vị cho lòng người cũng là do những thành công trong mặt nghệ thuật. Bài thơ được viết theo thơ năm chữ phù hợp với điệu dân ca có âm hưởng trong trẻo, ngọt ngào, trữ tình và điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách luyến láy làm nên sự nối liền mạch của dòng cảm xúc. Hình ảnh thơ cũng hết sức mộc mạc và bình dị phù hợp với các hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng.

Từ đây, nhà thơ có nhiều suy tư trăn trở với lịch sử dân tộc: Sức xuân của ngày hôm nay là sự kết tinh và phát triển sức xuân của dân tộc, cho dù đã trải qua vô vàn khó khăn đất nước cùng con người Việt Nam luôn rực sáng vĩnh cửu.

Điệp ngữ “đất nước” được lặp đến hai lần chuyển tải trọn vẹn ý thơ: vượt lên bao gian nan, vất vả, đất nước luôn rực ánh sáng tiến tới không gì có thể ngăn trở được. Qua đấy, nhà thơ thể hiện niềm tin to lớn và sâu sắc đối với lịch sử gần 4000 năm cũng như tiền đồ của dân tộc. Câu thơ năm chữ “Cứ đi lên phía trước” dùng các thanh trắc làm thành một âm hưởng mạnh mẽ và dứt khoát cùng với hình ảnh thơ giàu chất anh hùng.

Bài thơ được viết giữa lúc đất nước đang chịu bao gian lao thách thức nhưng giọng thơ lại cất cao chất chứa lòng lạc quan yêu đời tin tưởng ở sức sống và sức vực lên của đất nước. Phải là một con người yêu quê hương đất nước thiết tha lại có lòng lạc quan yêu đời thì Thanh Hải mới viết được nhiều dòng thơ hay như thế. Điều này rất trân quý bởi Thanh Hải gửi đến cho người xem lời nhắn nhủ rằng: Chúng ta không nên dừng bước mà phải liên tục tiến lên phía trước.

Với việc sáng tác thơ năm chữ đầy nhạc điệu, bút pháp trữ tình có sức gợi đậm chất sử thi được phối hợp khéo léo các biện pháp tu từ và từ láy phức tạp, nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh đất nước mùa xuân ngập tràn sức sống, thông qua đó bộc lộ cái tôi Thanh Hải, lòng tin yêu, sự tự hào sâu sắc trước sức sống của dân tộc. Kết bài “Mùa xuân nho nhỏ” đã được tác giả liên hệ với hoàn cảnh cụ thể để người ta thêm hiểu hơn, trân trọng hơn những tâm sự của nhà thơ Thanh Hải như một người nghệ sĩ tài hoa, một người chiến sĩ, một công dân với tâm nguyện cao đẹp là luôn yêu thương và gắn kết với đất nước.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích nội dung khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”

Mùa xuân là mùa muôn hoa đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Nhà thơ Thanh Hải trong những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh đã ngắm nhìn mùa xuân quê hương và bộc lộ những tình cảm sâu lắng, tha thiết đối với đất nước. Nổi bật lên trong đó là khổ 3 bài thơ, nhà thơ đã tôn vinh lịch sử lâu đời vẻ vang của dân tộc, để từ đó ca ngợi, thể hiện tình yêu quê hương nồng nàn, bất diệt.

Trong câu thơ, tác giả đã nhân hóa đất nước “vất vả và gian lao” làm cho hình ảnh đất nước trở nên gần gũi, mang vóc dáng người mẹ, người chị tảo tần, cần cù. Câu thơ vừa thể hiện cảm xúc tự hào về đất nước có 4000 năm lịch sử vẻ vang, vừa thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu của nhà thơ về đất nước phải trải qua đau thương, mất mát. Hai câu thơ gợi ta nhớ tới câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

“Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả, đau thương, tươi thắm vô ngần”

Đặc biệt cảm xúc của nhà thơ về đất nước được thể hiện qua 1 hình ảnh so sánh đẹp:

“Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

Nói đến vì sao là nói đến biểu tượng của sự tỏa sáng và bất diệt. Như vậy, tác giả đã lấy sự lung linh, sáng đẹp, trường tồn, bất diệt của đất nước. Hình ảnh thơ đặc sắc đã góp phần thể hiện khí thế vươn lên không ngừng của đất nước, thể hiện niềm tự hào, tin tưởng của nhà thơ vào tương lai, tiền đồ tươi sáng của đất nước. Đặt vào thời điểm sáng tác năm 1980 khi đất nước ta đang đối mặt với nhiều thử thách khó khăn, ta mới thấy hết được giá trị của niềm tin bất diệt của nhà thơ vào tương lai, vận mệnh của đất nước.

Với thể thơ 5 chữ, hình ảnh thơ đẹp, giản dị, gợi cảm, đoạn thơ đã biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ của Thanh Hải trước mùa xuân đất nước. Nếu mùa xuân của thiên nhiên tràn đầy sức sống thì đất nước vào xuân thật rộn rã, tưng bừng. Những vần thơ đã thể hiện tình yêu da diết cuộc sống, yêu quê hương, đất nước của nhà thơ.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài “Mùa xuân nho nhỏ”

Mùa xuân là đề tài quen thuộc trong văn thơ Việt Nam. Trong kho tàng thi nhân vĩ đại, nổi bật lên là nhà thơ Thanh Hải. Trong thời gian đang nằm tĩnh dưỡng trên giường bệnh, nhà thơ đã sáng tác nên bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Nhà thơ gửi gắm những tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước vào khổ thơ 2 của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

Đoạn thơ cho ta thấy từ vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ đã liên tưởng thật tự nhiên tới mùa xuân đất nước:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng”

Điệp cấu trúc “mùa xuân người…” kết hợp với hình ảnh sóng đôi “người cầm súng” và “người ra đồng” đã gợi ra 2 lực lượng chính của cách mạng Việt Nam. Họ là biểu tượng cho 2 nhiệm vụ quan trọng nhất, nặng nề, vất vả nhất nhưng cũng vinh quang nhất: chiến đấu bảo tệ tổ quốc và là lực lượng lao động sản xuất, xây dựng đất nước.

“Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”

Ý thơ này của Thanh Hải không mới nhưng cái hay là ông đã gợi ra sức gợi cảm cho câu thơ bằng cách gắn hình ảnh “lộc non” của mùa xuân với người cầm súng và người ra đồng. “Lộc non” ở đây nghĩa thực là chỉ các mầm non, chồi biếc, là những cành lá ngụy trang trên lưng ngời chiến sĩ. Hay những nhánh mạ non mà người nông dân gieo cấy trên cánh đồng. Song không chỉ có vậy, “lộc non” còn là biểu tượng cho những gì trẻ trung nhất, đẹp đẽ nhất, có sức sống dồi dào của mùa xuân.

Với cách viết tài tình đó, tác giả đã ngợi ca, thể hiện niềm biết ơn đối với những con người đang ngày đêm âm thầm bảo vệ và xây dựng đất nước. Họ là những người đã làm nên mùa xuân, mang mùa xuân đến cho đất nước, cho dân tộc:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”

Hai câu thơ cuối khổ 2 với biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc, kết hợp với biện pháp so sánh, nhịp thơ nhanh, hối hả cùng với các từ láy “hối hả, xôn xao” tạo ra 1 điệp khúc vừa tha thiết vừa rộn ràng. Câu thơ đã diễn tả không khí khẩn trương náo nức của dân tộc khi bước vào mùa xuân mới.

Tình cảm của tác giả dành cho mùa xuân thật cao quý và đáng trân trọng. Bất chấp thời gian, lao động và cống hiến của con người Thanh Hải đã minh chứng, con người sẽ chính là mùa xuân bất diệt của cuộc đời và đất nước. Bài thơ sẽ mãi in đậm dấu ấn trong lòng người đọc nhiều thế hệ.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận khổ 2 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”

Mùa xuân từ lâu đã trở thành 1 đề tài vô tận của thi ca. Đã có biết bao nhiêu thi phẩm hay viết về mùa xuân với những cung bậc, bao cảm xúc khác nhau. Cũng viết về đề tài ấy, “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải lại là 1 bài thơ thật đặc biệt, ý nghĩa. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết, mến yêu và gắn bó với quê hương, đất nước, cuộc đời. Khổ thơ 2, 3 trong bài thơ đã mang đến cho người đọc nhiều suy tư, cảm xúc khó phai.

Mở đầu khổ thơ 2 là cảm xúc nhà thơ về những người dân, những người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng”

Với những câu thơ sóng đôi, nhà thơ nhắc tới hình ảnh ” người cầm súng” và ” người ra đồng”. Đây là 2 lực lượng tiêu biểu cho 2 nhiệm vụ quan trọng của đất nước lúc bấy giờ: Bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Và gắn liền với hình ảnh họ là hình ảnh “lộc”.

“Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”

Người cầm súng mang lộc ra trận bằng những cách là ngụy trang, người ra đồng gieo lộc trên những nương mạ dài. Họ đem lộc xuân đến mọi nơi. Điệp ngữ “lộc” còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và phát triển. Với nghĩa ẩn dụ ấy, tác giả như đang ca ngợi người cầm súng, người ra đồng. Họ là những người đã làm nên mùa xuân cho đất nước, làm nên sự giàu đẹp, phồn thịnh.

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”

Hai câu thơ gần như điệp lại hoàn toàn cùng với giọng thơ nhanh, vui tươi và sử dụng từ láy tượng hình “hối hả”, tượng thanh “xôn xao”. Tác giả đã khắc họa không khí nhộn nhịp, hăng hái, khẩn trương của toàn quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vui trong không khí đó nhà thơ suy ngẫm về đất nước.

Từ cảm nhận về mùa xuân đất nước, nhà thơ đã có những cảm xúc, suy tư về đất nước trong quá khứ:

“Đất nước bốn ngàn năm,

Vất vả và gian lao”

Tự hào biết bao đất nước hình chữ “S” nhỏ bé lại có 1 bề dày lịch sử 4000 năm văn hiếu với biết bao khó khăn, gian khổ, bao thăng trầm biến đổi. Mặc dù vậy, đất nước vẫn luôn tỏa sáng, tồn tại và tươi đẹp vĩnh hằng. Đất nước như vì sao trong tư thế phát triển không ngừng. Bằng việc sử dụng điệp ngữ, nhân hóa, so sánh cùng với giọng thơ hào hùng, khỏe khoắn, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào về quá khứ dân tộc và niềm tin về tương lai đất nước. Và như vậy, mùa xuân đất nước cũng thật tươi đẹp trong không khí nhộn nhịp, khẩn trương để rồi ta nhận ra ở nhà thơ một tình yêu nước tha thiết.

Có thể nói bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay của dân tộc được đáp lại bằng những mùa xuân tiếp nối vô vàn. Đó là lòng tự hào, lạc quan và tin yêu của nhà thơ đối với dân tộc, đất nước. Tác giả đã thể hiện niềm tự hào về quá khứ của dân tộc và niềm tin về tương lai, đất nước. Đất nước vẫn luôn tỏa sáng, tồn tại và vĩnh hằng như vì sao.

Với “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải đã đóng góp cho nền thơ đương đại Việt Nam một áng thơ xuân đặc sắc. Qua việc phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” đã cho thấy tình yêu mùa xuân đi kèm với tình yêu quê hương, đất nước được Thanh Hải diễn đạt tinh tế và sâu lắng. Bài thơ tìm được một hồn thơ trong sáng và điệu thơ da diết đầy cảm động để bạn đọc bao thế hệ phải ngưỡng mộ.

Xem thêm: Phân tích 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của tác giả Hàn Mặc Tử

Phân Tích, Văn Học -