Phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ” hay nhất tác giả Hàn Mặc Tử

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một tác phẩm hay trong chương trình giáo dục THPT, thường được thầy cô lựa chọn để làm đề thi. Dưới đây là tổng hợp các mẫu phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ”. Vậy mời các bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết để hiểu sâu sắc hơn, ngày càng học tốt môn Ngữ Văn ở trường hơn.

Nội dung bài viết

Dàn ý 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ”

Để có thể phân tích đủ ý và mạch lạc hai khổ thơ trên thì việc lập và ghi nhớ dàn ý là rất quan trọng. Sau đây chính là dàn ý 2 khổ cuối bài ” Đây thôn Vĩ Dạ”.

Mở bài “Đây thôn Vĩ Dạ” 2 khổ cuối

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, ông được biết đến với cái chất “điên” trong thơ, “điên” trong hiện thực và “điên” cả trong mộng ảo.

+ Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” lúc đầu có tên “Ở đây thôn Vĩ Dạ” được trích trong tập “Thơ Điên” của Hàn Mặc Tử”

– Dẫn dắt và giới thiệu 2 khổ thơ cuối:

+ Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là tiếng lòng đượm buồn của tác giả, nhớ cảnh, nhớ người, tha thiết được trở về mà ước mơ buộc bỏ ngỏ vì căn bệnh quái ác.

+ Nỗi niềm ấy dạt dào khắp cả bài thơ nhưng được thể hiện dâng trào, mãnh liệt nhất qua hai khổ cuối.

Thân bài phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ”

– Khổ thơ 2:

+ Nếu khổ thơ thứ nhất khắc họa bức tranh cảnh vật sống động, tươi mới, thì khổ thơ thứ 2 lại là những dòng thơ tả cảnh buồn man mác, đìu hiu, nói thay cho cái tâm, cái tình của kẻ thi sĩ.

+ Bức tranh phong cảnh thôn Vĩ có sự vận động sang cảnh sông nước mây trời.

+ Hình ảnh mây – gió: Mây, gió là hai sự vật luôn gắn liền, quấn quýt với nhau, gió thổi mây bay ấy là lẽ thường, nhưng ở đây mây – gió lại chia ngả chia đường, tách biệt muôn phương => nói lên nỗi buồn chia lìa, xa cách.

+ Hình ảnh dòng nước: Sử dụng biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu”, phủ lên trên dòng sông Hương xứ Huế nỗi buồn bi ai.

+ Hình ảnh “hoa bắp lay”; động từ “lay” đã thêm thắt vào bức tranh tả cảnh những đường nét chuyển động, nhưng là cái chuyển động ấy lại mang theo tâm trạng nặng nề, khiến cảnh vật càng thêm trĩu nặng.

+ Nhịp thơ chậm, tạo sự êm ả, nhẹ nhàng, đặc trưng của xứ Huế.

+ Nỗi buồn của thi nhân: Nỗi buồn chia cách, ly biệt, thấm thía cô đơn.

– Hình ảnh “thuyền ai đậu bến … kịp về tối nay?”.

+ Hình ảnh “thuyền ai”: Đại từ nhân xưng ai chỉ người con gái mà thơ mong nhớ.

+ Hình ảnh “sông trăng”: Cảnh vật xứ Huế mơ mộng, trữ tình, ánh trăng dát vàng trên dòng sông, hư hư, ảo ảo.

+ Hình ảnh “trăng”: Trăng là hình ảnh quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử, thể hiện cho tấm chân tình, cho trái tim khao khát yêu thương của nhà thơ.

+ Từ “kịp”: Thể hiện sự gấp gáp, tha thiết, khẩn mong.

+ Nói lên nỗi niềm của nhà thơ, ông không biết mình có “kịp” về gặp người con gái ấy, còn có cơ hội để trở về thôn Vĩ Dạ thân yêu.

– Khổ thơ 3:

+ 2 câu thơ: “Mơ khách đường xa, …nhìn không ra”

+ Động từ “mơ”: Mở ra một khung cảnh mờ ảo, không có thực, chàng thi sĩ nhớ cảnh, nhớ người đến chiêm bao, đồng thời thể hiện sự tuyệt vọng, bất lực, chỉ có thể trở về trong giấc mơ.

+ Hình ảnh “khách đường xa”: Sự xa cách lần nữa được khắc họa, chàng thi sĩ và người con gái ấy giờ chỉ còn là những người “khách đường xa”, phép tu từ điệp ngữ “khách đường xa” càng làm nhân đôi khoảng cách, nhân đôi nỗi nhớ, nhân đôi nỗi ai oán.

+ Hình ảnh “áo em trắng quá”: Màu trắng có thể là màu áo mà nhà thơ tưởng tượng, làm nổi bật sự trong sáng, tinh khôi, thuần khiết của người con gái xứ Huế ông thầm thương, nhưng màu trắng ấy cũng có thể là màu trắng của căn phòng bệnh giam hãm nhà thơ, trở thành nỗi ám ảnh đối với ông ngay cả trong giấc mơ, chính thức đánh dấu sự bất lực, tuyệt vọng của ông đối với căn bệnh quái ác cũng như ước mơ gặp lại cố nhân.

+ “nhìn không ra”: Nhân vật trữ tình không thể nhìn thấy người con gái vì tấm áo quá trắng, hay vì khoảng cách quá xa, không gian quá hư ảo.

– 2 câu thơ “Ở đây sương khói … ai có đậm đà?”:

+ “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”: Câu thơ gợi mở một thế giới siêu thực, “ở đây” có thể là xứ Huế xa xôi và cũng có thể là thế giới mà tác giả đang tưởng tượng ra mà chìm đắm trong nỗi nhớ đau thương; nhưng dù là ở đâu thì nơi ấy cũng hiện lên mờ ảo, không thể nhìn rõ cảnh, rõ người, mang sự lạnh lẽo và mịt mờ.

+ Đại từ phiếm chỉ “ai”: Làm nổi bật cảm giác của sự hoài nghi, sự vô định của chính nhà thơ; đại từ này xuất hiện 2 lần trong câu thơ, từ “ai” đầu tiên có thể là giai nhân mà chàng thi sĩ nhớ mong, từ “ai” còn lại có thể là chàng thi sĩ hoặc có thể ngược lại.

+ Câu hỏi tu từ “có đậm đà?”: Nhà thơ muốn hỏi, muốn biết rằng người con gái ấy có còn nhớ đến tình cảm sâu đậm, thật lòng của ông và cũng là câu hỏi để ông dành cho chính mình, nghi hoặc không biết người con gái ấy cũng có dành cho ông tấm chân tình như thế không.

+ Câu thơ làm len lên hy vọng sống, giữa bức tranh tâm trạng thê lương, sống để gặp lại, để giải đáp câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, để được giao hòa cùng với thiên nhiên và con người ở xứ Huế.

Phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ”:

+ Nỗi nhớ về con người xứ Huế tha thiết, thường trực, hiện hữu ngay cả trong giấc mơ, nỗi nhớ đó là để dành cho người con gái tinh khôi, trong sáng nhưng mờ ảo, làm trái tim chàng trai thêm ngàn đau đớn.

+ Hoàn cảnh của tác giả lúc bấy giờ: Cô đơn, bất lực, thiếu sức sống và cận kề cái chết.

Kết bài “Đây thôn Vĩ Dạ” khổ 2, 3

– Tóm lược lại nội dung và nghệ thuật đặc sắc của 2 khổ thơ:

+ Trong phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ” ta thấy Hàn Mặc Tử đã sử dụng những biện pháp tu từ một cách khéo léo và tinh tế như điệp ngữ, câu hỏi tu từ,…

+ Để rồi làm bật lên bao nỗi nhớ thổn thức, bao khát vọng trào dâng, bao tuyệt vọng đau đớn và cả bao hy vọng le lói mà mạnh mẽ.

– Nêu cảm nhận chung:

+ Phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ” nói riêng và cả bài thơ nói chung, ta không thể không công nhận đây chính là một tuyệt phẩm bất hủ của Hàn Mặc Tử.

+ Hàn Mặc Tử đã đi tìm vầng trăng của đời mình, nhưng chất “điên” của thi sĩ ở mãi với đời qua những tác phẩm như bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ”.

Tổng hợp một số dạng đề văn phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ”

Dưới đây là tổng hợp một số dạng đề bài phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ” thường gặp cùng với bài phân tích mẫu các bạn có thể tham khảo.

Đề bài: Viết đoạn văn nêu lên nội dung khổ 2 bài “Đây thôn Vĩ Dạ”

Khác với màu sắc tươi vui, đầy sức sống được gợi lên ở khổ thơ 1, sang đến khổ thơ 2, Hàn Mặc Tử đã lấy màu buồn vương đầy nỗi nhớ mà họa lên bức tranh tả cảnh, tả người:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, bông bắp lay”

Gió và mây vốn dĩ là hai sự vật phải quấn quýt, đi liền với nhau, gió luôn gặp mây và mây luôn có gió. Thế nhưng, trong câu thơ của Hàn Mặc Tử lại “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Mây và gió chia ngả, rẽ lối, trái với lẽ thường tình mà xa cách, lìa xa. Mây, gió cách biệt như kẻ si tình xa người mình thương, xa chốn mình nhớ. Vì đâu mà ra cơ sự éo le này?

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Nỗi buồn được đẩy lên cao hơn qua phép tu từ nhân hóa “dòng nước buồn thiu”. “Dòng nước” là dòng nước của con sông Hương không ít lần đã đi vào thơ ca, mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Ấy vậy mà, dòng sông đã đi vào thơ của Hàn Mặc Tử với cái vẻ đìu hiu, nhuốm buồn, lặng lẽ. Nét thơ này phải chăng giống với Thu Bồn khi ông cũng từng miêu tả sông Hương man mác buồn như thế:

“Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

Hàn Mặc Tử còn điểm thêm vào bức tranh tả cảnh của mình vài nét chuyển động qua động từ “lay” của những bông hoa bắp. Nói là chuyển động, nhưng cái lay này khẽ khàng, nhẹ nhàng nên nó cũng chẳng thể khiến cảnh vật tươi vui hơn, ngược lại làm sự “buồn thiu” càng thêm dâng trào, nổi bật. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, tâm trạng thi sĩ não nề nên cảnh cũng ủ rũ, bi thương. Ở 2 câu thơ tiếp theo, ngòi bút của Hàn Mặc Tử đã hướng đến miêu tả cảnh thuyền trên sông trăng.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Hình ảnh trăng đã quá đỗi quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử, trăng đã từng “nằm sõng soài trên cành liễu” để “đợi gió đông về để lả lơi” và trong bài thơ này, trăng trải dài trên dòng sông Hương. Không phải tự nhiên Hàn Mặc Tử yêu trăng, mến trăng đến thế mà bởi lẽ, trăng là “bám víu duy nhất”, là kẻ bầu bạn, là tri kỉ với ông giữa chốn trần thế cô đơn. Câu thơ thổn thức niềm khát khao, khắc khoải mãnh liệt, khát khao, khắc khoải được “thuyền ai” chở về “kịp tối nay”.

Đại từ nhân xưng “ai” chính là chỉ thay cho người con gái nhà thơ thầm thương trộm nhớ. Nhịp thơ rất chậm rãi nhưng câu thơ lại trở nên phảng phất cái gấp gáp, vội vàng thông qua từ “kịp”. Chỉ còn đêm nay thôi, sáng mai đã là một dấu chấm hết. Căn bệnh quái ác phá vỡ bao ước mơ của chàng thi sĩ rồi, không biết ước mơ quay trở về để gặp “ai” có kịp thực hiện? Câu thơ không dùng hình thức nghi vấn, nhưng vẫn làm toát lên nỗi băn khoăn, hoài nghi của tác giả.

Đề bài: Viết đoạn văn nêu lên nội dung của khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Nỗi nhớ cảnh xưa, người cũ luôn thường trực trong tâm trí Hàn Mặc Tử, để rồi nỗi nhớ hiện hữu cả trong giấc mơ, làm nhà thơ tuyệt vọng, bi ai rồi lại làm bừng sáng bao hy vọng:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra”

Động từ “mơ” đã gợi mở một không gian mờ ảo, một thế giới không có thật. Hàn Mặc Tử ngày nhớ, đêm mong về người con gái ấy, về chốn quê năm nào. Nỗi nhớ cứ da diết, cứ trực trào dâng, hiện hữu ngay cả trong giấc mơ của chàng thi sĩ. Chàng thi sĩ mơ về một người “khách đường xa”.

Biện pháp điệp ngữ được sử dụng khéo léo làm nhân đôi nỗi nhớ mong, niềm khao khát gặp lại nhưng cũng là nhân đôi khoảng cách. Khoảng cách quá xa mà thời gian, sức khỏe của nhà thơ có hạn nên cơ hội tương phùng chỉ có trong giấc mơ. Nỗi niềm bất lực, tiếc nuối tràn ngập khắp câu thơ.

“Em” – một cách gọi thân mật tác giả dành cho người con gái mình thương. Giữa chốn mờ ảo, áo của “em” trắng quá khiến nhà thơ “nhìn không ra”. Vì áo em trắng hay vì khoảng cách quá xa, hay vì mắt người si tình đã yếu. Màu trắng có thể thật sự là màu của chiếc áo mà tác giả tưởng tượng, biểu hiện cho sự ngây thơ, trong sáng của người con gái Huế nhưng cũng có thể là màu trắng của căn phòng bệnh lao tù túng, đầy ám ảnh, đầy nỗi đau về xả thể xác lẫn tinh thần đối với nhà thơ, và là màu trắng của tang tóc, bi thương.

Niềm hy vọng sống ngày càng ít ỏi, ngày càng vơi bớt, câu thơ bi ai gieo cái buồn thấm thía cho người đọc trên từng câu chữ. Hai câu thơ tiếp theo có sự chuyển biến trong mạch cảm xúc của tác giả:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Không gian mờ ảo lần nữa được khắc họa. “Ở đây” có thể là nơi đất Huế xa xôi mà Hàn Mặc Tử tưởng tượng, có thể là căn phòng bệnh Hàn Mặc Tử đang ở. Dù được hiểu là gì thì không gian ấy vẫn lạnh lẽo, vẫn đìu hiu, u ám. Nhà thơ tiếp tục sử dụng đại từ “ai” lặp lại 2 lần trong một câu thơ, ai vừa chỉ “em”, vừa chỉ chính tác giả. Bởi vậy câu hỏi tu từ mang 2 sắc thái nghĩa, đó là câu hỏi để hỏi người con gái ấy có biết, có nhớ tình cảm “đậm sâu” của chàng thi sĩ và cũng là câu hỏi nhà thơ tự hỏi chính mình rằng cô có dành cho mình tấm chân tình như thế không.

Câu thơ làm len lên hy vọng sống, giữa bức tranh tâm trạng thê lương, sống để gặp lại, để giải đáp câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, để được giao hòa cùng với thiên nhiên và con người ở xứ Huế. Qua phân tích khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ” đã cho ta thấy được một hồn thơ nhạy cảm, sâu sắc, chất chứa nhiều nối niềm của Hàn Mặc Tử.

Đề bài: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của anh chị về khổ cuối bài “Tràng giang” và khổ 2 bài “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Huy Cận và Hàn Mặc Tử có thể được xem là 2 nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Nhắc đến 2 ông là người ta nhắc đến nỗi buồn, nỗi cô đơn nhưng không phải một nỗi buồn, nỗi cô đơn đồng nhất. Điều này được thể hiện rất rõ qua khổ thơ cuối của “Tràng giang” và khổ thơ 2 của “Đây thôn Vĩ Dạ”. Đầu tiên là khổ thơ cuối trong “Tràng Giang” của Huy Cận:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Huy Cận đã khéo léo kết hợp những hình ảnh cổ điển “mây”, “cánh chim” cùng với các động từ “đùn”, “nghiêng”, “sa” để diễn tả được cái hùng vĩ và sức sống tràn đầy của thiên nhiên. Hình ảnh mây được miêu tả hùng vĩ, rực rỡ như trong những tác phẩm cổ tích, truyện tưởng tượng kì ảo. Những tầng mây “lớp lớp” chất chồng lên nhau tạo nên những dãy núi bạc khổng lồ, lơ lửng trên nền trời xanh ngắt.

Bức tranh tả cảnh đã được điểm tô những nét vẽ động. Mây “đùn” núi bạc, chim “nghiêng” cánh nhỏ đón nắng hoàng hôn. Chim và mây luôn đứng cùng nhau trong thơ văn, nhưng trong bức tranh thiên nhiên của Huy Cận thì hình ảnh ấy vẫn thật mới lạ. Cánh chim nhỏ bé được đứng cạnh mây khổng lồ, nghệ thuật sắp xếp hình ảnh làm nổi bật thêm không gian bao la, cao vời vợi của bầu trời, của cảnh vật.

Có thêm sự vận động, không gian trở rực rỡ, tươi vui và tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, điều đó cũng không đủ để che lấp hoàn toàn những nét buồn, cô đơn của tâm hồn thi nhân. Cánh chim mong manh, yếu ớt bay giữa mây cao, núi bạc, lạc lõng giữa đất trời mênh mông, hùng vĩ tựa như hình ảnh của chính nhờ thơ cô đơn, chơi vơi giữa dòng đời. Bởi thế mà nỗi buồn cứ thế hiện hữu, bất tận và mênh mang, chan chứa trong cảnh, thấm đẫm trong tình. Huy Cận phần buồn vì nỗi cô đơn, phần buồn vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê tha thiết thường trực:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Từ láy “dợn dợn” được sử dụng khéo léo đã làm nổi bật sự chuyển động diễn ra liên tục trong tâm khảm nhà thơ. Đó chính là sự vận động của nỗi nhớ nhà khôn nguôi, luôn hiện hữu, đầy sâu sắc và ám ảnh. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc lòng người nao nức, có chút gì đó thổn thức, chơi vơi. Và cũng thời điểm ấy, nỗi nhớ làng quê, cảnh vật tuổi thơ khi xưa chiếm lấy, lấp đầy tâm tư, tình cảm và tâm trí của người thi sĩ đa tài. Thi nhân xưa nhìn khói mới nhớ quê, ví như Thôi Hiệu từng viết:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Còn Huy Cận không cần thấy khói hoàng hôn nhưng trong lòng vẫn trực trào nỗi nhớ da khôn ngoai dành cho quê hương. Đó chính là một cảm xúc vẫn luôn thường trực trong lòng người con xa quê như Huy Cận, mà không cần một chất xúc tác nào, nỗi nhớ quê, thương nhà vẫn trào dâng mãnh liệt. Đồng thời, ông cũng đóng góp, xây dựng, chắp cánh cho những tinh túy ấy mang cảm nhận, tâm hồn mình, từ đó tạo nên chất riêng của Huy Cận.

Không giây phút nào mà Huy Cận thôi nhớ đến quê hương, đất nước, nhất là trong hoàn cảnh đất nước lầm than, bị xâm chiếm bởi quân thù. Thơ ông không phải chỉ toàn gồm những hình ảnh, câu thơ đặc biệt, chưa từng xuất hiện trong bất cứ tác phẩm văn thơ nào mà thơ ông có sự nối tiếp, kế thừa những tinh túy trong thơ của những nhà thơ xuất sắc thời xưa.

Về khổ thơ 2 trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, nỗi buồn hiện lên cùng nỗi nhớ người và nỗi nhớ chốn xưa có người:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, bông bắp lay”

Xuất hiện hai hình ảnh của thiên nhiên đó là gió và mây, theo một quy lực tự nhiên thì “Gió thổi mây bay” có nghĩa là gió và mây sẽ luôn luôn song hành, gắn liền bên nhau. Thế nhưng, khi xuất hiện trong câu thơ của Hàn Mặc Tử thì gió, mây lại chia ngả, chia đường. Sự đi ngược với tạo hóa, với vũ trụ như ngầm tiên tri về sự chia lìa sắp xuất hiện trong tương lai. Bức tranh tả cảnh không hòa hợp vì chính nhà thơ cũng đang mang trong mình tâm trạng lo lắng, buồn đau vì ranh giới sự sống, cái chết quá gần.

“Dòng nước” được nhân hóa, mang tâm trạng “buồn thiu”. Dòng nước trở nên bất động, không muốn trôi chảy, mặc kệ sự đời, cũng như Hàn Mạc Tử đang bất lực trong việc giành lại sự sống cho mình. Động từ “lay” được sử dụng để chỉ sự vận của những bông hoa bắp, một sự chuyển động rất nhẹ nhàng, càng làm cảnh vật thêm sự hiu hắt, cô liêu. Cảnh sắc được nội tâm hóa bộc để bộc lộ thay cho nỗi niềm thi sĩ.

Ở hai câu thơ tiếp theo tác giả đã vẽ lên bức tranh tả cảnh đêm với dòng sông và con thuyền thi vị, qua đó tiếp tục bày tỏ nỗi niềm riêng. Hình ảnh thuyền chở trăng một hình ảnh vô cùng lãng mạn và thơ mộng. Ánh trăng dát vàng trên khắp mặt sông, tạo nên một dòng sông trăng lấp lánh, trữ tình.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Đại từ phiếm chỉ “ai” đặc tả cảm giác mơ hồ, xa lạ, đầy mơ ảo, không biết rằng đó là chiếc thuyền của ai của người dân xứ Huế hay của Hoàng Cúc. Hay chỉ đơn giản là nhà thơ nói một cách bâng quơ như thế. Chính sự bâng quơ ấy lại gợi lên được tâm trạng của nhà thơ mơ hồ, khó tả. Thông qua vẻ đẹp huyền ảo của sông trăng, ánh trăng tác giả đã gợi tả lên được vẻ đẹp đặc trưng của xứ Huế, êm đềm và thơ mộng.

Câu hỏi tu từ “kịp tối nay?” thể hiện sự nghi hoặc, băn khoăn, cùng với nỗi niềm van lơn, khẩn thiết. Chữ “kịp” làm cho thời gian như ngày càng trôi nhanh, gấp rút. Xuất hiện hàng loạt câu hỏi ẩn chứa sự day dứt, đợi chờ và lo lắng trong tâm hồn của nhà thơ. Hình ảnh “Thuyền chở trăng”, “bến sông trăng” là hình ảnh trôi giữa hư vô và thực tại, nỗi niềm mong ước được hội ngộ giao duyên. Trong thi ca xa xưa, trăng, sông, thuyền vốn là những thi liệu quen thuộc, được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác. Thế nhưng qua ngòi bút của Hàn Mặc Tử, những hình ảnh ấy vẫn rất mới lạ, rất có hồn riêng, mang lại những rung cảm khác biệt trong văn chương khác.

Những ước muốn tưởng chừng đơn giản ấy của Hàn Mặc Tử lại gắn liền với những đau thương và dự cảm tan vỡ. Cảnh vẫn đẹp nhưng lại thấm đượm vẻ hiu hắt, buồn bã, lạnh lẽo. Những đoạn thơ đã nói lên nỗi lòng sầu muộn, đa cảm của những nhà thơ tài năng, bạc mệnh. Bút pháp chấm phá, nghệ thuật ẩn dụ, câu hỏi tu từ, các hình ảnh mang đậm chất thi liệu đã làm nên sự đặc sắc, dấu ấn khó phai trong lòng người khi đọc qua tác phẩm.

Sự nghiệp thơ văn của Hàn Mặc Tử và Huy Cận đã để lại kho tàng văn học đồ sộ, rực rỡ cho thế hệ sau. Qua phân tích khổ cuối bài “Tràng giang” và khổ 2 bài “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta được chìm đắm trong không gian thiên nhiên thơ mộng, bao la, đượm màu buồn. Đó là những góc nhìn rất tinh tế, đặc biệt mà không phải ai cũng có khả năng rung cảm thấy.

Trên đây là toàn bộ các bài mẫu cho đề bài phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ” của tác giả Hàn Mặc Tử. Qua bài phân tích, lập dàn ý và một số bài mẫu về bài “Đây thôn Vĩ Dạ” phía trên, hi vọng bạn đọc có thể tham khảo và học tập tốt hơn trên trường.

Xem thêm: Phân tích “Từ ấy” học sinh giỏi thường gặp trong các đề thi

Phân Tích, Văn Học -