Phân tích 12 câu thơ đầu của bài “Trao duyên” – Nguyễn Du

Dưới đây là phân tích 12 câu thơ đầu của bài “Trao duyên” mà bạn đọc có thể tham khảo. Tham khảo những luận điểm và nội dung phân tích đoạn trích “Trao duyên” này để có tài liệu phục vụ tốt nhất cho việc học tập nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý “Trao duyên” 12 câu đầu học sinh giỏi

Sau đây sẽ là dàn ý “Trao duyên” 12 câu đầu học sinh giỏi giúp bạn đọc dễ dàng viết bài phân tích chi tiết và có thể dùng làm tài liệu tham khảo để hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm. Dàn ý sẽ giúp các bạn chọn ra và sắp xếp những nội dung chính, các ý giúp ăn điểm trong bài phân tích. Từ đó bạn đọc có thể tránh tình trạng bị trùng lặp, thiếu ý, lạc đề,…

Mở bài 12 câu đầu “Trao duyên”

– Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm Truyện Kiều và đoạn trích “Trao duyên”.

– Sơ lược về nội dung đoạn trích.

Thân bài phân tích 12 câu thơ đầu của đoạn trích “Trao duyên”

Phân tích 2 câu đầu:

– Là những lời cậy nhờ, xin được em giúp đỡ của Thúy Kiều đối với Thúy Vân. Từ “cậy” có nghĩa nhờ giúp đỡ nhưng trang trọng hơn, dành cho bề trên và mang ý nghĩa trân trọng, biết ơn. Từ “chịu” mang ý nghĩa ép người được nhờ phải đồng ý giúp đỡ, vì đây là tình huống không thể từ chối.

Câu thơ thể hiện hành động nài nỉ, van xin của Kiều với em, đồng thời cũng cho thấy hoàn cảnh éo le mà nàng đang gặp phải.

– Từ “lạy, thưa” là những hành động kính cẩn, trang trọng dành cho bề trên hoặc dành cho người mình đang mang ơn. Hành động, cử chỉ này của Kiều cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa thiêng liêng ở điều mà nàng sắp nói ra với em.

Phân tích 10 câu tiếp:

– Ở những câu thơ đầu, nàng hồi tưởng lại mối tình đẹp đẽ với chàng Kim, để em có thể phần nào hiểu được sự day dứt, quyến luyến của chị đối với mối tình này “đứt gánh tương tư, quạt ước, chén thề”. Nàng cũng đồng thời thấu hiểu lòng em, đối với Vân đây chỉ là “mối tơ thừa” dẫu với Kiều là thứ tình yêu nàng sẽ không bao giờ có thể chạm tay tới nữa.

– Kiều với vai trò là người chị cả, khéo léo diễn giải cho em hiểu được hoàn cảnh, tai ương gia đình đang gặp phải “sóng gió bất kì, xót tình máu mủ thay lời nước non”. Nàng sẵn sàng là người gánh vác, bỏ qua tình cảm cá nhân để là người chịu khổ giải cứu cha và em trai.

– Để em không thể chối bỏ lời nhờ cậy, Kiều nói đến cả cái chết “thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối”. Câu thơ cũng đồng thời cho thấy tấm lòng cao thượng, tốt đẹp mà Kiều dành cho gia đình, cho người mà nàng yêu.

Câu thơ lập luận chặt chẽ, hợp tình hợp lý, khiến cho Vân không thể từ chối. Đồng thời cũng cho ta thấy Kiều là một cô gái rất thông minh, thấu tình đạt lý nhưng gặp phải hoàn cảnh éo le, trắc trở.

Những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ:

– Có thể kể đến phép ẩn dụ, hoán dụ đặc sắc.

– Bài thơ sử dụng các điển tích, điển cố xa xưa mang cảm giác giản dị, gần gũi.

– Giọng thơ nhẹ nhàng, tinh tế, hài hòa.

– Ý nghĩa nhân văn được truyền tải rõ ràng, sâu đậm trong lòng người đọc.

Kết bài 12 câu đầu “Trao duyên”

– Khái quát lại nội dung tác phẩm và tổng kết các đặc sắc nghệ thuật.

– Liên hệ mở rộng với các bài thơ trữ tình cùng thời.

– Nêu cảm nhận riêng về bài thơ, nhà thơ.

Một số dạng đề văn phân tích 12 câu thơ đầu của bài “Trao duyên”

Dưới đây là một số dạng đề văn phân tích 12 câu thơ đầu của bài “Trao duyên” để bạn đọc có thể tham khảo và sử dụng làm tư liệu phân tích trong quá trình học.

Đề bài: Viết bài văn phân tích nội dung 12 câu đầu “Trao duyên”

“Truyện Kiều” là một tác phẩm kinh điển mà không ai không nhớ khi nói về tác giả Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc. Qua tác phẩm này, Nguyễn Du đã bày tỏ lòng đồng cảm và thương xót với số phận quá đáng thương của nàng Thúy Kiều với những khó khăn, bất hạnh. Mười hai câu đầu của đoạn văn “Trao duyên” là sự khởi đầu cho chuỗi những bi kịch nàng Thúy Kiều mắc phải.

Hai câu thơ đầu tiên tái hiện lại bối cảnh của cuộc trao duyên của Thúy Kiều với Thúy Vân. Chỉ với hai câu thơ thôi cũng đủ cho người đọc hình dung rõ tình huống khó xử của số phận hai chị em Thúy Vân và Thúy Kiều. Một đằng rằng Thúy Kiều đau đớn vì phải trao tấm duyên tình của mình với Kim Trọng cho em, một đằng Thúy Vân tuy tác giả không mô tả cảm xúc của nàng lúc ấy tuy nhiên người đọc thấy rằng khi bị đẩy đến hoàn cảnh này tâm trạng của nàng quả thật là cũng rất nặng nề. Thúy Kiều đã mở lời với Thúy Vân như sau:

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Tuy là người bề trên nhưng khi dùng lời để kể câu chuyện tình yêu của mình với Kim Trọng với cô em gái thì Thúy Kiều đã sử dụng các từ ngữ có tính trân trọng, tha thiết. “Cậy” cho thấy sự “tin tưởng”, quả quyết cho thấy chỉ có Thúy Vân mới có thể giúp đỡ; “chịu” ở cuối câu vừa mang tính gợi mở cũng như thể hiện sự ràng buộc, bắt buộc. Cả câu thơ ngắt quãng và lặp đi lặp lại với các tính từ nặng nề đã thu hút sự quan tâm của Thúy Vân đến câu chuyện của chị.

Thúy Vân được Thúy Kiều bảo ngồi lên để mình “lạy” rồi “thưa”. Hình như có sự mâu thuẫn ở đây, Thúy Vân là em gái của Thúy Kiều, về vai trò của Thúy Kiều ở trên, vì sao phải tỏ lòng kính trọng với Thúy Vân? Đây có lẽ là nét đặc biệt trong hàm ý của Nguyễn Du qua phân tích 12 câu thơ đầu của bài “Trao duyên”. Trong bối cảnh đó, trong tình huống đó, hành động của nàng không phải là vô lý mà hoàn toàn phù hợp. Kiều chuẩn bị bày tỏ chuyện “Trao duyên” cho em gái.

Cô không còn cách nào khác ngoài việc phải dựa dẫm vào chính em gái mình, hành vi này cho thấy sự khó xử và bối rối của hai chị em gái. Thúy Kiều khó có thể nói với Thúy Vân về câu chuyện, Thúy Vân cũng không nỡ từ chối lời cầu xin chân thành của chị. Và Thúy Vân đây có lẽ cũng đã lờ mờ hiểu ra câu chuyện quan trọng mà chị mình muốn bày tỏ.

Dần dần khi Thúy Vân đã thấu hiểu cho tình cảnh của mình, Thúy Kiều bắt đầu bày tỏ:

“Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

Đây là những lời bày tỏ đầy xót xa của Kiều, một người con gái phải tự tay trao đi mối duyên của mình. Hóa ra chuyện Thúy Kiều đang trông chờ vào em gái là muốn em gái cưới Kim Trọng thay cho cô. Tại sao nó lại quan trọng đến như vậy. Vì đó là một câu chuyện tình yêu vĩnh cửu, là “gánh tương tư” – chỉ nghĩa vụ, trách nhiệm tình cảm của nàng Kiều với chàng Kim, nhưng bây giờ nàng không làm được mà phải cần đến em gái. Và Thúy Kiều nói ra từ “mặc”, như để họ tự do quyết định. Thúy Kiều đưa ra cho Thúy Vân một yêu cầu không thể nào từ chối.

Dù là sự nhờ vả nhưng Kiều vẫn thấy có lỗi với Thúy Vân. Tình yêu sâu nặng của Thúy Kiều trở nên một thứ “tơ thừa” mà Kiều phó thác cho cô em và “mặc” cho Thúy Vân xoay xở. Thúy Kiều tâm sự với Thúy Vân bao kỉ niệm về mối tình dang dở với chàng Kim, có lẽ nàng trao mối duyên để vơi bớt gánh nặng và tiếc nuối nhưng lòng Kiều vẫn đau đáu.

“Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”

Từ “khi” được lặp đi lặp lại ba lần nhằm nhấn mạnh mối duyên sâu nặng của Thúy Kiều và Kim Trọng. “ngày quạt ước” và “đêm chén thề” đều là những kỷ vật, kỷ niệm quan trọng của hai người. Những kỷ niệm đã từng rất ngọt ngào nhưng giờ trở thành nỗi đau khôn nguôi vì:

“Sự đâu sóng gió bất kỳ

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”

“Sóng gió bất kỳ” chính là việc chàng Kim phải về quê chịu tang người chú, thì nhà Kiều cũng đã gặp phải oan sai khiến người cha và em bị bắt. Để chuộc lại cha và em về, Kiều chỉ còn cách bán thân. Trong khi lời hứa trước với Kim Trọng là cùng nhau nên vợ nên chồng, thì nay nàng chọn làm tròn chữ hiếu cho gia đình thay vì chữ tình với Kim Trọng.

Một tình yêu đẹp như thế, vừa chớm nở thì đã vụt tắt. Cô đã kiềm chế bản thân, dùng những lời lẽ khéo léo để khuyên nhủ và thuyết phục Thúy Vân:

“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.”

“Ngày xuân” nghĩa là em còn trẻ, Thúy Vân vẫn đang còn nhiều tương lai phía trước, “tình máu mủ” nghĩa là tình chị em giữa Thúy Vân và Thúy Kiều vẫn còn, đây là tình chị em thiêng liêng máu thịt. “Thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối” nghĩa là Kiều đã tưởng tượng ra cái chết của chính mình để gợi niềm thương cảm của em. Các thành ngữ “tình máu mủ”, “lời nước non”, “thịt nát xương mòn”, “cười chín suối” được sử dụng trong bốn câu thơ trên cho thấy Kiều quyết tâm thuyết phục Thúy Vân cho bằng được.

Đối với Thúy Kiều, việc trả nợ cho Kim Trọng còn quý hơn cả mạng sống, chỉ cần Vân cưới được Kim Trọng thì dù có chết Kiều cũng thấy an nhàn, toại nguyện. Chính cách dùng đến máu và cái chết là lời Kiều thuyết phục em mình, đã khiến Vân không thể từ chối yêu cầu của chị. Cách lập luận rất chặt chẽ, toàn diện cho thấy Thúy Kiều là người sắc sảo, tế nhị, có đức tính hy sinh, thuỷ chung, coi trọng tình nghĩa.

“Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Nguyễn Du đã sử dụng linh hoạt, khéo léo hai câu tục ngữ nổi tiếng: “Thịt nát xương mòn” và “Ngậm cười chín suối”. Đây là những câu tục ngữ mô tả cái chết và thế giới âm phủ đen tối. Trả mối duyên nợ cho chàng Kim còn quan trọng hơn cả mạng sống của Thúy Kiều. Chỉ cần Thúy Vân “chịu lời” thì dẫu ở cõi chết, Thúy Kiều cũng mãn nguyện. Qua đó làm hiện lên nhân vật Thúy Kiều với tâm hồn tốt đẹp hiếm có. Không chỉ là con gái hiếu thảo với bố mẹ, Thúy Kiều cũng là người có tình có nghĩa và sẵn sàng hi sinh vì người khác.

Đề bài: Nêu các đặc sắc nghệ thuật sử dụng trong đoạn trích “Trao duyên” 12 câu đầu ngắn nhất

Đoạn trích “Trao duyên” gây ấn tượng với người đọc và có giá trị lịch sử vô cùng sâu sắc không chỉ bởi nội dung, cốt truyện mà còn bởi những đặc sắc nghệ thuật được nhà thơ vận dụng. Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ tinh tế, tài tình cùng kết cấu câu thơ chặt chẽ giúp người đọc thêm thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của Thúy Kiều. Tác phẩm sử dụng nhiều thành ngữ dân gian cùng các hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ độc đáo góp phần mang đến những ý thơ tuyệt hảo. Thêm vào đó, đoạn trích có sử dụng các điển tích, điển cổ, mang đến màu sắc sử thi, dân gian gần gũi, giản dị đối với người đọc. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, da diết, giàu cảm xúc như chính nỗi lòng nàng Kiều.

Nguyễn Du vận dụng thể thơ lục bát linh hoạt và sử dụng các thành ngữ, ẩn dụ, luận điểm giàu sức thuyết phục để diễn tả 12 câu đầu là nỗi niềm của Thúy Kiều khi phải trao duyên của mình với Kim Trọng cho Thúy Vân. Bài thơ đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Bằng giọng văn nghiêm trang, bâng khuâng, Nguyễn Du đã thu hút được sự đồng cảm của người đọc qua nhiều thế hệ với hình ảnh nàng Kiều “hồng nhan bạc mệnh”.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về bài “Trao duyên” ngắn nhất qua 12 câu thơ đầu

Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du ( 1765 – 1820) là một đại thi hào của văn học Việt Nam, với “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Ông đã sáng tác nên tác phẩm Truyện Kiều, một hòn ngọc văn chương của lịch sử. Đoạn trích “Trao duyên” là một phân đoạn đặc sắc của tác phẩm với 12 câu thơ đầu thấm đẫm nước mắt về tình nghĩa của Thúy Kiều khi phải trao mối duyên sâu nặng.

Đoạn trích nằm trong phần hai của bộ thơ từ câu 723-756 của tác phẩm, kể về chuỗi ngày biến động và lưu lạc của Thúy Kiều. Với mười hai câu thơ đầu được xem như là phần mở màn cho chuỗi ngày đầy xót thương, đau khổ của nàng Kiều. Đồng thời bài thơ cũng là tiếng lòng tha thiết, cắt cứa vào sâu thẳm mối tình Kim – Kiều.

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Ngay từ câu thơ đầu, người đọc đã cảm nhận được sự trang trọng trong lời nói và hành động của Thúy Kiều. Nàng đã dùng những lời lẽ thân tình, thuần hậu để nói chuyện với Thúy Vân. Từ “cậy” được sử dụng thật đặc sắc, người được cậy khó lòng từ chối. Kiều dường như đã đặt hết niềm tin tưởng của mình cho Thúy Vân, nàng Vân không thể thoái thác và phải chịu lời. Kiều đã đặt Vân lên vị trí cao hơn, hạ mình xuống để cầu xin. Không có ai xưng hô với em mình bằng những từ ngữ vốn dành cho bậc tôn kính, bề trên như “thưa, lạy”.

Hành động tưởng chừng vô lý hóa ra lại rất có lý đối với Kiều. Vì nàng đang phải chịu ơn của Vân, người sẽ thay mình “chắp mối tơ hồng” đã đứt ngang của nàng. Nàng xem Vân như một ân nhân và biết rằng những lời mình nói tiếp theo sẽ rất khó xử với Vân.

“Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

“Gánh tương tư” là của chị, tình yêu sâu nặng cũng là của chị nhưng giờ giữa đường đứt gánh còn đâu. Tơ duyên là của chị khi đến em lại thành “tơ thừa”. Cái băn khoăn của Kiều là băn khoăn cho Kim Trọng phải lỡ làng nhân duyên. Cái day dứt của Kiều là day dứt cho Thúy Vân phải “chắp mối tơ thừa” của mình. Từ “mặc” sử dụng ở đây không phải là mặc cho ra sao thì ra mà có nghĩa là Kiều muốn phó thác, giao phó trách nhiệm lại cho Thúy Vân, tin tưởng tuyệt đối vào sự nhờ cậy của mình nơi Vân.

“Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”

Điệp từ “khi” ba lần đã nhấn mạnh tình cảm mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, nào đâu một sớm một chiều. Kỉ niệm thuở nào nay sống lại qua những câu thơ. Câu thơ ẩn chứa những tình cảm ngọt ngào xong ta lại nghe được những nỗi niềm, tiếng nấc nghẹn ngào của Thúy Kiều về những kỉ niệm. Chỉ vài giây nữa thôi, những kỉ niệm sẽ kết thúc, chỉ còn lại chuỗi ngày bi thảm, chơi vơi, xót xa.

“Sự đâu sóng gió bất kỳ

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”

“Sóng gió” là khi chàng Kim về quê chịu tang chú, gia đình Kiều lại bị mắc oan. Cha và em bị bắt giam, kiều phải bán mình chuộc cha và em. Những biến cố cứ thế xảy ra với gia đình Kiều, khiến nàng rơi vào thế bế tắc. Là người chị cả, Kiều phải hi sinh bản thân để đổi lại hạnh phúc gia đình. Chữ Hiếu là phạm trù đạo đức trong đạo nho, vì thế con người ta phải dẹp đi tình riêng, là một quan niệm đạo đức phổ biến xa xưa. Kiều hy sinh hạnh phúc của bản thân, thay vào đó là chữ “hiếu” nàng làm trọn phận làm con của mình.

“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.”

Ở đời phàm làm người, người ta thường hy sinh tất cả mọi thứ vì tình yêu. Ai cũng khát khao được gắn bó với người mình yêu. Với người con gái đa sầu đa cảm như nàng Kiều đây thì khát khao ấy lại mãnh liệt vô cùng. Cùng mạch cảm xúc xót xa của câu chuyện đời mình, nàng tiếp tục trải lòng cùng Thúy Vân. Để tăng thêm sức thuyết phục với Thúy Vân, Kiều đã đem tình máu mủ ra để cầu xin Vân. “Ngày xuân…” hàm ý mong rằng qua tháng rộng dài, tơ duyên éo le này sẽ mang lại hạnh phúc cho em. Nhưng đồng thời trong lý do ấy có cả nỗi đau xót của nàng: Khi chia tay tình yêu, Kiều xem như mình đã không còn tuổi xuân, hy vọng.

Sau khi “trao duyên” Kiều tưởng cuộc đời mình như kết thúc, không gì luyến tiếc:

“Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”

Kiều đã hi sinh tất cả vì gia đình. Hạnh phúc, bản thân, tình yêu bây giờ đến cả linh hồn, thể xác của nàng cũng tàn phai sau những chuỗi ngày “trao duyên”. Tình yêu của nàng cao cả, thiêng liêng, bất diệt. Tình yêu gia đình, tình yêu chị em và đặc biệt là tình yêu đôi lứa, Kiều mong sao Thúy Vân hiểu nỗi lòng mình, Kim Trọng hiểu được “người con gái của anh” đã phải đánh đổi đi những gì, xin một lần không oán không hờn.

Xã hội phong kiến thời bấy giờ đã chia rẽ tình yêu đôi lứa mãnh liệt, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, chà đạp lên số phận con người. Đặc biệt là phụ nữ, những người hồng nhan bạc mệnh. Với thể thơ lục bát của dân tộc, đậm chất trữ tình cùng với cách ngắt nhịp đầy dụng ý, Nguyễn Du đã tạo nên nhịp điệu của tâm trạng, của những nỗi đau đơn trong suy nghĩ của Kiều khi trao duyên. Bên cạnh đó, các biện pháp tu từ, ẩn dụ, điệp từ được sử dụng nhuần nhuyễn, lồng ghép các thành ngữ đã xây dựng thành công diễn biến tâm lý phức tạp, giằng xé, đau khổ của Kiều qua những lời độc thoại nội tâm khéo léo.

Bài thơ đã thể hiện tiếng nói nhân đạo của nhà thơ khi lên tiếng tố cáo chế độ xã hội vì đồng tiền mà đánh đổi tất cả. Đoạn thơ trên đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của đoạn trích “Trao duyên” nói riêng và Truyện Kiều nói chung, tạo nên những dư âm khó phai mờ trong lòng bạn đọc.

Bài phân tích 12 câu thơ đầu của bài “Trao duyên” đã khắc họa nỗi dằn vặt, sự giằng xé trong tâm hồn nhân vật Thúy Kiều. Khi làm như vậy, Nguyễn Du đã thể hiện tiếng nói nhân đạo của mình, đổ lỗi cho một xã hội độc ác vì đồng tiền đã đẩy người phụ nữ vào bi kịch. Hơn thế nữa, đoạn thơ trên đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của đoạn trích “Trao duyên” và tác phẩm “Truyện Kiều”, tạo nên dư âm khó phai mờ trong trí nhớ người đọc. Chúc các bạn học tập tốt!

Xem thêm: Phân tích khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ” tác giả Thanh Hải

Phân Tích, Văn Học -