Nghị luận về lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ

Lòng hiếu thảo là truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trẻ đối với những bậc sinh thành dưỡng dục, dạy dỗ chúng ta nên người. Sau đây là bài văn nghị luận xã hội về lòng hiếu thảo mà bạn nên xem qua.

Bài văn nghị luận về lòng hiếu thảo

1. Mở bài

Lòng hiếu thảo là truyền thống lâu đời tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

2. Thân bài

a. Định nghĩa

– Lòng hiếu thảo là gì: Lòng hiếu thảo là tình cảm yêu quý, kính trọng của bề dưới đối với bề trên trong gia đình.

– Biểu hiện lòng hiếu thảo:

+ Qua lời nói, cử chỉ và hành động

+ Của con cái đối với cha mẹ

+ Của con cháu đối với ông bà, tổ tiên: Kính trọng; lễ phép; chăm lo; phụng dưỡng; yêu tương; tôn kính

b. Ý nghĩa của lòng hiếu thảo

– Thể hiện nếp sống văn hóa người Việt

– Gợi nhớ về nguồn cội

– Xóa bỏ sự vô cảm; khỏang cách giữa những người thân trong gia đình

– Thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa

– Xã hội phát triển, văn minh hơn

c. Tại sao con người cần có lòng hiếu thảo

– Để thực hiện chức năng gia đình

– Để báo đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng

– Để hoàn thiện bản thân

d. Dẫn chứng về lòng hiếu thảo

– Chử Đồng Tử

– Cậu bé 10 tuổi bán bánh xèo nuôi cả nhà

e. Mở rộng

– Đi ngược lại với lòng hiếu thảo: Bất hiếu; ăn chơi xa đọa; bỏ bê học hành

– Lòng hiếu thảo được mở rộng hơn là lòng hiếu nghĩa

f. Liên hệ bản thân

– Tích cực học tập; tu dưỡng đạo đức

– Giúp đỡ ông bà cha mẹ

– Giúp đỡ cộng đồng

3. Kết bài

– Nêu tầm quan trọng của lòng hiếu thảo.

– Trách nhiệm bản thân đối với người sinh thành.

Xem thêm >>>Dàn ý nghị luận về chữ hiếu

 

BÀI LÀM CHI TIẾT NGHỊ LUẬN VỀ LÒNG HIẾU THẢO

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”

Cha mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục chúng ta khôn lớn trưởng thành. Công ơn trời biển của cha mẹ biết kể sao cho xiết kể sao cho xuể. Để báo đáp lại ân tình cao rộng ấy, mỗi người con phải luôn luôn hiếu thảo đối với cha mẹ, với bề trên. Lòng hiếu thảo là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp, là nếp sống văn hóa giá trị của cha ông ta từ ngàn đời nay, đã và đang được các thế hệ con em nối tiếp và phát triển.

Vậy lòng hiếu thảo là gì? Lòng hiếu thảo là tấm lòng yêu thương, tôn kính của con cháu dành cho cha mẹ, ông bà, những người bề trên trong gia đình, dòng tộc, làng xóm. Lòng hiếu thảo không chỉ được thể hiện qua suy nghĩ; qua lời nói mà còn được biểu hiện qua hành động, cư xử thực tiễn hàng ngày. Hiếu thảo giữa con cái đối với cha mẹ; hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, hiếu thảo với những người lớn; người già. Dù ở mối quan hệ nào lòng hiếu thảo cũng luôn được thể hiện bằng tình cảm yêu thương; chăm sóc; phụng dưỡng; tôn kính của bề dưới dành cho bề trên.

Lòng hiếu thảo là đức tính không thể thiếu trong mỗi con người. Bởi vì sao? Như chúng ta được biết chức năng chính của gia đình đó là tình cảm, là yêu thương, là gắn kết. Nếu không có lòng hiếu thảo giữa các thành viên sẽ không có sợi dây liên kết; sẽ có những khoảng cách vô hình; nhạt nhòa và như vậy gia đình tồn tại chỉ giống như một cái vỏ bọc hư không. Thứ hai, cha mẹ ông bà là những người sinh ra ta, hi sinh vất vả nuôi dưỡng ta khôn lớn trưởng thành; giáo dục ta trở thành người có ích. Công ơn của cha mẹ, ông bà được đo bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Vậy khi ta khôn lớn ta ắt phải có trách nhiệm báo đáp; phải biết uống nước nhớ nguồn; phải bù đắp lại những giá trị tinh thần và vật chất xứng đáng. Lòng hiếu thảo cũng là nhân tố hoàn thiện bản thân mỗi con người. Có lòng hiếu thảo chúng ta sẽ biết đồng cảm, biết yêu thương, biết sẻ chia và biết thấu hiểu. Tình cảm này sẽ là tiền đề để mỗi cá nhân phát triển bản thân khi ở trong môi trường lớn hơn, môi trường xã hội.

Lòng hiếu thảo là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt xưa và nay. Ngay từ thuwor lọt lòng ta đã được cha má hát ru bằng những câu ca dao ngọt ngào:

Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân

Những câu ca dao thấm đẫm nghĩa tình như in sâu vào lòng con công ơn nhọc nhằn của cha mẹ, thôi thúc con khôn lớn, vượt ngàn chông gai để đền đáp công ơn sinh thành phụ mẫu. Những phút giây nghĩ về gia đình về cha mẹ; những lời răn dậy của cha của mẹ cho con thêm nghị lực để đứng dậy để cố gắng và thành công. Lòng hiếu thảo như khắc sâu vào lòng ta sự dưỡng dục của gia đình; định hướng cho ta cách cư xử đúng đắn, phù hợp, hợp đạo làm người. Lòng hiếu thảo trong mỗi gia đình, trong cộng đồng sẽ là hậu phương thúc đẩy xã hội nhân loại phát triển và văn minh hơn.

Lòng hiếu thảo hun đúc tình người qua hàng nghìn năm nay và trở thành lối sống ăn sâu vào tiềm thức mỗi cá nhân. Quay ngược dòng lịch sử ta nhớ đến Chử Đồng Tử, vì gia cảnh khốn khó mà 2 cha con chàng chỉ có chung một chiếc khố. Khi cha chết vì không muốn cha lạnh lẽo mà chàng đã nhường chiếc khố đó cho cha còn mình thì chấp nhận ở vậy. Tấm lòng hiếu thảo của Chử đồng Tử đã khiến Tiên dung công chúa cảm động và kết duyên cùng chàng. Hay đến với hiện tại, cư dân mạng chắc không khỏi xót lòng khi chứng kiến cậu bé 10 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh hàng ngày phiêu bạt, đội sương đội nắng đẩy xe đẩy đi bán bánh xèo nuôi dưỡng gia đình. Nghịch cảnh éo le nhưng chẳng thể dập tắt được tình người. Càng khốn khó lòng hiếu thảo lại càng rực sáng.

Lòng hiểu thảo mở rộng ra còn là lòng hiếu nghĩa. Đó là sự biết ơn những thế hệ cha anh đi trước đã đổ mồ hôi công sức sương máu cho nền độc lập dân tộc ngày nay; đó là sự biết ơn sự quan tâm của Đảng của Nhà nước đến đời sống nhân dân và đó còn là sự lễ phép; yêu quý với mọi người.

Lòng hiếu thảo là một đức tính quý báu của người dân Việt Nam. Ấy thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, xô bồ lại có không ít các biểu hiện tiêu cực đi ngược lại với lòng hiếu thảo. Pháp luật và xã hội lên án vô cùng gay gắt đối với những trường hợp con cái đối xử bất hiếu đối với cha mẹ, nào là hắt hủi; đuổi đánh; ngược đãi thậm chí là chém giết cha mẹ;…Hay gần hơn nữa, đó là một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ ỷ nại vào tài sản gia đình không chịu khó học hành, suốt ngày chỉ mải mê ăn chơi, đua đòi; đàn đúm; xa hoa; hưởng lạc.. Còn nhiều nhiều lắm. Thật đáng lên án và phê phán và trừng trị nghiêm khắc những đối tượng này.

Là học sinh những thế hệ tương lai của đất nước mỗi chúng ta phải cố gắng, tiếp bước cha ông. Hãy cố gắng học tập; không ngừng tu dưỡng đạo đức, rèn luyện lối sống lành mạnh để trở thành con ngoan trò giỏi để bố mẹ, ông bà vui lòng. Chúng ta hãy tranh thủ những thời gian rảnh rỗi để phụ giúp cha mẹ, ông bà những công việc trong gia đình: nhặt rau; nấu cơm; quét dọn; thi thoảng cùng ông bà ra thăm và dọn dẹp phần mộ tổ tiên. Không chỉ trong gia đình chúng ta hãy lan tỏa tình yêu thương đó đến với làng xóm, với cộng đồng. Chăm chỉ tham gia các hoạt động tình nghĩa tại địa phương; trường lớp. Có như vậy chúng ta mới được mọi người yêu thương; quý mến; mới trở thành người có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Tóm lại, lòng hiếu thảo là đức tính cần có trong mỗi con người. Lòng hiếu thảo xứng đáng được giữ gìn, phát huy và lan tỏa hơn nữa, hơn nữa đến với mọi người. Mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay để xã hội hôm nay và ngày mai sẽ ngày càng ấm áp; tràn ngập hạnh phúc và yêu thương.

Lòng hiếu thảo là đức tính tốt đẹp mà chúng ta nên học hỏi và phát huy. Bài nghị luận về lòng hiếu thảo bên trên là một trong những bài văn nghị luận hay và ý nghĩa.

Nghị Luận -