Phân tích khổ 4 “Tây Tiến” – nhà thơ Quang Dũng đầy đủ và hay
Phân tích khổ 4 “Tây Tiến” là những hiểm trở, khó khăn của con đường hành quân. Đọc ngay soạn văn và một số dạng đề văn phân tích đầy đủ nhất!
Mời bạn đọc tham khảo bài viết phân tích khổ 4 “Tây Tiến” dành cho học sinh giỏi dưới đây để có kiến thức sâu hơn về bài thơ ý nghĩa này. Với ngòi bút tài hoa, tâm hồn lãng mạn và chất liệu ký ức đầy chân thật, Quang Dũng đã viết lên bài thơ “Tây Tiến” vô cùng đặc sắc, ấn tượng.
Nội dung bài viết
Soạn văn phân tích khổ 4 “Tây Tiến”
Để có kết quả học tập tốt trên trường thì việc soạn bài là bước các bạn không nên bỏ qua. Dưới đây là bài soạn văn phân tích khổ 4 “Tây Tiến” hay nhất đã được chọn lọc các bạn hoàn toàn có thể đọc thêm.
Nội dung khổ 4 bài “Tây Tiến”
– Hai câu thơ đầu khổ 4: Cho thấy lý tưởng lớn lao, trái tim nhiệt huyết và sự anh dũng, dám cống hiến, hy sinh của những người lính Tây Tiến.
+ “Người đi không hẹn ước”: Lên đường ra chiến trường mà không hẹn ngày trở về, đó là biểu hiện của sự tự nguyện hy sinh, tự nguyện cống hiến, sẵn sàng quên mình vì nước, vì dân.
+ “Đường lên thăm thẳm một chia phôi”: Con đường hành quân là con đường của núi cao, vực thẳm, bước gần đến chiến trường cũng có nghĩa là đã xa những bản làng mù sương, ẩn dụ cho những khó khăn, gian khổ, cho cuộc sống thiếu thốn, khắc nghiệt và cho cả những mất mát hy sinh, một đi chẳng thể trở về.
– Hai câu thơ cuối của khổ 4: Lời thề sắt son mãi gắn bó tâm hồn mình với con người, mảnh đất Tây Bắc của những người lính Tây Tiến:
+ “Mùa xuân ấy”: Có thể là mùa xuân năm 1947 khi đoàn quân Tây Tiến ra đời, cũng có thể là mùa xuân hòa hòa bình, mùa xuân độc lập của tổ quốc, non sông, cho thấy nỗi nhớ kỷ niệm xưa, đồng đội cũ của chính nhà thơ.
+ “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”: Lời thề quyết gắn bó máu thịt với đoàn quân Tây Tiến và mảnh đất Tây Bắc, dù còn sống hay đã hy sinh thì những người lính cũng nguyện ở mãi với năm tháng hào hùng nhất đời mình, với chiến trường máu lửa thấm tình anh em.
Nghệ thuật đoạn 4 “Tây Tiến”
– Bút pháp lãng mạn: Đặc trưng trong phong cách thơ, lối viết của Quang Dũng.
– Sử dụng khéo léo đại từ “ai”: Chỉ cho nhiều đối tượng, làm câu thơ bao hàm nhiều ý nghĩa.
– Nhịp thơ chậm rãi, giọng điệu sâu lắng, trữ tình làm toát lên khí thế hào hùng, lý tưởng lớn lao, lời thề son sắt của những người lính.
– Sử dụng các hình ảnh giàu sức gợi: “Mùa xuân”, “hồn”…
Cảm nhận đoạn 4 bài “Tây Tiến”
– Khổ 4 trong bài “Tây Tiến” có thể xem là khổ thơ đặc sắc nhất toàn bài.
– Chỉ với 4 câu thơ, nhưng Quang Dũng đã có thể khắc sâu vào lòng người đọc tầm vóc lớn lao của những người lính Tây Tiến, bi tráng nhưng vẫn mang đậm chất lãng mạn.
Một số dạng đề văn phân tích khổ 4 “Tây Tiến”
Trong quá trình học, các bạn sẽ gặp một số dạng đề văn phân tích khổ 4 “Tây Tiến”. Bài viết này sẽ giúp các bạn tổng hợp một số đề bài quen thuộc cùng các bài viết mẫu chi tiết và hay nhất.
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích khổ 4 “Tây Tiến” học sinh giỏi
Quang Dũng – một cái tên đã quá quen thuộc trong nền văn học kháng chiến chống Pháp. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm đặc sắc mang âm hưởng, khí thế hào hùng nhưng có lẽ đặc sắc và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948. Bằng hồn thơ lãng mạn, bay bổng, ông đã biến chất liệu kỷ niệm chan chứa cảm xúc thành những vần thơ chân thành, lắng đọng về những người lính cụ Hồ anh dũng. Và đoạn thơ 4 của tác phẩm đã gói trọn tất cả nỗi niềm của toàn bộ bài thơ, đó là tinh thần kiên cường, là hoài bão lớn lao và là nỗi đau chia lìa, là lời tiếc thương:
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. ”
“Tây Tiến” là đoàn quân được thành lập năm 1947, chủ yếu là những chàng sinh viên Hà Nội tạm gác bút, mực để lên đường cầm súng. Đoàn quân có nhiệm vụ chính là phối hợp với bộ đội Lào thực hiện việc bảo vệ biên giới Việt – Lào, làm hao mòn lực lượng của quân địch. Với lý tưởng và nhiệt huyết tuổi trẻ, Quang Dũng cũng tham gia đoàn quân, gắn bó với người lính trong khoảng 1 năm. Cuối năm 1948 Quang Dũng phải rời xa Tây Tiến, để thực hiện nhiệm vụ mới. Và khi đến Phù Lưu Chanh, nỗi nhớ đồng đội cũ ùa về, trở thành nguồn cảm hứng để ông thả hồn chắp bút nên thơ.
Ngay ở hai câu thơ đầu của khổ 4, Quang Dũng đã cho người đọc thấy quyết tâm sắt đá, lý tưởng vĩ đại cùng phẩm chất anh dũng, cốt cách cao đẹp của người lính cụ Hồ trong con người những người lính trong Tây Tiến. Những người lính đã “đi không hẹn ước”, họ ra đi mà chẳng có lấy một ước mơ nhỏ nhoi, ích kỷ rằng sẽ được trở về. Họ tự nguyện hiến dâng, tự nguyện hy sinh, tự nguyện nằm xuống để đất nước, quê hương mình được đứng lên.
Đó là hoài bão, là nhiệt huyết tuổi trẻ, là trái tim yêu nước và một tâm hồn biết sẻ chia. Những người lính Tây Tiến sẵn sàng hy sinh, họ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Thanh Thảo cũng từng ngợi ca tinh thần anh dũng, khát vọng thiêng liêng ấy của những người lính trong một bài thơ của mình:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Bước lên con đường hành quân, con đường chiến đấu có nghĩa là bước lên con đường của thử thách, con đường của sự chia lìa. Thế nơi, Quang Dũng đã viết “Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. Câu thơ gợi cho ta liên tưởng về những mỗi bước hành quân vượt qua núi cao, sông sâu, thác ghềnh đầy những gian khó. Cùng với đó, nỗi đau “chia phôi” cũng lan tỏa, làm người ta phải thấy đau đớn, xót xa thay. Người lính ra đi thực hiện lý tưởng, phải chấp nhận rời xa gia đình, rời xa mái trường và rời xa người thương, thậm chí là rời xa mà chẳng còn cơ hội gặp lại.
Cũng phải thôi, nơi rừng thiêng nước độc, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, rồi thêm căn bệnh sốt rét rừng ám ảnh, tất cả hành hạ thân thể người lính, tàn phá sức khỏe của họ. Để rồi, hậu quả là những mái đầu không có tóc, những làn da xanh xao, vàng vọt, là những người lính không còn sức lực để đương đầu, để chịu đựng rồi phải nằm xuống đất sâu mãi mãi. Rồi trên chiến trường mưa bom bão đạn, cái chết cận kề, hy vọng được sống trở về lại càng ít ỏi, nhỏ bé.
Vẻ đẹp oai hùng, bi tráng của đoàn quân Tây Tiến tiếp tục được Quang Dũng đẩy lên cao trào, đỉnh điểm ở 2 câu thơ cuối của khổ 4:
“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. ”
“Mùa xuân ấy” được Quang Dũng nhắc đến trong câu thơ của mình có thể chính là mùa xuân năm 1947, thời điểm mà đoàn binh Tây Tiến được thành lập, là lúc dân tộc ta làm nên những trang sử hào hùng, anh dũng ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhưng “mùa xuân ấy” cũng có thể là mùa xuân của đất nước, của hòa bình, của độc lập, mùa xuân được tạo dựng từ xương máu của những người lính. Thế nên, nhớ mùa xuân Tây Tiến là nhớ đồng đội, nhớ những kỉ niệm xưa cùng sống, cùng chiến đấu, cùng hy sinh, cùng làm nên hình hài của tổ quốc.
Những người lính Tây Tiến đã cùng nhau thề nguyện “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Đây là lời thề của các anh với Tây Bắc, với đất nước, với nhân dân. Các anh đã dành trọn trái tim mình cho mảnh đất đầy gian khó, khắc nghiệt, dành cả mạng sống cho tự do của xứ sở và dành hết cuộc đời cho hạnh phúc của dân tộc. Quang Dũng dùng từ “chẳng” chứ không phải là từ “không”, cách nói này mang giọng điệu dứt khoát hơn, làm cho quyết tâm lớn lao, hoài bão vĩ đại của những người lính Tây Tiến càng được thể hiện rõ nét.
Thế nhưng là “Hồn về” chứ không phải các anh về. Câu thơ mang tinh thần bi tráng, khí thế của thời đại. Những người lính tự nguyện ra đi, hy sinh, ngã xuống. Dẫu biết lên chiến trường là chẳng thể trở về, vậy mà thế hệ các anh, những người lính Tây Tiến gan góc, oai hùng vẫn quyết rời bỏ chiếc ghế nhà trường thân yêu, lên đường thực hiện lý tưởng lớn. Họ đã ra đi mà “chẳng tiếc đời xanh”, tuổi trẻ để thực hiện lý tưởng cao đẹp, cuộc đời để phụng sự cho khát khao đất nước được độc lập. Sự hy sinh của các anh là mất mát lớn lao của dân tộc, là cống hiến vĩ đại mãi được khắc ghi:
“Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh”
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích đoạn 4 “Tây Tiến” ngắn gọn
Bài thơ “Tây Tiến” là một bản hùng ca bất hủ về cuộc đời người lính. Chỉ với những giai điệu sâu lắng, chân thành, Quang Dũng cũng có thể khiến người đọc hình dung ra cái hào hùng, khí thế, cái bi thương mà tráng lệ, cái tầm vóc lớn lao của những con người đã làm nên hình hài đất nước. Đặc biệt, tất cả những hình ảnh, cảm xúc ấy đã được ông gói trọn và tổng kết qua 4 câu cuối của bài thơ:
“Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. ”
Những người lính Tây Tiến chủ yếu xuất thân từ mảnh đất Hà thành ngàn năm văn hiến. Họ là những chàng sinh viên mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ cùng tình yêu đất nước, sẵn sàng tạm biệt mái trường để xông pha nơi trận mạc. Những người lính ra đi mà “không hẹn ước”, họ không hẹn ngày trở về, khôn không hẹn ngày gặp lại. Chắc hẳn ai trong số đoàn quân Tây Tiến cũng hiểu, chiến tranh là tang tóc, là hy sinh, lên chiến trường là đương đầu với tử thần, là cận kề cái chết.
Những người lính biết rõ cái kết cục của lựa chọn xông pha là “chia phôi”, là ngã xuống, là hy sinh và không thể trở về. Nhưng họ đã chấp nhận, đã tự nguyện hiến dâng cuộc đời nhỏ bé của mình để làm nên mùa xuân lớn cho tổ quốc. Đoàn quân Tây Tiến “chẳng tiếc đời xanh”, vì lý tưởng, hoài bão, vì đất nước, dân tộc, họ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Và rồi họ ngã xuống, trở thành những đóa hoa tươi hiến dâng tất cả để làm đẹp cho non sông:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”
Đoàn quân Tây Tiến đã sống những ngày tháng oanh liệt nhất cuộc đời mình tại mảnh đất Sầm Nứa mưa bom, bão đạn. Khoảng thời gian ấy đã trở thành kỷ niệm chẳng thể phai, thành nỗi nhớ chẳng thể thôi day dứt, để rồi:
“Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. ”
Từ “ai” là một đại từ không xác định, đó có thể là chính Quang Dũng hoặc cũng có thể là bất cứ ai trong đoàn quân Tây Tiến. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì người đọc cũng cảm nhận được tình cảm dạt dào mà những người lính dành cho miền đất đầy gian khó, thử thách này. “Mùa xuân” ấy họ cùng nhau lên đường, cùng gặp nhau tại nơi biên cương heo hút, rồi lại cùng nhau kề vai sát cánh để làm nên “mùa xuân” lớn cho quê hương, đất nước.
Tây Tiến, Sầm Nứa không chỉ đơn giản là cái tên địa lý, đó là kỷ niệm, là nơi anh em mãi ở lại và là một phần cuộc đời của họ. Họ không sinh ra ở đây nhưng họ lại nguyện gắn bó tâm hồn mình với nó, nguyện gửi mãi trái tim ở lại. Ý thơ của Quang Dũng làm ta bất giác nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”
Khổ 4 của bài thơ “Tây Tiến” nói riêng và toàn tác phẩm có thể xem là những vần thơ đặc sắc nhất sự nghiệp sáng tác của Quang Dũng. Bằng giọng thơ chân thành, lắng đọng, hình ảnh thơ chân thực, giàu sức gợi, khổ thơ đã thành công gói ghém mọi nỗi niềm nhớ nhung, thương tiếc và nể phục trong toàn bài để gửi đến người đọc.
Hy vọng, bài phân tích khổ 4 “Tây Tiến” phía trên đã giúp các bạn cảm nhận được những cảm xúc thi vị ấy một cách trọn vẹn, tinh tế nhất. Chúc bạn đọc sẽ có điểm số cao trong học tập!
Xem thêm: Phân tích chân dung người lính “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng
Phân Tích, Văn Học -Phân tích chân dung người lính “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng
Phân tích 7 câu đầu bài “Đồng chí” – Chính Hữu hay và sâu sắc nhất
Phân tích vẻ đẹp chị em Thúy Kiều trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” hay nhất
Phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và đầy đủ
Phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” – Tú Xương hay và đầy đủ nhất
Phân tích khổ 1 bài “Từ ấy” của tác giả Tố Hữu hay nhất
Phân tích bé Thu – truyện ngắn “Chiếc Lược Ngà” hay và chi tiết