Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Xuân Quỳnh hay và đầy đủ nhất
Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” qua dàn ý, bài mẫu 1, mẫu 2 phân tích chọn lọc cẩn thận. Bạn đọc hãy tham khảo trong bài viết dưới đây!
Xuân Quỳnh với các tác phẩm chứa đựng đầy tiếng yêu, đặc biệt là tác phẩm “Sóng” đã được người đời ưu ái phong tặng cho danh hiệu “nữ hoàng thơ tình”. Để hiểu hơn về chữ tình trong thơ bà cũng như bài “Sóng”, mời bạn đọc tham khảo bài viết phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” hay nhất dưới đây.
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích khổ 5 6 bài “Sóng”
Khổ 5, 6 bài “Sóng” được Xuân Quỳnh viết lên từ những hình ảnh thơ vô cùng độc đáo, qua đó bộc lộ những rung cảm, những khát vọng của một trái tim thiếu nữ khi yêu. Dàn ý phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” chi tiết, đã được chọn lọc dưới đây sẽ giúp các bạn khái quát những đặc sắc nội dung, nghệ thuật này.
Mở bài phân tích khổ 5 6 bài “Sóng”
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: Xuân Quỳnh là nữ nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ hiện đại Việt Nam, nổi bật với phong cách trẻ trung, cảm xúc và đầy nữ tính.
+ Giới thiệu tác phẩm: “Sóng” được sáng tác 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, là một bản tình ca đẹp nhất trong những bài thơ làm nên tên tuổi của Xuân Quỳnh.
– Dẫn dắt vào vấn đề: Bài thơ đã cho thấy cái tôi riêng đầy lãng mạn, trái tim khao khát được yêu và tâm hồn tràn ngập nỗi nhớ của tác giả, tất cả những cảm xúc ấy đã được gói trọn ở khổ thơ 5 và 6.
Thân bài phân tích khổ 5 6 bài “Sóng”
– Giới thiệu khái quát hình tượng sóng:
+ Sóng xuất hiện xuyên suốt cả bài thơ, là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Xuân Quỳnh.
+ Sóng là “em” và “em” cũng là sóng, 2 hình ảnh song hành với nhau và là sự hóa thân của nhau, vì vậy sóng mãnh liệt, cuộn trào thì tình yêu trong “em” cũng sục sôi, da diết, sóng nối tiếp, trường tồn thì tình yêu trong “em” cũng vĩnh hằng, bất tử.
+ Sóng là một hình tượng thơ mang cả vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, từ đó giúp Xuân Quỳnh thể hiện những tiếng yêu quen thuộc nhưng cũng đầy mới lạ, cá tính.
– Khổ 5: Diễn tả nỗi lòng nhung nhớ của người con gái khi yêu.
+ “Dưới lòng sâu” – “trên mặt đất”: Nghệ thuật đối lập, phá bỏ mọi sự giới hạn về không gian, cho thấy nỗi nhớ bao la, không có giới hạn, xâm chiếm cả bề sâu lẫn bề rộng.
+ “Ngày đêm không ngủ được”: Nỗi nhớ in hằn trong trái tim, hiện hữu trong mọi khoảnh khắc, làm thay đổi đồng hồ sinh học, thay đổi thói quen sống.
+ “Cả trong mơ còn thức”: Nỗi nhớ tồn tại trong ý thức và đi sâu vào tiềm thức người con gái, vượt dòng thời gian, chiếm lĩnh cả đêm, cả ngày, dù tỉnh hay mơ, nỗi nhớ người thương vẫn ngự trị ở đó.
+ “Sóng” và “em”: Nghệ thuật nhân hóa, cho “sóng” hơi thở, linh hồn để “sóng” trở thành “em”, thay “em” thể hiện nỗi nhớ tha thiết, cuộn trào.
+ Kết luận: Tình yêu luôn đi liền, song hành với nỗi nhớ, nỗi nhớ ấy lớn lao, bao la và sâu sắc, mang sức mạnh thâu tóm cả không gian và thời gian, cả trái tim và lý trí.
– Khổ 6: Diễn tả một tình yêu nồng nàn, chân thành và thủy chung.
+ “Xuôi về phương Bắc” – “ngược về phương Nam: Biện pháp đối, giúp khoảng cách địa lý nhân lên vài phần, thể hiện những khó khăn, thử thách trong tình yêu.
+ “Hướng về anh một phương”: Khoảng cách địa lý không thể ngăn được sức mạnh của tình yêu, dù sóng có ở xa mấy dặm, sóng vẫn tìm về bờ, như tình yêu của “em” dành cho “anh”, nồng nàn và cháy bỏng, dù có muôn vàn cách trở, “em” vẫn một lòng hướng về “anh”.
+ Đây cũng là một lời thề son sắt, thủy chung, sống trọn vẹn và hết mình với một tình yêu duy nhất.
+ Kết luận: Tình yêu của “em”, hay của chính Xuân Quỳnh là một tình yêu rất sôi nổi, nồng nàn nhưng cũng rất chân thành, sâu lắng, như con sóng “muôn vời cách trở” nhưng vẫn hướng vào bờ thì lòng “em” cũng thế, dẫu khó khăn, xa cách vẫn nguyện thủy chung yêu mình “anh” và cùng “anh” vượt qua tất cả.
Kết bài phân tích khổ 5 6 bài “Sóng”
– Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng sóng để nói hộ những cảm xúc khi yêu của người con gái, đó là nỗi nhớ không nguôi, là tấm lòng thủy chung đợi chờ, từ đó cho thấy khát khao sống, yêu và được yêu đang cuộn trào trong trái tim trẻ của chính nhà thơ.
+ Giá trị nghệ thuật: Hình tượng thơ sáng tạo, độc đáo được lồng ghép, thể hiện trong thể thơ 5 chữ quen thuộc, các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa, cường điệu hóa được sử dụng khéo léo, tinh tế.
Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Mẫu 1
Khổ 5, 6 được đánh giá là 2 khổ thơ đặc sắc nhất trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, vì vậy các bạn sẽ rất khó để phân tích đủ và hay 2 khổ thơ này. Các bạn có thể tham khảo bài phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Mẫu 1 dành cho học sinh giỏi dưới đây.
Bài làm
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào”
Thật vậy, có trái tim nào lại chưa từng biết yêu, có tâm hồn nào lại chưa một lần rung động. Tình yêu ban hương, ban sắc, cho cuộc đời thêm đẹp, thêm thơ. Và tình yêu đi vào thơ ca, làm cho tiếng thơ thêm thi vị, thêm sắc màu. Người ta đã từng ngưỡng mộ tình yêu cao thượng, vĩ đại trong thơ Tố Hữu, đã từng đắm say một tình yêu nồng nàn, ngọt ngào trong thơ Xuân Diệu.
Nhưng rồi vẫn bị thu hút, vấn vương bởi một tình yêu cuộn trào, nồng nàn trong thơ của Xuân Quỳnh. Bài thơ “Sóng” của nữ thi sĩ là một tác phẩm điển hình. Bài thơ đã cho thấy một tình yêu thiết tha, chân thành, nhiều nỗi nhớ và nguyện thủy chung. Tất cả những cung bậc cảm xúc khi yêu ấy đã được gói trọn trong 2 khổ thơ 5, 6 của tác phẩm.
Trước hết là khổ thơ thứ 5 của bài thơ, tình yêu được gửi gắm, được thể hiện qua niềm nhung nhớ của người con gái khi trái tim lỡ trao cho người:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
“Dưới lòng sâu” – “trên mặt đất” là hai hình ảnh đối lập đã được Xuân Quỳnh vận dụng tinh tế, khéo léo để phá bỏ mọi giới hạn địa lý của nỗi nhớ. Con sóng dù có ở đâu, nơi nào thì cũng sẽ vượt muôn trùng để tìm về với bờ với bãi. Nỗi nhớ của con sóng xuyên suốt mọi bề rộng của không gian, rồi chiếm trọn cả chiều dài của thời gian. Một tiếng “ôi” bật lên đầy chân thành, da diết, đẩy đưa nỗi nhớ lên tới cao trào và đỉnh điểm.
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
“Sóng” nhớ bờ như “em” nhớ đến anh. Sự nhung nhớ của người con gái khi yêu cũng cuộn trào, cũng khôn nguôi, cũng da diết và đong đầy. “Em” nhớ “anh” chẳng kể không gian và thời gian. Nỗi nhớ luôn hiện hữu, làm day dứt trái tim cả ngày lẫn đêm, khiến “em” “không ngủ được”. Không còn giới hạn, nỗi nhớ vượt qua cả đại dương rộng lớn, phá vỡ cả ranh giới giữa thực tại và mộng mơ. Khi thức “em” nhớ đến “anh”, khi ngủ cũng vẫn mơ về. Hình bóng của người thương cứ làm trái tim thiếu nữ khắc khoải, vấn vương và bồi hồi mãi không thôi.
Tiếp đến khổ 6, tình yêu đậm sâu cuộn tràn của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện qua lời thề nguyện thủy chung, mãi đợi chờ:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam”
Điệp từ “dẫu” kết hợp với biện pháp đối “ngược về phương Nam” – “xuôi về phương Bắc” đã thay Xuân Quỳnh diễn tả những khó khăn, thử thách trong tình yêu. Khó khăn, thử thách ấy là sự xa cách về không gian, là sự chia lìa về địa lý. Bắc, Nam cách trở nghìn trùng, như tình yêu của “anh” với “em” có muôn vàn gian khó.
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương. ”
Người ta vẫn bảo: “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói”, nên nhiều đoạn tình phải bỏ ngỏ chỉ bởi vì phải “yêu xa”. Thế nhưng, tình yêu của “em” đậm sâu và nồng cháy, dẫu cho có khoảng cách xa xôi, mỗi người một ngả thì tấm lòng “em” vẫn thủy chung, son sắt, nguyện đợi chờ. Dù “anh” đang ở nơi đâu, có là phương Bắc xa ngàn dặm hay miền Nam cách nghìn trùng thì cũng không làm trái tim “em” thôi nhớ, tâm trí “em” thôi nghĩ về anh. “Em” sẽ chỉ hướng về “anh”, yêu mình “anh” và sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, thử thách để được ở bên “anh”.
Đó là lời thề nguyền son sắt, thủy chung đáng quý, đáng trân trọng vô cùng. Thế mới thấy, trái tim Xuân Quỳnh cháy bỏng, khao khát yêu và muốn được yêu như thế nào. Dù là một người con gái, nhưng nhà thơ không hề đứng đó là đợi chờ tình yêu, ngược lại thi sĩ luôn chủ động đi tìm tình yêu cũng như nói lên những tiếng rung động của mình. Xuân Quỳnh gần như đã coi tình yêu là lẽ sống của đời mình:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Mẫu 2
Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về khổ 5, 6 bài “Sóng”, chúng tôi cập nhật cho các bạn bài phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Mẫu 2 hay nhất. Bài phân tích này sẽ là một nguồn tham khảo hữu ích, giúp các bạn đạt được điểm số cao hơn ở trường.
Bài làm
Bài thơ “Sóng”, trích trong tập “Hoa dọc chiến hào” được Xuân Quỳnh sáng tác vào năm 1967 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Khác với những tác phẩm ra đời cùng thời điểm với mục đích ngợi ca tình yêu lớn lao dành cho đất nước, “Sóng” là những tiếng yêu, những rung động trong trái tim người con gái, là những tình cảm đời thường nhưng đẹp đẽ, thiêng liêng vô cùng. Điều này được Xuân Quỳnh thể hiện nổi bật nhất trong hai khổ 5, 6 của bài thơ”:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Bằng biện pháp tu từ điệp cấu trúc cùng với những hình ảnh mang ý nghĩa đối lập “dưới lòng sâu” – “trên mặt đất”, Xuân Quỳnh đã thể hiện rất rõ sự mênh mông, đong đầy của nỗi nhớ. “Sóng trên mặt nước” là con sóng trên bề mặt, có thể dễ dàng nhìn thấy, còn “sóng dưới lòng sâu” là những con sóng ngầm, ẩn sâu dưới mặt nước, rất khó để bắt gặp. Những con sóng luôn được biểu hiện và tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau.
Nỗi nhớ trong trái tim thiếu nữ khi yêu cũng vậy, có những nỗi nhớ bị giấu kín, ẩn sâu trong lòng, nhưng cũng có nỗi nhớ được bày tỏ qua lời nói, thể hiện bằng hành động. Dù có khác nhau về cách biểu đạt nhưng những nỗi nhớ ấy đều là minh chứng của một tình yêu nồng nàn, tha thiết và nồng cháy.
“Sóng” và “bờ” là hai hình ảnh luôn song hành, quấn quýt với nhau ngoài đời thực, con “sóng” dù có xuất phát từ đâu, đi xa tới mấy cũng phải tìm về để được vỗ “bờ”. Xuân Quỳnh đã mượn hình tượng thực này để ẩn dụ cho nỗi nhớ trong tình yêu. Khi “sóng” xa bờ, nỗi nhớ trong “sóng” trào dâng, trỗi dậy đến nỗi “Ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ thường trực, day dứt, khôn nguôi, để rồi ảnh hưởng, chi phối mọi thói quen sinh hoạt và cả cuộc sống. Không chỉ thể hiện nỗi nhớ qua hình ảnh ẩn dụ mà nhà thơ còn trực tiếp giãi bày:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Xuân Quỳnh đã chuyển từ “sóng” với “bờ” sang “anh” với “em”. Như con sóng mang nhiều trạng thái, biểu hiện, tình yêu “anh” với “em” cũng chứa đựng rất nhiều cung bậc cảm xúc. “Em” nhớ “anh” chẳng thua gì con sóng nhớ bờ, thậm chí còn sâu đậm hơn, da diết hơn. Nếu “sóng” thương nhớ bờ đến “ngày đêm không ngủ”, thì “em” ở một mức độ cao hơn, đó là “cả trong mơ còn thức”. Có nghĩa, nỗi nhớ trong “em” không chỉ phá bỏ giới hạn không gian, mà còn xâm chiếm cả thời gian, không chỉ in hằn trong ý thức, mà còn đi sâu vào tiềm thức. Ý thơ của Xuân Quỳnh làm ta nhớ đến những câu thơ:
“Nhớ ai bổi hồi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm”
Nỗi nhớ ấy còn được Xuân Quỳnh tiếp tục nhấn mạnh, khắc họa rõ nét hơn nữa trong bốn câu tiếp theo:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam”
Nghệ thuật đối lập được Xuân Quỳnh vận dụng khéo léo, tinh tế trong các cặp từ “Bắc và Nam”, “xuôi và ngược”, qua đó đẩy nỗi nhớ tha thiết, nồng nàn lên tới cao trào, đỉnh điểm. Người ta thường nói “xuôi Nam”, “ngược Bắc” nhưng Xuân Quỳnh lại có một cách diễn đạt ngược lại. Chính sự sáng tạo độc đáo này đã giúp làm nổi bật quan điểm tình yêu không theo một quy luật cụ thể, không bị gò bó bởi định kiến xã hội của Xuân Quỳnh.
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Không chỉ vậy, Bắc – Nam còn là hình ảnh biểu trưng cho những khó khăn, gian nan trong tình yêu. Tình yêu luôn luôn được thử thách bởi bão tố, đó là sự cách trở về thời gian, chia lìa về địa lý. Nhưng tình yêu “em” dành cho “anh” là chân thành, sâu đậm nên sự cách trở ấy chẳng thể khiến tình mình dang dở, ngược lại làm cho tâm hồn “em” thêm đẹp, trái tim “em” thêm vững bền. Dù “anh” có ở nơi đâu thì “em” cũng sẽ đinh ninh lời thề nguyền “Trăm năm một chữ đồng đến xương”.
“Em” sẵn sàng vì “anh”, vì tình yêu đời mình mà “Tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”. Tình yêu của “em” và “anh” sẽ mãi cháy bỏng, cuộn trào và bất tử như sóng ngoài biển khơi. Xuân Quỳnh cũng từng viết:
“Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…”
Như vậy, đoạn thơ 5, 6 nói riêng và cả bài thơ “Sóng” nói chung đã thay Xuân Quỳnh thể hiện những tâm trạng xốn xang, vấn vương cùng với những đắm say, thương nhớ nồng nhiệt, da diết của trái tim người con gái khi yêu. Hy vọng rằng, với bài phân tích khổ 5, 6 bài “Sóng”, các bạn đã cảm nhận được nỗi khát vọng yêu đương, khát khao được quan tâm, chăm sóc, được nếm trải những cung bậc tình yêu trong cuộc sống mà nhà thơ muốn thể hiện.
Xem thêm: Phân tích khổ cuối bài “Bếp lửa” – Bằng Việt hay và cảm động nhất
Phân Tích, Văn Học -Phân tích khổ 5 bài “Sóng” tác giả Xuân Quỳnh ngắn gọn nhất
Phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” tác giả Xuân Diệu đặc sắc nhất
Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và chọn lọc
Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” tác giả Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” tác giả Thế Lữ chọn lọc nhất
Phân tích bài “Nhàn” tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc sắc nhất
Phân tích bài thơ “Qua đèo ngang” – Bà Huyện Thanh Quan