Phân tích 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của tác giả Hàn Mặc Tử

Mời bạn đọc tham khảo bài phân tích 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ” đầy đủ dưới đây. Với các bài phân tích mẫu này, hi vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn ngữ văn ở trường. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã mang tới cho đọc giả nhiều ấn tượng khó phai mờ.

Nội dung bài viết

Dàn ý 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ”

Dưới đây là dàn ý 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ” giúp bạn đọc dễ dàng viết bài phân tích chi tiết và có thể dùng làm tài liệu tham khảo để hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm.

Mở bài “Đây thôn Vĩ Dạ” 2 khổ cuối

– Từ những năm 1932 – 1945, trên cánh đồng thi ca Việt Nam, liên tục đón nhận những làn gió của thơ mới thổi qua. Mỗi nhà thơ lại đề ra cho mình những cái tôi nghệ thuật rất riêng. Vì vậy ta gọi họ là những nhà thơ mới.

– Nổi bật trong số các tác giả ấy là Hàn Mặc Tử với bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và các tác phẩm thơ khác. Bài thơ gồm 3 khổ thơ, với khổ 2 là khổ thơ bộc lộ những nỗi buồn thầm kín, sâu sắc, niềm ao ước được đến gần với người con gái trong mộng của nhà thơ.

Thân bài phân tích 2 khổ cuối “Đây thôn Vĩ Dạ”

Khổ thơ 2:

– Gió và mây luôn luôn song hành với nhau, gió thổi mây bay, gió cuốn mây trôi. Vậy mà trong câu thơ, gió mây đứt gẫy chia lìa. Nhịp thơ 4/3 bẻ gập, gợi lên cảm giác chia lìa, đầy suy tư, buồn bã, u uất, ảo não.

– Nhà thơ đưa cái động “dòng nước” cũng chỉ trôi buồn, ảo não, “hoa bắp” cũng chỉ buông lơi, vật vờ theo gió. Hình ảnh không khiến thiên nhiên vui tươi hơn, trái lại chỉ khiến cảnh vật thêm ảo não, u uất hơn.

– Đoạn thơ không chỉ tả cảnh, tả tình mà còn tả nhịp điệu của cảnh vật. Đó là nhịp điệu mái chèo khoan thai ở xứ Huế, một vẻ đẹp êm đềm, lững lờ, trầm tư. Viết về sông Hương xứ Huế không thể không nhắc tới hình ảnh của trăng.

– Trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử nửa thực nửa mơ, như trong cõi mộng. Trăng là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp, cuộc đời, vẻ đẹp thiên nhiên, hạnh phúc trong cảnh thanh bình. Đó là vẻ đẹp thánh thiện, hoàn mỹ. Lời thơ cất lên như một câu hỏi trong vô vọng của tác giả. Khát khao của nhân vật chính muốn được gặp gỡ, là nỗi niềm cảm xúc lo âu và chỉ một chữ “kịp” đã bộc lộ lên điều đó. Bài thơ như một lời trăn trối, thể hiện nỗi u uất của nhà thơ.

Khổ thơ 3:

– Nghệ thuật điệp ngữ “khách đường xa” thể hiện tâm trạng khắc khoải, nhớ mong của tác giả. Có thể hiểu theo hai hướng, hình ảnh khách ngày càng bị đẩy xa thêm hoặc diễn tả tâm trạng mong đợi một người đến chia sẻ nỗi buồn với mình. Câu thơ diễn tả sự chập chờn của mối tình đơn phương, vô vọng.

– Nghệ thuật ẩn dụ: áo trắng – sương khói trắng nên không nhìn ra. Vì xa nên cảnh vật xa lạ, người cũng trở nên không rõ ràng, mơ ảo.

– Đại từ phiếm chỉ “ai”, lời thơ kết lại của khổ 3 là lời kết lại nỗi tương tư, vừa mang hi vọng, vừa mang nỗi tuyệt vọng. Câu thơ là một câu hỏi mở: Liệu tình em có còn đậm đà? Liệu tình anh có còn đậm đà?

– Trong đau thương tột cùng, nhà thơ có những phút giây thả hồn mình hướng về miền quê thân yêu với mối tình đầy mộng ảo. Từ đó ông tạo ra một viên ngọc thơ tuyệt vời, chói lọi nghìn năm.

Kết bài phân tích 2 khổ cuối bài đây thôn vĩ dạ

– Tổng kết các đặc sắc nghệ thuật được nhà thơ sử dụng trong 2 khổ cuối bài.

– Tóm tắt nội dung và liên hệ mở rộng với các tác phẩm thơ trữ tình khác.

Một số dạng đề văn phân tích 2 khổ cuối bài Đây thôn Vĩ Dạ

Dưới đây là một số dạng đề văn phân tích 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ” để bạn đọc có thể tham khảo và sử dụng làm tư liệu phân tích trong quá trình học.

Đề bài: Viết bài văn phân tích 2 khổ sau bài “Đây thôn Vĩ Dạ”

Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng nói của một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người nồng nàn, tha thiết. Tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là bài thơ thể hiện một tình yêu, khao khát cuộc sống như thế. Bài thơ được sáng tác năm 1938, in trong tập “Thơ điên” sau đổi thành “Đau thương”, là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của con người tha thiết yêu đời, yêu người.

Ngay từ nhan đề, nhà thơ đã nhắc đến địa danh thôn Vĩ Dạ. Thôn Vĩ nằm ở ngoại vi thành phố Huế, bên bờ sông Hương hiền hòa, thơ mộng. Ở đây, cây cối xanh tươi bốn mùa, có dòng sông xanh, có những thiếu nữ thướt tha duyên dáng. Ấn tượng đặc biệt về Vỹ Dạ nữa là lối kiến trúc nhà vườn, trong đó nhà thường nằm ở giữa vườn, xung quanh là cây cối xanh tươi.

Phân tích 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ” ta thấy sự hoài nghi của nhân vật trữ tình, nhưng bao trùm lên là niềm khát khao được sống, được giao lưu cùng với cảnh vật và con người ở xứ Huế.

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

2 câu thơ đầu trước hết miêu tả cảnh vật dòng sông Hương ở Vĩ Dạ. Sông Hương và núi Ngự là những hình ảnh tiêu biểu cho nét cổ kính của xứ Huế. Sông Hương bao đời chảy lặng lờ chầm chậm được gợi lại qua hình ảnh “dòng nước buồn thiu”. Điệu chảy chậm của Hương giang đã được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả “chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”, là “điệu Slow tình cảm” mà dòng sông Hương dành riêng cho người tình trong mộng của nó là xứ Huế.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Hai câu thơ tiếp miêu tả cảnh vật thật đẹp và nên thơ khi có gió, có mây, có dòng nước, hoa bắp lay. Hai bên bờ sông là những vườn bắp, có gió nhưng là gió nhẹ chỉ đủ để làm những bông hoa ngô nhẹ nhàng lay động, khe khẽ đung đưa trước gió. Điều đáng chú ý ở những câu thơ này là bằng những hình ảnh như gió mây nhè nhẹ trôi, sông Hương lững lờ chảy, hoa bắp khẽ khàng đung đưa theo gió, tác giả khắc họa hết sức thành công nhịp điệu khoan thai, dịu dàng của xứ Huế.

Khổ thơ cho ta thấy khí vị riêng của xứ Huế mà như nhà nghiên cứu phê bình Hoài Thanh đã nhận xét rất tinh tế: “Ngắm cảnh Huế, người ta khó tránh khỏi được cái buồn vớ vẩn. Nó là khí vị riêng của xứ này”. Ai đó đã từng nói “Thơ là tiếng lòng của người thi sĩ. Đọc thơ, ta nghe thấy tiếng nói cất lên từ sâu thẳm trái tim của thi sĩ. Thơ là sự lên tiếng về thân phận. Đến với bài thơ, ta cảm được tình cảnh, tình thế số phận của nhà thơ”.

Cuối cùng, ở khổ thơ 3 cho ta thấy nỗi niềm hoài niệm về người thôn Vĩ – nỗi niềm mơ tưởng, hoài nghi:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra”

Ở hai khổ thơ trên, ngòi bút Hàn Mặc Tử hướng đến thiên nhiên xứ Huế để bộc lộ tâm tư. Còn ở khổ thơ này, nhà thơ trực tiếp tâm sự với người xứ Huế. Qua hoài niệm thì hình ảnh người thôn Vĩ vừa thực vừa huyền ảo, vừa gần gũi, vừa xa vời. Trước hết, với điệp ngữ “khách đường xa” làm cho hình ảnh người thôn Vĩ càng khuất lấp, xa vời bởi khoảng cách thời gian và không gian. Câu mở đầu khổ thơ như nhấn mạnh thêm nỗi xót xa, như lời thầm tâm sự của nhà thơ với chính mình: Trước lời mời của cô gái thôn Vĩ, có lẽ nhà thơ chỉ là một vị khách ở nơi xa xôi. Hơn thế ông cũng chỉ là người khách trong mơ mà thôi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới suy tư ấy, nhưng chủ yếu ở đây là mặc cảm về tình người vì có thể hiểu hai câu giữa khổ thơ theo hai nghĩa.

Nghĩa thực, xứ Huế nắng nhiều, mưa nhiều nên cũng nhiều sương khói làm tăng vẻ hư ảo, mộng mơ của Huế nên bóng người thấp thoáng, mờ ảo. Về nghĩa bóng, cái sương khói làm mờ cả bóng người ấy phải chăng tượng trưng cho bao cái huyền hoặc của cuộc đời đang làm cho tình người trở nên khó hiểu, xa vời.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

“Ai biết tình ai có đậm đà?”

Vì thế câu thơ cuối mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời. Ai là người thôn Vĩ hay Hàn Mặc Tử? Hỏi người hay tự hỏi mình, thể hiện một tâm trạng lo âu của tác giả. Ở đó, nhà thơ đã sử dụng rất tài tình đại từ phiếm chỉ “ai” để mở ra hai ý nghĩa của câu thơ: Nhà thơ làm sao mà biết được tình người xứ Huế có đậm đà hay không? Hay cũng mờ ảo, dễ có, chóng tan như sương khói kia. Tuy vậy, không rõ tình cảm của tác giả đối với xứ Huế sau từng ấy thời gian liệu có còn đậm đà như trước? Dù hiểu theo nghĩa nào thì câu thơ cũng mang lại một nỗi niềm cô đơn, trống vắng trong tâm hồn.

Ta bắt gặp dấu tích còn thoi thóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì nhưng thường là một thứ buồn, dầu có thấm thía vẫn dịu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mặc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Tuy nhiên, nếu mọi sự tuyệt vọng đều cho người ta bi quan, thì riêng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại hướng ta đến những giá trị nhân văn cao cả.

Với thể thơ thất ngôn, những hình ảnh thơ độc đáo, đẹp, gợi cảm, ngôn ngữ tinh tế, giàu tâm trạng và liên tưởng, âm điệu, nhịp thơ trong sáng, thiết tha kết hợp các biện pháp tu từ như biện pháp điệp từ ở khổ 2, điệp cấu trúc, câu hỏi tu từ… Bài thơ là tấm lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, cuộc sống và con người. Thời gian có thể xóa nhòa tất cả nhưng hồn thơ ấy, niềm khát khao sống ấy sẽ mãi ở trong lòng đọc giả chúng ta.

Đề bài: Phân tích các biện pháp tu từ khổ 2 “Đây thôn Vĩ Dạ”

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ với tài năng văn chương uyên bác, ông sử dụng rất nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật trong văn chương của mình. Các biện pháp tu từ trong khổ 2 bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là:

Thứ nhất, đó là biện pháp nhân hóa. Dòng nước trong bài làm nổi bật bức tranh thiên nhiên buồn thảm. Hình ảnh này cũng chính là bước chuyển biến trạng thái cảm xúc của nhân vật chính, dòng sông đẹp nhưng lạnh lẽo, phảng phát tâm trạng thờ ơ, vô định đối với cuộc đời.

Thứ hai, tác giả sử dụng câu hỏi tu từ “có chở trăng về kịp tối nay?”. Biện pháp nghệ thuật là điểm nhấn giữa bài thơ. Thuyền chở trăng là hình ảnh ẩn dụ, thực chất là con thuyền chở niềm hi vọng, mong ước của nhà thơ về chuyện được gặp người con gái trong mộng. Nhưng con thuyền ấy trôi dạt vô định, không báo trước kết quả. Nhà thơ vừa mong mỏi, tha thiết nhưng cũng đồng thời lo lắng, không dám trông đợi toàn tâm toàn ý.

Với các biện pháp tu từ ở khổ thơ 2, câu thơ đã diễn đạt đầy đủ, trọn vẹn tâm ý của nhà thơ. Đó là một tâm trạng chơi vơi, u buồn nhưng cũng rất cháy bỏng, mãnh liệt của một người đang mang trong mình niềm tương tư trong tình yêu.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích khổ 3 Đây thôn Vĩ Dạ ngắn nhất

Trên bầu trời rực rỡ các vì sao của phong trào thơ mới 1930 – 1945, Hàn Mặc Tử tựa hồ trở thành một ngôi sao chói lọi và là thi sĩ có khả năng sáng tạo mạnh mẽ nhất. Thơ Hàn Mặc Tử có phần kì bí, thể hiện sự giằng co giữa tinh thần và thể xác với những vần thơ điên loạn, ma quái. Diện mạo thơ hết sức phức tạp, đầy bí ẩn, ngập tràn ý tưởng về hồn, trăng và máu đã không thôi ám ảnh những ai yêu thơ Hàn, đọc thơ Hàn.

Qua khổ thơ ba, tác giả viết về con người Vĩ Dạ, con người xứ Huế. Khi chúng ta cảm nhận về 2 khổ thơ đầu bài “Đây thôn Vĩ Dạ”, hình ảnh con người đã hiện thấp thoáng trong nhiều câu thơ như:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Hay:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Khổ thơ được bắt đầu bằng một từ “Mơ”. Từ mơ trong ngữ cảnh này có hai cách hiểu, mơ là giấc mơ cũng có thể là mong ước, ước mơ. Dù hiểu theo cách nào thì từ mơ cũng gọi trạng thái khao khát và ngoài ra nhấn mạnh thêm sự xa cách, khó với tới. Cụm từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần trong câu thơ thể hiện rõ có sự xuất hiện của con người dù sự xuất hiện này có thể chỉ ở trong mơ ước.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra”

Nhưng khách đường xa là ai thì không xác định. Nếu khổ thơ thứ nhất ta đã cho rằng chủ thể trữ tình trong bài thơ là tác giả thì người khách đường xa ấy có thể là con người của xứ Huế mộng mơ, cũng có thể là người xưa nơi thôn Vĩ mà tác giả đang mong ngóng. Hàn Mặc Tử muốn thoát khỏi cái cảm giác cô độc, lạnh lẽo muốn tận hưởng cuộc sống bằng tình yêu.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

Khao khát ấy được thể hiện bằng việc mong có một hình bóng giai nhân, là người trong mộng bấy lâu nay. Thế nhưng chỉ là mơ, chỉ là khách đường xa, chỉ là một cảm giác xa lạ, tuột khỏi tầm với. Giai nhân càng lúc càng trở nên xa vời và sắp không thể níu kéo được nên Hàn càng chỉ biết gửi gắm khát khao vào giấc mơ.

Đến hai câu thơ tiếp theo thì hình ảnh con người Vĩ dạ, con người của xứ Huế mộng và thơ được kết tinh trong hình ảnh những thiếu nữ Huế mà tác giả gọi là “em”. “Em” có thể là cô gái Huế mà những thiếu nữ Huế xưa nay đã làm say đắm bao nhiêu tao nhân mặt khách Người ta thường nói Huế trắng và Huế tím để chỉ màu áo của các cô gái Huế và ở đây hình ảnh những thiếu nữ Huế được nhắc đến trong màu áo trắng.

Trong sự mờ ảo của cõi mộng, hình ảnh chiếc áo trắng của “em” dường như bị lu mờ trong cái bằng bạc của sương khói làm cho thị giác khó lòng có thể tiếp nhận, để xác nhận thực hư “áo em trắng quá nhìn không ra”. Từ câu thơ hiện lên sự hào nhoáng, nghẹn ngào lại có chút chua xót của thi sĩ vì dẫu nỗ lực nhưng không thể nhìn rõ ràng sự tồn tại của em trong thế giới cõi mộng mà không thể trở thành hiện thực.

Câu thơ đã gợi ra vẻ đẹp rất riêng của xứ Huế mộng mơ, một mảnh đất nhiều sương khói mơ màng, gợi những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng một thời. Dù em là những thiếu nữ Huế hay là người xưa nơi thôn Vĩ e lệ, nhẹ nhàng dưới màu áo trắng thì cuối cùng vẫn là nhân vật trữ tình mà thi sĩ muốn nói tới để thể hiện tình yêu, sự gắn bó của mình với một vùng đất thơ mộng, đẹp người, đẹp núi, đẹp sông.

“Ai biết tình ai có đậm đà?”

Câu thơ cuối cùng được bắt đầu bằng một từ “ai” và riêng trong câu thơ từ “ai” được lặp lại hai lần, trong cả bài thơ thì được lặp lại 4 lần. Cả câu thơ là một câu hỏi mà tác giả sử dụng từ đến hai từ “ai” nên không thể xác định là câu hỏi của ai dành cho ai. Người đọc thơ vì thế có thể hiểu theo nhiều liên tưởng khác nhau, có thể là tác giả hỏi các cô gái Huế hoặc hỏi người xưa nơi thôn Vĩ mà cũng có thể đó là câu hỏi mà tác giả đặt ra cho chính mình.

Các cô gái Huế thế xuất hiện trong màu áo trắng, nhân ảnh chỉ mờ mờ lẫn trong sương khói. Bởi vậy, thi sĩ đặt câu hỏi rằng liệu tình cảm của các cô có đậm đà hay không hay cũng chỉ mờ mờ như nhân ảnh. Khoảng cách giữa tác giả với người xưa nơi thôn Vĩ bây giờ là một khoảng cách rất xa. Đó không chỉ là khoảng cách về không gian mà còn là khoảng cách về thời gian, khoảng cách của số phận.

Bởi hình ảnh người xưa nơi thôn Vĩ bây giờ ít nhiều đã mờ nhạt trong ký ức nên tác giả đặt câu hỏi không biết tình cảm của người xưa với mình có còn đậm đà không? Mặt khác, tác giả cũng tự hỏi chính mình rằng tình cảm của mình với cô gái Vĩ Dạ ngày xưa có vượt qua được thời gian và không gian để còn đậm đà hay không?

Có lẽ đời này đã định hai người không chung một điểm cuối, chỉ có thể bất lực nhìn cái cõi trần thế, cái bóng hình giai nhân lần lượt trở nên vô tung vô ảnh, còn thi nhân thì chết lặng trong nỗi sầu muộn cô đơn. Càng tha thiết một tình yêu đậm đà Hàn Mặc Tử càng thấy sự đổ vỡ tuyệt vọng với tình yêu. Vì thế mà cảm hứng chủ đạo của “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là cảm hứng đau xót về một tình yêu tuyệt vọng.

Qua phân tích 2 khổ cuối bài “Đây thôn Vĩ Dạ”, dưới ngòi bút tài hoa, đường nét mềm mại, Hàn Mặc Tử đã phác họa ra bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế đầy sức sống, một bức tranh toàn bích hòa quyện giữa thực và ảo, giữa tâm tưởng và ước mong. Bài thơ mặc dù đã ra đời từ lâu nhưng ngày nay vẫn để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc, xứng đáng được xếp vào một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại.

Xem thêm: Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ngắn gọn đầy đủ nhất

Phân Tích, Văn Học -