Phân tích 2 câu thực bài “Tự tình” 2 của Hồ Xuân Hương hay và ý nghĩa

Đây là bài viết phân tích 2 câu thực bài “Tự tình” 2, mong rằng các bạn sẽ tham khảo để biết cách làm bài phân tích trên lớp để có kết quả tốt hơn trong quá trình học tập trên lớp nhé!

Nội dung bài viết

Tổng hợp một số dạng đề văn phân tích 2 câu thực bài “Tự tình” 2

Dưới đây là tổng hợp một số dạng đề văn phân tích 2 câu thực bài “Tự tình” 2 đã được chọn lọc và tóm tắt đầy đủ. Hy vọng sẽ hữu ích cho việc tìm kiếm tư liệu ôn luyện môn Văn cho các bạn. Các bạn cùng tham khảo nhé!

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích nội dung 2 câu thực bài “Tự tình” 2

Viết về đề tài thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến không thể không nhắc đến Hồ Xuân Hương. Số phận của bà cũng là số phận tiêu biểu cho phụ nữ thời phong kiến “trọng nam khinh nữ”, bị xã hội chèn ép, đối xử bất công, chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt bài thơ “Tự tình” là lời tâm sự nhói lòng cho số phận của Hồ Xuân Hương cũng như người phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ. Phân tích hai câu thực của bài thơ sẽ thấy rõ điều đó.

“Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn”

Tác giả ngồi cô đơn một mình giữa đêm khuya thanh vắng ngẫm nghĩ về cuộc đời đầy đắng cay của mình. Khi đau khổ nhất người ta thường tìm đến chén rượu chìm đắm vào cơn say để giúp họ quên đi nỗi đau khổ trong lòng. Ở đây Hồ Xuân Hương cũng vậy, những tưởng cơn say của chén rượu sẽ giúp bà tạm thời giải thoát những đắng cay, đau đớn, tủi nhục của cuộc đời. Nhưng nào ngờ bà càng uống thì lại càng tỉnh, tỉnh rồi lại say.

Tỉnh ở đây như cái thức tỉnh quay trở về với thực tại đau đớn, xót xa của số phận tác giả. Dường như chén rượu không thể làm bà quên đi nỗi sầu đau trong hiện tại nữa. Hành động ấy càng làm nỗi đau ấy cứ quẩn quanh trong tâm trí. Hình ảnh thơ thể hiện sự bế tắc, bất lực trước thực tại khổ đau, muốn quên đi nhưng cũng không thể nào thoát ra được của nhà thơ.

Ở câu thực thứ hai tác giả đã vận dụng hình ảnh “vầng trăng”. Cách miêu tả vầng trăng trong thơ Hồ Xuân Hương rất khác biệt. “Vầng trăng” ở đây không phải là trăng tròn mà là “vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn”. Tác giả sử dụng từ “bóng xế” như biểu trưng cho dấu hiệu tuổi tác của người phụ nữ lúc xế bóng, chiều tàn, thanh xuân của người phụ nữ sắp qua đi. Tác giả ngậm ngùi, buồn tủi cho số phận cô đơn lẻ loi của mình. Thanh xuân sắp dần qua đi nhưng tình duyên lận đận, hạnh phúc chưa được trọn vẹn, đủ đầy.

Đến đây người đọc không khỏi xót xa, tiếc thương cho kiếp hồng nhan bạc phận của Hồ Xuân Hương tài sắc vẹn toàn nhưng phải chịu định kiến của xã hội đầy bất công khiến cho cuộc sống người phụ nữ mang nhiều thiệt thòi, ấm ức. Qua đó thể hiện khát vọng hạnh phúc mạnh mẽ của tác giả. Bà khát khao được xã hội đối đãi công bằng đối với người phụ nữ. Hãy để họ được sống một cuộc đời hạnh phúc tròn đầy. Đồng thời lên án, phê phán xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, chèn ép người phụ nữ với những định kiến lạc hậu, coi thường người phụ nữ, đối đãi không công bằng. Từ đó đẩy họ chỉ biết sống trong cảnh cam chịu, bất lực.

Qua hai câu thơ thực bài “Tự tình” 2 thấy thương cho thân phận người phụ nữ thời phong kiến bao nhiêu càng phẫn nộ cho chế độ xã hội lúc đó bấy nhiêu. Ngày nay, người phụ nữ được tôn trọng và đối xử công bằng và họ có quyền quyết định cho cuộc đời của mình. Có lẽ đây cũng là mong muốn lớn nhất của Hồ Xuân Hương.

Đề bài: Viết đoạn văn phân tích biện pháp nghệ thuật 2 câu thực bài “Tự tình” 2

Ở hai câu thực Hồ Xuân Hương đã sử dụng biện pháp nghệ thuật tài tình với nghệ thuật phép đối và ẩn dụ. “Chén rượu” đối với “vầng trăng”, “hương đưa” đối với “bóng xế”, “say lại tỉnh” đối với “khuyết chưa tròn”. Biện pháp này nhằm lột tả hết số phận bi đát của người phụ nữ tài giỏi, có nhan sắc nhưng cuộc đời tình duyên lận đận, hạnh phúc dang dở chưa trọn vẹn.

Vì vậy tác giả muốn lấy chén rượu làm bạn để quên đi thực tại trớ trêu, chua xót. Nhưng càng uống bà lại càng tỉnh. Cụm từ “say lại tỉnh” thể hiện nỗi đau dằng xé, không lối thoát. Tưởng say để quên đi nhưng lại thức tỉnh, ý thức rõ ràng hơn trước hiện thực đang diễn ra.

Đồng thời nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của tác giả đã thể hiện niềm khát khao vươn lên, hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn của người phụ nữ thời phong kiến. Họ sẽ đấu tranh mạnh mẽ giành lại quyền được sống, được đối xử công bằng, được quyết định hạnh phúc của đời mình.

Đề bài: Theo em tác giả gửi gắm tâm sự gì qua câu thơ: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Hãy viết đoạn văn phân tích chi tiết

Bài thơ “Tự tình” 2 của Hồ Xuân Hương là tác phẩm nổi bật trong số những tác phẩm mà bà để lại cho hậu thế ngày nay. Bài thơ là tiếng lòng của tác giả cũng như của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Ở đó họ không được quyền quyết định hạnh phúc, số phận của cuộc đời mình mà bị ràng buộc bởi những định kiến xã hội lạc hậu. Đặc biệt ở câu thơ “vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn” chất chứa nhiều tâm sự của tác giả về cuộc đời của mình.

Cũng như bao nhà thơ khác thường sử dụng hình ảnh vầng trăng vào thơ văn để gửi gắm tâm sự. Hồ Xuân Hương cũng không ngoại lệ, vầng trăng của bà là “vầng trăng bóng xế”. Tại sao không phải là vầng trăng tròn đầy soi tỏ mà tác giả dùng từ “bóng xế”? Hình ảnh ẩn dụ “vầng trăng bóng xế” biểu trưng cho tác giả đang ở cái độ tuổi xế bóng, tuổi xuân đang dần trôi đi. Đó chính là dấu hiệu thanh xuân của người phụ nữ sắp kết thúc. Hình ảnh vầng trăng “khuyết chưa tròn” cho thấy tác giả ngụ ý rằng ở cái độ tuổi bóng xế, thanh xuân của đời người sắp qua đi nhưng hạnh phúc vẫn còn dang dở, chưa thể trọn vẹn.

Thời gian là một thứ chẳng đợi chờ một ai, ai rồi cũng phải già đi, thay đổi theo thời gian. Đó là quy luật của tự nhiên của cuộc sống. Nhà thơ như đang luyến tiếc, thất vọng cho cuộc đời mình. Khi đang ở cái độ tuổi còn thanh xuân nhưng hạnh phúc lại chưa được tìm thấy. Để rồi qua thời gian tuổi xuân cũng đến lúc xế tàn thì hạnh phúc đời mình vẫn còn dang dở, chưa được tròn đầy. Tâm trạng của tác giả lúc này như rơi vào tuyệt vọng. Đồng thời người phụ nữ cũng khao khát cháy bỏng, hy vọng sẽ có được một hạnh phúc đủ đầy trong khoảng thời gian còn lại của tuổi thanh xuân.

Có lẽ với tác giả hay với người phụ nữ thời phong kiến nói chung, hạnh phúc lứa đôi là một điều khó được tìm thấy ở xã hội thời ấy. Khi người phụ nữ không có tiếng nói, không được quyền quyết định hạnh phúc của cuộc đời mình. Một số người thì cam chịu số phận mà sống trong tủi nhục, buồn đau. Một số thì vùng dậy, lên tiếng cho những bất công mà họ phải cam chịu, đấu tranh để giành lại quyền được sống hạnh phúc cho mình. Hồ Xuân Hương đã làm được điều đó qua ngòi bút trong thơ của mình.

Nhà thơ là người phụ nữ với tài sắc vẹn toàn không thể cam chịu cuộc đời uất ức, bất công như vậy. Vì thế bà đã vươn lên nói lên tiếng nói lòng mình, lên án xã hội bất công, lạc hậu luôn chèn ép số phận người phụ nữ. Từ đó tác giả mong muốn, khát khao người phụ nữ sẽ có được cuộc sống hạnh phúc tròn đầy. Đồng thời mong muốn xã hội thay đổi, định kiến không còn hà khắc với người phụ nữ để họ được sống một cuộc đời mà họ mong muốn. Mong ước ấy có thể không trở thành hiện thực ở thời của Hồ Xuân Hương nhưng ở thời nay, điều đó là trở thành hiện thực. Người phụ nữ đã được đối xử công bằng, không còn “trọng nam khinh nữ”. Họ được sống trọn vẹn với hạnh phúc mà họ lựa chọn.

Trên đây là bài viết phân tích hai câu thực bài “Tự tình” 2, tổng hợp một số dạng đề văn phân tích hai câu thực “Tự tình” 2… đã được chọn lọc và biên soạn đầy đủ. Hy vọng các bạn sẽ thực hành và áp dụng vào bài học trên lớp của mình. Chúc các bạn học tốt!

Xem thêm: Phân tích đoạn 3 “Bình Ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi hay và chi tiết

Phân Tích, Văn Học -