Mở bài Đất nước cùng 7 đoạn hay nhất

Có ai đã từng phải lòng những câu thơ ngọt ngào của bài đất nước hay không? Để làm các bài văn xoay quanh nó, không ít các bạn gặp khó khăn trong cách vào đề hay còn gọi là mở bài đúng không nào? Vậy cùng tham khảo các mẫu mở bài Đất nước hay dưới đây nhé.

Mở bài Đất nước hay

Các đoạn mở bài Đất nước hay

Mẫu mở bài đất nước tham khảo

Mở bài 1

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mĩ như Bằng Việt, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phạm Tiến Duật. Đây là lớp nhà thơ trưởng thành từ ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa, không chỉ có trình độ văn hóa, có niềm say mê lí tưởng, mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính vì vậy, những trang thơ của họ luôn cháy bỏng nhiệt tình yêu nước và nóng bỏng hiện thực của cuộc kháng chiến. Đất nước là một bài thơ như vậy. Nó là đứa con tinh thần, là khát vọng chất chứa của tác giả, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ hướng về cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

Mở bài 2

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ oanh liệt của dân tộc, hình tượng Đất nước lớn lao, đẹp đẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong nhiều sáng tác thơ ca. Chúng ta từng biết đến hình ảnh một Đất nước hào hùng trong kháng chiến chống Pháp mang hồn thơ Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, một Đất nước cổ kính mang hồn quê Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm. Chúng ta từng biết đến một Đất nước hóa thân thành dòng sông xanh đầy ắp kỉ niệm trong thơ Tế Hanh và một Đất nước hài hòa giữa dáng hình quê hương và tình yêu đôi lứa trong thơ Giang Nam. Nguyễn Khoa Điềm cũng góp vào đề tài Đất nước một tiếng thơ riêng đem lại cho người đọc những rung động thẩm mĩ mới. Ông đã tâm sự :”Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh một Đất nước giản dị nhất, gần gũi nhất. Đó là cách để tôi đi vào lòng người đọc đồng thời cũng là cách để tôi đi con đường riêng không lặp lại người khác”.

Mở bài 3

Tiêu biểu cho những lớp nhà thơ trưởng thành từ ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa, tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt, phải kể đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ngay từ đầu khi đến với thơ ca, ông đã định hình cho mình một phong cách nghệ thuật riêng – kiểu thơ trữ tình chính luận. Thơ ông có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng, thể hiện một chiều sâu văn hóa mang đặc trưng của thế hệ các nhà thơ thời kì chống Mĩ cứu nước. Để rồi mang một hành trang văn hóa chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào chiến trường. Đoạn trích “Đất nước” nằm ở phần đầu chương 5 của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”, được nhà thơ viết tại chiến khu Trị – Thiên nhòa khói lửa. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ sinh viên các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam. Và kêu gọi họ xuống đường hướng về nhân dân, hòa nhập với cuộc kháng chiến của dân tộc.

Xem thêm >>>Tổng hợp những mở bài về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (15 mẫu)

 

Mở bài 4

Trong những thi phẩm hay viết về đề tài Đất nước, không thể không kể tới bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm thường tạo ra một khoảng cách nhất định để chiêm ngưỡng Tổ quốc. Bằng đôi mắt của lịch sử, của thời đại mà khắc tạc nên một Đất nước kì vĩ, lớn lao như Đất nước hình tia chớp trong thơ của Trần Mạnh Hảo, Đất nước mênh mông rừng vàng biển bạc trong thơ của Nguyễn Đình Thi. Còn Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn Đất nước ở một tầm rất gần để phát hiện ra khuôn mặt mới của Đất nước mình giản dị, đời thường, gần gũi nhưng không kém phần cao cả và thiêng liêng. Đoạn trích “Đất nước” nằm trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng”, kêu gọi những tuổi trẻ sinh viên cùng tham gia hòa chung với cuộc kháng chiến của dân tộc.

Mở bài 5

Giữa một dàn giao hưởng với những tiếng ca hùng tráng, thiết tha về Đất nước, người đọc vẫn nhận ra được tiếng thơ rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm với thi phẩm “Đất nước” trích từ bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Những vần thơ mang chất trữ tình chính luận của ông không khô khan giáo điều mà rung động dạt dào cảm xúc. Với đoạn trích “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành tựu cho thơ ca chống Mĩ về đề tài Đất nước bằng một cái nhìn toàn diện, cách nói mới mẻ không lặp lại con đường đi của người khác. Đoạn trích là lời kêu gọi thiết tha của tác giả với các bạn sinh viên tuổi trẻ cùng xuống đường, hướng về cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

Mở bài 6

Trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc, Đất nước luôn là nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận. Các nhà thơ viết về Đất nước bằng tất cả niềm tự hào của riêng họ. Trong những vần thơ mến yêu, dạt dào nguồn cảm hứng ấy, phải kể đến bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn trích nằm trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” năm 1971 tại chiến khu Trị – Thiên. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được ấp ủ và hình thành trong một khoảng thời gian khá dài từ năm 1948 đến năm 1955 và được viết liền mạch trong cảm xúc dồn nén. Bởi vậy, những ai đã nghe các vần thơ của ông đều không thể nào quên hình ảnh một Đất nước gần gũi, giản dị nhưng không kém phần cao cả thiêng liêng.

Mở bài 7

Đất nước là một đề tài muôn thuở. Chừng nào mỗi con người vẫn là con đẻ của một dân tộc, của một mảnh đất chừng ấy con người ta vẫn còn viết về cái mảnh đất thiêng liêng được gọi là Tổ quốc. Mỗi thời có một cảm nhận riêng, nhưng tất cả đều xuất phát từ một tấm lòng chung. Đó là sự thiết tha, sự thủy chung với giang sơn, Tổ quốc. Nếu thiếu điều này thì dù sự am hiểu văn hóa phong phú đến đâu, tư duy dù sắc sảo đến đâu cũng không giúp cho thi sĩ viết nên những tiếng thơ có khả năng rung động hàng triệu trái tim con người. Nhưng đến với Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta mới thực sự cảm nhận hình ảnh Đất nước một cách chân thật, gần gũi và giản dị nhất.

>> Xem thêm: Mở bài rừng xà nu

Trên đây là một số mở bài Đất nước hay chọn lọc dành cho các bạn. Những ai đang chưa biết cách vào đề thì có thể tham khảo nhé. Hi vọng với các cách mở bài đất nước nêu trên, sẽ giúp các bạn phát triển thêm được thật nhiều ý tưởng vào đề hấp dẫn hơn.

Mở Bài -