Phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” – Xuân Quỳnh hay và chọn lọc nhất
Phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” qua dàn ý, 2 bài phân tích mẫu phù hợp thi học sinh giỏi. Tất cả tổng hợp trong bài viết dưới đây!
Xuân Quỳnh, một cây bút với hồn thơ rộng mở và trái tim khao khát yêu, thế nên bài thơ “Sóng” của thi sĩ cũng ngập tràn cảm xúc bồi hồi và mang đầy rung động lãng mạn. Nếu bạn muốn cảm nhận rõ ràng hơn những thi vị của bài thơ này, hãy tham khảo bài viết phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” dưới đây.
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng”
Khổ 5 6 7 được đánh giá là những khổ thơ mang nhiều nét nghệ thuật độc đáo và truyền tải nội dung vô cùng ý nghĩa. Vì vậy, để bài viết được mạch lạc, mượt mà hơn, các bạn nên ghi nhớ dàn ý phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” chi tiết này.
Mở bài phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng”
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: Xuân Quỳnh là cây bút tiêu biểu của nền văn học kháng chiến chống Mỹ, được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
+ Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh viết năm 1967, in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào”, là những tiếng yêu nồng nàn, chan chứa và rất táo bạo của thi sĩ.
– Dẫn dắt vào vấn đề: Trong bài thơ “Sóng”, người ta bắt gặp một tình yêu nồng cháy của trái tim thiếu nữ với nhiều cảm xúc thiêng liêng, với nỗi nhớ đong đầy và lời thề thủy chung son sắt, đặc biệt là ở 3 khổ 6, 5 và 7.
Thân bài phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng”
– Khổ 5: Thể hiện nỗi nhớ nhung tha thiết của người con gái trong tình yêu.
+ “Con sóng dưới lòng sâu”: Con sóng ở sâu dưới đáy sông, đáy biển, rất khó để nhìn thấy bằng mắt.
+ “Con sóng trên mặt nước”: Đối nghịch với con sóng dưới lòng sâu, ở trên bề mặt, có thể dễ dàng nhìn thấy.
+ “Ôi con sóng nhớ bờ”: Dù con sóng có đến từ đâu, ở chốn nào, dưới sâu hay trên bề mặt thì cũng đều “nhớ bờ”, cũng vượt nghìn trùng để tìm về với bờ.
+ “Ngày đêm không ngủ được”: Nỗi nhớ bờ của sóng xâm chiếm cả không gian và thời gian, tượng trưng cho nỗi nhớ đong đầy mà “em” dành cho “anh”.
+ “Nhớ đến anh” – “trong mơ còn thức”: Nỗi nhớ của “em” cũng như nỗi nhớ của con sóng, thậm chí là mênh mông, da diết hơn, nỗi nhớ ấy thường trực cả đêm cả ngày, cả khi thức, khi mở, in hằn vào ý thức và khắc sâu cả trong tiềm thức.
– Khổ 6: Lời thề thủy chung, một lòng trong tình yêu của người con gái.
+ “Phương Bắc” – “phương Nam”: Tượng trưng cho những xa cách, trắc trở về địa lý, rộng hơn là mọi khó khăn, thử thách trong tình yêu.
+ “Xuôi về phương Bắc” – “ngược về phương Nam”: Cách dùng từ bị đảo ngược, thể hiện cái nhìn khác biệt, mới mẻ về tình yêu của Xuân Quỳnh lúc bấy giờ, cụ thể là không thể chỉ quan tâm, đề cao tình yêu đất nước mà xem thường, cô lập tình yêu lứa đôi.
+ “Hướng về anh một phương”: Như con sóng dù có xuôi về phương Bắc hay phương Nam thì vẫn chỉ có một hướng tìm về là “bờ”, thì “em” dù xa cách nghìn trùng cũng chỉ nhớ, chỉ nghĩ về mình “anh”.
+ Kết luận: Hình ảnh sóng vỗ vào bờ chính là ẩn dụ cho người con gái vượt qua mọi gian nan, thử thách để hướng đến và bảo vệ tình yêu, đó là tấm lòng thủy chung son sắc, là phẩm chất đáng quý của người con gái Việt Nam.
Khổ 7: Thể hiện niềm tin mãnh liệt rằng tình yêu sẽ chiến thắng mọi khó khăn.
+ Sóng vỗ bờ đã là quy luật của tự nhiên, đại dương mênh mông có trăm nghìn con sóng nhưng chúng đều có chung một điểm đến, một kết thúc là ôm lấy bờ.
+ Khổ 7 chính là một lời khẳng định tình yêu đích thực luôn có một sức mạnh lớn lao, có thể giúp đôi lứa vượt qua mọi thách thức.
+ Như trăm ngàn con sóng tìm được về với bờ, “anh” và “em” chắc chắn hạnh phúc, sẽ bên nhau bền lâu dù con đường tình yêu có chông gai, cách trở.
Kết bài phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng”
– Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: 3 khổ thơ đã thay Xuân Quỳnh diễn tả lại những cảm xúc khi yêu của người con gái một cách chân thật và sâu lắng nhất, đó là nỗi nhớ, là lời thề thủy chung cùng ước ao bên nhau trọn đời.
+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng khéo léo hình tượng con sóng để ẩn dụ cho người con gái, sáng tạo trong cách dùng từ, vận dụng tinh tế các biện pháp tu từ đối, lặp,…
– Nếu cảm nhận riêng của bản thân về khổ 5, 6, 7.
Phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” học sinh giỏi
Trong quá trình học tập trên trường, các bạn sẽ thường xuyên gặp phải dạng đề yêu cầu phân tích 3 khổ thơ 5 6 7 của bài “Sóng”. Mong rằng bài phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” học sinh giỏi đã được chọn lọc kỹ càng này sẽ giúp các bạn có điểm số cao hơn.
Bài làm
Tình yêu đã trở thành suối nguồn xúc cảm để cho biết bao nhà văn, nhà thơ được tự do thể hiện cái tôi thi sĩ của mình. Nổi bật trong số đó, có thể nói đến Xuân Quỳnh, một cây bút tiêu biểu của nền văn học kháng chiến chống Mỹ.
“Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh dạt dào, nồng nàn và mang nhiều cung bậc. Điển hình như tác phẩm “Sóng”, được sáng tác năm 1967, lời thơ vang lên như tiếng lòng chân thật của người con gái khi yêu. Và có thể nói, tiếng lòng ấy được Xuân Quỳnh thổ lộ rõ ràng nhất, chân thành nhất ở 3 khổ thơ 5, 6, 7.
Sóng là một sáng tạo nghệ thuật vô cùng độc đáo của Xuân Quỳnh. Chỉ từ những đặc điểm vốn có của con sóng ngoài tự nhiên, thi sĩ đã có thể làm người đọc cảm nhận được những cảm xúc chôn sâu trong trái tim đang yêu của người con gái. Xuân Quỳnh đã thổi linh hồn vào con sóng để sóng trở thành “em”. Thế nên tình yêu của sóng dành cho bờ đong đầy cũng như tình yêu “em” dành cho anh rất đỗi dạt dào. Sóng là “em” và “em” là sóng, 2 hình tượng cứ song hành, quấn quýt xuyên suốt mạch thơ, rồi cùng viết lên một bản tình ca rất đẹp.
Bản tình ca ấy trước hết được viết lên từ nỗi nhớ cuộn trào và thường trực trong con sóng và trong cả “em”:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
“Con sóng dưới lòng sâu” là con sóng ẩn sâu dưới lòng nước, mang nghĩa đối lập với “con sóng trên mặt nước”. Hình tượng con sóng tồn tại hai không gian khác nhau đã giúp Xuân Quỳnh xóa bỏ mọi ranh giới, để rồi đem cái vô tận, bao la thả vào mạch thơ của mình. Hai câu thơ đầu khổ 5 như khẳng định rằng nỗi nhớ của con sóng là mênh mông, là đong đầy, là xâm chiếm khắp các chiều không gian và tâm tình của “em”, tình yêu của người con gái cũng vậy. Dù là nỗi nhớ chôn sâu tận đáy tâm hồn hay được thể hiện rõ ràng, tất cả đều dạt dào, đều liên tục không ngừng nghỉ.
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Nỗi nhớ trong sóng, trong em đầy mãnh liệt và diệu kì. Sự mãnh liệt, diệu kỳ ấy làm Xuân Quỳnh phải ngỡ ngàng, phải ngạc nhiên rồi bật lên tiếng “ôi” đầy cảm thán. Bởi lẽ, nỗi nhớ con sóng dành cho bờ thường trực, vần vũ, khắc khoải trong lòng đến nỗi “ngày đêm không ngủ”. Sóng là “em” thế nên sóng nhớ bờ như “em” nhớ “anh”. Con sóng chẳng bao giờ thôi dạt dào, thôi “hôn” bờ. Vậy nên cũng chẳng bao giờ “em” thôi nghĩ về “anh”. Tự hỏi rằng, đến khi nào con sóng ngừng vỗ, ngừng trôi, đến khi nào nỗi nhớ về “anh” của “em” có thể chấm dứt? Hẳn rằng bởi thế nên Xuân Diệu cũng phải hóa thân thành con sóng để được mãi hôn “em”:
“Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…”
Không chỉ có vậy, thậm chí nỗi nhớ “anh” trong “em” còn dạt dào, đong đầy hơn cả con sóng nhớ bờ. Sóng nhớ bờ chỉ “ngày đêm không ngủ được còn “em” nhớ “anh” thì “cả trong mơ còn thức”. Xuân Quỳnh dường như đã đẩy nỗi nhớ nhung trong em lên tới cao trào, đỉnh điểm. Nỗi nhớ không chỉ chiếm lĩnh không gian mà còn xâm chiếm cả thời gian, không chỉ in hằn trong ý thức mà còn khắc sâu trong tiềm thức. “Em” nhớ “anh” cả khi tỉnh lẫn khi mơ, nỗi nhớ thường trực, nỗi nhớ khôn nguôi. Thế mới thấy tình yêu mà người con gái dành cho người thương đong đầy và sâu sắc đến nhường nào. Nỗi nhớ trong thơ Xuân Quỳnh bất giác làm ta nhớ đến những câu ca dao xưa:
“Nhớ ai bổi hồi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm”
Tình yêu của “em” mãi da diết vì “em” mãi nhớ “anh”, mãi bền lâu vì “em” mãi thủy chung:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam”
Biện pháp điệp cấu trúc kết hợp với hai cặp từ đối lập “nam – bắc” và “xuôi – ngược” và đã bao quát toàn bộ đất nước Việt Nam, mở rộng ra cả không gian vũ trụ, từ đó giúp khổ thơ thêm phần ý nghĩa và thi vị. Bắc, Nam xa cách nghìn trùng nhưng khoảng cách ấy cũng chẳng đủ để làm tình yêu tình yêu của “em” thôi nồng cháy, hết đắm say. “Em” vẫn chỉ “nghĩ”, vẫn chỉ “hướng” về mình “anh”. Thế mới thấy, người con gái một khi đã yêu là yêu bằng cả ý chí, cả niềm tin, cả khát vọng và cả trái tim.
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Khổ thơ vang lên như một lời thề mãi thủy chung, nguyện đợi chờ. Dù có chia xa mỗi người một ngả, “em” vẫn chẳng thay lòng đổi dạ, vẫn chỉ yêu mãi một người là “anh”. Xuân Quỳnh đã mượn ý thơ để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu. Nó không chỉ là vẻ đẹp riêng có của một người, mà là nét đẹp tâm hồn đáng quý của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung.
Có thể thấy, cùng khắc họa sự thủy chung của người phụ nữ, nhưng Xuân Quỳnh đã sử dụng những lời thủ thỉ hết sức tự nhiên, đằm thắm, chân thành, chứ không dùng lời thề nguyền đêm trăng hay chén rượu bôi, kỉ vật duyên như đại thi hào Nguyễn Du từng viết:
“Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Vì yêu “anh” nên “em” nguyện đợi chờ, hơn thế là sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó”
Trải qua mấy nghìn năm trường tồn, sóng vẫn trường tồn, bất biến, chẳng đổi thay, vẫn rì rào vỗ, cuồng nhiệt ôm bờ. Đại dương vốn dĩ bao la, ẩn chưa lắm giông tố, bão bùng. Nhưng gió cùng to, mưa càng lớn thì những con sóng lại càng cuộn trào, càng ồ ạt. Sóng vẫn sẽ trường tồn, vẫn sẽ vỗ bờ như trước nay vẫn vậy. Không phải là một hay vài, mà là “trăm nghìn” con sóng. Thế mới đủ để thấy tình cảm dào dạt, đong đầy trong “em”, trong “sóng”, mới đủ để chứng minh sóng tới bờ là định luật tự nhiên và “em” về bên “anh” là quy luật của tạo hóa.
“Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Qua đây, Xuân Quỳnh cũng truyền tải một triết lý tình yêu đến người đọc của mình. Đó là con đường đi đến tình yêu vốn dĩ nhiều chông gai, thử thách nhưng chỉ cần thật lòng thương, thật lòng nhớ, can đảm và vững niềm tin thì đôi lứa nhất định mãi bên nhau, trái tim mãi đồng điệu. Để rồi ngày đoàn tụ sẽ đến, phút giây hạnh phúc sẽ xuất hiện. Những câu thơ như tiếp thêm sức mạnh, cho những con người phải chịu nỗi đau chia lìa hy vọng để từng ngày cố gắng. Triết lý tình yêu này cũng đã được ông cha xưa nhắc tới:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội
Thất bát đèo cũng qua”
Phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” – Mẫu 2
Thêm một bài phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” – Mẫu 2 để củng cố kiến thức cho các bạn. Hãy sử dụng bài viết này như một tài liệu tham khảo để đạt được kết quả học tập các bạn mong muốn.
Bài làm
Có thể nói, Xuân Quỳnh là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của thế hệ những nhà thơ trẻ được tôi luyện, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bởi lẽ, thơ Xuân Quỳnh luôn chứa đựng một phong cách riêng độc đáo, một cái tôi đầy khác biệt. Đó là tiếng lòng của một trái tim nồng nhiệt, chân thành, là xúc cảm của một tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn và khao khát yêu thương.
“Sóng” chính là tác phẩm minh chứng cho hồn thơ đặc sắc ấy của Xuân Quỳnh. Vẻ đẹp của người phụ nữ nặng tình, thủy chung, mãnh liệt, nỗi nhớ khắc khoải cùng niềm tin sắt đá khi yêu đã được thi sĩ gói trọn trong khổ 5, 6 và 7 bài thơ “Sóng”.
Xuân Quỳnh đã vận dụng khéo léo hình ảnh của con sóng vỗ dạt dào cuộn trào để tượng trưng cho những cảm xúc khi yêu của người con gái. Trước hết nhà thơ mượn nỗi nhớ bờ dạt dào, thường trực trong con sóng để nói thay cho nỗi nhớ người thương đong đầy, khắc khoải của “em”:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
Xuân Quỳnh không phải chỉ đề cập đến một nỗi nhớ nhẹ nhàng, thoáng qua phút chốc mà đó là một nỗi nhớ mãnh liệt, khắc khoải khôn nguôi. Nỗi nhớ đã bao trùm, xâm chiếm cả đại dương bao la để rồi hiện hữu trong cả “Con sóng dưới lòng sâu” lẫn “Con sóng trên mặt nước”. Mọi ranh giới như bị xóa nhòa, các chiều không gian như mở ra vô tận.
Nỗi nhớ cũng theo đó thêm phần da diết, cuộn trào. Có thể thấy, con sóng tồn tại ở nhiều trạng thái, tầng không gian khác nhau. Nhưng dù có là “lòng sâu” hay “mặt nước” thì con sóng vẫn đều nhớ thương bờ sâu sắc. Nỗi nhớ trong trái tim người con gái cũng vậy, dù bị cất kín trong lồng ngực thổn thức hoặc thể hiện rõ trên gương mặt rạng ngời, thì đó đều là minh chứng, là biểu hiện của một tình yêu thật lòng và chân thành.
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Sóng nhớ bờ đến mòn mỏi, thao thức, để rồi “ Ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ mênh mông lắm, bao la lắm, thế nên Xuân Quỳnh phải bật lên tiếng “Ôi” đầy ngỡ ngàng và ngưỡng mộ. Nỗi nhớ của sóng cũng là nỗi nhớ trong “em”. Một nỗi nhớ cuộn trào, tha thiết, không thể nào thôi thường trực, thôi nguôi ngoai, nỗi nhớ cứ cuồn cuộn, đong đầy như những con sóng bất tận, nối tiếp ngoài đại dương. Một nỗi nhớ chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, làm thay đổi mọi thói quen sống, mọi giờ giấc sinh hoạt.
Trong bốn câu thơ đầu của khổ 5, hình ảnh con sóng được Xuân Quỳnh lặp lại đến ba lần. Thi sĩ đã viết lên đoạn điệp khúc của bản tình ca bằng những giai điệu tha thiết và cuồng nhiệt nhất. Để rồi, tình yêu chân thành, đắm say của người con gái dành cho người thương cứ thế hiện lên rõ ràng qua nỗi nhớ ám ảnh, khắc khoải mãi không thôi. Những con sóng cứ nối đuôi nhau, hối hả vượt nghìn trùng để tìm về với bờ cát trắng.
Nỗi nhớ trong “em” vì thế cũng cứ trào dâng, không có điểm dừng, thôi thúc “em” tìm về nơi “anh”. Mượn hình ảnh từng đợt sóng trào dâng, Xuân Quỳnh như đang ẩn dụ về từng đợt cảm xúc cháy bỏng, bồi hồi đang rạo rực trong tâm hồn của người con gái khi yêu. Con sóng xô bờ, lúc rì rào, lúc dịu êm, chẳng bao giờ ngủ. Bởi lẽ người ta vẫn bảo sóng là trái tim của biển, là linh hồn của đại dương. Sóng ngủ có nghĩa là biển không tồn tại, là đại dương đang dần biến mất. Điều này có nghĩa, yêu là phải nhớ và đã không nhớ thì là chưa yêu.
Sóng là hình ảnh ẩn dụ của “em”, sóng nhớ bờ tức là “em” nhớ “anh”, nỗi nhớ ấy cũng bao la, vô tận và không kém phần sâu lắng, chân tình:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Cuộc sống của con người được gói gọn trong hai trạng thái là thức và mơ. Ấy vậy mà, “em nhớ đến anh” khi “cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ về “anh” trong “em” đã làm xóa nhòa, lu mờ mọi rào cản của không gian cũng như mọi ranh giới của thời gian. Nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết trong tâm hồn của người con gái đã hòa hợp cùng mọi trạng thái, để rồi hiện hữu, khắc khoải cả khi còn thức lẫn khi đã ngủ yên. Nỗi nhớ không chỉ in hằn ý thức mà còn khắc sâu trong tiềm thức. Đó là lý do khiến lúc không còn suy nghĩ, lý trí, “em” vẫn có thể nhớ đến “anh”.
Nỗi nhớ dường như đã trở thành nhịp đập của trái tim, trở thành sức sống của tâm hồn những người phụ nữ khi yêu, nó tồn tại hiển nhiên, kéo dài triền miên, vô tận như hơi thở của sự sống mãnh liệt. Thế mới thấy, nỗi nhớ người thương luôn dai dẳng và đeo bám lấy con tim đang yêu của những người thiếu nữ. Nội nhớ hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi và thường trực, không ngừng đeo bám trái tim “em”, để rồi có thể bất giác khơi nguồn lên những rung động thổn thức, những tiếng yêu chân thành.
“Em” nhớ “anh” ban ngày khi còn vẫn còn tỉnh táo, nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ, ban đêm những nỗi nhớ ấy lại tìm về, hiện hữu cả những giấc mộng. Dáng hình “anh” vẫn luôn ở đó, luôn in hằn trong tâm trí, trái tim “em”, “em” nhớ hình, “em” nhớ ảnh, nhớ cả những cái ôm dịu dàng và cả những nụ cười tỏa nắng. Điều này làm ta bất giác nhớ đến nỗi nhớ người yêu trong những vần thơ của Xuân Diệu:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!”
Tình yêu “em” dành cho “anh” không chỉ đẹp vì nỗi nhớ đong đầy, mà còn bởi tấm lòng thủy chung, son sắt, mãi chỉ trao trái tim cho một người mà thôi:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam”
Bằng cách sử dụng biện pháp điệp cấu trúc cùng cặp từ “phương Bắc” – “phương Nam”, Xuân Quỳnh đã như đã thâu tóm cả chiều dài đất nước Việt Nam rồi đưa vào bài thơ của mình. Bắc, Nam là hai miền đất cách xa nghìn trùng, tượng trưng cho nỗi đau bị chia lìa về khoảng cách địa lý của đôi lứa yêu nhau. Dường như, đây là đoạn đường gian khó, thử thách mà ai khi yêu cũng phải nếm trải và đi qua.
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
Thế nhưng, đoạn đường ấy chẳng thể làm tình yêu “em” dành cho “anh” thôi da diết, đắm say. Bởi lẽ dù đi đến cùng trời, cuối đất, “em” cũng vẫn chỉ hướng về mình “anh”. Xuân Quỳnh đã lựa chọn một cách dùng từ khá khác biệt, đó là nói ngược “xuôi” về Bắc và “ngược” về Nam. Đây chính là một dụng ý nghệ thuật, thi sĩ muốn khẳng định dù cuộc đời vốn nhiều nghịch lý, trái ngang. Dẫu vậy, tình mình sẽ vượt qua tất cả, mãi đẹp, mãi bền. Vì “em” luôn hướng về một phương – “phương anh” mà thôi.
Xuân Quỳnh lại một lần nữa sáng tạo ra một hình ảnh thơ độc đáo “phương anh”. Bốn phương tám hướng là của đất trời, còn “phương anh” là của riêng mình “em”, là phương “em” luôn tìm về, nghĩ đến. Thật vậy, đó là phương hướng của tình yêu chân thành, là tấm lòng chung thủy, không bao giờ đổi thay của người con gái khi yêu. Xuân Quỳnh dường như thay lời bao lớp phụ nữ mà khẳng định tâm hồn son sắt, qua đó ca ngợi một phẩm chất đáng quý của những người phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ dùng thơ để nói lên tiếng nhớ, tiếng thủy chung của người con gái khi yêu, Xuân Quỳnh còn tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh đích đến của một tình yêu chân thành, thật lòng:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó”
Sóng sinh ra mang một ước ao là được ôm lấy bờ, “em” yêu “anh” cũng mang khao khát được đoàn tụ, hạnh phúc. Nhưng để chạm được đích đến ấy, cả “em” và sóng đều phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Đại dương rộng lớn, bao la, ẩn chứa bao giông tố, bão táp. Nhưng con sóng luôn kiên cường, bền bỉ, đem theo ước ao đời mình mà mạnh mẽ vượt qua tất cả để hôn lấy bờ cát trắng. Một con, hai con, … và “trăm nghìn” con sóng đều thế cả. Sóng “tới bờ” đã là quy luật của tự nhiên, chẳng đổi thay dẫu đất trời chuyển biến.
“Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Sóng là “em”, thế nên sóng có thể vượt qua mọi “cách trở” để tới bờ, thì em cũng có thể bước qua mọi đoạn đường gian khó để tìm về bên “anh” và được ở bên “anh”. Sóng muốn hôn bờ, sóng phải sống sót trong mưa gió, bão bùng. “Em” muốn hạnh phúc bên “anh” thì em sẽ phải vượt qua những thử thách, khó khăn. Tình yêu vốn dĩ song hành cùng nhiều trắc trở, nhưng chỉ cần trái tim thật sự yêu, tâm hồn thật sự đồng điệu thì đôi lứa nhất định sẽ được về với nhau:
“Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ”
Phải khẳng định rằng, Xuân Quỳnh có một quan điểm về tình yêu rất mới, rất hiện đại so với lúc bấy giờ. Bởi lẽ, nhân vật trữ tình “em” của Xuân Quỳnh không hề bị gò bó, giới hạn trong những định kiến của xã hội. Dù là một người phụ nữ, “em” vẫn chủ động thể hiện tình yêu, vẫn sẵn sàng tìm đến “anh” mà chẳng ngại ngần. Yêu là yêu nồng say, cuồng nhiệt, không đợi chờ và chẳng ngại định kiến, chắc hẳn bởi Xuân Quỳnh cũng hiểu:
“Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi
Niềm đau đớn tưởng như vô tận
Bỗng có ngày thay thế một niềm vui”
Qua khổ thơ 5, 6, 7 nói riêng và cả bài thơ “Sóng” nói chung, Xuân Quỳnh đem đến cho người đọc cảm nhận rõ ràng, tinh tế về những tiếng lòng sâu lắng nhưng cũng rất cuồng nhiệt của người con gái khi yêu. Hy vọng bài phân tích khổ 5 6 7 bài “Sóng” trên đây đã giúp các bạn hiểu hơn về những tiếng lòng này, để từ đó đạt được điểm số cao trong môn Ngữ Văn 12.
Xem thêm: Phân tích khổ 6 bài “Bếp lửa” tác giả Bằng Việt đặc sắc nhất
Phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận đầy đủ nhất
Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Xuân Quỳnh hay và đầy đủ nhất
Phân tích khổ 5 bài “Sóng” tác giả Xuân Quỳnh ngắn gọn nhất
Phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” tác giả Xuân Diệu đặc sắc nhất
Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và chọn lọc
Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” tác giả Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” tác giả Thế Lữ chọn lọc nhất