Bố cục, tóm tắt bài Tiếng nói của văn nghệ Lớp 9
Hướng dẫn các em soạn văn bài Tiếng nói của văn nghệ trong chương trình Ngữ Văn Lớp 9, sau đây là cách chia bố cục và gợi ý tóm tắt văn bản Tiếng nói của văn nghệ ngắn và chuẩn xác.
Bố cục, tóm tắt Tiếng nói của văn nghệ
1. Tác giả
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội. Ông được coi là một nghệ sĩ đa tài, vừa viết văn, làm thơ mà cũng là nhà soạn kịch, sáng tác nhạc cũng như nhà phê bình văn học. Dù vậy thì ở bất cứ lĩnh vực nào ông cũng thể hiện tốt vai trò của mình và có những đóng góp nhất định. Ông chính là người tiên phong trong việc tìm tòi và đổi mới thơ ca, nghệ thuật.
Bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ được tác giả sáng tác ở chiến khu Việt Bắc (1948). Đây là thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Là thời kì mà cả nước đang nỗ lực đổi mới và xây dựng một nền văn nghệ với phương châm: dân tộc – khoa học – đại chúng. Văn bản trích trong tác phẩm cùng tên và nằm trong cuốn Mấy vấn đề văn học xuất bản vào năm 1956.
Tác phẩm cho thấy được tầm quan trọng của văn nghệ với đời sống con người, giúp con người sống hoàn thiện hơn về mặt nhân cách và tâm hồn.
2. Chia bố cục
Bài Tiếng nói của văn nghệ có thể chia làm 2 phần khác nhau.
Phần 1: từ đầu bài cho đến “cách sống của tâm hồn”. => Nội dung tiếng nói của văn nghệ.
Phần 2: Tiếp theo đoạn 1 cho đến cuối bài. => Văn nghệ mang lại nhiều giá trị thiết thực trong cuộc sống con người.
3. Tóm tắt Tiếng nói của văn nghệ
Tiếng nói của văn nghệ được tác giả Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, tác giả đã tập trung vào 3 luận điểm:
– Văn nghệ phản ánh và thể hiện cuộc sống.
Văn nghệ nảy sinh từ chính cuộc sống con người. Nghệ sĩ đã sáng tạo ra cái đẹp vừa là nhiệm vụ vừa là thiên chức.
– Chức năng văn nghệ vô cùng tuyệt diệu
Tiếng nói của văn nghệ chính là tiếng nói của tâm hồn, tiếng nói tình cảm. Nó đem lại niềm khát khao sống, khát khao cống hiến, tự hoàn thiện nhân cách và tâm hồn của con người. Văn nghệ đã mang đến những điều vô cùng kì diệu trong cuộc sống.
– Tiếng nói văn nghệ cũng là tiếng nói của tư tưởng
Nghệ thuật thì chắc chắn không thiếu tư tưởng. Tư tưởng văn nghệ mang tính đặc thù và thể hiện một cách tinh tế. Tư tưởng cũng chính là nơi văn nghệ hướng đến.
4. Hướng dẫn phân tích tác phẩm
a. Hiện thực phản ánh của văn nghệ:
– Hiện thực phản ánh của văn nghệ là hiện thực khách quan và nhận thức mới mẻ của nhà văn
– Văn nghệ phản ánh những hiện thực khách quan của cuộc sống ngoài kia. Nhưng không chỉ vậy, văn nghệ còn phản ánh cả những chủ quan của người sáng tác. Điều đó thể hiện rõ qua câu văn: “Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần mình góp vào đời sống chung quanh”.
-Tác giả làm rõ ý kiến của mình thông qua hai dẫn chứng:
+ Đưa ra câu thơ của Nguyễn Du tả cảnh mùa xuân tươi đẹp. Đó là sự miêu tả cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân, đồng thời còn là sự rung động của Nguyễn Du trước vẻ đẹp đó. Từ đó truyền cảm hứng, sức sống tươi trẻ cho con người.
+ Người đọc cảm thấy tiếc nuối, bâng khuâng, xót thương cho cái kết của An – na Ca – rê – nhi – na.
=> Qua đó người đọc cảm nhận được những tư tưởng, tình cảm được bộc lộ một cách sâu sắc của tác giả gửi gắm vào từng tác phẩm văn nghệ của mình. Chính thứ tình cảm ấy được xuất phát từ hiện thực khách quan, từ chính ý nghĩ chủ quan của mỗi tác giả.
b.Tầm quan trọng của tiếng nói văn nghệ trong cuộc sống:
– Văn nghệ đem đến cho con người một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa và tươi đẹp hơn:
+ Văn nghệ giúp con người ta nhận thức được chính bản thân mình, biết đó để sống tươi trẻ, đầy ý nghĩa hơn
+ Văn nghệ còn là sợi dây tinh thần gắn kết con người với cuộc sống bên ngoài. Trong những trường hợp mà con người bị ngăn cách với thế giới xung quanh, văn nghệ đến và mang ý nghĩa to lớn, giúp họ cảm nhận được cuộc sống kia tươi đẹp. Từ đó thêm yêu cuộc đời, tình cảm thêm gắn bó, gần gũi
+ Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày luôn có những khó khăn, vất vả, văn nghệ giúp con người ta dịu bớt đi những nỗi đau đó. Thông qua các tác phẩm, mọi người thêm yêu cuộc sống, vui tươi hơn và biết rung động, có những ước mơ dù cuộc sống ngoài kia vất vả, khổ đau.
c. Con đường văn nghệ đến với người đọc
– Nghệ thuật phải là tiếng nói của tình cảm
-Nghệ thuật phải là thứ tình cảm đồng điệu giữa tâm hồn và cuộc sống sản xuất, chiến đấu của con người. Nó thể hiện ở nỗi buồn, yêu ghét rõ ràng của cuộc sống đời thường.
– Nghệ thuật là thứ tư tưởng phải được chiêm nghiệm hóa, nghĩa là phải cụ thể, sinh động, sâu lắng, kín đáo chứ không thể khô khan, lộ liễu.
=> Như vậy, con đường duy nhất để văn nghệ đến với trái tim người đọc ắt hẳn phải thông qua con đường tình cảm. Có như vậy thì các tác phẩm nghệ thuật mới có sức lay động, cảm hóa con người. Và qua đó, chúng ta được sống một cuộc sống tươi đẹp với những tình cảm chân thành.
Trên đây là toàn bộ nội dung cho bài “Tiếng nói của văn nghệ” của tác giả Nguyễn Đình Thi. Hi vọng với bài viết này, các bạn có thể hiểu tác phẩm và có những kiến thức cho bài viết của mình thêm phong phú.
Lớp 9 -
Tóm tắt văn bản Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm
Tóm tắt, bố cục văn bản Những đứa trẻ Lớp 9
Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu truyện Chiếc lược ngà
Đóng vai bé Thu kể lại truyện ngắn Chiếc lược ngà Lớp 9
Đóng vai người cháu kể lại Bếp lửa Bằng Việt
Đóng vai ngư dân kể hành trình đoàn thuyền ra khơi đánh cá
Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà