Phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận đầy đủ nhất
Phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” qua dàn ý, soạn bài phân tích hay và chọn lọc. Tất cả tổng hợp trong bài viết dưới đây!
Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận dưới đây để hiểu hơn về giá trị nội dung cũng như những chi tiết nghệ thuật đặc sắc của bài thơ. Bài viết chắc chắn sẽ cung cấp thêm cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích, để từ đó đạt được điểm số thật cao trong quá trình học tập.
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
Trước khi bước vào phân tích chi tiết, các bạn hãy đọc kỹ và ghi nhớ dàn ý phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” dưới đây nhé. Đừng vội lướt qua vì dàn bài này sẽ giúp các bạn tổng hợp những ý chính cần phải quan tâm và chú ý.
Mở bài phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: Huy Cận cây bút nổi bật của phong trào “Thơ mới”, trước năm 1945, hồn thơ Huy Cận mang nặng triết lý và thấm thía những nỗi buồn, được nhắc đến nhiều nhất qua tập thơ “Lửa thiêng”.
+ Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” được Huy Cận sáng tác năm 1958, tại vùng biển Hồng Gai, tỉnh Quảng Ninh và in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.
– Dẫn dắt vào vấn đề: Bài thơ tái hiện khung cảnh tráng lệ, hùng vĩ khi đoàn thuyền ra khơi đánh cá, qua đó ca ngợi sự giàu có, tươi đẹp của vùng biển quê hương, cũng như tinh thần làm việc hăng say, tầm vóc lớn lao của những người dân lao động, và đặc biệt tất cả đã được Huy Cận tổng kết, gói trọn trong khổ thơ cuối của tác phẩm.
Thân bài phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
– “Sao mờ”: Cho thấy trời sắp sáng, vậy là đoàn thuyền đã trải qua một đêm làm việc hăng say, không ngừng nghỉ.
– “kéo lưới kịp trời sáng”: Diễn tả tinh thần làm việc gấp rút, khẩn trương để kịp trở về.
– “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”: Đoàn thuyền đánh cá đã bội thu, đó là thành quả đền đáp xứng đáng cho một quá trình làm việc hăng say.
– “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”: Một hình ảnh thơ rất đẹp, cá đã đầy khoang, những con cá ấy tươi nguyên đến vây còn ánh lên màu bạc, ẩn dụ cho một cuộc sống ấm no, đủ đầy.
– “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”: Nắng hồng là nắng bình minh, báo hiệu một ngày mới đang sang, ẩn dụ cho một cuộc đời mới đang tới mà cách mạng giành lại cho chúng.
Kết bài phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
– Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: Khổ thơ đã giúp người đọc hình dung ra cảnh khẩn trương, hối hả chuẩn bị cho sự trở về của đoàn thuyền sau khi cá đã đầy khoang, cảm nhận được niềm vui, sự hăng say trong lao động của con người.
+ Giá trị nghệ thuật: Huy Cận đã rất sáng tạo trong cách sử dụng hình ảnh nhiều giàu sức gợi, độc đáo trong cách kết hợp các động từ mạnh với từ chỉ màu sắc, và thành công trong vận dụng các biện pháp tu từ.
– Nêu cảm nhận riêng về khổ thơ.
Soạn bài phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
Với mong muốn cung cấp cho các bạn học sinh 9 tài liệu tham khảo chi tiết và chất lượng nhất, bài viết đã cập nhật thêm soạn bài phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”. Hãy cùng tham khảo để đạt được điểm số thật ấn tượng nhé.
Biện pháp tu từ trong khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
Nếu trước Cách mạng Tháng 8, hồn thơ Huy Cận mang đầy nỗi buồn, khổ đau thì sau Cách mạng Tháng 8, lại trở nên lạc quan, tươi mới, trái ngược hoàn toàn. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” sáng tác năm 1958 đã thể hiện rất rõ điều này. Thành công của tác phẩm phải kể đến việc sử dụng sáng tạo các biện pháp tu từ của Huy Cận, đặc biệt là ở khổ 6 của bài thơ:
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”
Biện pháp tu từ đáng chú ý nhất trong khổ này phải kể đến ẩn dụ. Hình ảnh ẩn dụ thứ nhất chính là “vảy bạc đuôi vàng”. Những con cá vừa mới được đánh bắt, vẫn còn giữ nguyên cái mùi tươi mát của biển. Dưới ánh nắng le lói, ánh bạc, ánh vàng từ những chiếc đuôi, chiếc vẩy bắt đầu lấp lánh, long lanh. Màu bạc, sắc vàng ấy cũng tượng trưng cho một cuộc sống lo đủ, cho thành quả bội thu mà những người dân chài xứng đáng nhận được sau một đêm dài vất vả.
“Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Câu thơ cuối cũng được Huy Cận khéo léo lồng ghép phép tu từ trong từ “nắng hồng”. Theo nghĩa thực, “nắng hồng” báo hiệu một ngày mới đang tới, mặt trời đang dần nhô, chiếu những tia nắng đầu tiên xuống mặt biển, làm ửng hồng cả một khoảng không. Còn theo nghĩa ẩn dụ, hình ảnh thơ ấy còn đẹp hơn gấp nhiều lần. Vì nó tượng trưng cho một cuộc sống mới, tự do, ấm no, hạnh phúc mà cách mạng đã đem lại cho người dân, đất nước.
Nghệ thuật khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
“Đoàn thuyền đánh cá” được Huy Cận sáng tác vào năm 1958 – thời kỳ mà miền Bắc nước ta đang hăng hái, sôi nổi trong phong trào xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá. Bài thơ ra đời mang theo bao khát khao vươn tới cái đẹp của Huy Cận, thể hiện tâm thế làm chủ, làm việc hăng say của người lao động. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng chứa đựng rất nhiều chi tiết nghệ thuật sáng tạo của nhà thơ, đặc biệt là khổ thơ thứ 6:
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Phải nói rằng, cách sử dụng từ ngữ của Huy Cận trong khổ thơ này vô cùng tinh tế và độc đáo. Nhà thơ đã rất khéo léo khi kết hợp động từ “kéo” với các từ “kịp”, “nặng” để diễn tả ý thơ. Để rồi, người đọc như hình dung ra trước mắt một cảnh tượng làm việc khẩn trương, gấp rút, một khoang thuyền với đầy cá và tôm. Và cũng với các từ ngữ chỉ màu sắc như “bạc”, “vàng”, “hồng” mà Huy Cận đã có thể vẽ lên một bức tranh lao động rất đẹp, rất thơ nhưng vẫn rất chân thật.
Một nét nghệ thuật không kém phần nổi bật trong khổ thơ này chính là biện pháp tu từ ẩn dụ. Phép nghệ thuật này được lồng ghép trong 2 câu thơ cuối: “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông/ Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”. “Vẩy bạc đuôi vàng” không chỉ là để miêu tả vẻ đẹp của những con cá trong khoang mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống giàu sang, no đủ, cho thành quả lao động xứng đáng với công sức mà mỗi người bỏ ra.
“Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Còn “nắng hồng”, đây là hình ảnh tả thực để báo hiệu ngày mới sắp sang, và cũng là hình ảnh ẩn dụ cho một chương mới tươi sáng của đất nước, dân tộc, một chương mà người dân có cuộc sống khác, ấm no hơn, đủ đầy hơn và hạnh phúc hơn.
Cùng với đó, Huy Cận đã sử dụng thể thơ 7 chữ với cách ngắt nhịp dứt khoát, kết hợp cùng giọng thơ mạnh mẽ, khí thế để làm toát lên cái vẻ khỏe khoắn, oai phong, để tái hiện không khí vui tươi, hăng hái làm việc của những người dân chài. Họ mang tâm thế, tầm vóc của những người làm chủ biển khơi, mang tinh thần sẵn sàng lao động và sẵn sàng cống hiến.
Nội dung khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá”
Đọc thơ Huy Cận sau năm 1945, người ta như được đi qua thế giới của niềm vui, của hy vọng và của sự lạc quan. Dường như, ông chính một người thợ chạm khắc của ngôn từ, thể nên vần thơ nào cũng mang vẻ đẹp của tài hoa. “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác năm 1958 đã chứng minh cho điều này. Và trong tác phẩm, khổ thơ 6 có thể được xem là làm ta ấn tượng nhất:
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
“Sao mờ” là thời điểm gần sáng, màn đêm đã qua đi và mặt trời đang dần mọc. Vậy là một ngày làm việc sắp kết thúc, một ngày mới sắp bắt đầu. Những người dân chài đang giành giật từng, đang nỗ lực với thời gian. Bởi lẽ, thời gian dù chỉ trôi qua một giây, một phút cũng có nghĩa họ đã mất đi vài khoảnh khắc để làm việc. Trời càng gần sáng, những con người ấy lao động càng hăng say, nhiệt huyết. Họ phải khẩn trương hơn, nhanh chóng hơn để kéo lưới “kịp” trời sáng.
Con người đang nỗ lực trong âm thầm, cố gắng trong lặng lẽ để chạy đua với thời gian, tranh đấu với thiên nhiên, đất trời. Quả là một cuộc chiến không cân sức khi mà con người thì nhỏ bé, thiên nhiên thì kì vĩ lớn lao. Thế nhưng, bằng sự lao động hăng say, không ngừng nghỉ, bằng ý chí kiên cường, con người vẫn hiện lên sừng sững với tầm vóc kẻ chiến thắng, giành được thành quả xứng đáng với công sức vất vả đã bỏ ra:
“Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”
Tiếng “ta” của Huy Cận vang lên với biết bao niềm kiêu hãnh, tự hào. “Ta” chính là người làm chủ, là người chinh phục, “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta” và cá tôm kia cũng là của “chúng ta”. Chính vì thế, những người dân chài đang gắng sức kéo lên từng chùm cá nặng xứng đáng thuộc về mình. Chỉ với hai chữ “xoăn tay” giàu sức gợi, Huy Cận đã có thể khiến cho người đọc hình dung tư thế chắc khỏe, cường tráng của những người lao động.
Đó là tư thế, là dáng đứng của của những người làm chủ biển khơi, những người đã giành chiến thắng. Họ phải “xoăn tay” vì “chùm cá nặng”, có nghĩa là cá rất nhiều, che cả mắt lưới, đầy ắp cả khoang. Đây chính là kết quả bội thu mà người ngư dân thu được sau một đêm đánh bắt vất vả. Những con cá tươi rói ấy khiến Huy Cận liên tưởng:
“Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”
Màu trắng trên thân, màu vàng của đuôi những con cá kết hợp với ánh nắng ban mai le lói đã phản chiếu lấp lánh như bạc, như vàng. Sắc màu ấy đã khiến cho cả con thuyền bừng sáng giữa vùng biển rộng lớn lên khi sao mờ, trăng khuất và mặt trời vẫn chưa lên. Một hình ảnh thơ thật sự rất đẹp của Huy Cận. Hình ảnh này cũng tượng trưng cho sự giàu có, phong phú của biển khơi. Như “Vảy bạc, đuôi vàng” làm “lóe rạng đông, biển khơi cũng sẽ giúp đem đến cuộc sống ấm no cho người dân chài.
Cá đã đầy khoang, trời bắt đầu sáng cũng là lúc đoàn thuyền chuẩn bị trở về:
“Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Vậy là một ngày lao động mệt mỏi đã kết thúc, đã đến lúc phải “lưới xếp, buồm lên” để trở về. Huy Cận đã dùng 2 hình ảnh đối lập “Lưới xếp buồm lên” đã làm câu thơ thêm phần thu hút, độc đáo. “Lưới xếp” là sự kết thúc của ngày lao động, còn “buồm lên” là sự khởi đầu của một ngày mới. Cánh buồm giờ đây đã trở nên sống động có hồn, như mang theo một sức sống tiềm tàng để dũng cảm đón gió vượt biển về với đất liền, mạnh mẽ vươn lên đón “nắng hồng”.
“Nắng hồng” là ánh nắng ban mai, là tia nắng đầu tiên của một ngày mới, báo hiệu một ngày tươi sáng, trong trẻo. Và “nắng hồng” cũng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho một ngày mới, một cuộc đời mới mà cách mạng đem lại cho “ta”, cho đất nước, cho nhân dân.
Như vậy, khổ thơ 6 nói riêng và bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” nói chung là sáng tác vô cùng đặc sắc của Huy Cận. Những vần thơ này đã cho thấy một trái tim rộng mở, một tâm hồn lạc quan cùng một lăng kính rất riêng biệt của thi sĩ. Hy vọng qua bài phân tích khổ 6 bài “Đoàn thuyền đánh cá” này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tác phẩm, từ đó thêm yêu, thêm mến hồn thơ Huy Cận.
Xem thêm: Phân tích khổ 5 bài “Sóng” tác giả Xuân Quỳnh ngắn gọn nhất
Phân Tích, Văn Học -Phân tích khổ 5 6 bài “Sóng” – Xuân Quỳnh hay và đầy đủ nhất
Phân tích khổ 5 bài “Sóng” tác giả Xuân Quỳnh ngắn gọn nhất
Phân tích đoạn 2 bài “Vội vàng” tác giả Xuân Diệu đặc sắc nhất
Phân tích khổ cuối bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và chọn lọc
Phân tích bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” tác giả Phan Bội Châu
Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” tác giả Thế Lữ chọn lọc nhất
Phân tích bài “Nhàn” tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc sắc nhất