Phân tích khổ 2 “Đất nước” – tác giả Nguyễn Khoa Điềm
Nhiều em học sinh băn khoăn bởi không biết trình bày các ý chính trong bài viết phân tích khổ 2 “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm như thế nào cho khoa học, rõ ràng, rành mạch. Để giải quyết vấn đề của mình, các bạn có thể tham khảo dàn ý, bài mẫu phân tích khổ 2 bài “Đất nước” dưới đây.
Nội dung bài viết
Dàn ý đoạn 2 bài “Đất nước”
Phần hai bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm tập trung thể hiện quan niệm mới mẻ – Đất nước của nhân dân. Để có thêm những luận điểm, luận cứ chi tiết cho bài phân tích, các bạn hãy cùng tham khảo dàn ý đoạn 2 bài “Đất nước” dưới đây nhé.
Mở bài đoạn 2 “Đất nước”
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm.
– Giới thiệu sơ qua về tác phẩm “Đất nước”.
Thân bài đoạn 2 “Đất nước”
* Phần 1 “Đất nước” được cảm nhận qua phương diện lịch sử, chiều sâu không gian và thời gian.
– Lý giải cội nguồn của Đất nước: Đất nước có từ bao giờ?
– Định nghĩa về Đất nước qua cái nhìn toàn diện của nhà thơ.
* Phần 2: Đất nước của nhân dân.
– Tất cả những gì của Đất nước không chỉ là của tạo hoá tạo ra mà là những phẩm chất tốt là một phần máu thịt và tâm hồn của những người dân.
– Nhờ tình nghĩa yêu thương và sự thủy chung son sắc của tình yêu đôi lứa mà ta có “hòn Trống” “hòn Mái”.
– Nhờ có tinh thần truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên mà ta có “núi Bút” và “non Nghiên”.
– Nhờ có tình yêu quê hương Đất nước, tinh thần bất khuất, lòng dũng cảm mà ta có những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử về quá trình xây dựng và bảo vệ Đất nước.
– Nhân dân tạo nên 4000 năm lịch sử.
+ Họ là những người dân là những người con trai con gái bình dị, cần cù và có lòng yêu quê hương Đất nước.
+ Nhà thơ nhấn mạnh sự hi sinh của những người vô danh cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ Đất nước để bảo vệ thế hệ mai sau.
+ Nhân dân tạo ra những giá trị vật chất giá trị tinh thần văn hóa; “Truyền lửa”, “Truyền giọng nói”….từ đó xây dựng nền móng phát triển Đất nước lâu bền.
+ Đoạn 2 ” Đất nước” là một cái nhìn mới mẻ về: Lịch sử, văn hóa, địa lí dựa trên những cơ sở cốt lõi. Đất nước ấy thể hiện qua tâm hồn con người: luôn yêu thương, luôn quý trọng trọng tình nghĩa, công sức và luôn chiến đấu vì Đất nước.
– Về nghệ thuật sử dụng sáng tạo chất liệu dân gian ngôn ngữ giàu chất triết lí.
Kết bài đoạn 2 “Đất nước”
– Khẳng định lại giá trị của đoạn 2 “Đất nước”.
– Nêu cảm nghĩ của bản thân về đoạn 2 bài “Đất nước”.
Tổng hợp một số dạng đề văn phân tích khổ 2 “Đất nước”
Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề tổng hợp một số dạng đề văn phân tích khổ 2 “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích đoạn 1 2 “Đất nước”
Trong thơ văn Việt Nam, Đất nước là mảng đề tài muôn thuở được các nhà văn, nhà thơ lấy làm cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của mình đặc biệt là trong những năm tháng chiến tranh. Vì thế, chúng ta có thể bắt gặp Đất nước trong đau thương qua những vần thơ của thi sĩ Hoàng Cầm, Đất nước thay đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi.
Còn một Đất nước được nhìn đầy đủ từ nhiều khía cạnh và trọn vẹn thì phải kể đến bài thơ “Đất nước” trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Ấy là một Đất nước trải qua bao sóng gió của mưa bom bão đạn được nhà thơ tái sinh bằng hồn thơ phóng khoáng, tinh tế. Đoạn thơ thứ 2 trong bài thơ “Đất nước”, tác giả đã thể hiện những sáng tạo nghệ thuật độc đáo với những khám phá mới mẻ về Đất nước của mình.
Phần đầu 42 câu tác giả nhận diện Đất nước có nguồn gốc lâu đời. Tục ăn trầu, cổ tích Trầu – Cau, truyền thuyết Thánh Gióng dùng gốc tre đánh đuổi giặc Ân mà “mẹ thường hay kể”:
“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”.
Nhà thơ cảm nhận Đất nước trong dòng chảy thời gian “đằng đẵng”. Trong không gian địa lý “mênh mông”, qua sự tích “Trăm trứng” và giỗ Tổ Hương Vương. Nhà thơ bằng giọng tâm tình đã dẫn hồn ta ngược thời gian bốn nghìn năm trở về cội nguồn Đất nước:
“Đất là nơi Chim về
…Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.
Nguyễn Khoa Điềm tách 2 yếu tố “đất” và “nước” để có những cảm nhận và góc nhìn độc đáo:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Tất cả những rung cảm, những kỉ niệm bình dị ấy hợp lại thành linh hồn “Đất nước”. Đây là nơi “ta hò hẹn”. Khi cả anh và em lớn lên, tình yêu giúp những cá nhân trở thành những mảnh ghép khăng khít chẳng thể tách rời. Như “Đất nước” vậy, chẳng còn tách riêng lẻ, anh và em cũng như “đất” và nước”, hoà hợp với nhau.
Và tình yêu bắt đầu cũng chính là bắt đầu của tình yêu Đất nước. Để rồi “Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Nỗi nhớ ấy như gắn kết thêm tình yêu, nuôi lớn tình yêu Đất nước, gắn kết cả Đất nước thành một khối khăng khít, bền chặt. Để rồi dẫu có rời xa, trong tim mỗi anh và em đều có nỗi nhớ tình yêu, có nỗi nhớ Đất nước.
Hình ảnh ẩn dụ độc đáo “chiếc khăn”. Chiếc khăn thể hiện bao cảm xúc, rung cảm tươi đẹp qua câu ca dao “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất?…. Khăn chùi nước mắt?” Mang chất liệu ca dao vào lời thơ tạo nên sự sống động, giàu hình ảnh liên tưởng cho người đọc.
Đất nước trong quá khứ mang vẻ đẹp kì diệu, huyền thoại:
“Đất là nơi “con chim Phượng Hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá Ngư Ông móng nước biển khơi”.
Đất nước hiện tại gắn bó yêu thương với mọi người, “trong anh và em hôm nay – Đều có một phần Đất nước”. Mai này Đất nước nhiều “mơ mộng”. Yêu nước là nghĩa vụ thiêng liêng:
“Em ơi em Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất nước muôn đời”.
Phần thứ hai có 68 câu (Văn 12 chỉ trích học 47 câu) nói về tư tưởng “Đất nước của Nhân Dân”. Nhân Dân sáng tạo ra Đất nước. Các danh lam thắng cảnh đều biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp, “lối sống” của ông cha như tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình yêu lứa đôi thắm thiết, sức mạnh quật khởi, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, truyền thống hiếu học của Nhân Dân ta:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
99 con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”.
Núi Bút non Nghiên, vịnh Hạ Long, ông Đốc Ông Trang… đều do là những địa danh, thắng cảnh được nhân dân qua những câu chuyện dân gian tạo nên tên riêng. Nhân dân cùng nhau xây dựng, vun đắp nên Đất nước tươi đẹp, trang nghiêm và vĩ đại.
“Bốn nghìn lớp người” đã đem mồ hôi, xương máu ra xây dựng và bảo vệ Đất nước: “Khi có giặc người con trai ra trận. Người con gái trở về nuôi cái cùng con – Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”. Nhân dân đã cùng nhau xây dựng, tạo nên khởi đầu cho Đất nước và dần dần làm chủ, phát triển Đất nước. Họ là những người con vô danh nhưng được lịch sử nhớ mãi, sống mãi trong lòng những thế hệ con cháu sau này:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất nước”.
Cũng chính nhân dân tạo nên nghề trồng lúa, nông nghiệp để tích trữ của cải. Nhân dân đã tự mình sáng tạo nên ngôn ngữ riêng, tiếng nói riêng giữa các dân tộc “truyền giọng điệu của mình cho con tập nói”. Đồng thời, dẫu có thù trong, giặc ngoài luôn chờ thời cơ, rình rập xâm chiếm. Nhưng nhân dân quyết hi sinh thân mình, dùng cả tính mạng để giữ gìn non sông, Đất nước, vun đắp ngày càng giàu có, tươi đẹp:
“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất nước này là Đất nước nhân dân
Đất nước của nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại”.
Phân tích khổ 2 “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm cho chúng ta những góc nhìn mới mẻ và độc đáo về Đất nước. Các góc nhìn đều đa dạng và cho ta những liên tưởng thú vị: văn hóa, lịch sử, địa lí… Để từ đó, ta thêm thấm thía trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với sự vững bền của Đất nước.
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích đoạn 2 “Đất nước” nâng cao
Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm của ông nổi bật với phong cách thơ đậm chất trữ tình, thể hiện cảm xúc thiết tha, sâu sắc. Tác phẩm “Mặt đường khát vọng” là tác phẩm nội bật trong lối sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ “Đất nước” nằm ở chương năm và là một trong những đoạn nổi bật nhất của bài thơ, viết về Đất nước.
Đất nước là gì? Đất nước là những thứ gần gũi, giản dị với ta, là con đường đi học, là lớp học chúng ta ngồi, là bến đò em tắm, là cây đa, là giếng nước, là sân đình, là không gian chắp cánh cho tình yêu lứa đôi. Ở khổ 2 bài “Đất nước”, nhà thơ đã thể hiện một cách cảm nhận mới nhưng cũng rất đỗi bình dị về hai tiếng Đất nước. Đất nước còn là sự hòa quyện của các cá nhân với xã hội. Đất nước còn là sự hòa quyện của tình yêu lứa đôi và tình yêu đối với Đất nước.
Từ tình cảm đôi lứa cá nhân, Nguyễn Khoa Điềm mở rộng nó ra và nâng lên một tầng nghĩa mới. Tác giả mở ra rộng không gian theo chiều dài của lịch sử từ ngàn đời xưa.
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
Trong Đất và Nước còn chứa đựng là hình ảnh về một huyền thoại xưa. Và truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng cũng chính là cội nguồn của dân tộc. Dòng máu “Con rồng cháu tiên” cuồn cuộn chảy trong tim, nên bốn bể đều là nhà, anh em tứ xứ dẫu khác dân tộc những đều là anh em, đều là một thể thống nhất không bao giờ tách rời.
“Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông,
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ.”
Chất liệu dân gian, lồng ghép hình ảnh ca dao được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng linh hoạt và tài tình. “Đất” và “Nước” giờ đây lại là rừng vàng, là biển bạc, là non nước núi sông mà cha ông ta muôn đời tự hào và gìn giữ. Nguyễn Khoa Điềm đã mang những liên kết đơn lẻ để gắn kết lại thành nhân dân, thành tổ quốc. Nó như một sợi dây gắn kết vô hình nhưng bền bỉ: tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Cái tôi cá nhân hòa vào cái “ta” của lịch sử, của dân tộc tạo nên sức mạnh diệu kỳ.
“Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”
Theo chiều dài lịch sử, để bảo vệ non sông, bao nhiêu thế hệ anh hùng đã hy sinh. Đất nước trong mỗi người còn là sự biết ơn cho những hy sinh lớn lao của thời đại ấy. Tinh thần như một ngọn đuốc không bao giờ tắt, hừng hực cháy và bền vững với thời gian. Là những thế hệ đi sau, ta phải biết ơn, biết “uống nước nhớ nguồn”, để ngọn đuốc tinh thần ấy sáng mãi.
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất nước”
Trong anh và em, trong mỗi chúng ta, đều là một phần của Đất nước. Đất nước nuôi dưỡng tâm hồn ta, Đất nước ôm trọn nhân dân theo từng cung đường lịch sử. Hay nói cách khác, Đất nước chính là thống nhất hài hòa giữa vạn vật, giữa điều bé nhỏ và cả lớn lao, giữa mỗi cá nhân với cả một cộng đồng nhân dân rộng lớn. Vì thế chúng ta phải nắm lấy tay nhau, để Đất nước trở nên vẹn tròn, to lớn.
“Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm”
Trong cảm nhận của nhà thơ, mỗi danh lam thắng cảnh là một nét vẽ tô điểm cho Đất nước hình chữ S của chúng ta. Hàng nghìn năm qua còn ẩn chứa sự chung thủy, tình vợ chồng, nghĩa tình, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của Đất nước, biết ơn người đi trước, người có công với Đất nước, tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó khăn gian khổ, tinh thần xả thân vì cộng đồng.
“Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”.
Khai thác Đất nước về mặt địa lý, tác giả không chỉ cảm nhận Đất nước trù phú mà còn cảm nhận nhiều vùng đất, nhiều địa danh mang những tên gọi dân dã. Đặc biệt, nhà thơ không chỉ nhìn Đất nước từ bên ngoài mà còn nhìn sâu vào bên trong để phát hiện ra chính con người tạo nên những địa danh đó để từ đó tác giả đi đến những kết luận chung.
“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất nước đi xa”
Đất nước luôn tồn tại trong tấm lòng mỗi con người. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, chúng ta đều được Đất nước nuôi dưỡng. Vì vậy mỗi người đều thừa hưởng trong tâm hồn mình những giá trị lớn lao của Đất nước. Khi có sự gắn kết giữa mỗi người sẽ khiến Đất nước trở nên nồng thắm, hài hòa, lớn lao.
Lời văn thủ thỉ, tâm tình đến những thế hệ sau. Các thế hệ con cháu đời sau gánh vác trên vai sứ mệnh “mang Đất nước đi xa”, “đến những ngày mơ mộng”. Nhưng dẫu có xa xôi, Đất nước vẫn sẽ ở khắc sâu trong tâm khảm mỗi người. Để rồi “hóa thành dáng hình xứ xở”, để Đất nước mãi bền vững, trường tồn.
Giọng thơ chan chứa nghẹn ngào, như một lời nhắn gửi chân thành, tựa như một khúc hát xưa vẫn thường nghe mỗi đêm hè bà ru cháu ngủ. Đây là lời tâm tình mang sứ mệnh chuyển giao thế hệ.
“Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất nước là máu xương của mình”
Tất cả các danh lam thắng cảnh đẹp trong cả nước đều do nhân dân hình thành nên, tất cả đều là kết tinh công lao của những con người bình dị vô danh. Nói như vậy để khẳng định rằng người dân là người tạo ra Đất nước từ mọi khía cạnh địa lý. Bằng nghệ thuật kết cấu quy nạp liệt kê động từ “góp công” lặp đi lặp lại nhiều lần, tác giả khẳng định công lao khó nhọc để tạo nên những danh lam ấy.
Tác giả nhấn mạnh ở cụm từ là “bốn nghìn năm” – đó là chiều dài lịch sử dân tộc, tác giả đã nhìn vào bốn nghìn năm lịch sử của nước ta để thấy rằng nhân dân ta là những con người cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Ông còn nói về sự hy sinh tinh thần của những con người vô danh mà họ có thể là những người lính họ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời của những con người ấy tuy ngắn ngủi hữu hạn là thế nhưng lại hóa thành núi sông ta, và gửi những cái hùng vĩ vô hạn, vĩnh hằng bất biến.
“Phải biết gắn bó san sẻ.
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất nước muôn đời…”
Họ làm nên Đất nước bằng cách truyền lại cho chúng ta những giá trị vật chất và tinh thần bằng hạt gạo, tiếng nói, ngọn lửa và bản sắc văn hóa dân tộc. Đây chính là sự biến đổi nơi phi thường khẳng định nhân dân ta thật kỳ diệu! Họ không những hóa thân để làm nên hình hài Đất nước mà còn làm nên được linh hồn Đất nước.
Thành công nghệ thuật của đoạn thơ là vận dụng giọng điệu thơ linh hoạt, giàu sức gợi hình. Câu thơ có lúc thủ thỉ, có lúc trang nghiêm. Đoạn thơ sử dụng tốt yếu tố dân tộc, có sự đan xen giữa giọng văn chính luận và chất trữ tình, đi sâu vào lòng người đọc phần hai của đoạn thơ. Phân tích khổ 2 “Đất nước”, ta thấy tác giả không chỉ nêu lên những định nghĩa, khái niệm về Đất nước mà còn bộc lộ tư tưởng, quan niệm của ông về văn hóa, nếp sống nhân dân.
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích đoạn thơ : “Đất là nơi anh đến trường…Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm là một bản nhạc mang âm hưởng dân gian, văn hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và là lời thúc giục tinh thần yêu nước cho mỗi thế hệ Việt Nam hôm nay và cho mai sau. Đất nước đối với ông cũng là những gì bình thường, và gần gũi nhất. Đoạn thơ ta sắp phân tích sau đây là đoạn thơ để lại dấu ấn về nội dung và nghệ thuật sâu sắc nhất:
“Đất là nơi anh đến trường
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Hình ảnh liên tưởng độc đáo, gợi tả thú vị. Định nghĩa Đất nước bằng những không gian quen thuộc, gần gũi. Đất là nơi anh lớn lên, nơi có những con đường anh hàng ngày đến trường. Còn nước lại là kỉ niệm gắn bó nơi tuổi thơ em, những kỉ niệm dịu dàng như những dòng sông em thường tắm mát.
Bốn câu thơ đầu nhà thơ giải thích về Đất nước theo lối chiết tự đi từ cái riêng đến cái chung.
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Tác giả cho thấy cách sử dụng từ, câu linh hoạt và sáng tạo của mình ở đây, nhà thơ đã chiết tự hai từ Đất nước để phân tích về linh hồn thẳm sâu bên trong nó. Đất đó là nơi anh đến trường, nước đó là nơi em tắm, nghĩa là hình ảnh Đất nướchiện lên vô cùng gần gũi, gắn bó khăng khít với cuộc sống của con người chúng ta. Xưa kia, viết về Đất nước các nhà thơ thường gọi nó, ví von nó bằng những hình ảnh lung linh hùng vĩ, nay tác giả đã cho ta thấy về Đất nước còn là không gian tình tứ, nơi gắn kết tình cảm, nơi khơi nguồn và là những điểm tựa cho hạnh phúc lứa đôi.
Là nơi gửi gắm nỗi nhớ thầm của một người con gái, vậy nên vừa lớn lao mà cũng có thể gọi là mảnh kí ức gợi nhớ thương cho tâm hồn bất cứ ai. Hai câu thơ tiếp, Đất nước lại hiện lên trong những câu ca dao, tục ngữ, để thấy được Đất nước không được chỉ đánh thức ký ức tuổi thơ, mà còn đánh thức cả những miền kí ức văn hóa của chúng ta và những nét đẹp dân gian truyền thống của cộng đồng. Cách diễn giải ấy giúp ta dễ dàng hiểu, liên tưởng: Tất cả từ khi sinh ra, trưởng thành, học tập, sinh sống trên Đất nước.
Mỗi người đều sẽ có kỉ niệm riêng về mảnh đất nơi mình sinh sống. “Khi ta hò hẹn”, Đất nước là nơi nảy nở, nơi đầu tiền gặp gỡ của đôi lứa và cũng là nơi để họ gặp gỡ, kết nên duyên tình. Chiếc khăn ấm áp, chân tình cũng thật đẹp đẽ và dễ mến. Nó cũng là minh chứng cho tình yêu lứa đôi, thề non hẹn biển, thuỷ chung son sắt.
Ở câu thơ tiếp, nhà thơ tách hai từ Đất nước riêng rẽ để giải thích ý nghĩa sâu sắc hơn nữa về Đất nước: Vẻ đẹp quê hương Đất nước như được tái hiện trong những lời ca dao bộc lộ lòng tự hào về sông núi, thiên nhiên, song hành với lòng biết ơn tổ tiên, nhớ ơn nguồn cội đã có từ lâu trong tiềm thức con người Việt Nam.
“Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi””
Nhà thơ cảm nhận Đất nước trên phương diện không gian, địa lý. Đất nước được cảm nhận là “không gian mênh mông”. Đó là núi non, sông nước, bờ cõi, là Bắc – Trung – Nam cùng trên dải đất hình chữ S thân yêu. “Đất” và “Nước” giờ đây lại là rừng vàng, là biển bạc, là non nước núi sông mà cha ông ta muôn đời tự hào và gìn giữ.
“Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Nguyễn Khoa Điềm đã mang những liên kết đơn lẻ để gắn kết lại thành nhân dân, thành tổ quốc. Nó như một sợi dây gắn kết vô hình nhưng bền bỉ: tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Cái tôi cá nhân hòa vào cái “ta” của lịch sử, của dân tộc tạo nên sức mạnh diệu kỳ.
Bài thơ sử dụng linh hoạt và tài tình các chất liệu dân gian, gây cảm hứng mạnh mẽ cho độc giả. Với giọng thơ trữ tình, mang âm hưởng chính trị đằm thắm, Nguyễn Khoa Điểm truyền đến những dạt dào về cảm xúc khi sử dụng hàng loạt yếu tố dân gian, yếu tố thời đại.
Ông đã nêu những định nghĩa đa dạng, phong phú về Đất nước, từ chiều sâu của văn hóa văn tộc, chiều dài của thời gian lịch sử đến chiều rộng của không gian Đất nước. “Đất nước” xứng đáng trở thành hành trang tinh thần của những người yêu văn học vì đã bao lần viết về đề tài tình yêu quê hương, tình yêu Đất nước còn giá trị cho đến hôm nay.
Trên đây là toàn bộ các bài mẫu cho đề bài liên quan đến chủ đề (lập dàn ý đoạn 2 bài “Đất nước”, phân tích khổ 2 “Đất nước”, phân tích khổ 2 “Đất nước” chi tiết và nâng cao… ) trong tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Qua các bài phân tích tham khảo phía trên, hi vọng bạn đọc có thể tham khảo và học tập tốt hơn trên trường.
Xem thêm: Phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật
Phân Tích, Văn Học -Phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật
Phân tích “Sang thu” ngắn nhất, chi tiết nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh
Phân tích sự tha hóa của Chí Phèo – truyện ngắn của tác giả Nam Cao
Phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa đông – “Vợ chồng A Phủ”
Phân tích bài “Làng” lớp 9 – nhà văn Kim Lân dễ hiểu nhất
Phân tích đoạn 1 “Tràng giang” – tác giả Huy Cận sâu sắc nhất
Phân tích văn bản “Sang thu” – tác giả Hữu Thỉnh hay nhất