Phân tích đoạn 3 bài thơ Tây Tiến ngắn và hay
Hãy xác định đoạn 3 và phân tích đoạn 3 bài thơ Tây Tiến bằng một bài viết. Đề bài này xuất hiện nhiều trong các bài kiểm tra thường xuyên và cuối kì. Các bạn nhớ đón xem.
Phân tích đoạn 3 bài thơ Tây Tiến
Nếu nhắc đến các nhà thơ tiêu biểu thời kỳ văn học kháng chiến chống Pháp ta có thể không nhắc đến Quang Dũng nhưng nói về tác phẩm tiêu biểu ta nào có thể không kể đến Tây Tiến. Từng câu từng chữ trong Tây Tiến như dựng lại cả một chặng đường kháng chiến hào hùng của dân tộc với hình ảnh đoàn quân chiến đấu:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành!”
Bằng những nét vẽ cụ thể, gân guốc nhà thơ đã vẽ nên những hình ảnh tả thực về đoàn quân Tây Tiến. Đây là những hình ảnh tả thực, thực một cách trần trụi. Các chiến sĩ Tây Tiến phải hành quân ở nơi rừng thiêng, nước độc đến nỗi tóc không thể mọc được; người lính ấy ngày ngày phải đối mặt với những cơn sốt rét rừng hành hạ. “Quân xanh” ở đây dùng để chỉ màu xanh của chiếc áo chiến sĩ, màu xanh của lá ngụy trang và phải chăng đó còn chính là màu xanh của làn da ốm yếu, nhợt nhạt vì thiếu máu. Thế nhưng người chiến sĩ hiện lên thật oai hùng qua cụm từ “dữ oai hùm”. Dù khó khăn, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề nhưng đoàn quân Tây Tiến vẫn hừng hực khí phách, hăm hở lên đường chiến đấu, một lòng sục sôi ý chí quyết tâm lên đường đánh giặc. Nhà thơ dùng hai chữ “đoàn binh” chứ không phải là đoàn quân để diễn tả khí thế đông đảo, hùng mạnh, lấn át kẻ thù. Tả thực nhưng không hề bi lụy mà hiên ngang, phi thường và độc đáo vô cùng. Đó chính là hình ảnh những đoàn binh Tây Tiến nói riêng, những đoàn quân trong kháng chiến lịch sử của nhân dân Việt Nam nói chung.
Giữa những gian khổ, hiểm nguy người lính vẫn không quên ghi lại cho mình những phút giây lãng mạn rất riêng:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giời
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
“Mắt trừng” là ánh mắt quyết tâm, sáng rõ, một ánh mắt chứa đựng biết bao lý trí và tình cảm sâu nặng. Người lính gửi ước mộng và giấc mơ cao đẹp đến nơi biên cương khói lửa và Hà Nội thân thương. Đó là ước mộng lập công giành chiến thắng và giấc mơ nơi quê nhà yêu dấu. Hai giấc mơ này đan xen hòa hợp, thống nhất trong nội tâm người chiến sĩ. “dáng kiều thơm” Là hình ảnh ẩn dụ cho người con gái thướt tha, thùy mị, thanh lịch trong tiềm thức của người chiến sĩ. Đã có những lúc vần thơ này được cho là mộng rớt tiểu tư sản, là cái không đáng có trong cốt cách người chiến sĩ. Thế nhưng xem xét cho đến cùng ta lại thấy nó không hề mâu thuẫn với khí phách tráng sĩ của đoàn binh. Bởi đó là chất lãng mạn cách mạng, là liều thuốc tinh thần và là hậu phương vững chắc trong tâm hồn người lính. Sự lãng mạn cách mạng ấy đan xen hòa hợp với chất lính ngang tàn, dũng mãnh tạo lên vẻ đẹp hào hoa, hòa hùng đặc trưng của người lính Tây Tiến.
Xác định lên đường chiến đấu là xác định không tránh khỏi những mất mát hi sinh. Những người lính tây tiến cũng vậy:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Giọng thơ như trầm xuông để những nỗi lòng cứ thế chậm lại, nghẹn ngào. Người lính lên đường ra chiến trận có mấy ai được may mắn sống xót. Bao con đường hành quân đi qua, bao nấm mồ của đồng đội nằm rải rác nơi rừng hoang biên giới hiu quạnh. Chỉ có chiếc chiếu và nấm mồ đắp tạm cùng lòng thương xót, biết ơn của đồng đội đưa tiễn.
Tuy nhiên mạch bài thơ đâu chỉ dừng lại ở cái bi cái lụy. Cái hi sinh mất mát chỉ là bức nền để người linh phô vẽ vẽ đẹp của mình. Giữa sự hi sinh gian khổ vẫn hừng hực một tiếng thơ quyết tâm vang lên : “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” . Đời xanh ở đây chính là tuổi trẻ, là sức lực ấy thế mà người chiến sĩ lại chẳng tiếc. Một thái độ lạc quan, bình thản, bỏ ngoài những gian khổ mất mát hi sinh để hăm hở lên đường. Nhà thơ đã mượn khí thế dũng cảm, khảng khái của bậc trượng phu trong thi cổ: “Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng” để khắc tạc lên dáng dấp người chiến sĩ.
Và rồi vẻ đẹp kiêu dũng được đẩy lên đến cực điểm khi:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Áo bào là tấm áo được dùng để khoác lên vai người tướng quân ra trận thời xưa. Áo bào là vẻ đẹp cao cả, giá trị. Ở đây áo bào lại được phủ lên tấm thân người chiến sĩ. Đây là hình ảnh phóng đại làm mờ đi thực trạng thiếu thốn người lính vừa nâng cao vị thế người chiến sĩ. Người chiến sĩ khi về với nơi yên nghỉ cũng chẳng có lấy một tâm chiếu chôn thân, chỉ có tấm áo mỏng tiễn đưa. Tổ quốc ghi ơn những người chiến sĩ, đồng đội biết ơn họ đã nằm xuống nên đã dùng tấm “áo bào” để ghi nhớ công lao, sự đóng góp của họ. “anh về đất” là cách nói giảm nói tránh cảm xúc bi thương tiễn đưa người lính, thể hiện thái độ nhẹ nhàng, thanh thản của người chiến sĩ. Người chiến sĩ nằm xuống là trở về với đất mẹ thân thương, là đi vào lòng quê hương, đất nước. Người chiến sĩ cảm thấy thanh thản, mỉm cười vui vẻ mãn nguyện vì đã chiến đấu hết sức mình, hi sinh để bảo vệ quê hương, đất nước, thực hiện xong nghĩa vụ vinh quang và trọng trách cao cả của mình.
Chứng kiến giây phút tiễn đưa hào hùng ấy, thiên nhiên cũng bày tỏ nỗi niềm:
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Dòng sông Mã thân thuộc gắn bó với người lính đang tấu lên những khúc nhạc bi tráng, tiễn đưa người lính trở về với trời xanh, với đất mẹ yêu dấu. Tiếng gầm của dòng sông như tiếng đại bác dồn vang ngợi ca công lao biết ơn, tưởng niệm sự cống hiến, hi sinh của người lính vì lý tưởng tự do của dân tộc.
Hình ảnh thơ hiện lên không buồn đau bi lụy mà hùng dũng, hiên ngang, lẫm liệt.
Đoạn thơ với những hình ảnh thơ độc đáo, từ ngữ giàu tính nhạc họa, ý thơ giàu sức gợi, sâu xa mang tính biểu trưng lớn,.. tất cả đã vẽ nên một bức tượng đài thật đẹp về hình ảnh người lính thời kì chống Pháp- bi tráng, hào hùng, lãng mạn và vo cùng kiêu hãnh. Những năm tháng đã qua đi, biết bao huyền thoại có thể bị lãng quên nhưng hình tượng về những người lính Tây Tiến năm ấy vẫn mãi bất tử và trường cùng thời gian, không gian.
—
Đóng góp ý kiến về bài phân tích đoạn 3 bài thơ Tây Tiến bên trên. Nhớ tặng 5 sao nếu như bạn hài lòng nhé.
Lớp 12 -Phân tích nhân vật Phùng truyện Chiếc thuyền ngoài xa lớp 12
Vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc
Lợi ích của việc đi bộ ngao du tác giả Ru-xô
Tóm tắt những đứa con trong gia đình Ngữ Văn 12
Phân tích 2 khổ đầu bài Sóng lớp 12
Phân tích 4 khổ thơ đầu bài Sóng – văn tham khảo lớp 12
Tóm tắt Ai đã đặt tên cho dòng sông HPNT