Phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay và đầy đủ
Phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Cùng đọc ngay dàn ý và một số dạng đề văn phân tích 3 khổ đầu của bài thơ dưới đây.
Dưới đây là bài phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” hay nhất, chi tiết nhất, giúp bạn đọc có thêm kiến thức để dễ dàng hơn khi đi vào phân tích sâu bài thơ này. Tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải chứa đựng những giá trị nội dung và nghệ thuật vô cùng đặc sắc.
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ”
Để bài viết được mạch lạc, đủ ý, việc lập và ghi nhớ dàn ý là vô cùng quan trọng. Sau đây là dàn ý phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” dành cho học sinh giỏi bạn đọc nên tham khảo.
Mở bài “Mùa xuân nho nhỏ “khổ 1 2 3
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Giới thiệu tác giả: Thanh Hải là một hồn thơ lớn của làng thơ Việt Nam, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, ông có công rất lớn trong việc gây dựng nền văn học cách mạng miền Nam ngay từ những ngày đầu tiên.
+ Giới thiệu tác phẩm: “Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác năm 1980, là một trong những tác phẩm cuối đời của nhà thơ Thanh Hải, bài thơ là tiếng nói yêu cuộc sống, yêu đất nước và là những ước nguyện của nhà thơ.
– Dẫn dắt vào 3 khổ thơ đầu của tác phẩm: Ở 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ”, tác giả đã gợi ra khung cảnh của mùa xuân thiên nhiên đầy sức sống và mùa xuân đất nước, con người đầy mến thương.
Thân bài phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ”
– Khổ 1: Bức tranh mùa xuân thiên nhiên.
+ Hình ảnh “dòng sông xanh”: Dòng sông xanh gợi cảm giác yên bình, màu xanh đại diện cho sự tươi mới, trong lành và cả sự sinh sôi, phát triển.
+ Hình ảnh “bông hoa tím biếc”: Màu tím là màu sắc đặc trưng của xứ Huế, bông hoa trở thành điểm nhấn giữa dòng sông, là minh chứng của sức sống căng tràn, trào dâng.
+ Con chim chiền chiện – hót vang trời: Âm thanh rộn ràng, tươi vui, náo nhiệt đang báo hiệu mùa xuân đang sắp về trên mảnh đất quê hương.
+ “Từng giọt long lanh rơi”: Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng ở các câu 5, 6, từ chỗ cảm nhận bằng thính giác tiếng chim hót chuyển thành cảm nhận bằng thị giác “từng giọt”, từ đó làm nổi bật sự trong trẻo của tiếng chim và cho thấy sự tinh khiết của mùa xuân.
+ Bức tranh xuân mùa xuân thiên nhiên: Hiện lên đầy tươi mát, đẹp đẽ và căng tràn hơi thở của sự sống, qua sắc xanh chủ đạo của dòng sông, màu tím biếc nổi bật của hoa, tiếng hót vang trời của chim chiền chiện, không gian đậm chất thơ của xứ Huế mộng mơ, được mở rộng ra theo cả chiều cao và chiều dài.
+ Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên: Thanh Hải “đưa tay hứng” mùa xuân, cảm nhận mùa xuân một cách kĩ càng và đầy tinh tế bằng nhiều giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác, và bằng cả một trái tim yêu thiên nhiên, từ đó có thể thấy sự say đắm, trân trọng, nâng niu của nhà thơ đối với từng sự sống dù là nhỏ bé nhất.
– Khổ 2: Những người mang mùa xuân của đất nước trên vai.
+ “Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy trên lưng”: Những người chiến sĩ ra trận với cành lá ngụy trang, sức trẻ và nhiệt huyết căng tràn trong lồng ngực của họ, hình ảnh thơ được xây dựng từ hình ảnh thực, thể hiện “những người cầm súng” đang mang cả mùa xuân của đất nước trên vai.
+ “Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ”: Hai câu thơ nhắc nhớ đến nền văn hóa lúa nước lâu đời của Việt Nam, ngợi ca cuộc sống lao động hăng say của những người nông dân chân lấm, tay bùn, cũng như những người lính, họ cũng đang làm nên mùa xuân cho tổ quốc, bằng cách chịu thương, chịu khó, vun đắp cho sự sống được nảy sinh trên những cánh đồng quê hương.
+ 4 câu thơ đã làm nổi bật 2 nhiệm vụ chính của đất nước Việt Nam thời kỳ mới, đó là “chắc tay súng” và “vững tay cày”, tập trung giữ vững nền độc lập đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế.
+ “Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao”: “Tất cả” được điệp 2 lần, kết hợp với từ láy tượng hình “hối hả”, từ láy tượng thanh “xôn xao” đã cho thấy khung cảnh toàn dân cùng vội vã, khẩn trương, háo hức, hồ hởi góp sức nhỏ bé của mình để làm nên mùa xuân lớn cho đất nước.
– Khổ 3: Suy ngẫm về mùa xuân của đất nước.
+ “Đất nước bốn nghìn năm”: Cả chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, cả một kho tàng văn hóa của tổ tiên, cha ông.
+ “Vất vả và gian lao”: Quãng thời gian bị xâm lăng, đô hộ, mất nước, nhà tan, nhân dân sống trong cảnh tăm tối, gông cùm.
+ “Đất nước như vì sao”: Biện pháp tu từ so sánh, dù có phải trải qua bao khó khăn, hay thử thách, nghèo đói hay bị xâm lăng, đất nước ta vẫn sẽ mãi trường tồn, bất diệt và sáng chói như vì sao tồn tại vĩnh hằng trên dải ngân hà.
+ “Cứ đi lên phía trước”: Thể hiện sự tự hào về sức mạnh phi thường của dân tộc, về trang sử vẻ vang, đồng thời cho thấy niềm hy vọng lớn lao, sự tin tưởng tuyệt đối của tác giả về tương lai tươi sáng, phát triển của đất nước.
Kết bài “Mùa xuân nho nhỏ” khổ 1 2 3
– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: 3 khổ thơ đầu của bài thơ là bức tranh mùa xuân dưới đôi mắt tinh tế của Thanh Hải, đó là mùa xuân xinh đẹp, tươi mới, tràn đầy sức sống của thiên nhiên, mùa xuân nhiệt huyết, cao đẹp của con người và mùa xuân hy vọng, sáng ngời của tương lai đất nước.
+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng khéo léo biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, các từ tượng thanh, tượng hình giàu sức gợi,… tạo nên một mùa xuân mang hồn đất nước nhưng vẫn đậm chất Huế rất thơ.
– Nêu cảm nhận về 3 khổ thơ đầu của bài thơ.
Một số dạng đề văn phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ”
Khi đi sâu vào phân tích tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”, các bạn sẽ gặp phải rất nhiều đề bài liên quan đến 3 khổ thơ đầu của bài thơ. Dưới đây là tổng hợp một số dạng để văn phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” tiêu biểu cùng các bài viết mẫu đã được chọn lọc.
Đề bài: Viết bài văn nêu cảm nhận về 3 khổ thơ đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
Thanh Hải, một người con của xứ Huế mộng mơ, đi giữa làng thơ Việt Nam với một tâm hồn tha thiết, chân thành và rất dễ rung động. Thơ của ông là những khúc ca mang âm hưởng của khát khao, của hy vọng, của tình yêu. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong số đó. Và ở 3 khổ thơ đầu của tác phẩm, Thanh Hải dùng ngòi bút để vẽ nên những sự say đắm, nồng nàn trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, trước công lao to lớn của toàn dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Khổ đầu bài thơ là tiếng yêu, tiếng rung động khẽ khàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên khi mùa xuân đã về:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”
Khung cảnh mùa xuân được Thanh Hải khéo léo tô vẽ bằng màu xanh và sắc tím. Màu xanh của dòng sông làm chủ đạo, khơi gợi lên hơi thở mùa xuân tươi mát, trong trẻo. Màu xanh ấy là màu xanh của sự sống, màu xanh của hy vọng, màu xanh của tương lai. Dòng sông trong thơ Thanh Hải phải chăng là dòng sông Hương – linh hồn của xứ Huế mộng mơ. Dòng sông mềm mại uốn quanh, chở theo tất cả phù sa mà bồi đắp lên một thành phố Huế rất hồn. Dòng sông đã khoác lên mình chiếc áo đẹp đẽ nhất để đón chào mùa xuân về trên mảnh đất quê hương. Nhà thơ Giang Hồng cũng đã từng say đắm trước màu xanh của con sông quê xứ Huế:
“Ngày tuổi nhỏ tôi vẫn thường hỏi Mạ
Sao nước dòng Hương lại xanh ngát màu mơ
Mạ ôm tôi vào lòng vuốt mái tóc lơ thơ
“Nước sông Hương xanh vì chảy qua trái tim của Huế ””
Màu xanh làm nền để điểm tô cho sắc tím của bông hoa thêm nổi bật. Giữa dòng sông rộng lớn, trải dài một màu xanh, bông hoa “tím biếc” xuất hiện, làm cho mùa xuân thêm rực rỡ, thêm sắc màu, thêm tươi vui. Bông hoa nhỏ bé nhưng có sức mạnh nhuộm tím cả một vùng không gian, để rồi người ta thấy mùa xuân đang căng tràn, phập phồng nhựa sống. Có thể thấy, màu tím là màu sắc đặc trưng của mảnh đất Huế trữ tình, bởi vậy khi đi vào thơ, cái “tím biếc” ấy đã mang cả mùa xuân của Huế vào trong bức tranh thiên nhiên của Thanh Hải.
“Ôi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời“
Mùa xuân không chỉ về trong màu nước, sắc hoa, mà còn cả trong tiếng hót của con chim chiền chiện. Tiếng hót thánh thót, ngân nga gọi xuân tới với bao sự náo nức, hân hoan. Xuân về cho sự sống căng tràn, cho đất trời sinh khí mới, cho vạn vật niềm vui lớn lao. Vậy là bức tranh mùa xuân của Thanh Hải đã gợi ra trước mắt người đọc một không gian rộng lớn, bao la, thanh khiết, rực rỡ và tràn đầy nhựa sống với màu xanh trải dài, với sắc tím nổi bật, với tiếng chim hồ hởi, mong chờ. Mùa xuân ấy là mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của thành phố Huế.
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Dường như quá say mê trước vẻ đẹp này, Thanh Hải phải vội vàng “đưa tay ra hứng”. Nhà thơ hứng “từng giọt long lanh rơi”, hứng lấy kết tinh của bao tinh hoa đất trời, hứng lấy linh hồn của vạn vật đang cựa mình sinh sôi. Bằng tất cả sự trân trọng, nâng niu, yêu mến, Thanh Hải đã để hồn mình chìm đắm trong cảnh sắc mùa xuân rộn tiếng ngát hương này. Mùa xuân không chỉ làm lay động mỗi trái tim Thanh Hải, nó đã chiếm lấy trái tim của biết bao người thi sĩ khác, trong đó có Nguyễn Bính:
“Và tựa hoa tươi, cánh nở dần,
Từng hàng thục nữ dậy thì xuân
Đường hương thao thức lòng quân tử
Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân. “
Nếu khổ 1 là mùa xuân của thiên nhiên đất trời, thì sang khổ thơ thứ hai, Thanh Hải đã dùng thơ để tái hiện khung cảnh mùa xuân của cuộc sống, mùa xuân của con người:
” Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng.”
Thanh Hải đã khơi gợi ra mùa xuân tươi đẹp gắn với hình ảnh con người bằng cuộc sống lao động hăng say, cần mẫn, từ đó thay lời ngợi ca, tôn vinh công sức lớn lao của họ. Và họ chính là “người cầm súng”, “người ra đồng”. “Người cầm súng” đại diện cho những người lính, cầm chắc vũ khí trong tay, hy sinh tuổi trẻ, mạng sống để chiến đấu giành lại độc lập và giữ vững non sông. Còn “người ra đồng” đại diện cho những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh quẩn quanh lũy tre, mảnh ruộng, chăm cấy chăm cày để làm giàu cho đất nước. Họ là đại diện cho toàn thể nhân dân, cho bao lớp người đang từng ngày cống hiến để góp phần dựng xây quê hương, mang mùa xuân về cho tổ quốc.
” Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.”
Một mùa xuân tươi mới, một mùa xuân tràn đầy sức sống và một mùa xuân đầy “lộc”. “Lộc” là những chiếc cành, chiếc lá mơn mởn xanh, chớm nở khi xuân về, tượng trưng cho sinh khí, hơi thở và nhựa sống của đất trời. “Lộc” – một hình ảnh tả thực nhưng cũng là hình ảnh ẩn dụ trong thơ của Thanh Hải. “Lộc” là cành lá ngụy trang trên bờ vai, lưng áo, vành mũ, giúp những người chiến sĩ che mắt quân thù, là những mầm non xanh ngắt đang được ươm mầm, từng ngày phát triển trên cánh đồng mênh mông, bát ngát của người nông dân. “Lộc” tiếp thêm sức mạnh giúp “người cầm súng” xông pha nơi trận mạc, giúp “người ra đồng” có một mùa vụ bội thu.
Hơn thế nữa, “lộc” là sức trẻ căng tràn, là nhiệt huyết sục sôi nơi trái tim người lính, “lộc” là ước vọng, là kết tinh của sự cần cù, chăm chỉ nơi bàn tay người nông dân lấm bùn. Và “lộc” chính là niềm tin, là hoài bão, là hy vọng, là tương lai tươi sáng.
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Dù là người cầm súng nơi chiến trường, biên cương hay người cầm cuốc cày nơi hậu phương, đồng ruộng thì họ đều đang nỗ lực từng ngày để làm nên mùa xuân cho đất nước. Không phải là một người hay vài người mà là “tất cả”, là lớp lớp thế hệ, là toàn thể nhân dân. Người lính can đảm, kiên cường bảo vệ độc lập, tự do, người nông dân một nắng hai sương làm giàu cho tổ quốc. “Tất cả” đều “hối hả”, “tất cả” đều “xôn xao”, tất cả đều nỗ lực lao động, không ngừng cống hiến để góp sức mình nhỏ bé để tạo thành mùa xuân lớn cho dân tộc, thay tấm áo mới cho non sông. Ý thơ này làm ta liên tưởng đến những câu thơ của Hồ Chí Minh:
“Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết
Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc
Mau cải thiện tâm, tài, lực cho dân
Vì sự nghiệp chung hãy cho học sống và học chết
Hỡi đồng bào yêu quý hãy lắng nghe tôi hát
Rồi học thương yêu nhau đoàn kết cùng nhau. “
Trước cảnh sắc mùa xuân nhiều màu sắc và mang nhiều ý nghĩa, Thanh Hải đã đưa ra cái nhìn sâu sắc, tiếng lòng tin tưởng về đất nước, dân tộc:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao.
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước. “
Chỉ bằng một câu thơ, nhà thơ Thanh Hải đã khái quát được cả chiều dài lịch sử của đất nước. Đất nước ta đã đi qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đầy “vất vả và gian lao”. Đó là hàng nghìn năm Bắc thuộc, hàng chục năm quân Pháp xâm lược, rồi đến mấy thế kỷ quân Mỹ nhòm ngó. Đó là những đêm dài tăm tối, những tháng năm gông cùm và những cuộc đời nô lệ:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc. ”
Thế nhưng, vượt qua tất cả “vất vả và gian lao”, đất nước vẫn sáng ngời “như vì sao”. Lịch sử đã chứng minh, đất nước Việt Nam anh hùng và bất khuất. Bao thế hệ ra đi, bao lớp người ngã xuống, hình hài của đất nước được tạo nên từ máu xương, nước mắt của bao cuộc đời. Như vì sao chiếu sáng và vĩnh hằng, tổ quốc ta trường tồn và bất diệt. Tình yêu đất nước nồng nàn, lý tưởng sống cao cả, tinh thần đoàn kết lớn lao cho Việt Nam ta sức mạnh để vượt qua mọi thử thách và khó khăn.
Bằng nỗ lực của toàn dân, bằng sự cống hiến của cả dân tộc, đất nước “cứ đi lên phía trước”. Trước cảnh xâm lăng ta quyết giành lại độc lập, trong nghèo khó ta quyết cần cù lao động. “Tất cả” cùng một ý chí, một quyết tâm thay da đổi thịt cho tổ quốc, xây dựng đất nước giàu đẹp, ”sánh vai với các cường quốc năm châu”. Câu thơ tràn ngập sự tin tưởng, niềm hy vọng vào ngày mai của đất nước, một ngày mai đổi mới, một ngày mai tiến bộ, một ngày mai phát triển. Việt Nam – đất nước đi lên từ máu, từ nước mắt, từ bom đạn và từ đau thương:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. ”
Đề bài: Viết đoạn văn phân tích nội dung khổ 3 bài “Mùa xuân nho nhỏ”
Mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ thả hồn mà sáng tác. Ta đã từng bắt gặp một mùa xuân buồn man mác trong thơ của Chế Lan Viên:
“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu”
Trái ngược với mùa xuân ấy, mùa xuân của nhà thơ Thanh Hải trong tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” lại hiện lên vô cùng vui tươi, rực rỡ và tràn đầy sức sống, hy vọng. Và ở 3 khổ thơ đầu bài thơ, Thanh Hải đã vẽ nên sắc xuân của thiên nhiên, sắc xuân của con người và sắc xuân của đất nước.
Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ tái hiện khung cảnh thiên nhiên độ xuân sắp về:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Nhà thơ Thanh Hải là người con của xứ Huế mộng mơ nên dường như ông đã ưu ái mà mang mùa xuân Huế vào những câu thơ của mình. Bức tranh thiên nhiên của ông có dòng sông xanh, có bông hoa tím và có cả tiếng chim chiền chiện. Dòng sông xanh ấy phải chăng là dòng sông Hương nhẹ nhàng ôm trọn lấy Huế, nhiều lần đi vào thơ bởi vẻ đẹp trữ tình, duyên dáng:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
Thanh Hải đã sử dụng biện pháp đảo ngữ ở hai câu thơ đầu tiên, đặt động từ “mọc” lên trước chủ ngữ “bông hoa tím biếc”, để làm nổi bật cái vẻ rực rỡ, sắc màu, sống động của mùa xuân. Giữa một dòng sông rộng lớn, trải dài một màu xanh bất tận, một bông hoa tím biếc xuất hiện rồi cái tím bắt đầu lan tỏa, nhuộm màu cả một vùng trời, một khoảng không gian. Sắc tím còn là màu sắc đặc trưng của thành phố Huế, đại diện cho sự mộng mơ, nét đằm thắm, trữ tình, hồn hậu của con người nơi đây. Thế nên màu tím đi vào thơ của Thanh Hải, làm điểm nhấn của cả bức tranh, rồi mang theo cả hồn Huế thả vào những vần thơ tả cảnh mùa xuân.
Nhà thơ hướng lăng kính của mình lên cao hơn, ông bắt gặp “con chim chiền chiện” đang gọi mùa xuân về. Con chim hót “vang trời”, tiếng hót thánh thót, ngân nga, vang vọng khắp cả một khoảng không rộng lớn, chạm đến cả bầu trời xanh cao. Đứng giữa không gian tràn ngập hơi thở mùa xuân ấy, trái tim Thanh Hải rộn ràng, say đắm, đến nỗi ông phải thốt lên một tiếng “Ôi” đầy ngỡ ngàng. Mùa xuân đang đến thật gần, một mùa xuân tươi mới, thanh khiết, một mùa xuân rực rỡ, sắc màu và một mùa xuân ngập tràn sức sống. Những câu thơ này của Thanh Hải làm ta bất giác nhớ đến những vần thơ của Tố Hữu:
“Ồ! tiếng hát vui say
Con chim chiền chiện
Trên đồng lúa chiêm
Xuân chao mình bay liệng…”
Thanh Hải đã sử dụng một cách khéo léo phép tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ âm thanh tiếng chim được cảm nhận bằng thính giác, nhà thơ chuyển sang những “giọt long lanh” được cảm nhận bằng xúc giác một cách rất tự nhiên và tinh tế:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
“Giọt long lanh” phải chăng là giọt mưa xuân êm đềm, là giọt nắng đầu tinh khôi, giọt sương sớm của tiết trời chớm lạnh hay là giọt hạnh phúc kết tinh? “Giọt long lanh” của Thanh Hải gợi nhiều liên tưởng, nhưng có lẽ chính xác nhất là giọt của tiếng chim. Tiếng chim ngân nga, trong trẻo, gọi mùa xuân, chứa chan cảm xúc. “Giọt long lanh” ấy là lắng đọng của hơi thở mùa xuân, của sức sống căng tràn, báo hiệu xuân đang đến thật gần. Và dường như, chỉ mình Thanh Hải có thể cảm nhận, có thể trông thấy tiếng chim chiền chiện này. Để rồi khi nhà thơ thấy tiếng chim “rơi”, ông đã “đưa tay tôi hứng” bằng tất cả sự trân trọng, vui mừng, hân hoan khi mùa xuân đang dần chạm ngõ.
Bước sang khổ thơ thứ hai, Thanh Hải đã hướng ngòi bút đến mạch thơ miêu tả mùa xuân của con người, mùa xuân của đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng.
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Khổ thơ với các biện pháp tu từ điệp cấu trúc, điệp ngữ, ẩn dụ đã gợi ra cho người đọc bao hình dung, liên tưởng. “Người cầm súng” là những người chiến sĩ với cây súng trên vai đang từng ngày chiến đấu nơi chiến trường bom đạn. “Người ra đồng” là những người nông dân với cái cuốc, cái cày miệt mài ở hậu phương ươm mầm cho từng hạt thóc, củ khoai. Họ đều là những người mang mùa xuân của đất nước trên vai, mang mang xanh của “lộc” trải khắp mọi miền của tổ quốc. “Người cầm súng” là “lộc giắt đầy trên lưng” còn “người ra đồng” là “lộc trải dài nương mạ”.
Lộc là những mầm non mỡ màng, xanh mơn mởn, đại diện cho sức sống căng tràn, cho nhựa sống đong đầy. Vì thế đi vào thơ Thanh Hải, “lộc” là hình ảnh ẩn dụ cho mùa xuân của đất nước. “Lộc” là cành lá ngụy trang, giúp người lính anh hùng che mắt kẻ thù và làm lên tương lai tươi sáng, độc lập cho đất nước. “Lộc” cũng là mầm xanh nơi ruộng đồng, giúp người nông dân một nắng hai sương có mùa vụ bội thu, làm nên ngày mai khấm khá, phát triển cho tổ quốc.
Như vậy, “lộc” là kết tinh của tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, là kết quả của sự chăm chỉ, cần cù, là thành quả của “tất cả” những lớp người đã sống để cống hiến, để hy sinh để dựng xây quê hương giàu đẹp. Đúng vậy, không phải một người hay vài người, mà là “tất cả”, là toàn dân, là cả dân tộc. Dù họ là ai, đã già hay còn trẻ, là nam hay là nữ, dù họ có làm gì, sinh sống vùng miền nào thì cũng đều “hối hả”, đều “xôn xao”, đều cố gắng từng ngày để góp sức mình nhỏ bé mà làm lên mùa xuân lớn lao cho đất nước. Nguyễn Đình Thi cũng từng viết rằng tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những lớp người anh hùng:
“Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”
Tiếp tục mạch thơ, nhà thơ đã thổ lộ những dòng suy ngẫm đầy sâu sắc về đất nước:
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
“Bốn nghìn năm” là cả chiều dài dựng nước và giữ nước đầy thăng trầm, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Bốn nghìn năm ấy là bốn nghìn năm “vất vả và gian lao”, nhân dân ta nếm mật, nằm gai, chịu cảnh xiềng xích, nô lệ. Nhưng đó cũng là bốn nghìn năm vẻ vang, anh hùng, bốn nghìn năm làm lên trang sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”:
“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
– Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…”
Như những vì sao vĩnh hằng, đất nước Việt Nam ta trường tồn và bất diệt. Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội phản thì dẹp nội phản. Đất nước ta sẽ “cứ đi lên phía trước” dẫu phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, đương đầu bao nhiêu thách thức. Bằng tình yêu đất nước, bằng sức mạnh đoàn kết, toàn thể nhân dân quyết dựng xây đất nước giàu mạnh, văn minh. Câu thơ chứa đựng niềm tin sắt đá của Thanh Hải dành cho tương lai của đất nước, một tương lai mà đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” và cả niềm hy vọng dành cho thế hệ mai sau có thể cống hiến, hy sinh để:
“Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Như vậy, chúng tôi đã tổng hợp cho bạn đọc những kiến thức cần thiết khi phân tích 3 khổ đầu bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Hy vọng, bài viết này sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp bạn đọc học tập tốt hơn và đạt điểm số cao hơn ở trường.
Xem thêm: Phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” – Tú Xương hay và đầy đủ nhất
Phân Tích, Văn Học -Phân tích 4 câu đầu bài “Thương vợ” – Tú Xương hay và đầy đủ nhất
Phân tích khổ 1 bài “Từ ấy” của tác giả Tố Hữu hay nhất
Phân tích bé Thu – truyện ngắn “Chiếc Lược Ngà” hay và chi tiết
Phân tích bài “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đầy đủ nhất
Phân tích nhân vật Bá Kiến chi tiết trong tác phẩm “Chí Phèo”
Phân tích Thúy Kiều tác giả Nguyễn Du – trích “Kim Vân Kiều Truyện”
Phân tích nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa”