Các thể thơ Việt Nam thường gặp

Thơ là một thể loại văn học được sáng tác và lưu truyền từ rất lâu. Vậy ở Việt Nam thường có các thể thơ nào? Quy luật làm thơ của mỗi thể loại ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.

Nội dung bài viết

Các thể thơ Việt Nam

Thơ lục bát

Thơ lục bát là thể loại thơ đặc trưng có từ rất lâu của dân tộc ta. Thơ lục bát gồm các cặp câu thơ 6 chữ và tám chữ xen kẽ nhau. Thường thì một bài thơ lục bát sẽ bắt đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát. Số lượng câu trong một bài không giới hạn.

Nhắc đến các thể thơ Việt Nam, không ai là không biết đến thơ lục bát bởi nó đã xuất hiện từ rất lâu và gắn liền với đời sống trong ca dao, đồng dao, trong các lời ru của bà, của mẹ.

Thơ lục bát cũng có nghiêm ngặt về luật bằng trắc:

Câu 1,3,5 tự do về thanh còn câu 2,4,6 tuân thủ luật B – T – B (câu lục) B – T – B – B (câu lục)

Cách gieo vần: Thơ lục bát là thể thơ sáng tạo của dân tộc ta, vì vậy ngoài nghiêm ngặt về luật bằng trắc thì cách gieo vần lại rất linh hoạt. Có nhiều cách gieo vần trong thơ lục bát như gieo vần bằng, tiếng cuối của câu lục hiệp với tiếng thứ sáu của câu bát, sau đó lại hiệp vần với tiếng tiếp theo của câu lục sau cho đến khi hết bài.

Ví dụ:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

(Rằm tháng Giêng – Hồ Chí Minh)

Thơ Song thất lục bát

Song thất lục bát nằm trong số các thể thơ truyên thống sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Song thất tức là hai câu 7 chữ rồi đến cặp lục – bát cứ như vậy đến hết bài.

Luật bằng – trắc trong thơ song thất lục bát:

– Trong câu 7 chữ, chữ thứ 3,5,7 lần lượt là T – B – T, câu 7 chữ dưới ngược lại: 3,5,7 đảo thành B – T – B

– Đến cặp lục bát dưới lại theo luật bằng trắc của thể lục bát.

Cách gieo vần:

Chữ cuối cùng trong câu 7 chữ trên hiệp vần với chữ thứ 5 của câu 7 chữ dưới, chữ cuối cùng câu này vần với chữ thứ 6 trong câu lục, chữ cuối câu lục lại vần với chữ thứ 6 câu lục. Cách hiệp vần cho tới cuối.

Ví dụ:

“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền.
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
Nhủ rồi taylại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng.”

(Trích Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm)

Xem thêm >>>Các thể thơ trong văn học Việt Nam thường gặp nhất

 

Thơ đường luật

Thơ đường luật có nguồn gốc rất lâu từ Trung Quốc, khi du nhập vào Việt Nam thì được kế thừa và phát triển. Thơ đường luật có tính nghiêm ngặt rất lớn về luật bằng – trắc và cách gieo vần. Khi làm thơ Đường luật rất khó vì không được phá vỡ tính quy luật của nó.

Tính quy luật được thể hiện ở số câu trong bài và số chữ trong câu

– Số câu: 4 câu – 7 chữ gọi là thể thất ngôn tứ tuyệt

Ví dụ: Trong bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

– Số câu: 8 câu – 7 chữ gọi là thất ngôn bát cú đường luật

Cấu trúc của bài thơ thất ngôn bát cú đường luật:

+ Hai câu đầu 1,2: Mở đề và vào đề

+ Hai câu tiếp 3,4: Câu thực

+ Câu 5,6: Câu luận

+ Câu 7,8: Câu kết

Ví dụ: Bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.”

Hai câu đầu là câu đề giới thiệu về khung cảnh đèo ngang

Hai câu thực miêu tả về cuộc sống con người

Hai câu luận là đưa ra suy luận, suy nghĩ của tác giả: nỗi nhớ nhà

Hai câu kết: kết lại vấn đề: kết lại nỗi nhớ của nhân vật trữ tình.

– Số câu: 4 câu – 5 chữ gọi là thơ ngũ ngôn tứ tuyệt

Ví dụ:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu thấy trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương”

(Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh – Lí Bạch)

Thơ bốn chữ

Là thể thơ có 4 chữ trong một bài, số lượng câu trong bài không giới hạn.

Luật bằng – trắc: có sự luân phiên nhau B – T hoặc T – B trong chữ thứ 2 và thứ 4

Cách gieo vần: không bó buộc cách gieo vần, có thể sử dụng các cách hiệp vần như vần bằng, vần chéo…

Ví dụ:

“Ngày Huế đổ máu,
Chú Hà Nội về,
Tình cờ chú cháu,
Gặp nhau Hàng Bè

Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…”

(Lượm – Tố Hữu)

Thơ năm chữ

Thơ năm chữ là loại thơ có 5 chữ trong một câu, không giới hạn số câu trong bài

Luật bằng trắc và cách hiệp vần tương tự như thơ 4 chữ.

Ví dụ:

“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”

(Trích Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)

Thơ sáu chữ

Các câu trong bài gồm 6 chữ

Cách hiệp vần: hiệp vần chéo hoặc vần ôm

Ví dụ:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

con về rợp bướm vàng bay”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Thơ bảy chữ

Các câu trong bài thơ có 7 chữ, số lượng câu không hạn chế trong bài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thể thất ngôn bát cú đường luật nên luật bằng trắc và gieo vần vẫn rất nghiêm ngặt.

Ví dụ:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
(Tú Xương – Thương vợ)

Thơ tám chữ

Các câu trong bài có 8 chữ, số lượng câu không giới hạn trong bài.

Luật bằng trắc: Chữ cuối và thứ 3 là bằng thì chữ 5,6 là trắc và ngược lại

Cách gieo vần: gieo vần tiếp, vần chéo, vần ôm

Thơ tự do:

Thơ tự do là thể thơ mà không có giới hạn về số câu trong khổ, số khổ thơ trong bài và số chữ trong câu. Luật bằng trắc cũng không nghiêm và cách gieo vần cũng rất linh hoạt tùy vào dụng ý của tác giả.

Ví dụ: Trong thể thơ hiện đại, các nhà thơ sử dụng rất nhiều thể thơ tự do trong sáng tác thể hiện sự phá cách và cái tôi của người nghệ sỹ.

“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

(Trích Sóng – Xuân Quỳnh)

Trong khổ thơ số chữ của một câu không thống nhất, gieo vần ở hai chữ cuối câu 1,2.

Như vậy, trên đây là một số các thể thơ Việt Nam thường gặp. Các bạn hãy đọc kỹ để biết cách phân biệt từng thể loại thơ và đặc điểm của từng loại nhé. Điều này cũng giúp các bạn dễ dàng hơn trong quá trình phân tích một thể loại thơ.

Thuật Ngữ -