Cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa hay nhất
Tiếng gà trưa là bài thơ về tình bà cháu giản dị và thắm thiết. Bằng những suy nghĩ của mình hãy viết cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa. Sau đây là bài văn do tác giả biên soạn chỉ mang tính chất tham khảo là chính thôi các bạn nhé.
Cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa
Xuân Quỳnh không chỉ được biết đến với danh hiệu bà hoàng của thơ tình yêu mà bà còn được đón nhận qua những dòng thơ sâu lắng, nhẹ nhàn, dạt dào xúc cảm về tình cảm gia đình. Tiếng thơ gia đình trong Xuân Quỳnh luôn gợi ra chiều sâu, chứa chan yêu thương trong tâm hồn mỗi người. Tiếng gà trưa là một trong những chất thơ như thế.
Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ bình dị, tự nhiên:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
Người chiến sĩ sau những tháng ngày hành quân xa miệt mài, dừng chân bên xóm nhỏ. Âm thanh đầu tiên mà người chiến sĩ cảm nhận được đó là tiếng gà cục tác. Đó là âm thanh quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam. Nó gợi ra khoảng không gian thanh bình, giản dị. Để rồi tiếng gà dâng lên bao nỗi niềm xúc cảm trong lòng người chiến sĩ. Người chiến sĩ thấy lòng xao động, thấy những mệt mỏi, âu lo như tan biến hết cả. Điệp từ “nghe” được lặp lại 2 lần đặt ở đầu dòng thơ như trải dài hơn, lan tỏa hơn cái âm thanh diệu kì ấy. Và đâu chỉ dừng ở hiện tại, tiếng gà trưa còn đưa lối ta về với những kí ức ngọt ngào của tuổi thơ.
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng”
Người chiến sĩ ấy cả những chi tiết nhỏ nhặt của chú gà, có chú bộ lông hoa đốm trắng, có chú màu vàng óng. Những gam màu nóng đan xen hài hòa tô vẽ nên bức tranh quê hương sống động, rực rỡ sắc màu. Những hình ảnh ấy hiện về trong tâm trí người chiến sĩ thật đẹp, thật gần gũi nhường nào.
Và sau khúc dạo đầu ấy, là hình ảnh người bà dần hiện ra:
“Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng
Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp”
Tiêng gà trưa khiến người chiến sĩ nhớ về bà, nhớ về công lao sớm hôm tần tảo và cả tình yêu thương lo lắng bà dành cho các cháu. Nhớ biết mấy những tiếng mắng yêu của bà khi cháu tò mò lén nhìn gà đẻ: Gà đẻ mà mày nhìn, rồi sau này lang mặt. Bà tỉ mỉ nâng niu từng quả trứng để cho gà mái ấp, cho sớm có đàn gà to.
Bao công sức sớm hôm, lam lũ bà đâu dành riêng cho mình mà lúc nào cũng hướng về các con các cháu:
“Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt”
Đàn gà con mới sinh, sức khỏe còn yếu ớt lại phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá của mùa đông. Trong lòng bà lúc nào cũng nơm nớp lo cho đàn gà được phát triển khỏe mạnh. Bà luôn cầu mong đàn gà thoát khỏi nạn dịch của mùa đông sương muối. Chắt chiu bao niềm hi vọng để cuối cùng kết tụ lại cũng vẫn là : “Để cuối năm bán gà, cháu được quần áo mới.” Bà không ngại khó khăn, không ngại cực nhọc chỉ mong tất cả sự hi sinh, công sức nhọc nhằn này sẽ đổi lại được bộ quần áo mới cho cháu. Với tất cả tình thương bà luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất dành cho cháu của mình.
Hình ảnh tả thực của bộ quần áo mới còn khiến lòng ta rưng rưng: quần rộng dài quét đất; áo cánh chúc bâu đi qua nghe sột soạt. Cả năm mới dành dụm để mua được bộ quần áo thế nhưng đó lại là bộ quần áo rộng, dài. Bởi vi sao? Bởi cháu lớn nhanh, bộ quần áo để cho cháu có thể mặc những năm những năm sau nữa. Hiện thực của chiến tranh khắc nghiệt của nghèo đói, cơ cực phần nào ẩn hiện trong từng câu chữ. Nhưng giữa ngôi nhà tranh ấy vẫn ngời sáng lên rạo rực của tình cảm bà cháu:
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”
Tiếng gà trưa đã theo chân cháu suốt những năm tháng tuổi thơ. Tiếng gà trưa chính là biểu trưng cho tình cảm thiêng liêng đượm nồng, cho sự yêu thương, vuốt ve chăm soc của bà dành cho cháu. Bà vỗ về cháu từng bữa ăn, giấc ngủ. Tiếng gà trưa hun đúc trong cháu tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, yêu đất nước. Là động lực mạnh mẽ để cháu lên đường, vượt qua bao gian nan khó khăn chiến đấu để sớm ngày trả lại sự bình yên cho quê hương, đất nước thân thuộc. Cháu chiến đáu hôm nay đẻ không phụ lòng mong mỏi, dưỡng dục của bà. Hình ảnh ổ trứng hồng phải chăng là hình ảnh ẩn dụ cho niềm tin, tương lai chiến thắng của quân đội ta. Khổ thơ cuối khép lại với bao nghẹn ngào, bao xúc cảm và cả bao ý chí, quyết tâm dũng mãnh. Cái nhẹ nhàng đan xen với cái sâu lắng, mạnh mẽ là một trong những nét rất riêng, rất đẹp của những anh bộ đội Việt Nam.
Bài thơ Tiếng gà trưa đã kết hợp độc đáo được tình cảm gia đình với tình yêu quê hương, đất nước. Đi từ những chi tiết nhỏ nhặt để diễn tả cái chung, cái to lớn, đó là nét độc đáo mang phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã làm bừng sáng lên tình cảm bà cháu thiêng liêng giữa những năm tháng mưa bom bão đạn ác liệt của chiến tranh chống Mỹ. Và chính tình cảm gia đình đã tô vẽ, làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước. Cũng giống như nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua đã từng đúc kết: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.
Nguyễn Hoa
Lớp 9 -Nội dung, đặc sắc nghệ thuật bài thơ Viếng lăng bác
Đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà hay và cảm động
Bài viết số 3 lớp 9 đề 4: Kể cuộc gặp gỡ anh bộ đội nhân ngày 22/12
Bài viết số 3 lớp 9 đề 3: kể kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô cũ
Đóng vai người lính kể lại bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện ngắn Lặng lẽ Sapa
Đóng vai anh thanh niên kể lại truyện Lặng lẽ Sapa lớp 9