Phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè” – Nguyễn Trãi chi tiết

Phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè” để thấy được thiên nhiên qua cảm nhận của đại thi ca Nguyễn Trãi đẹp tinh tế đến nhường nào. Bài viết sau đây các bạn cùng tham khảo để có thêm tư liệu học tập cho mình nhé!

Nội dung bài viết

Dàn ý bức tranh thiên nhiên trong “Cảnh ngày hè”

Dàn ý phân tích sẽ giúp bạn đọc dễ dàng hiểu được nội dung, ý nghĩa của bài thơ hơn. Dưới đây là dàn ý bức tranh thiên nhiên trong “Cảnh ngày hè”, mong rằng bài viết này sẽ hữu dụng cho các bạn nhé!

Mở bài phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè”

– Khái quát sơ lược về tác giả Nguyễn Trãi và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm “Cảnh ngày hè”.

– Nêu vấn đề và giới thiệu chung về bức tranh thiên nhiên trong bài “Cảnh ngày hè”.

– Trích dẫn đoạn thơ bài “Cảnh ngày hè”.

Thân bài phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè”

– Nhà thơ tận hưởng bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè” trong tâm thế ung dung, thư thái, nhàn hạ. Tác giả sử dụng từ “rồi” thể hiện mức độ nhàn rỗi, không còn việc gì để bận tâm nữa nên ngồi hóng mát dưới gốc cây rợp bóng “thuở ngày trường”.

– Cảnh vật trong bức tranh thiên nhiên qua cảm nhận của nhà thơ:

+ Tác giả sử dụng những hình ảnh quen thuộc của mùa hè như cây hoè, thạch lựu, hoa sen đó là những hình ảnh thân thuộc, gần gũi vô cùng giản dị của làng quê Việt Nam.

+ Màu sắc mà nhà thơ sử dụng với những gam màu rực rỡ như lục, đỏ, hồng cho thấy bức tranh thiên nhiên hiện lên vô cùng nổi bật và sống động.

+ Tác giả không chỉ cảm nhận thiên nhiên qua thị giác mà còn cảm nhân qua khứu giác đó là hương thơm của hoa sen mùa hè thể hiện sức sống của thiên nhiên nơi đây tươi mới và tràn đầy.

– Hình ảnh cuộc sống điểm tô thêm phần sinh động cho bức tranh thiên nhiên:

+ Nhà thơ lại tiếp tục vận dụng những hình ảnh quen thuộc của làng quê như “ngư phủ”, “cầm ve”, “lầu tịch dương” thể hiện tình cảm tha thiết, gắn bó với quê hương, làng nước.

+ Âm thanh của cuộc sống được tác giả thể hiện qua “lao xao chợ cá”, “dắng dỏi cầm ve”.

+ Hình ảnh chợ cá hoạt động náo nhiệt, vui tươi, sôi động thể hiện cho một cuộc sống sung túc, thanh bình. Và thêm vào đó là âm thanh quen thuộc báo hiệu hè về là tiếng ve kêu râm ran, rạo rực.

– Bằng cách sử dụng các từ láy kết hợp với bút pháp miêu tả sinh động bức tranh thiên nhiên “cảnh ngày hè” hiện ra vô cùng rực rỡ với nhiều màu sắc tươi tắn, cảnh vật phong phú, âm thanh sống động.

Kết bài phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè”

– Khái quát chung bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè”. Đó là một bức tranh làng quê đẹp giản dị mà căng tràn sức sống cho thấy tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.

– Liên hệ bản thân với ý nghĩa, nội dung bài thơ.

Tổng hợp một số dạng đề văn phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè”

Dưới đây là bài viết tổng hợp một số dạng đề văn phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè” đã được chọn lọc và biên soạn. Các bạn cùng tham khảo nhé!

Đề bài: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Cảnh ngày hè”

Trong nền văn học Việt Nam không thể không nhắc đến Nguyễn Trãi. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ văn đặc sắc. Trong đó bài thơ “Cảnh ngày hè” được ông viết khi ông tạm tránh xa chốn quan trường đầy thị phi mà lui về ở ẩn làm bạn cùng với thiên nhiên, sống một cuộc sống thanh cao, đạm bạc với quê nhà giản dị.

Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ. Nếu trước kia tác giả luôn bận bịu với công việc của đất nước thì giờ đây lại trái ngược lại với điều đó. Tác giả thả hồn mình vào tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trong tư thế quá đỗi nhàn rỗi, ung dung, không còn việc gì phải vướng bận. Nhà thơ ngồi “hóng mát thuở ngày trường” cho thấy sự nhàn rỗi ngày qua ngày của tác giả, hóng mát cả một ngày dài và ngày qua ngày đều như thế. Dường như đằng sau câu thơ ấy là tiếng thở dài khi đất nước còn đang trong giai đoạn khó khăn nên ngồi hóng mát ở đây như là một lẽ bất đắc dĩ.

Chính vì vậy, tác giả đã mở lòng với vẻ đẹp của thiên nhiên để có thể vơi đi nỗi lo canh cánh trong lòng mình. Bức tranh thiên nhiên qua miêu tả của tác giả là một bức tranh làng quê với vẻ đẹp giản dị, gần gũi và đầy đủ sắc màu với màu xanh của cây hoè, màu đỏ của cây thạch lựu, màu hồng của hoa sen dưới cái nắng vàng của buổi chiều mùa hè phảng phất hương thơm của sen mùa hạ. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, tươi tắn, sinh động và tràn đầy sức sống.

Hình ảnh “lao xao chợ cá” được tác giả tô điểm thêm vào bức tranh cho thấy hoạt động cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Bằng cách sử dụng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi của làng quê như “ngư phủ”, “lầu tịch dương” kết hợp với âm thanh của chợ cá náo nhiệt, vui vẻ là âm thanh của cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Có lẽ đây cũng là mong ước lớn lao nhất luôn canh cánh trong lòng của tác giả.

Bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè” qua nét bút của tác giả hiện lên với vẻ đẹp bình dị, mang màu sắc rực rỡ, tươi tắn, sinh động và tràn đầy sức sống. Qua đó cho thấy tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả thì mới cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên một cách tinh tế đến vậy.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Câu cá mùa thu và so sánh với bài thơ “Cảnh ngày hè”

Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ “Câu cá mùa thu” Nguyễn Khuyến đã đưa những hình ảnh quen thuộc, dân dã tạo ra một không gian vừa đối lập vừa hài hoà “ao thu” và “thuyền câu bé tẻo teo”. Giữa một cái “ao” chỉ có chiếc thuyền câu của tác giả gợi lên sự cô đơn, buồn bã. Đã vậy cái “tĩnh lặng’ của mặt nước và cái “lạnh lẽo” càng làm đậm nét cảm giác cô đơn, quạnh hiu. Bức tranh mùa thu hiện ra đẹp một cách trong trẻo, bình dị nhưng thấp thoáng nỗi buồn man mác, sự cô đơn trong tâm hồn của tác giả.

Nếu như hai câu thơ đầu sự tĩnh lặng đã được tác giả khắc họa rõ nét thì trong hai câu tiếp theo ông đã thêm vào bức tranh thu những hoạt động của cảnh vật bằng cách lấy động tả tĩnh “hơi gợn tí” “khẽ đưa vèo”. Những tưởng những cái hoạt động ấy sẽ làm bức tranh thu trở nên sống động nhộn nhịp hơn nhưng lại càng làm cho sự tĩnh lặng tăng lên. Phải là không gian tĩnh lặng lắm mới nghe được những cơn sóng hơi gợn tí và chiếc lá vàng rơi khẽ. Bức tranh thu tuy có đẹp nhưng bao trùm vẫn là cảm giác đượm buồn, tĩnh lặng.

Bóng dáng người câu cá hiện ra trong hai câu kết trong tư thế nhàn hạ. Trong những ngày từ quan lui về ở ẩn, ông tìm kiếm thú vui bình dị, tao nhã để quên đi chốn quan trường đầy thị phi.

Khi so sánh bức tranh thiên ở bài “Câu cá mùa thu” và bức tranh thiên nhiên bài “Cảnh ngày hè” thì thấy điểm giống nhau ở hai bức tranh này là hoàn cảnh của hai thi nhân đều đang trong cùng một tâm trạng tạm xa rời chốn quan trường để trở về quê nhà sống một cuộc sống lạc quan, giản dị. Thêm nữa, cả hai thi nhân đều sử dụng những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của làng quê để thể hiện trong thơ của mình.

Nếu như bức tranh thiên nhiên buổi chiều thu câu cá là một bức tranh đẹp một cách tĩnh lặng thì bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè lại trái ngược lại là thiên nhiên vô cùng rực rỡ, sống động, nhịp sống rộn rã, tươi vui tràn đầy sức sống. Dù cho cách cảm nhận thiên nhiên của hai thi nhân bằng cách nào đi nữa thì bức tranh thiên nhiên vẫn hiện lên thật đẹp theo cách riêng của mỗi tác giả.

Qua đây mới thấy thiên nhiên luôn là chất liệu xúc tác tuyệt vời tạo cảm hứng cho các nhà thơ thể hiện tấm lòng tình yêu tha thiết với thiên nhiên vô cùng sâu sắc của các nhà thơ.

Nhưng ẩn chứa đằng sau hai bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy là tâm trạng xót xa, nỗi lo lắng đau đáu trong lòng của hai thi nhân khi đất nước đang trong cảnh loạn lạc, đầy khó khăn từ đó thấy được tinh thần yêu quê hương, đất nước mong muốn nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc của hai thi nhân.

Trên đây là bài phân tích bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè” và dàn ý bức tranh thiên nhiên “Cảnh ngày hè”...hy vọng các bạn hãy tham khảo để có thêm tư liệu cho quá trình học tập của mình nhé!

Xem thêm: Phân tích bài “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài ngắn gọn và đặc sắc nhất

Phân Tích, Văn Học -