Mở bài Rừng xà nu Nguyễn Trung Thành lớp 12

Hướng dẫn mở bài Rừng xà nu, đây là một tác phẩm hay với nhiều dạng đề khác nhau. Khi làm một bài cảm nhận, không ít người vẫn luôn loay hoay nghĩ cách vào đề. Một số mở bài Rừng xà nu hay, chọn lọc sẽ giúp có ý tưởng hấp dẫn cho phần mở bài của mình.

Một số mở bài Rừng xà nu ấn tượng nhất

Mở bài 1

Nguyễn Trung Thành là nhà văn của mảnh đất Tây Nguyên không phải vì ông gắn bó với Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ mà còn bởi ông là người viết hay nhất về Tây Nguyên. Những sáng tác về Tây Nguyên là những tác phẩm thành công nhất. Truyện ngắn Rừng xà nu ra đời vào năm 1965 ở khu căn cứ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ. Đây là thời điểm diễn ra cuộc đổ quân đầu tiên của đế quốc Mĩ , ngày bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Rừng xà nu được viết trong những ngày “sục sôi, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hứng, hào hùng”. Lúc đầu nhà văn định viết một truyện ngắn về đồng bằng để cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của dân tộc. Nhưng ông không hề viết được một truyện ngắn nào theo như dự định. Đúng lúc ấy, cảm hứng về cây xà nu của đất rừng Tây Nguyên và sự anh dũng của con người mảnh đất này đã khơi nguồn cảm xúc cho tác giả viết nên truyện ngắn xuất sắc “Rừng xà nu”.

Mở bài 2

Tây Nguyên – mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng với những con người nồng hậu yêu thương, kiên cường bất khuất từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao người nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp đẽ cho tâm hồn cất cánh, cho ngòi bút thăng hoa. Nhà thơ Ngọc Anh có “Bóng cây kơ – nia” như nỗi lòng thổn thức của tình yêu thủy chung son sắt. Nhà thơ Thu Bồn có Bài ca chim Chơ – rao ngân vang khúc hát trong trẻo, nồng đượm tình người chiến thắng. Còn Nguyễn Trung Thành lại cho người đọc chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên khỏe khoắn mênh mông cùng con người Tây Nguyên bất khuất, kiên cường trong tác phẩm Rừng xà nu. Rừng xà nu là bản hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên đồng thời cũng là bài ca hùng tráng ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu.

Mở bài 3

Những năm 1945 – 1975 dân tộc ta phải gánh vác những nhiệm vụ lịch sử rất lớn lao. Đó là đánh đuổi hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ cùng với công cuộc xây dựng, kiến thiết Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đòi hỏi ở con người sự chung sức chung lòng. Chính điều này đã tạo nên khuynh hướng sử thi cho văn học giai đoạn 1945 – 1975. Tiêu biểu cho khuynh hướng này phải kể đến tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Nguyễn Trung Thành đã tạo dựng được hình tượng nhân vật Tnu tiêu biểu điển hình cho vẻ đẹp của con người Tây Nguyên. Và số phận Tnu cũng gắn liền với con đường đi lên của cộng đồng làng Xô Man.

Xem thêm >>>Tổng hợp những mở bài về tác phẩm Rừng Xà Nu hay nhất (30 mẫu)

 

Mở bài 4

Khi nhắc đến những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi là nhắc đến những vấn đề lớn lao của dân tộc, liên quan đến vận mệnh của đất nước, cộng đồng. Ví dụ như đất nước còn hay mất, độc lập hay nô lệ. Những vấn đề riêng tư cá nhân ít được đề cập đến mà nhường chỗ cho cái chung mang tính cộng đồng. Và nó được viết bằng một giọng điệu ngợi ca trang trọng. Đặc biệt là nhân vật trong tác phẩm sử thi thường là những mẫu anh hùng lý tưởng, số phận gắn bó với những biến cố lớn lao của cộng đồng và vẻ đẹp của nhân vật kết tinh cao độ vẻ đẹp của cộng đồng. Tnu là nhân vật điển hình cho những con người như thế. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, cùng nguồn cảm hứng về cây xà nu và con người anh dũng nơi đây đã giúp ông viết được truyện ngắn xuất sắc Rừng xà nu.

Mở bài 5

Nếu như Nguyễn Tuân là nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp thì Nguyễn Trung Thành lại được coi là người nghệ sĩ suốt đời săn tìm cái hùng. Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ với Tây Nguyên, cánh cửa văn học nước nhà được mở ra ở vùng đất Tây Nguyên bắt đầu chính từ Nguyên Ngọc. Trong đó rừng xà nu được coi là một mốc son đặc biệt trong văn học kháng chiến, cũng là bản hùng ca về con người Tây Nguyên thời kháng Mĩ. Truyện ngắn đã làm nổi bật hình tượng cây xà nu, loài cây “hùng vĩ, cao thượng, man dại và trong sạch” (Nguyễn Trung Thành).

Mở bài 6

Chiến tranh ác liệt qua đi không chỉ để lại những đau thương, mất mát mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những áng sử thi văn học cất cánh. Không chỉ có những tác phẩm viết về đồng bằng mà còn cả vùng đất Tây Nguyên, cũng rất thành công. Để rồi mỗi khi nhắc lại vẫn như còn vẹn nguyên cảm xúc của ngày hôm qua. Có thể nói Rừng xà nu là tác phẩm hay nhất viết về Tây Nguyên, con người Tây Nguyên thời kháng Mĩ. Câu chuyện được viết trong vòng hai tiếng rưỡi nhưng đó là kết quả của nhiều năm thai nghén, là kết tụ của những tình cảm, niềm cảm phục với những con người luôn hướng đến ánh sáng của cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng. Vì vậy, những nhân vật trong tác phẩm đều có nguyên mẫu ngoài đời nhưng khi đi vào tác phẩm đã mang ý nghĩa khái quát. Kể cả những cây xà nu, những cánh rừng xà nu đều là hiện thân của một đất nước anh hùng.

Mở bài Vợ chồng A Phủ hay nhất

Như vậy trên đây là 6 mở bài Rừng xà nu hay cho các bạn tham khảo. Hi vọng sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề bí ý tưởng nhé. Tuy nhiên, tất cả cũng là những gợi ý mà thôi. Các bạn hãy góp nhặt và sáng tạo thêm để có cái riêng thật ấn tượng đúng không nào.

Mở Bài -