Nghị luận về bạo lực học đường trong học sinh hiện nay

Bài dàn ý và văn nghị luận về bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ hiện nay.

Dàn ý về bạo lực học đường

1. Mở bài

Nạn bạo lực học đường đang là một trong những vấn đề nóng bỏng, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng trong thời gian gần đây.

2. Thân bài

a. Giải thích

– Bạo lực học đường là việc gây tổn hại giữa các học sinh; sinh viên giữa giáo viên và học sinh trong môi trường học tập.

– Bạo lực học đường xảy ra dưới nhiều hình thức: lăng mạ; xúc phạm; cố ý gây thương tích; chế giễu;…

b.Thực trạng

– Vấn đề bạo lực học đường đang là vấn đề báo động, cấp thiết trong môi trường giáo dục.

– Nạn bạo lực học đường xảy ra nhiều ở nữ sinh

– Độ tuổi chủ yếu là từ 15-18 tuổi

– Mâu thuẫn phát sinh chỉ vì những xích mích nhỏ.

– Một vài vụ việc tiêu biểu

c. Hậu quả

– Bạo lực học đường để lại nhiều hậu quả nguy hiểm, khôn lường:

+ Suy đồi đạo đức; nhân cách cá nhân

+ Gây thiệt hại về sức khỏe thậm chí là tính mạng con người

+ Gây tổn hại đến nhân phẩm; danh dự con người

+ Cá nhân có thể sẽ đối diện với sự trừng phạt của pháp luật khi còn quá trẻ=> ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp về sau.

+ Gây mất trật tự an toàn an ninh xã hội

+ Đi ngược lại với lí tưởng giáo dục : “Tiên học lễ, hậu học văn”

+ Gây tâm lí hoang mang cho các bậc phụ huynh và các bạn khác

+ Ảnh hưởng đến giảng dạy; truyền thụ kiến thức

d. Nguyên nhân

+ Tâm sinh lý mới lớn: thích thể hiện; bồng bột; thiếu suy nghĩ

+ Sự quản lí lòng lẻo từ phía nhà trường

+ Gia đình chưa quan tâm sát sao

+ Cá nhân chưa định hướng đúng; hiểu rõ về cách thức giáo dục => ức chế trong quá trình giảng dạy => mâu thuẫn

+ Bị kẻ xấu lôi kéo dụ dỗ

+ Thiên về học các môn cứng như Toán văn anh còn các môn về xây dựng bản thân và kĩ năng sống chưa được tích cực.

e. Giải pháp

+ Bản thân cá nhân: trau dôi; xác định đúng đắn mục tiêu học tập, đến trường

+ Giư vững quan điểm

+ Gia đình nhà trường nên chú ý quan tâm sát sao hơn; nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm sinh lý các em

+ Gần gũi hơn qua các buổi teambuilding; cắm trại; worrkshop; sinh hoạt chia sẻ

+ Môn học GDCD nên được chú trọng và đầu tư giảng dạy hơn.

f. Liên hệ bản thân

+ Lễ phép với thầy cô

+ Chan hòa với bạn bè

+ Tích cực học tập; rèn luyện thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi; thành tấm gương tốt và có ích cho cộng đồng.

3. Kết bài

– Nạn bạo lực học đường là một vấn nạn tiêu cực.

– Chúng ta hãy cùng nhau chung tay để đẩy lùi vấn nạn đáng sợ này, trở cho con trẻ một môi trường giáo dục lành mạnh và phát triển.

Xem thêm >>>Dàn ý nghị luận về vấn đề Bạo lực học đường

 

Bài làm nghị luận về bạo lực học đường

Xã hội ngày càng phát triển, thế hệ trẻ ngày càng được đầu tư phát triển từ sinh hoạt, đi lại, vui chơi; giải trí cho đến học tập. Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu cho một quốc gia phát triển. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư có giá trị và lâu bền. Môi trường giáo dục hiện nay được canh tân với nhiều cải cách; nhiều đầu tư trang thiết bị phục vụ tối ưu. Thế nhưng liệu rằng cứ đầu tư là sẽ phát triển đi lên hay không? Đây là một câu hỏi làm tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các chuyên gia. Bởi chất lượng của giáo dục không chỉ phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà còn phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Những năm vừa qua, dư luận báo chí không khỏi lùm xùm dấy lên những vụ nữ sinh đánh nhau, cởi đồ; giáo viên mầm non ngược đãi trẻ;.. Người ta gọi chung nó là Bạo lực học đường. Nạn bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng

Vậy Bạo lực học đường là gì mà lại có sức ảnh hưởng lớn đến thế?  Bạo lực học đường là việc sử dụng những hành vi hung tính; ngang ngược; sai trái gây tổn hại đến người khác; bao lực học đường xảy ra giữa các học sinh; sinh viên giữa giáo viên và học sinh trong môi trường học tập. Bạo lực học đường bao gồm bạo lực về tinh thần và bạo lực về thể chất được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đánh đập; lăng mạ; xúc phạm; cố ý gây thương tích; chế giễu;…

Vấn đề bạo lực học đường đang là chiếc đèn đỏ báo động dấy lên hồi chuông cấp thiết trong môi trường giáo dục. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và đào tạo thì trong một năm học, trên toàn quốc có đến hơn1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tương đương trung bình là 5 vụ/ngày và cứ trên 5200 học sinh lại có một em đánh nhau.  Đáng lo ngại hơn,  nạn bạo lực học đường xảy ra chủ yếu ở phái yếu- nữ giới và độ tuổi chủ yếu là lứa tuổi mới lớn, là từ 15-18 tuổi. Cũng theo như tiến trình điều tra, xét hỏi, các vụ bạo lực đa số phát sinh chỉ từ những xích mích nhỏ như: kiêu; điệu; ngứa mắt; hay đôi co tình cảm,..

Trên các trang báo đài luôn cập nhật đưa tin khá nhiều về các vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn. Ta chắc hẳn còn nhớ đến vụ cô giáo tại trường Tiểu học xã Phìn Ngan; huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã nổi nóng, dùng tay tát liên tiếp đến tím mắt một em học sinh chỉ vì viết sai lỗi chính tả. Hay phẫn nỗ, ngán ngẩm khi nhắc tới vụ án hai nữ sinh lớp 9 trường THCS Quỳnh Long cầm dép tát liên tiếp vào mặt 2 bạn nữ khác rồi sau đó lai hả hê quay video tung lên mạng để tự cao dằn mặt hồi đầu năm 2017 vừa qua. Nói đến đây chắc hẳn đã không ít tiếng thở dài; nỗi lòng thổn thức đáng chiêm nghiệm cho vấn nạn sâu cay này.

Nạn bạo lực học đường là một vấn nạn đáng lo ngại trong xã hội nhân loại bởi nó gây ra nhiều hậu họa  nguy hiểm, khôn lường. Dù bạo lực diễn ra dưới hình thức nào thể hiện ra sao thì nó cũng gây ra những tổn hại đến con người. Đó có thể là tổn hại về nhân thân: danh dự; uy tín bị xâm phạm cũng có thể là những tổn hại về sức khỏe và thậm chí còn trả giá bằng cả tính mạng con người. Quan hệ nhân thân và tính mạng, sức khỏe con người là những khách thể được luật hình sự bảo vệ. Bởi vậy khi đến một chừng mực nhất định, chủ thể của nạn bạo lực học đường có thể sẽ phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật hình sự- chế tài nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai, sự nghiệp sau này của các bạn trẻ. Không chỉ gây sức đè lên cá nhân, nạn bạo lực học đường còn là hòn đá tảng chắn ngang sự phát triển của xã hội. Bởi lẽ chính những vụ bạo lực học đường đã và đang gây rối trật tự công cộng; làm mất ổn định an ninh, an toàn xã hội; kỉ cương bị lung lay. Nạn bạo lực học đường là con sâu đục khoét môi trường giáo dục; đi ngược lại với lý tưởng cao đẹp của ông cha ta: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chức năng chính của thầy cô là giảng dạy là cung cấp kiến thức ấy vậy mà giờ đây lại còn phải đi giải quyết những vụ bạo lực thì liệu rằng chát lượng giáo dục, thời gian giáo dục cũng như tâm huyết liệu có còn được bảo đảm? Và cuối cùng nạn bạo lực học đường còn mang đến tâm lý hoang mang, e ngại cho các bậc phụ huynh và các bạn đồng trang lứa khác khi mỗi ngày cắp sách đến trường lại ngoài việc lo học hành lại phải lo cả đến vấn đề an toàn. Quá nhiều câu hỏi, quá nhiều vấn đề nan giải được đặt ra…

Muốn chữa được bệnh thì trước hết phải bắt được bệnh. Để tìm ra hướng giải quyết cho những hậu họa đã đề cập chúng ta hãy cũng đi tìm hiểu nguyên nhân của vấn nạn bạo lực học đường. Bạo lực học đường có nguồn gốc từ đâu? Do cá nhân hay còn có nhân tố tác động? Về mặt chủ quan ta có thể thấy rằng, nạn bạo lực học đường xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi mới lớn. Lúc này tâm sinh thay đổi; có những diễn biến phức tạp, con người thương thích thể hiện, thích ra oai với bạn bè. Ở lứa tuổi này, khả năng suy nghĩ chín chắn; hành động cẩn thận; tỉ mỉ còn rất hạn chế; cái tôi cá nhân thường lớn và thường mang tính chất áp đặt; khiên cưỡng. Về mặt khách quan có thể kể đến các nhân tố tác động đến như: gia đình; trường lớp; xã hội. Gia đình là nơi gần gũi nhất với con thế nhưng lại không ít các gia đình bố mẹ chỉ lo đi kiếm tiền mà bỏ bê con cái; không quan tâm đến tâm tư của con; thời gian biểu và bạn bè của con. Khi đến lớp nhà trường lại không quản lí hết được các em học sinh; thường chú trọng đến các môn chính như Văn; Toán; Lí; Hóa;..mà không theo dõi được sát sao từng em; chú trọng giáo dục nhân cách và kĩ năng sống cho các em trẻ. Ra ngoài xã hội với tâm lí non nớt, các em lại bị những lời ngon tiếng ngọt của kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo; kích động. Cộng hưởng những nguyên nhân trên con đường dẫn đến bạo lực học đường là vô cùng gần. Chỉ một chút xích mích; chỉ vì cái nhìn; chỉ vì câu nói cũng có thể châm ngòi cho chiến tranh.

Bạo lực học đường còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh. Trường hợp này là ít nhưng cũng không thể không nói đến. Do áp lực nghề nghiệp; do học sinh còn chống đối; không chịu tiếp thu; do tính cách mà một số thầy cô đã có những cách cư xử không phù hợp với học trò của mình. Những trường hợp này nên được xử lí kỷ luật nghiêm khắc để làm trong sạch nền giáo dục nước nhà.

Vấn nạn bạo lực học đường nên được đẩy mạnh giải quyết triệt để và nhanh chóng. Đối với bản thân mỗi cá nhân, mỗi học sinh đầu tiên chúng ta phải xác định đúng đắn mục tiêu và phương pháp  học tập, đến trường đến lớp là để trau dồi tri thức và rèn luyện đạo đức; là lễ phép với thầy cô; chan hòa với bạn bè. Chúng ta hãy luôn giữ vững quan điểm; lập trường đúng đắn; để tránh bị kẻ xấu kích động; lôi kéo dụ dỗ. Nên tránh xa những chuyện tình  cảm nhăng nhít mà tập trung chính cho công việc tích lũy kiến thức. Để đẩy lùi vấn nạn này cũng cần phải có sự tương giao tích cực của gia đình và nhà trường. Mỗi bậc cha mẹ; mỗi thầy cô nên chú ý quan tâm sát sao đến tâm sinh lý của các em; nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, chuyện to hóa nhỏ; chuyện nhỏ hóa thành không. Nhà trường cũng kết hợp với hội phụ huynh, với các tổ chức chuyên ngành để thiết lập các buổi vui chơi teambuilding; các buổi hội thảo; chia sẻ củng cố kĩ năng sống; đạo đức, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho các em học sinh.

Nạn bạo lực học đường đang là cây gậy chắn ngang sự phát triển của thế hệ trẻ; sự đi lên của đất nước. Mỗi chúng ta hãy cũng nhau chung tay, cùng nhau hành động để đẩy lùi vấn nạn này; để trả lại cho những mầm non tương lai của đất nước một môi trường giáo dục lành mạnh, phát triển toàn diện.

Đừng quên hãy chia sẻ bài văn nghị luận về bạo lực học đường nếu cảm thấy hay nhé.

Nguyễn Hoa

Nghị Luận -