Phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây Tiến” – Quang Dũng hay, đầy đủ nhất
Mời bạn đọc tham khảo bài phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây Tiến” dành cho học sinh giỏi. Với các bài phân tích mẫu này, hi vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn ngữ văn ở trường.
Nội dung bài viết
Dàn ý phân tích đoạn 1 bài thơ “Tây tiến”
Để làm phong phú thêm kiến thức bài thơ “Tây Tiến” cho các bạn, dưới đây là dàn ý phân tích đoạn 1 bài thơ “Tây tiến”. Hy vọng các bạn sẽ áp dụng và thực hành trong học tập nhé!
Mở bài đoạn 1 “Tây Tiến”
– Giới thiệu về tác giả Quang Dũng và bài thơ “Tây Tiến”.
+ Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, quê ông ở Đan Phượng, Hà Tây. Phong cách thơ ông gói gọn trong mấy từ: Phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
+ Bài thơ “Tây Tiến” được xem là đứa con đầu lòng tráng kiện và tài hoa của Quang Dũng và của cả nền thơ kháng chiến của văn học Việt Nam.
Thân bài phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây tiến”
– Hai câu thơ đầu trong khổ 1 “Tây Tiến” tác giả Quang Dũng đã gợi ra một nỗi nhớ da diết, thương yêu dành cho sông Mã, cho miền Tây, cho núi rừng một thời thân thuộc:
+ “Tây Tiến ơi” thể hiện tình cảm thân quen, tha thiết như những người thân yêu trong gia đình , mà tác giả dành trọn tình cảm thương nhớ.
+ Tác giả dùng từ “ơi” và từ láy “chơi vơi” thể hiện nỗi nhớ bồi hồi đang ngập tràn trong tâm hồn, trái tim người lính xưa mang âm hưởng sâu lắng của tác giả.
+ Điệp từ “nhớ” trong câu thơ thứ hai như để biểu lộ tâm trạng, cảm xúc cũng là nỗi lạc lõng, trống trải trong lòng nhà thơ.
+ Và cũng là nỗi lòng của người lính Tây Tiến khi nghĩ về sông Mã, nơi một thời gắn bó với cả đoàn quân biết bao kỉ niệm đã khắc sâu vào tâm hồn của họ những kỷ niệm không thể quên.
– Để gợi nhớ kỷ niệm tác giả đã liệt kê các địa danh, bản làng thân thuộc:
+ Đó là những địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến “Sài Khao”, “Mường Lát”, là những cuộc hành quân gian khổ, hiểm nguy qua các bản làng mà người lính cần phải vượt qua. Giờ đây, nó đã trở thành những kỷ niệm khó quên.
+ Không gian rộng lớn nơi đây được bao phủ bằng nỗi nhớ của tác giả trong mỗi một bước chân đi qua đều trở thành kỷ niệm khắc sâu trong lòng tác giả.
– Bốn câu thơ khổ 1 bài Tây Tiến đã hiện ra trước mắt người đọc một bức tranh núi rừng hoang sơ, khung cảnh hùng vĩ và chân dung người lính vô cùng phi thường, anh dũng và mạnh mẽ:
+ Điệp từ “dốc” và những từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” trong câu thơ đã thể hiện rõ nét nhất thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Gợi lên sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, nỗi gian truân và những quyết tâm nỗ lực không ngừng nghĩ của người lính Tây Tiến khi hành quân.
+ Để tái hiện chân thực khung cảnh đầy xa xôi, quạnh hiu, hẻo lánh của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc nhà thơ đã đặt từ “heo hút” đưa lên đặt đầu câu. Tác giả sử dụng hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời”, đã thể hiện được tinh thần lạc quan của người lính, họ vẫn hiên ngang, chủ động, sẵn sàng vượt qua bao gian lao thử thách mà vẫn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan.
+ Tác giả dùng điệp từ “ngàn thước” kết hợp cùng phép đối lập “lên – xuống”, “cao – thấp” đã góp phần giúp cho bài thơ của Quang Dũng giàu chất họa hơn, giúp người đọc cảm nhận được địa hình hiểm trở mà các chiến sĩ phải đi qua.
+ Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” là chốn dừng chân cho người lính, là vẻ đẹp của cuộc sống bình yên, thi vị lãng mạn giữa núi rừng hoang vu. Câu thơ mềm mại đã đồng thời gợi ra một tâm trạng nhẹ nhàng, bâng khuâng, tha thiết với một tâm hồn rất đỗi thảnh thơi, thanh thản.
– Sáu câu thơ tiếp tác giả cho thấy hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên thật đẹp với sự hy sinh bi tráng, cao cả trên nền cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
…Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
+Tác giả sử dụng cách nói giảm nói tránh để giảm đi nhiều sự đau thương, mất mát – điều mà bất kì một người lính nào cũng có thể phải đối mặt trên đường hành quân gian khổ. Sự hy sinh cao cả của người lính chiến đấu với tư thế hiên ngang, oai hùng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.
+ Với kết cấu thơ tân kỳ đã thể hiện vẻ đẹp oai linh, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, tác giả sử dụng động từ mạnh “gào thét” “trêu người”, thể hiện sự nguy hiểm rình rập nơi rừng thiêng nước độc của ác thú.
+ Hai câu thơ cuối: “Nhớ ôi Tây Tiến…nếp xôi” gợi liên tưởng hình ảnh những con người Tây Bắc chân chất, hiền hậu. Hình ảnh khói cơm nếp thể hiện những tấm lòng chia sẻ khó khăn với người lính trong cuộc hành quân. Tác giả quay về hiện thực với nỗi nhớ tha thiết, nồng nàn, nhớ tình quân dân ấm nồng với nắm xôi, hương lửa những ngày còn chiến đấu.
Kết bài đoạn 1 “Tây Tiến”
Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
+ Khổ 1 bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng những từ láy gợi hình, gợi cảm, tính cường điệu, tương phản cũng đã được tác giả sử dụng một cách tinh tế và khéo léo. Cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào. Tác giả cho thấy vẻ đẹp lãng mạn trong tâm hồn người lính trẻ giữa những gian khổ chất chồng và sự hy sinh cao cả trong khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ. Qua đó hình ảnh người lính anh hùng đã được khắc họa một cách đậm nét, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.
+ Ngoài ra tác giả đã thể hiện tâm hồn lãng mạn phóng khoáng, tài hoa của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc rất sinh động. Ở đó có những cuộc hành quân đầy gian khổ, khó khăn, thử thách của đoàn quân Tây Tiến. Thêm vào đó là những ngôn từ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, khó phai trong lòng mỗi độc giả.
Tổng hợp một số dạng đề văn phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây Tiến”
Để giúp các bạn có thêm tư liệu học tập, dưới đây là tổng hợp một số dạng đề văn phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây Tiến”. Mời các bạn tham khảo để học tốt hơn nhé!
Đề bài: Viết đoạn văn ngắn phân tích khổ 1 “Tây Tiến” học sinh giỏi
Bài thơ “Tây Tiến” là một trong những bài thơ của Quang Dũng ra đời trong thời kì kháng chiến chống Pháp, hào khí lãng mạn được khắc họa rõ nét trong tác phẩm, gắn với một giai đoạn lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc. Qua ngòi bút đặc sắc mang phong cách riêng của Quang Dũng, nhà thơ đã thể hiện nỗi nhớ thương đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến, nhớ về những khổ nguy và chiến đấu oanh liệt trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ nước nhà. Âm hưởng chủ đạo của bài thơ chính là niềm nhớ thương đồng đội và niềm tự hào sâu sắc của tác giả về những người đồng đội khiến cho người đọc cảm động sâu xa.
Tiếng gọi chân thành, tha thiết trong câu thơ đầu là tiếng gọi từ trái tim và tâm hồn người thi sĩ.Tác giả đã thốt lên thành lời gọi để nhớ những người đồng đội ở Tây Tiến. Có chăng Quang Dũng là nhà thơ đầu tiên sử dụng từ “nhớ chơi vơi” để lột tả hết nỗi nhớ thương về đồng đội. Mở đầu bài thơ tác giả sử dụng câu cảm thán thể hiện nỗi nhớ da diết, cồn cào về núi rừng Tây Bắc và cũng là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, câu thơ trở nên đẹp diệu kỳ. Nỗi nhớ ấy lấn át cả không gian và thời gian. Bài thơ này được viết khi ông rời xa đoàn quân Tây Tiến, muốn được gặp lại đồng đội, cảm xúc hoài niệm dàn trải tạo nên nỗi “nhớ chơi vơi”, bâng khuâng khó tả “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.
Tác giả đã liệt kê hàng loạt các địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến địa như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông… hình ảnh Tây Bắc được hiện lên trong câu thơ thật mịt mù và cái mệt mỏi của đoàn quân như lẫn vào sương, những nơi họ đi qua và dừng chân trên bước đường hành quân gian khổ, mệt nhọc. “Đoàn quân mỏi” nhưng tinh thần không “mỏi”, sự “mỏi” của đoàn quân dường như đã tan biến hết. Quang Dũng đã rất tài tình khi đưa hình ảnh “sương” vào đây để khắc hoạ hơn sự khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc trong những đêm dài lạnh lẽo.
Thiên nhiên tuy có đẹp nhưng cũng rất hiểm trở. Quang Dũng đã cẩn thận sử dụng từ “thăm thẳm” để có thể cảm nhận được độ sâu của nó. Nhà thơ đã làm cho người đọc cảm nhận được cái dữ dội, hoang sơ của núi rừng Tây Bắc bằng những từ láy gợi hình rất cao như “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”,. Nhà thơ cũng rất trẻ trung khi đưa hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ “súng ngửi trời” hiện lên hình ảnh người lính với tư thế oai phong lẫm liệt bên cạnh thiên nhiên hiểm trở núi rừng hoang vu. Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến thật nhỏ bé trên nền cảnh thiên nhiên dữ dội, hoang sơ. Nhưng chính sự đối lập tương phản đó càng làm tăng khí phách anh hùng, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù không ngại khổ nguy, không gì khuất phục nổi.
Và điều không tránh khỏi là đã có những người lính hy sinh trên đường hành quân đó:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Là một nhà thơ xuất thân tiểu tư sản nên ông miêu tả cái chết cũng rất lãng mạn. Hình ảnh “Gục lên súng mũ bỏ quên đời” vừa gợi thương nhưng cũng rất bình thản, ông đã sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh để giảm bớt sự đau thương. Để bảo vệ Tổ Quốc người lính sẵn sàng hy sinh những sự hy sinh đó với tư tế thật oai hùng, lẫm liệt.
Và đằng sau những hy sinh ấy lại là cảnh thanh bình, yên ấm:
“Ôi nhớ Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Cuộc sống đời thường của người lính trong hai câu thơ thật gần gũi với những bữa ăn giản dị mà ấm lòng, tình sẽ chia của người dân Tây Bắc. Hương thơm ấy không chỉ là hương “nếp xôi” mà còn là hương từ đôi bàn tay em – cô gái Mai Châu. Những hình ảnh cơm lên khói, thơm nếp xôi là những hương vị đặc biệt của Tây Bắc thể hiện tình cảm khăng khít, thủy chung với đồng bào nơi đây đối với cách mạng. Chắc chắn những kỉ niệm trên sẽ không thể phai nhòa trong tâm trí những người chiến sĩ Tây Tiến.
Đoạn 1 bài “Tây Tiến” chỉ vỏn vẹn mười bốn câu nhưng đã giúp người đọc hiểu hơn thiên nhiên và con người Tây Bắc, trên nền thiên nhiên những người lính Tây Tiến hiện lên thật oai hùng, bi tráng. Đồng thời thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc đó cũng chính là tấm lòng yêu đất nước của tác giả.
Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận đoạn 1 “Tây Tiến” ngắn gọn nhất
“Tây Tiến” là bài thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào một hồn thơ rất mới và rất trẻ khác hẳn với những tiếng thơ bi lụy, não nùng trước đó. Phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây Tiến” ta thấy một lời nhắc nhở về khoảng thời gian khổ và oanh liệt của lịch sử đất nước nhưng được thể hiện theo cách riêng đặc sắc qua ngòi bút Quang Dũng với nỗi nhớ đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Chính niềm thương nhớ máu thịt và niềm tự hào chân thành của Quang Dũng về những người đồng đội của ông là âm hưởng chủ đạo của bài thơ, khiến cho người đọc cảm động sâu sắc.
Hai câu thơ mở đầu tác phẩm đã bộc lộ một nỗi nhớ thiết tha, dâng trào khiến nhân vật trữ tình phải thốt lên thành lời:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
“Tây Tiến ơi” gợi bao niềm thân thương đi cùng với tâm trạng “nhớ chơi vơi” đã khắc họa chân thực, rõ nét nỗi nhớ da diết, bao trùm lên cả không gian, thời gian. Những câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã phác họa ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng đầy dữ dội, hiểm trở để từ đó bức chân dung người lính càng thêm nổi bật:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
…Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Các địa danh như “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông” vừa giúp tăng tính chân thực, thuyết phục cho bài thơ, vừa góp phần gợi nên một sự hẻo lánh, xa xôi, hoang vắng. Tác giả đã linh hoạt sử dụng một loạt các từ láy đậm chất tạo hình: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” để qua đó đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực, sống động hơn về bức tranh núi rừng nơi đây. Những từ láy ấy khi kết hợp với nghệ thuật điệp ngữ: “Dốc lên…dốc lên…” Những câu thơ rất giàu tính gợi hình đã vẽ lại được toàn bộ chặng đường đi hành quân khó khăn, gian khổ của những người lính Tây Tiến.
Một hình ảnh thơ vô cùng đẹp và giàu ý nghĩa nhà thơ tạo dựng trong đoạn thơ này đó chính là hình ảnh: “súng ngửi trời”. Nhà thơ đã sử dụng phép nhân hóa, ẩn dụ “súng ngửi trời” rất sinh động, nghịch ngợm, thông minh, hóm hỉnh. Cách nói “súng ngửi trời” của nhà thơ không chỉ thể hiện sự cao rộng mênh mang của đất trời. Tây Bắc, mà còn khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến với tư thế chủ động, hiên ngang và tâm thế sẵn sàng đối diện khó khăn, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nhịp thơ ngắt đôi trong câu thơ: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” tiếp tục gợi tả sự nguy hiểm tột cùng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.
Tuy thiên nhiên nhiều khi dữ dội, khắc nghiệt vậy nhưng trong tâm hồn lạc quan, tươi trẻ của những người lính, họ không cảm thấy những điều đó quá nặng nề, mà trái lại, nhiều lúc lại rất nên thơ. Đó là hình ảnh “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” hay “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của người lính, cảnh vật thiên nhiên đất trời ấy lại đượm một vẻ gì rất đỗi nên thơ, làm say đắm lòng người. Con người cùng với cảnh vật rừng núi Tây Bắc của đất nước được nhà thơ miêu tả dưới góc nhìn xa, mờ sương với cách nói phóng đại khác thường.
Người lính Tây Tiến không chỉ đối diện với dốc cao vực sâu mà còn phải chịu những mất mát hy sinh:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Cách nói tránh về cái chết “không bước nữa”, “bỏ quên đời” gợi tư thế ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Người lính chấp nhận cái chết, coi nó chỉ đơn giản như một giấc ngủ mà thôi, một sự hy sinh quá đỗi bình thản. Tư thế hy sinh “ gục lên súng mũ” đầy xót xa nhưng cũng thật hào hùng. Và người lính Tây Tiến tiếp tục chịu sự thử thách của núi rừng Tây Bắc:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Phân tích đoạn 1 của bài thơ “Tây Tiến”, ta thấy tác giả sử dụng các từ láy chỉ biên độ lặp lại thường xuyên của thời gian” chiều chiều”, “đêm đêm” kết hợp với biện pháp nhân hóa “ thác gầm thét”, “ cọp trêu người” đã nhấn mạnh vẻ bí hiểm, dữ dội, hoang dã chứa đầy nguy hiểm, cái chết luôn luôn rình rập đe dọa người lính Tây tiến. Sự nguy hiểm ấy không chỉ trải rộng trong không gian mà còn kéo dài và lặp lại thường xuyên theo thời gian.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Núi cao rừng rậm lùi xa, chỉ còn lại hương vị ấm áp nghĩa tình quân dân lan tỏa từ nồi cơm của các cô gái Mai Châu. Từ cảm thán “ Nhớ ôi” đứng đầu câu thơ diễn tả nỗi nhớ da diết, ám ảnh khôn nguôi của Quang Dũng cũng như người lính Tây Tiến về đồng bào Tây Bắc. Đó là những giây phút ấm áp ngắn ngủi nhưng lại dịu ngọt, tinh tế nên khắc sâu mãi trong tâm trí nhà thơ. Nhà thơ như nhói lòng khi hồi tưởng lại cảnh đoàn quân quây quần quanh nồi xôi nếp thơm lừng đang bốc khói. Cách kết hợp từ “mùa em” rất độc đáo, gợi những liên tưởng đẹp, lãng mạn về những cô gái Mai Châu vừa khỏe khoắn vừa dịu dàng mà đằm thắm yêu thương.
Hai câu thơ kết thúc đoạn một bài thơ “Tây Tiến” có âm điệu nhẹ nhàng tha thiết gợi cảm giác êm dịu, ấm áp, tạo tâm thế cho người đọc cảm nhận đoạn thơ tiếp theo. Câu thơ gợi nên những cảm xúc đấm ấm, giản dị qua những kỷ niệm đơn sơ, nhỏ bé trong cuộc sống đời lính thường ngày.
Hình ảnh gắn với tình quân dân chợt hiện về, đó là khoảnh khắc những bữa ăn của đồng bào chuẩn bị cho cán bộ cách mạng, để rồi sau bao tháng ngày vẫn nhớ lại, vẫn thấy vương vấn những cảm xúc chợt ùa về trong lòng mỗi chiến sĩ. Câu thơ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói” là lời cảm thán buộc thốt lên. Giọng thơ nghẹn ngào như nỗi xúc động rưng rưng dâng lên làm cay khóe mắt. Sau những ngày dài hành quân giữa rừng hoang tới đâu là nhà, ngã đâu là giường, lá rừng làm chăn gối, lính Tây Tiến được dừng chân nơi bản làng Mai Châu. Họ quây quần dưới mái nhà sàn, bên bếp lửa bập bùng, hương xôi nếp đầu mùa tỏa ngát. Tình quân dân nồng ấm khiến người lính xúc động trào dâng. Những câu cảm thán thốt lên không thể kìm nén còn là nỗi xao xuyến trước bóng hình sơn nữ. Lính Tây Tiến là những chàng trai mười tám hai mươi tâm hồn lãng mạn mộng mơ khao khát yêu đương.
Thời gian đã và đang trôi qua nhưng Tây Tiến vẫn còn sức thu hút với độc giả ngày nay, gợi nhớ về những năm tháng chiến đấu gian khổ của người lính trong lịch sử dân tộc. Có thể nói Tây Tiến là “một tượng đài bất tử” Những người lính vô danh đã được Quang Dũng dựng lên như một “tượng đài lịch sử” để tưởng niệm một thế hệ thanh niên đã hăng hái, anh dũng ra đi chiến đấu vì nước nhà bảo vệ Tổ quốc. Bài thơ “Tây Tiến” in đậm phong cách thơ độc đáo, tài hoa mang đến một màu sắc khác lạ góp phần làm phong phú kho tàng thơ văn Việt Nam. Nhiều năm tháng qua đi những tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.
Đề bài: Nêu lên nội dung, ý nghĩa “Tây Tiến” khổ 1
– Nội dung “Tây Tiến” khổ 1:
Phác họa lên bức tranh thiên nhiên trong khổ 1 “Tây Tiến” thật hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ của vùng Tây Bắc. Những tên đất, tên làng gắn liền với những năm tháng của tuổi trẻ. Những hy sinh của những binh lính, là những mảnh đất, là nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất của những đồng đội, là những địa danh giữ mãi tuổi hai mươi của những người lính trẻ Tây Tiến.
Ca ngợi vẻ đẹp đậm chất bi tráng nhưng cũng vô cùng lãng mạn của người lính Tây Tiến, họ luôn mang trong mình khí phách anh hùng, lý tưởng cao đẹp, một vẻ đẹp đậm chất người lính cụ Hồ, vẻ đẹp anh hùng bất khuất của người con đất Việt.
Thể hiện tình quân dân gắn bó thắm thiết của người lính Tây Tiến với nhân dân quê hương Tây Bắc trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là khoảnh khắc những bữa ăn của đồng bào chuẩn bị cho cán bộ cách mạng, để rồi sau bao tháng ngày vẫn nhớ lại, vẫn thấy vương vấn những cảm xúc chợt ùa về trong lòng mỗi chiến sĩ.
– Ý nghĩa “Tây Tiến” khổ 1:
Hình ảnh người lính thật đẹp thật vĩ đại trong thế hệ mai sau. Những người đồng chí, đồng đội sát cánh cùng nhau trong những cuộc hành quân chiến đấu. Dù có đói rét, bệnh tật, thiếu thốn mệt mỏi tới mức kiệt sức thì vẫn đêm nối đêm, ngày nối ngày vẫn gắn bó với nhau. Họ chiến đấu quên bản thân mình dốc lòng hy sinh cho Tổ quốc. Những đau đớn, gian khổ mà người chiến sĩ trải qua làm cho thế hệ mai sau phải noi gương và học hỏi. Từ đó cống hiến cho Tổ quốc cho đất nước như cách mà các anh đã làm. Mong rằng thế hệ mai sau sẽ tiếp nối truyền thống vì nước vì dân như những người lính Tây Tiến để đất nước ngày càng giàu mạnh.
Trên đây vừa trình bày phân tích đoạn 1 bài “Tây Tiến”, dàn ý phân tích đoạn 1 Tây Tiến, cũng như tổng hợp một số dạng đề văn phân tích khổ 1 bài “Tây Tiến”…Qua bài viết này hy vọng các bạn sẽ có thêm kiến thức để phục vụ tốt cho quá trình học tập của chính mình. Chúc các bạn học tập thật tốt nhé!
Xem thêm: Phân tích 16 câu đầu bài “Trao duyên” hay và đặc sắc nhất
Phân Tích, Văn Học -Phân tích 16 câu đầu bài “Trao duyên” hay và đặc sắc nhất
Phân tích “Câu cá mùa thu” ngắn gọn – nhà thơ Nguyễn Khuyến
Phân tích “Việt Bắc” đoạn 5 tác giả Tố Hữu chọn lọc hay và ngắn nhất
Phân tích nhân vật Vũ Nương ngắn gọn, hay và đầy đủ nhất
Phân tích 4 câu đầu bài “Tự tình” tác giả Hồ Xuân Hương hay nhất
Phân tích hành động đốt đền của Ngô Tử Văn đầy đủ, hay nhất
Phân tích khổ cuối “Viếng lăng Bác” – tác giả Viễn Phương